Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 26/2005/CT-TTg

Hà Nội, ngày 20 tháng 7 năm 2005

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG TIẾT KIỆM TRONG TIÊU DÙNG XĂNG DẦU

Nhiều năm qua, nước ta đã tập trung đầu tư phát triển ngành công nghiệp dầu khí nhưng đến nay toàn bộ sản phẩm xăng dầu phục vụ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng ở trong nước vẫn phải nhập khẩu của nước ngoài. Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xăng dầu trong nước, mỗi năm Nhà nước phải chi hàng tỷ đô la cho việc nhập khẩu xăng dầu. Trong điều kiện kinh tế nước ta hiện nay và giá xăng dầu thế giới ngày càng tăng cao thì việc ngân sách nhà nước phải dành một lượng ngoại tệ lớn để nhập khẩu xăng dầu là vấn đề cần phải được tính toán một cách chặt chẽ mới có thể bảo đảm được cân đối chung của nền kinh tế.

Tiết kiệm trong tiêu dùng xăng dầu không chỉ là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong việc phát huy, xây dựng lối sống cần kiệm, lòng yêu nước của nhân dân ta, mà còn là một trong những biện pháp có hiệu quả nhất nhằm nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta hiện nay. Quán triệt chủ trương đó, liên tục trong năm 2003 - 2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 06/2003/CT-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2003 về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí xăng dầu (Chỉ thị 06) và Chỉ thị số 23/2004/CT-TTg ngày 18 tháng 6 năm 2004 về việc tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp tiết kiệm xăng dầu (Chỉ thị 23).

Sau hơn hai năm thực hiện các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tiết kiệm xăng dầu, hầu hết các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc tổ chức và thực hiện biện pháp cần thiết nhằm hạn chế việc sử dụng xăng dầu lãng phí, kém hiệu quả, bước đầu đã tạo ra chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong sử dụng xăng dầu. Tuy nhiên, do nhận thức và quán triệt về mục đích, ý nghĩa, yêu cầu thực hiện chủ trương tiết kiệm, chống lãng phí và chủ trương tiết kiệm xăng dầu của một số cán bộ là người đứng đầu hoặc chịu trách nhiệm chính trong một số cơ quan, đơn vị, của một bộ phận cán bộ, công chức trong các cơ quan, đơn vị chưa đúng, chưa đầy đủ; do việc áp dụng các biện pháp xử lý kỷ luật đối với các hành vi vi phạm còn nương nhẹ, mang tính hình thức; do việc xử lý chưa đúng mức trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị để xảy ra các vi phạm nên tình trạng lãng phí trong sử dụng xăng dầu vẫn còn xảy ra ở nhiều cơ quan, đơn vị thuộc các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là ở các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước. Điều này không những làm ảnh hưởng không tốt đến sản xuất và đời sống của nhân dân, đến việc tập trung nguồn lực để thực hiện mục tiêu đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế của đất nước mà còn gây ra tâm lý và dư luận không tốt đối với việc thực hiện kỷ cương hành chính nhà nước.

Để nhanh chóng khắc phục tình trạng sử dụng xăng dầu lãng phí, kém hiệu quả, đồng thời tiết kiệm ngoại tệ, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

1. Các Bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp phải chủ động rà soát, đánh giá kết quả và những tồn tại đối với những biện pháp cụ thể đã áp dụng trong quá trình triển khai thực hiện tiết kiệm xăng dầu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ quy định tại Chỉ thị 06 và Chỉ thị 23 để loại bỏ ngay những biện pháp không còn phù hợp, bổ sung biện pháp mới phù hợp với thực tiễn nhằm tạo ra chuyển biến thực sự cả trong nhận thức và hành động của từng cá nhân, của cả đơn vị tham gia vào việc tiết kiệm tiêu dùng xăng dầu.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo và yêu cầu tất cả các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thuộc phạm vi quản lý phải tiến hành rà soát định mức tiêu hao xăng dầu ở tất cả các khâu để quy định lại theo hướng: quản lý, sử dụng xăng dầu ở bất kỳ thời gian nào, công việc gì cũng đều phải đạt được yêu cầu là tiết kiệm nhất nhưng vẫn bảo đảm được yêu cầu công tác; đồng thời, phải thường xuyên kiểm tra việc quản lý, sử dụng xăng dầu, áp dụng biện pháp khen thưởng cho cá nhân, tổ chức sử dụng tiết kiệm xăng dầu, xử phạt nghiêm những trường hợp sử dụng xăng dầu lãng phí, vi phạm quy định của Nhà nước.

3. Các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước phải rà soát lại nhiệm vụ, bố trí và tổ chức hợp lý công việc để giảm mức tiêu dùng xăng dầu ít nhất là 10% so với mức tiêu dùng xăng dầu năm 2004 và coi đây là nhiệm vụ phải thực hiện của cơ quan, đơn vị mình góp phần tiết kiệm chi tiêu ngân sách nhà nước. Đây cũng là nội dung về chấp hành kỷ luật hành chính đối với các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước. Bộ Tài chính thực hiện việc cắt giảm 10% chi phí sử dụng xăng dầu của các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước. Tỷ lệ này được xác định là căn cứ xem xét, phê duyệt dự toán kinh phí hàng năm của các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước.

4. Từ nay trở đi, các Bộ trưởng, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm trong việc quyết định dự án đầu tư mới hay những dự án đầu tư mở rộng phải quan tâm và ưu tiên cho những dự án sử dụng nguồn nhiên liệu sẵn có khác trong nước hoặc sử dụng nhiên liệu thay thế xăng dầu để giảm áp lực sử dụng xăng dầu nhập khẩu.

5. Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu đề xuất với Chính phủ cơ chế và biện pháp khuyến khích việc nghiên cứu và sử dụng nguyên liệu thay thế xăng dầu.

6. Trong quý III năm 2005, Bộ Tài chính tiến hành rà soát, kiểm tra, tổng hợp báo cáo tình hình mua sắm, sử dụng phương tiện của các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước; xử lý nghiêm, kịp thời, đúng thẩm quyền các trường hợp vi phạm chế độ Nhà nước quy định; đồng thời, báo cáo và đề xuất với Thủ tướng Chính phủ biện pháp đẩy mạnh và nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tiết kiệm sử dụng xăng dầu.

7. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước phải tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng xăng dầu trong tất cả các lĩnh vực, nhất là việc sử dụng xe công; việc tổ chức hội nghị, tổng kết, thi đua; xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm, đồng thời phải chịu trách nhiệm cá nhân với Thủ trưởng cấp trên nếu để xảy ra tình trạng cán bộ, công chức trong cơ quan, đơn vị mình gây lãng phí xăng dầu do sử dụng xe công sai mục đích.

8. Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Nội vụ nghiên cứu, ban hành trong quý III năm 2005 cơ chế xử phạt, theo dõi, giám sát việc xử lý kỷ luật về các hành vi vi phạm của cá nhân, tổ chức trong việc chấp hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tiết kiệm xăng dầu; định kỳ hàng quý báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

9. Bộ Thương mại chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Chỉ đạo 127 Trung ương và Ban Chỉ đạo quản lý biên mậu cần tập trung nghiên cứu, chỉ đạo các lực lượng chức năng thực hiện các biện pháp thích hợp tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển xăng dầu, nhất là ở các địa phương vùng biên giới, các cảng sông, cảng biển; phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu xăng dầu qua biên giới, trên biển.

10. Bộ Công an phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện khẩn trương, chặt chẽ thủ tục pháp lý để đưa ra xử lý những cá nhân, tổ chức buôn lậu xăng dầu với số lượng lớn; đồng thời, phải xử lý nghiêm, kịp thời những cán bộ, công chức tiếp tay hoặc tham gia buôn lậu xăng dầu. Trường hợp cần thiết phải áp dụng các biện pháp xử lý mạnh, nếu vượt thẩm quyền thì kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý nhằm ngăn chặn ngay tình trạng buôn lậu xăng dầu hiện nay.

11. Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ lộ trình đưa giá bán xăng dầu trong nước tương ứng với giá xăng dầu thế giới; đánh giá tác động và ảnh hưởng đối với hoạt động sản xuất, dịch vụ cũng như toàn bộ nền kinh tế; đề xuất biện pháp thực hiện cụ thể nhằm giảm dần, tiến tới ngân sách nhà nước không phải bù lỗ cho tiêu dùng xăng dầu ở thị trường trong nước.

12. Bộ Văn hoá - Thông tin chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương của Chính phủ về tiết kiệm xăng dầu cũng như các biện pháp có hiệu quả mà các tổ chức, cá nhân đã áp dụng; có biện pháp khuyến khích và tạo điều kiện cho nhân dân được cung cấp những thông tin về kết quả giám sát, phát hiện những sai phạm của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện chủ trương tiết kiệm xăng dầu; đồng thời, thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời đến các cơ quan chức năng về các trường hợp sử dụng xăng dầu sai mục đích.

13. Các cơ quan thông tin của Trung ương và địa phương cần phải dành thời lượng thích hợp để tuyên truyền chủ trương của Đảng, Nhà nước về việc vận động và thực hiện các biện pháp tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó có chủ trương về tiết kiệm trong sử dụng xăng dầu; thông tin kịp thời về những biến động và ảnh hưởng của giá xăng dầu thế giới đến sản xuất, đời sống của nhân dân, đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và thông tin về kinh phí Nhà nước phải dùng để bù lỗ đối với việc tiêu dùng xăng dầu ở nước ta để nhân dân biết và tích cực tham gia thực hiện chủ trương tiết kiệm xăng dầu.

14. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với các tổ chức xã hội vận động toàn dân hưởng ứng và có biện pháp cụ thể, thiết thực giảm tiêu dùng xăng dầu; đồng thời, tích cực tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các tổ chức, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước trong việc thực hiện chủ trương của Chính phủ về tiết kiệm trong sử dụng xăng dầu.

15. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các đơn vị, các tổ chức liên quan chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 26/2005/CT-TTg về tăng cường tiết kiệm trong tiêu dùng xăng, dầu do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 26/2005/CT-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 20/07/2005
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 31 đến số 32
  • Ngày hiệu lực: 10/08/2005
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản