Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 27/CT-UB

Bến Tre, ngày 08 tháng 12 năm 1998

 

CHỈ THỊ

V/V THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM MA TUÝ 1998-2000

Trong thời gian qua, công tác phòng chống tội phạm ma tuý trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã đạt được những kết quả nhất định. Các lực lượng chức năng đã phối hợp triệt phá và xoá hàng chục tụ điểm, bắt và xử lý nhiều đối tượng tàng trữ, vận chuyển, mua bán sử dụng các chất ma tuý.

Tuy vậy, tình hình hoạt động của bọn tội phạm ma tuý trên địa bàn tỉnh Bến Tre chẳng những không giảm mà có chiều hướng gia tăng, đặc biệt nghiêm trọng là nó đã thâm nhập vào đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên. Đến cuối tháng 10-1998, lực lượng Công an đã phát hiện trong tỉnh có 18 tụ điểm mua bán, sử dụng các chất ma tuý; 273 đối tượng hoạt động ma tuý ngoài xã hội, 49 em học sinh có biểu hiện sử dụng ma tuý và các loại thuốc tân dược có chất gây nghiện.

Để tăng cường đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả các loại tội phạm ma tuý, thực hiện nghiêm túc “chương trình hoạt động phòng, chống tội phạm ma tuý 1998-2000” của chính phủ, UBND tỉnh Bến Tre chỉ thị:

UBND các huyện, thị xã và các ngành, đoàn thể có chức năng liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm ma tuý tiến hành sơ kết việc triển khai thực hiện Nghị quyết 06/CP ngày 29-01-1993 của Chính phủ về “tăng cường chỉ đạo công tác phòng chống và kiểm soat ma tuý”. Trên cơ sở đó đề ra phương hướng, nhiệm vụ triển khai thực hiện nghiêm túc “Chương trình hành động phòng, chống tội phạm ma tuý 1998-2000” sát hợp với tình hình thực tế của địa phương và nhiệm vụ của từng ngành.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tội phạm ma tuý bằng hình thức thích hợp theo đối tượng và địa bàn (bằng các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền miệng, phát động cuộc thi, các loại hình văn hoá nghệ thuật…) nhằm nâng cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cơ quan, xí nghiệp, các ngành, các cấp; làm chuyển biến về nhận thức, giáo dục mọi người thấy rõ tác hại của ma tuý, tạo phong trào toàn xã hội tích cực phòng chống ma tuý .

Tăng cường các biện pháp quản lý, kiểm soát chặt chẽ các tiền chất, nghiêm cấm việc trồng cây có chất ma tuý; đấu tranh phòng, chống tội phạm ma tuý; nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma tuý tại cơ sở chữa bệnh và cộng đồng dân cư. Trách nhiệm cụ thể của từng ngành như sau:

Công an là cơ quan thường trực ban Chỉ đạo phòng, chống ma tuý của mỗi cấp; chủ trì phối hợp cùng các ngành có chức năng liên quan giúp UBND tỉnh đề ra chủ trương biện pháp công tác đấu tranh chống tội phạm ma tuý ở địa phương và tổ chức chỉ đạo, triển khai lực lượng đấu tranh phòng, chống các tội phạm về ma tuý. Thông qua công tác điều tra cơ bản để phát hiện, điều tra, khám phá, ngăn chặn các đường dây, tụ điểm tổ chức vận chuyển, mua bán, sử dụng trái phép các chất ma tuý

Giám đốc Công an tỉnh đề xuất với Bộ Công an thành lập Phòng Cảnh sát phòng, chống ma tuý để đủ sức tổ chức tốt công tác phòng ngừa và đấu tranh theo hướng chuyên sâu. Từng bước nâng cao năng lực chiến đấu, hiện đại hoá trang bị, phương tiện phục vụ công tác phòng chống tội phạm ma tuý trong tình hình mới.

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý, củng cố cơ sở chữa bệnh của tỉnh. Nghiên cứu cải tiến, nhân rộng mô hình tốt về cai nghiện ma tuý; đặc biệt là mô hình cai nghiện ma tuý tại cộng đồng. Xây dựng đề án chống tái nghiện phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Phối hợp với ngành Công an trong việc lập hồ sơ, xét duyệt đưa những người nghiện ma tuý vào cơ sở chữa bệnh theo Nghị định 20/CP ngày 13-4-1996 của Chính phủ.

Sở Y tế chỉ đạo tổ chức việc khám, chữa bệnh cho những người nghiện ma tuý tại cơ sở chữa bệnh và cộng đồng dân cư. Quy định cụ thể việc quản lý, sử dụng thuốc phiện và các loại thuốc gây nghiện khác trong sản xuất dược phẩm, nghiên cứu khoa học và mua bán theo quy định của Nhà nước. Chủ trì nghiên cứu, phổ biến phương pháp cai nghiện ma tuý và phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng

Sở Giáo dục và Đào tạo đưa nội dung giáo dục về phòng, chống ma tuý vào giảng dạy và các sinh hoạt đoàn đội trong các trường học. Tăng cường các biện pháp quản lý, giáo dục về phòng, chống ma tuý trong học sinh, sinh viên. Tiếp tục phối hợp thực hiện Kế hoạch liên ngành 1413/LN ngày 15-10-1996 của Bộ Công an – Bộ Giáo dục và Đào tạo – Bộ Lao Động thương binh và Xã hội – Bộ Y tế – Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh – Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về “Phối hợp hành động thực hiện công tác phòng ngừa, đấu tranh chống nghiện ma tuý trong học sinh, sinh viên và thanh thiếu niên”.

Sở Văn hoá Thông tin có kế hoạch hướng dẫn thống nhất công tác thông tin, tuyên truyền và giáo dục sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân. Bằng nhiều hình thức khác nhau, tổ chức tuyên truyền về tác hại của ma tuý và cách phòng, chống ma tuý để mọi người có ý thức và góp phần với các cấp các ngành tổ chức tốt việc phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm này ở địa bàn dân cư.

Sở Tài chánh – Vật giá đảm bảo đáp ứng đủ và kịp thời nguồn kinh phí phòng, chống ma tuý chi từ ngân sách được UBND tỉnh duyệt hằng năm; hướng dẫn, kiểm tra việc sử dụng và thanh quyết toán kinh phí theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chỉ đạo lực lượng Quân đội, Bộ đội Biên phòng phối hợp với lực lượng Công an và các ngành chức năng triển khai thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống ma tuý khi có yêu cầu.

Viện Kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân tỉnh tăng cường chỉ đạo công tác truy tố, xét xử các vụ án ma tuý đảm bảo kịp thời, nghiêm minh nhằm giáo dục, răn đe bọn tội phạm ma tuý hoạt động hiện hành.

Các ban ngành, đoàn thể khác theo chức năng, nhiệm vụ của mình tích cực tham gia công tác phòng, chống ma tuý. Đối với Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh có kế hoạch chỉ đạo Đoàn, Hội Thanh niên cơ quan, trường học và cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền và hưởng ứng phong trào “Tuổi trẻ Bến Tre là lực lượng xung kích trong phòng chống ma tuý, buôn lậu”.

4) Củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tệ nạn xã hội ba cấp (tỉnh, huyện, xã) do Chủ tỉch (hoặc Phó Chủ tịch) UBND làm Trưởng ban; Giám đốc CA tỉnh, Trưởng CA huyện, Trưởng Công an xã làm Phó trưởng ban thường trực về phòng chống ma tuý; các thành viên gồm đại diện lãnh đạo một số ngành như: Lao động – thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Văn hoá- Thông tin, Tài chánh – Vật giá, Quân sự, Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Văn phòng UBND.

Các cơ quan báo chí, Đài Phát thanh – Truyền hình, Đài truyền thanh có trách nhiệm thường xuyên tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác phòng, chống ma tuý ở địa phương.

Nhận được chỉ thị này, Thủ trưởng các cơ quan, ban ngành, đoàn thể tỉnh và Chủ tịch UBND huyện, thị xã có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện và báo cáo kết quả về Thường trực Ban Chỉ đạo của tỉnh theo quy định.

Trong quá trình thực hiện, có gì khó khăn, vướng mắc phản ánh ngay về UBND tỉnh để có hướng dẫn chỉ đạo trực tiếp./.

 

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
 KT. CHỦ TỊCH
 PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Công Ngữ

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 27/CT-UB năm 1998 về việc thực hiện Chương trình hành động phòng, chống ma tuý giai đoạn 1998-2000 do Tỉnh Bến Tre ban hành

  • Số hiệu: 27/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 08/12/1998
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bến Tre
  • Người ký: Trần Công Ngữ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản