Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 27/CT-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 28 tháng 12 năm 2019

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI CÁC GIẢI PHÁP CHỐNG HẠN, PHÒNG CHỐNG BỆNH DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI VÀ TỔ CHỨC SẢN XUẤT VỤ ĐÔNG XUÂN NĂM 2019-2020

Theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, dự báo trong những tháng nửa đầu năm 2020 hiện tượng ENSO ở trạng thái trung tính nhưng nghiêng về pha nóng và vẫn có khả năng duy trì trạng thái này trong những tháng tiếp theo của nửa cuối năm 2020 với xác suất khoảng 60-70%. Hiện tại, mực nước các hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 60% dung tích thiết kế, các hồ thủy điện đạt khoảng 50-70% dung tích thiết kế. Với thực trạng nguồn nước hiện tại và thông tin nhận định về tình hình khí tượng, thủy văn, khả năng sẽ xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2019-2020 trên địa bàn tỉnh.

Tình hình dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi vẫn đang xảy ra ở 63 tỉnh trong cả nước. Tại Thừa Thiên Huế bệnh Dịch tả lợn Châu Phi đã giảm, tuy nhiên mầm bệnh vẫn còn tồn lưu, phát tán trong môi trường trong điều kiện vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh, diễn biến phức tạp của thời tiết tác động tiêu cực đến sức khỏe của đàn lợn, kết hợp với các hoạt động vận chuyển, giết mổ lợn phục vụ tiêu dùng cuối năm gia tăng nên nguy cơ bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tiếp tục phát triển và lây lan trên bàn tỉnh là rất cao.

Năm 2020 là năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của đất nước và của tỉnh. Để bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nước sinh hoạt, nhu cầu thiết yếu khác, phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vụ Đông Xuân năm 2019-2020 và vụ Hè Thu năm 2020 và tăng cường triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế, các cơ quan, đoàn thể trong tỉnh thực hiện một số nội dung như sau:

1. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế:

- Thực hiện chỉ đạo theo phương châm “4 tại chỗ”. Kiểm kê nguồn nước trong công trình thủy lợi, cân đối để bố trí cơ cấu sản xuất, mùa vụ, thời điểm xuống giống lúa, thả giống nuôi trồng thủy sản phù hợp, bảo đảm hạn chế tác động của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, thủy sản nuôi.

- Các địa phương chịu trách nhiệm xử lý bèo trên các sông, hói, kênh nội đồng của địa phương; chủ động triển khai xây dựng kế hoạch, ra quân vớt bèo, rác trên các sông, hói, kênh rạch nội đồng, khơi thông dòng chảy, vệ sinh đồng ruộng.

- Tổ chức ra quân diệt chuột vào ngày Chủ nhật (05/01/2020) trên địa bàn bằng các biện pháp theo hướng dẫn của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tại Công văn số 571/TTBVTV-BVTV ngày 20/12/2019. Đặc biệt chú trọng việc tuyên truyền, vận động người dân ra quân đồng loạt, tập trung, đều khắp để diệt chuột bảo vệ sản xuất, bảo vệ cây trồng nhằm giảm thiểu thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp.

- Xây dựng lại cơ cấu cây trồng để thích ứng kịp thời trong điều kiện khô hạn sẽ xảy ra trong năm 2020, có kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho từng vùng đất, chân đất lúa có khả năng thiếu nước sang trồng loại cây cụ thể. Cần điều tra, đánh giá, xem xét khả năng cung cấp nước tưới trong vụ Đông Xuân 2019-2020 để chủ động xác định ngay từ đầu vụ việc tiếp tục trồng lúa hay có kế hoạch chuyển sang trồng cây rau màu khác để tránh thiệt hại thấp nhất có thể xảy ra, đặc biệt là ở các huyện Phú Vang, Nam Đông, A Lưới.

- Thời vụ sản xuất các loại cây trồng: Đối với cây lúa, thực hiện theo khung lịch thời vụ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo công văn số 1914/HD-SNNPTNT ngày 21/10/2019 về việc Hướng dẫn Lịch thời vụ gieo trồng vụ Đông Xuân 2019-2020. Đối với rau màu: Tranh thủ xuống giống càng sớm càng tốt, các loại cây trồng như ngô, lạc, đậu đỗ... tranh thủ gieo sớm 7-10 ngày so với khung lịch thời vụ đã được hướng dẫn, cụ thể ngô.

- Đối với nuôi trồng thủy sản những diện tích thiếu nước, tăng cường sử dụng các giống nuôi thích ứng với điều kiện hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Các diện tích không đảm bảo nguồn nước các địa phương chủ động chuyển đổi hoặc bỏ hoang, không tổ chức nuôi trồng thủy sản tránh gây thiệt hại cho nhân dân. Giảm số lượng lồng nuôi, mật độ cá giống thả và tăng cường các thiết bị, biện pháp kỹ thuật về cho ăn, chăm sóc đối với nuôi cá lồng trên sông Bồ, sông Đại Giang và sông Ô Lâu. Thu hoạch sớm, thu tỉa sản phẩm thủy sản thương phẩm.

- Xây dựng kế hoạch chi tiết phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn với các kịch bản bất lợi về nguồn nước có khả năng xảy ra để kịp đồng thời, triển khai các giải pháp phù hợp, giảm đến mức tối thiểu thiệt hại, ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân trên địa bàn.

- Thường xuyên kiểm kê, theo dõi nguồn nước trong công trình thủy lợi, thực hiện tiết kiệm nước ngay từ đầu vụ, có kế hoạch phân phối nước hợp lý để đảm bảo cung cấp đầy đủ cho các nhu cầu thiết yếu (sinh hoạt, chăn nuôi, cây trồng lâu năm, nuôi trồng thủy sản,...) và sản xuất nông nghiệp cho cả mùa khô năm 2019-2020. Dành diện tích để tích trữ nước ở các vùng nuôi cao triều đầm phá để chủ động cấp thêm nước cho ao nuôi trong mùa nắng nóng, khô hạn.

- Tận dụng tối đa nguồn nước tự nhiên còn lại sau mùa mưa từ ao, hồ, sông suối, kênh rạch để cung cấp cho sản xuất vụ Đông Xuân 2019-2020, tiết kiệm nguồn nước từ các hồ chứa thủy lợi, thủy điện để dành cung cấp cho các vụ sản xuất sau.

- Thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn (nông - lộ - phơi, ướt khô xen kẽ, phun mưa, nhỏ giọt,...).

- Tăng cường thực hiện việc nạo vét, khơi thông dòng chảy các sông, hói, kênh mương nội đồng, ao hồ nuôi trồng thủy sản, nạo vét các ao hồ, kênh rạch vùng cát để lấy nước ngọt để tích trữ nước. Chủ động lực lượng, thiết bị, bổ sung các loại máy bơm nước, bơm chuyền khi cần thiết. Tiết kiệm nước, tưới luân phiên, có khung lịch thời vụ hợp lý, cơ cấu giống ngắn ngày.

- Kiểm tra thúc đẩy các chủ đầu tư xây dựng công trình thủy lợi đẩy nhanh tiến độ sớm hoàn thành công trình đưa vào sử dụng để góp phần hạn chế tình hình thiếu nước; kiểm tra, theo dõi quản lý vận hành đóng các cống trên đê, ven phá đảm bảo ngăn mặn triệt để, chống thất thoát nước.

- Xử lý rơm rạ sau thu hoạch vụ Đông Xuân 2019-2020 bằng các biện pháp: Vận động, tuyên truyền nông dân cam kết và thực hiện tốt việc không đốt rơm rạ sau thu hoạch trên đồng ruộng; không xả rơm rạ bừa bãi xuống kênh, mương tưới tiêu gay tắt nghẽn dòng nước. Khuyến cáo hướng dẫn nông dân sau khi thu hoạch lúa, nên sử dụng các loại chế phẩm sinh học như Trichoderma, Fito-Biomix RR,… để xử lý rơm rạ dư nhằm hạn chế việc đốt rơm rạ trên đồng ruộng, đồng thời cung cấp bổ sung nguồn phân bón hữu cơ cho đồng ruộng để tái phục vụ sản xuất. Tiến hành thu gom rơm rạ sau thu hoạch để ủ làm thức ăn cho gia súc (trâu, bò, …) bằng chế phẩm sinh học EM, urê, vôi hoặc thu gom rơm rạ sau thu hoạch đem ủ để phục vụ trồng nấm nhằm tăng hiệu quả kinh tế. Khuyến khích người dân thu gom rơm, rạ bằng máy cuốn và ép để tiện cho việc cất trữ cũng như vận chuyển và thu mua rơm.

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các cơ quan chuyên môn triển khai các giải pháp phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi theo tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 20/5/2019; chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 18/6/2019; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 20/02/2019, Công điện số 667/CĐ-TTg ngày 04/6/2019; các văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Kế hoạch số 136/KH-UBND ngày 04/6/2019 của UBND tỉnh về việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TU của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế về tăng cường lãnh đạo,chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng chống, khống chế bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; Công văn 6726/UBND-NN ngày 17/9/2019 về việc tiếp tục thực hiện công tác phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và quản lý chăn nuôi an toàn sinh học, tái đàn sau dịch và các văn bản khác của Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi chủ động bảo vệ đàn lợn của mình bằng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học đó là: cơ sở chăn nuôi có tường rào cách ly, chủ động được nguồn giống và thức ăn an toàn; kiểm soát được phương tiện, động vật trung gian, côn trùng, con người ra vào khu vực chăn nuôi; có biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường (vệ sinh tiêu độc, hệ thống xử lý chất thải, sử dụng đệm lót sinh học, men vi sinh...); tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin...

- Chỉ đạo việc nuôi tăng đàn ở các doanh nghiệp, trang trại, gia trại đảm bảo đủ các điều kiện an toàn sinh học và chưa bị bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; chỉ nuôi tái đàn ở những nơi đã công bố hết dịch, đảm bảo an toàn sinh học và đăng ký với UBND cấp xã và ngành thú y trước khi thả nuôi để được giám sát; chỉ đạo việc chuyển đổi vật nuôi ở các cơ sở chăn nuôi lợn không an toàn sinh học sang chăn nuôi gia cầm, gia súc ăn cỏ.

- Tăng cường công tác chủ động giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm để phát hiện sớm, xử lý dứt điểm khi dịch bệnh được phát hiện; chỉ đạo thực hiện việc nâng cấp cơ sở giết mổ bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, quản lý chặt chẽ việc giết mổ tập trung để cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

- Xử lý nghiêm tình trạng đánh bắt cá bằng xung điện trên địa bàn; chủ động xây dựng các phương án phòng cháy chữa cháy rừng, đặc biệt là công tác dự báo, cảnh báo, phát hiện kịp thời, phối hợp trong phòng cháy chữa cháy rừng những các lực lượng, đảm bảo kịp thời thông suốt và an toàn.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng, thủy văn, phối hợp với các nhà máy thủy điện có kế hoạch tích nước vận hành phù hợp, chỉ đạo vận hành bổ sung nguồn nước theo nhu cầu bảo đảm phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và cấp nước dân sinh, đồng thời phải bảo đảm an toàn tuyệt đối đập, hồ chứa nước; hướng dẫn xây dựng, kiểm tra phương án phòng, chống hạn của các huyện, thị xã và thành phố Huế.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm kê nguồn nước trữ trong các hồ chứa thủy điện vào cuối mùa mưa để kịp thời điều chỉnh kế hoạch cấp nước cho hạ du trong mùa khô 2019-2020, trong đó tập trung ưu tiên cấp nước cho dân sinh, sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế khác.

- Tổ chức phát động ngày ra quân diệt chuột trên địa bàn tỉnh vào ngày Chủ nhật (05/01/2020).

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chủ trương chỉ hỗ trợ kinh phí tiêu hủy lợn bị Dịch tả lợn Châu Phi đối với những hộ, khu vực đã cho tái đàn, nuôi theo quy định.

- Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với chính quyền và các ban ngành địa phương tăng cường các giải pháp phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và triển khai công tác tiêm phòng gia súc, gia cầm vụ xuân 2020; tăng cường công tác kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật xuất tỉnh; giám sát chặt chẽ động vật và sản phẩm động vật nhập vào địa bàn tỉnh đặc biệt là các chương trình, dự án liên quan đến cung cấp gia súc, gia cầm cho người dân nuôi trên địa bàn. Tổ chức trực 24/24h tại 02 chốt tại Phong Thu và Lộc Thủy trên Quốc lộ 1A; kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

- Hướng dẫn các địa phương xây dựng mô hình nuôi tập trung tại gia trại, trang trại theo hướng an toàn sinh học; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cơ chế hỗ trợ đối với những mô hình này theo quy định.

3. Sở Công Thương:

Chỉ đạo Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế đảm bảo ưu tiên cấp điện ổn định cho sinh hoạt, vận hành các hồ chứa, trạm bơm phục vụ công tác phòng, chống hạn kịp thời. Chủ động làm việc với Bộ Công Thương, Tập đoàn điện lực Việt Nam xây dựng kế hoạch cụ thể về vận hành phát điện trong mùa khô năm 2020.

Căn cứ vào tình hình lượng nước của các hồ thủy điện hiện nay và dự báo lượng mưa từ nay đến ngày 30/8/2020, chỉ đạo các chủ hồ thủy điện xây dựng và giám sát kế hoạch vận hành đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh và các ngành kinh tế khác trên địa bàn Tỉnh cho đến cuối năm 2020.

4. Sở Xây dựng:

Chỉ đạo Công ty Cổ phần Cấp nước Thừa Thiên Huế căn cứ tình hình nguồn nước hiện nay để xây dựng kế hoạch cấp nước sinh hoạt, công nghiệp cho nhân dân trên địa bàn tỉnh từ nay đến cuối năm 2020.

5. Sở Tài chính:

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tỉnh có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cân đối, bố trí nguồn vốn để thực hiện công tác phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

6. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Cân đối nguồn vốn đầu tư các công trình, dự án thủy lợi theo kế hoạch năm 2020, ưu tiên đầu tư các công trình thủy lợi tạo nguồn, cấp nước sạch phục vụ chống hạn hán, xâm nhập mặn.

7. Các chủ công trình hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện:

Thực hiện việc vận hành phát điện hợp lý và điều tiết, cấp nước cho hạ du trong mùa khô 2019-2020 theo quy trình vận hành liên hồ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1606/QĐ-TTg ngày 13/11/2019.

8. Đài Khí tượng thủy văn tỉnh:

Thường xuyên cập nhật số liệu, tình hình diễn biến về thời tiết, khí tượng thủy văn, thông báo cho các địa phương, cơ quan thông tấn báo chí và các đơn vị liên quan biết để kịp thời chỉ đạo chống hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn.

9. Công ty TNHH Nhà nước 1 Thành viên Quản lý khai thác công trình thủy lợi Thừa Thiên Huế:

- Chủ động phối hợp với các địa phương chuẩn bị sẵn sàng phương án phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, xác định cụ thể từng vùng có khả năng thiếu nước để có kế hoạch chống hạn và biện pháp cấp nước hợp lý.

- Chịu trách nhiệm xử lý bèo trên các sông, kênh, hói chính (ngoài phạm vi các địa phương xử lý); xây dựng phương án xử lý triệt để bèo (phạm vi, kinh phí, phương tiện, tổ chức thực hiện,...), báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 15/01/2020.

- Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nguồn nước, vận hành các công trình thủy lợi, các công trình ngăn mặn, giữ ngọt Thảo Long, Cửa Lác, các cống trên đê, trên sông hợp lý phục vụ chống hạn; tổ chức tưới hiệu quả và tiết kiệm nước.

10. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Thừa Thiên Huế:

Tăng cường thông tin, tuyên truyền về tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn, tình hình bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tới người dân, nâng cao ý thức người dân trong việc sử dụng nước tiết kiệm; vận động nhân dân phối hợp với các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi tranh thủ lấy, trữ nước và sử dụng nước hiệu quả; hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tại các cơ sở chăn nuôi và môi trường xung quanh; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

11. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh có liên quan căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ của mình, chủ động phối hợp với các địa phương thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống hạn hán, tổ chức sản xuất vụ Đông Xuân 2019-2020, Hè Thu 2020 và công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế và các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (để báo cáo);
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- Các sở: NNN&PTNT, CT, XD, TC, KH&ĐT;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế;
- Đài Khí tượng thủy văn tỉnh;
- Công ty TNNN NN MTV QLKT CT TL tỉnh;
- Các chủ đập thủy điện;
- Báo Thừa Thiên Huế;
- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- VP: LĐ và các CV;
- Lưu: VT, NN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Phan Ngọc Thọ

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 27/CT-UBND năm 2019 về triển khai giải pháp chống hạn, phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và tổ chức sản xuất vụ Đông Xuân năm 2019-2020 do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành

  • Số hiệu: 27/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 28/12/2019
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Người ký: Phan Ngọc Thọ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản