Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 26/CT.UB | Long Xuyên, ngày 03 tháng 12 năm 1990 |
CHỈ - THỊ
V/V ÁP DỤNG CÁC BIỆN PHÁP HÀNH CHÍNH, HÌNH SỰ, DÂN SỰ ĐỂ THU HỒI NỢ CHO NHÀ NƯỚC.
Ngày 25/10/1990 liên ngành Tòa án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp và Trọng tài kinh tế Nhà nước đã ra thông tư số 10-TTLN hướng dẫn một số vấn đề cấp bách về tín dụng.
Xuất phát từ tình hình thực tế trong thời gian qua không những phải giải quyết vấn đề nợ của các tổ chức tín dụng mà còn phải giải quyết các dạng nợ khác như: nợ vay tín dụng, Ngân hàng, nợ hợp đồng phân bón và các hình thức chiếm dụng khác... do cá nhân cán bộ hoặc ngoài dân thiếu công ty, xí nghiệp nói chung, gây thất thoát tài sản, tiền vốn của Nhà nước gây ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội.
Để các cấp và các ngành có cơ sở pháp lý trong việc xử lý nhằm mục đích là thu hồi nợ và bảo đảm tính công bằng hợp lý trước pháp luật, căn cứ vào thông tư số 10-TTLN và tình hình thực tế nêu trên, UBND Tỉnh chỉ thị:
1- Mỗi huyện, thị căn cứ vào tổ chức BCĐ và xử lý 240 mà tiếp tục duy trì và củng cố, bổ sung thành phần và nhiệm vụ theo hướng:
a- Thành phần của Ban xử lý gồm:
- Đ/c Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch làm trưởng Ban.
- Đại diện các ngành công an, tòa án, viện kiểm sát, tài chính, ngân hàng, thanh tra, trọng tài kinh tế, nếu xử lý nợ thuộc đơn vị nào thì cử thêm đại diện đó vào Ban.
b- Nhiệm vụ của Ban xử lý công nợ:
Có trách nhiệm kiểm tra đối chiếu đúng số nợ được hai bên (chủ nợ và con nợ) xác nhận thì tiến hành áp dụng ngay các biện pháp hành chính để thu hồi nợ kể cả việc thực hiện biện pháp hành chính kê biên, phong tỏa, thanh lý tài sản đảm bảo cho việc thu hồi nợ.
Nếu sau khi Ban xử lý công nợ đã có quyết định hành chính mà các đương sự vẫn không chấp hành thì tùy trường hợp cụ thể mà có biện pháp cưỡng chế hoặc chuyển cho các cơ quan bảo vệ pháp luật giải quyết đúng thủ tục do pháp luật quy định.
Xét tính chất vụ việc Ban xử lý có thể chỉ áp dụng biện pháp hành chính thì sau khi kê biên, phát mãi thu hồi đủ nợ thì thôi, nếu nghiêm trọng hơn, sau khi thu hồi được nợ cần khởi tố thì chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý hình sự.
Những tài sản chưa kê biên được do đương sự phân tán, giấu diếm thì tiếp tục điều tra và khi phát hiện được phải kê biên ngay tài sản đó. Tài sản đã kê biên do cơ quan điều tra giao, Ban xử lý tiến hành bán đấu giá ngay mà không cần phải đợi kết quả xét xử vụ án.
Các Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra, tài chính, ngân hàng, Ban xử lý để giải quyết tốt việc khấu trừ với chủ nợ sau khi bán tài sản, phần thừa (nếu có) trả lại cho con nợ.
Như vậy: Thông qua Ban xử lý công nợ bao gồm Chủ tịch UBND và đại diện các tổ chức có thẩm quyền, có đầy đủ tư cách quyết định xử lý hành chính trước tiên, sau đó căn cứ vào tính chất mức độ sự việc mà xử lý bằng biện pháp dân sự hoặc hình sự. Ban xử lý chủ yếu giải quyết nợ giữa:
- Cá nhân công dân với Nhà nước (tập thể)
- Pháp nhân với pháp nhân.
Còn nợ giữa cá nhân với nhau khi có tố cáo thì Tòa án xử theo pháp luật.
2- Biện pháp thủ tục kê biên tài sản:
a- Các cơ quan như: Ban xử lý, Tòa án nhân dân, Trọng tài kinh tế giải quyết vụ việc nếu xét thấy cần phải áp dụng biện pháp kê biên tài sản thì kịp thời để nghị lực lượng cảnh sát nhân dân cùng cấp phối hợp hỗ trợ cùng tiến hành biện pháp kê biên. Cảnh sát nhân dân phải kịp thời đưa lực lượng tổ chức thực hiện ngay bằng biện pháp do luật định.
Cơ quan và người có thẩm quyền kê biên phải chịu trách nhiệm về việc kê biên đó (kể cả hậu quả pháp lý sau này nếu có vi phạm về vấn đề kê biên).
b- Đối tượng kê biên: là những tài sản của người đang thiếu nợ. Kê biên trước những tài sản riêng thuộc quyền sở hữu của người đó. Trường hợp tài sản riêng bị kê biên không đủ mới kê biên đến tài sản chung với gia đình của người đang thiếu nợ.
- Chỉ kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số nợ đang thiếu.
- Việc kê biên nhà ở chỉ tiến hành khi nào các loại tài sản khác đã kê biên không đủ bảo đảm thu hồi nợ.
Biện pháp giải quyết một số trường hợp cụ thể:
- Trường hợp nợ dây chuyển giữa chủ nợ với hai hoặc nhiều người, cuối cùng không ai trả.
Trường hợp này Ban xử lý nên chỉ đạo kê biên ngay tài sản của người cuối cùng đang giữ tiền hoặc tài sản đó và nếu người này không khả năng chi trả thì kê biên cả những người có liên quan để trả lại cho chủ nợ. Còn giữa những người này có việc gì không thỏa đáng với nhau thì giải quyết sau.
- Một người nợ nhiều người trong đó có cả nợ Nhà nước và nợ của cá nhân. Ban xử lý giải quyết trả nợ đó chi ra tỷ lệ nợ vay đối với cả Nhà nước và các cá nhân. Trường hợp này Ban xử lý phải nắm chắc những đối tượng chủ nợ của người đó (người bị kê biên). Nếu sau khi đã thanh toán xong có người khác đưa đơn tới đòi nợ người đó nữa thì giải quyết thêm một mối quan hệ khác, tuyệt đối không được lấy số tiền hoặc tài sản đã thanh toán cho những người trước chia lại cho những người đưa đơn sau. Hết sức đề phòng trường hợp kê đơn đòi nợ để giữ lại tiền hay tài sản của người thiếu nợ.
- Đối với các cá nhân đứng ra bảo lãnh cho người khác vay hay bảo lãnh việc trả nợ cho người khác đều phải chịu trách nhiệm pháp lý như người thiếu nợ.
Những trường hợp nợ nói trên được áp dụng cho cả người thiếu nợ hiện thường trú tại huyện, thị mình đang thiếu nợ đối với các công ty cấp tỉnh.
c- Thành phần kê biên:
- Đại diện cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc đó.
- Lực lượng cảnh sát nhân dân.
- Đại diện tổ chức hoặc cá nhân chủ nợ.
- Người đang thiếu nợ hoặc đại diện gia đình họ (người đã thành niên).
- Đại diện chính quyền địa phương.
- Có từ 2 người trở lên chứng kiến (người xóm giềng lân cận có đầy đủ năng lực hành vi và năng lực pháp lý).
Khi kê biên, nếu người đang thiếu nợ hoặc đại diện gia đình vắng mặt vẫn tiến hành kê biên, nhưng bắt buộc phải có đại diện chính quyền địa phương và hai người xóm giềng trợ lên chứng kiến ký tên vào biên bản kê biên.
d- Định giá tài sản đã kê biên:
- Tài sản bị kê biên phải được định giá tại chổ theo sự thỏa thuận của người thiếu nợ và người trả nợ.
- Nếu không thỏa thuận được phải thành lập Hội đồng định giá.
e- Thành phần Hội đồng định giá:
- Đại diện cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc đó và các ngành chức năng như đã làm hiện nay, nhất thiết phải có người thiếu nợ và chủ nợ.
- Người thiếu nợ và chủ nợ có quyền tham gia ý kiến nhưng quyền quyết định thuộc về Hội đồng định giá.
g- Giao, bảo quản tài sản kê biên:
Nếu chủ nợ không đồng ý nhận tài sản đã kê biên thì đại diện cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc đó giao tài sản đã kê biên cho người đang thiếu nợ, thân nhân của họ hoặc người đang sử dụng tài sản đó. Nếu không giao được cho người đang thiếu nợ thì tùy thực tế mà phân công người bảo quản.
Người được giao bảo quản tài sản phải có trách nhiệm giữ gìn bảo quản tài sản, nếu mất mát hư hỏng phải bồi thường, mức thù lao và chi phí cần thiết cho người bảo quản (không phải là người đang thiếu nợ) do Hội đồng kê biên tài sản quy định.
h- Ra quyết định kê biên: Chủ tịch UBND Huyện, Thị có quyền ra quyết định kê biên.
i- Biên bản kê biên, biên bản giao bảo quản tài sản:
- Khi tiến hành kê biên phải lập biên bản kê biên và biên bản giao bảo quản tài sản. Biên bản phải mô tả chi tiết cụ thể từng loại tài sản và giá cả từng loại, Tên tuổi người được giao bảo quản tài sản, các yêu cầu của đương sự hoặc ý kiến của người chứng kiến khi kê biên.
Biên bản được giao cho người thiếu nợ 1 bản, người chủ nợ 1 bản, người được giao bả quản tài sản 1 bản và 1 bản lưu.
k- Bán đấu giá tài sản đã kê biên: Khi kê biên xong Ban xử lý buộc người chủ tài sản được kê biên phải cam kết thời hạn trả nợ (do Ban xử lý xem xét và quyết định thời gian cụ thể), khi hết hạn mà người đó không thực hiện thì tiến hành bán tài sản đã được kê biên.
- Danh mục và tài sản bán đấu giá được niêm yết công khai tại trụ sở UBND hoặc tại trụ sở của cơ quan có thẩm quyền giải quyết, chậm nhất là 7 ngày trước ngày bán đấu giá. Tài sản kê biên bán cho người trả giá cao nhất (nếu không ai trả cao hơn thì bán theo giá Hội đồng định giá đã định). Nếu tài sản không bán được thì tiếp tục định giá lại.
Ban xử lý công nợ bán đấu giá tài sản chỉ trong trường hợp thật cần thiết nhằm giải quyết số tiền nợ cho chủ nợ, còn nếu xét thấy chưa cần thiết thì không nên bán mà chờ sự xử lý theo pháp luật của cơ quan có thẩm quyền sẽ giải quyết vụ việc đó.
3- Ngoài ra 1 số vấn đề khác cần phải giải quyết như:
a- Truy tìm tài sản mà những người thiếu nợ đã tẩu tán chuyển dịch cho người khác một cách bất hợp lý.
b- Xử lý nhà bị kê biên, nhà bị kê biên mà xây cất trái phép.
c- Xử lý tài sản thế chấp, cấm cố.
d- Đường lối giải quyết đối với những người thiếu nợ (thẩm quyền giải quyết, về tội danh, về lãi suất tiền gửi, nguyên tắc xử lý v.v...)
e- Tạm giữ, tạm giam người thiếu nợ - thì căn cứ vận dụng theo đúng quy định tại Thông tư liên ngành số 10-TTLN ngày 25/10/1990 nói trên để giải quyết.
g- Kinh phí, hoạt động và bồi dưỡng cho cán bộ có liên quan đòi nợ và kê biên tài sản: được trích 5% trong tổng số nợ thu hồi được bằng tiền mặt hoặc bằng tiền bán đấu giá tài sản để chi cho hoạt động của Ban xử lý và các cán bộ tham gia. Sau mỗi vụ đòi nợ, Ban xử lý hay cơ quan tổ chức, lực lượng tiến hành kê biên, bán đấu giá phải lập biên bản về việc trích sử dụng kinh phí kể trên của từng vụ và báo cáo về UBND cấp huyện hoặc cấp tỉnh (nếu thuộc cấp tỉnh).
Trên đây là những nội dung cụ thể để các ngành, các cấp trong Tỉnh, trong phạm vi chức năng thẩm quyền được giao có cơ sở pháp lý nghiên cứu thực hiện. Hàng tháng, hàng quý báo cáo kết quả về UBND Tỉnh.
Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc làm văn bản gởi về TT.UBND Tỉnh để có hướng dẫn chỉ đạo giải quyết.
Nơi nhận: | ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AG |
|
Chỉ thị 26/CT.UB năm 1990 về áp dụng các biện pháp hành chính, hình sự, dân sự để thu hồi nợ cho Nhà nước do tỉnh An Giang ban hành
- Số hiệu: 26/CT.UB
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 03/12/1990
- Nơi ban hành: Tỉnh An Giang
- Người ký: Nguyễn Hữu Khánh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 03/12/1990
- Ngày hết hiệu lực: 01/10/1998
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra