Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 23/2004/CT-TTg

Hà Nội, ngày 18 tháng 6 năm 2004

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH CÁC BIỆN PHÁP TIẾT KIỆM XĂNG DẦU

Trong những năm qua và những năm tiếp theo, nước ta vẫn phải nhập khẩu xăng dầu với số lượng ngày càng tăng để đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và phục vụ dân sinh. Hàng năm, Nhà nước phải sử dụng một lượng ngoại tệ khá lớn để nhập khẩu xăng dầu, đồng thời dành một khoản ngân sách nhất định nhằm bảo đảm nhu cầu xăng dầu của toàn xã hội và duy trì bình ổn thị trường xăng dầu. Từ đầu năm 2004 đến nay, giá xăng dầu thế giới diễn biến rất phức tạp, theo chiều hướng ngày càng tăng và đã ở mức cao nhất trong hơn 20 năm trở lại đây. Nhằm hạn chế những bất lợi do biến động giá xăng dầu thế giới đến sản xuất, đời sống, đặc biệt là đến giá thành các sản phẩm có nhiên liệu đầu vào là xăng dầu, một mặt, Nhà nước phải giảm thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu xuống 0%; mặt khác, phải trích từ ngân sách nhà nước hàng nghìn tỷ đồng để bù lỗ cho hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Cùng với việc thực hiện linh hoạt và có hiệu quả các giải pháp trên, tiết kiệm tiêu dùng xăng dầu trong sản xuất, kinh doanh, trong sinh hoạt là một biện pháp trực tiếp làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, đồng thời có tác dụng giáo dục, nâng cao nhận thức cho mọi người trong toàn xã hội về ý thức tiết kiệm, sử dụng có hiệu quả nguồn lực của đất nước. Ngay từ quý I năm 2003, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 06/2003/CT-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2003 về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí xăng dầu, yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, người đứng đầu các cơ quan nhà nước, các tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước, các tổ chức chính trị - kinh tế - xã hội, các đơn vị sản xuất, kinh doanh nêu cao tinh thần trách nhiệm trong quản lý, sử dụng xăng dầu, tăng cường biện pháp quản lý thực hành tiết kiệm xăng dầu.

Mặc dù vậy, tình trạng lãng phí trong sử dụng xăng dầu trong xã hội, đặc biệt là ở các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước vẫn chưa thực sự mang lại kết quả. Hiện tượng lãng phí, nhất là lãng phí trong mua sắm phương tiện đi lại, sử dụng xăng dầu của các cơ quan, đơn vị vẫn chưa được khắc phục. Nguyên nhân của tình hình trên là do Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, chính quyền các ngành, các cấp chưa nhận thức một cách đầy đủ và thực hiện đúng vai trò, trách nhiệm của mình trong triển khai thực hiện Chỉ thị số 06/2003/CT-TTg nói trên; chưa chủ động, chưa kiên quyết trong việc đề ra và thực hiện các giải pháp tiết kiệm xăng dầu, đặc biệt là chưa chấp hành đúng các quy định về quản lý, sử dụng xe công vụ; về sắp xếp, bố trí sản xuất, kinh doanh; về phát triển các phương tiện giao thông công cộng một cách có hiệu quả.

Nhằm chủ động ứng phó với những tác động bất lợi do biến động giá xăng dầu thế giới đến sản xuất và đời sống, chủ động trong việc bảo đảm xăng dầu cho nhu cầu trong nước, tiết kiệm chi tiêu cho ngân sách nhà nước, tiến tới xóa bỏ bao cấp trong tiêu dùng xăng dầu, trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, khắc phục tình trạng lãng phí trong quản lý, sử dụng xăng dầu, nâng cao hơn nữa cả về nhận thức và trách nhiệm của các ngành, các cấp trong việc tiết kiệm tiêu dùng xăng dầu, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

1. Tiết kiệm xăng dầu phải được coi là một trong các giải pháp quan trọng nhất để giảm giá thành, chi phí sản xuất; nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, sức cạnh tranh của sản phẩm; trực tiếp góp phần vào việc tạo ra khả năng cạnh tranh mới của sản phẩm, của ngành hàng và của nền kinh tế. Tiết kiệm xăng dầu phải được thực hiện thường xuyên, liên tục ở tất cả các đơn vị, cơ quan trực tiếp liên quan đến quản lý, sử dụng xăng dầu và trở thành phong trào thi đua thiết thực ngay trong từng đơn vị, cơ quan và trong toàn xã hội.

Tiết kiệm xăng dầu được xác định là yêu cầu bắt buộc phải thực hiện để tiết kiệm chi tiêu ngân sách nhà nước, là một nội dung của kỷ luật hành chính ở các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước. Các cơ quan sử dụng ngân sách nhà nước phải có biện pháp cụ thể phấn đấu giảm tiêu dùng xăng dầu năm 2004 ít nhất là 10%; đồng thời, đề ra các biện pháp tích cực hơn để từ năm 2005 trở đi, nâng mức tiết kiệm tiêu dùng xăng dầu hàng năm từ 10% đến 20%.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành ngay việc rà soát, đánh giá rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc, đầy đủ việc triển khai thực hiện các biện pháp tiết kiệm, chống lãng phí xăng dầu theo tinh thần Chỉ thị số 06/2003/CT-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ, làm rõ những mặt làm được, những hạn chế, yếu kém về nhận thức và biện pháp triển khai thực hiện nhằm tiết kiệm, chống lãng phí xăng dầu, cũng như trong việc kiểm tra, giám sát và xử lý những sai phạm đối với việc thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Từ đó đề ra biện pháp thiết thực để tiết kiệm tiêu dùng xăng dầu trong cơ quan, đơn vị.

3. Bộ Tài chính có biện pháp kiểm tra, nắm chắc số lượng xe ô tô mà các cơ quan, đơn vị được Nhà nước trang bị để vừa bảo đảm đủ nhu cầu sử dụng của các cơ quan, đơn vị theo đúng chế độ quy định của Nhà nước, vừa phát hiện và có biện pháp khắc phục kịp thời đối với các vi phạm chế độ quy định về sử dụng xe ô tô của cơ quan, đơn vị và cá nhân, đồng thời yêu cầu từng đơn vị thụ hưởng ngân sách nhà nước phải xây dựng kế hoạch cụ thể về tiết kiệm xăng dầu, coi đây là một điều kiện bắt buộc để xem xét, phê duyệt kế hoạch kinh phí hàng năm của cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước.

Chủ trì, phối hợp với Bộ Thương mại và các cơ quan liên quan tổng kết, đánh giá việc thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp tiết kiệm xăng dầu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ biện pháp thúc đẩy và nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, tiêu dùng xăng dầu, trước hết là ở các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước.

4. Thủ trưởng các cơ quan nhà nước, trước hết là người đứng đầu các tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước, các tổ chức chính trị - kinh tế - xã hội phải kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng xe công, xử lý nghiêm những trường hợp mua sắm xe ô tô trái với tiêu chuẩn quy định, kiên quyết không để xảy ra tình trạng tùy tiện dùng xe công vào việc riêng, kể cả những người thuộc diện được trang bị xe ô tô con; phải tuân thủ đúng các quy định về chế độ sử dụng các loại xe ô tô công vụ tại Quyết định số 122/1999/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ và quy định về tổ chức các chuyến đi công tác cơ sở, tham dự các cuộc mít tinh, lễ kỷ niệm, hội nghị và tiếp các đoàn đại biểu trong nước tại Quy định số 60/QĐ-TW ngày 11 tháng 02 năm 2003 của Bộ Chính trị.

5. Chính phủ đã thực hiện các biện pháp hỗ trợ cần thiết để bảo đảm bình ổn thị trường xăng dầu trong nước, tiếp tục thúc đẩy sản xuất. Tuy nhiên, việc hỗ trợ này đã làm cho giá bán lẻ xăng dầu ở nước ta hiện nay thấp hơn so với giá bán của các nước lân cận như Cămpuchia, Trung Quốc và Lào. Lợi dụng tình hình này, hoạt động buôn lậu xăng dầu qua biên giới đất liền và trên biển, đặc biệt là vùng biển Quảng Ninh, vùng biển Tây Nam đã và đang diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng, mặc dù chúng ta đã áp dụng nhiều biện pháp xử lý kiên quyết nhưng gặp rất nhiều khó khăn.

Bộ Thương mại có trách nhiệm chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bảo đảm việc cung ứng xăng dầu thường xuyên, liên tục, đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân; phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, Ban Chỉ đạo 127 Trung ương thi hành ngay các biện pháp cần thiết nhằm phát hiện, ngăn chặn tình trạng đầu cơ xăng dầu, các phương tiện vận tải nước ngoài lợi dụng quy định về đi lại qua biên giới để vào nước ta mua xăng dầu với số lượng lớn; các tầu thuyền mua xăng dầu để bán ngay tại ngoài khơi, thu lợi, gây thiệt hại cho nền kinh tế; đồng thời, có biện pháp xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm.

6. Bộ Văn hóa - Thông tin chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức xã hội tổ chức tuyên truyền sâu rộng để nhân dân hiểu rõ vai trò, ý nghĩa và lợi ích thiết thực của việc tiết kiệm tiêu dùng xăng dầu đối với cuộc sống, xã hội; chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng tham gia tích cực với ý thức trách nhiệm cao vào việc tuyên truyền chủ trương và biện pháp thực hiện tiết kiệm xăng dầu, phản ánh, nêu gương những đơn vị, cá nhân có kinh nghiệm, kết quả hay, đóng góp tích cực vào việc thực hiện chủ trương tiết kiệm xăng dầu; đồng thời, tích cực phát hiện, thông tin kịp thời các trường hợp vi phạm quy định về sử dụng phương tiện, sử dụng xăng dầu trái với tinh thần Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tiết kiệm xăng dầu nhằm tạo ra một phong trào thi đua rộng khắp trong cả nước hưởng ứng chủ trương tiết kiệm xăng dầu của Nhà nước.

7. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, người đứng đầu các tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc các doanh nghiệp nhà nước chịu trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thực hiện Chỉ thị này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 23/2004/CT-TTg về việc tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp tiết kiệm xăng dầu do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 23/2004/CT-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 18/06/2004
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 33
  • Ngày hiệu lực: 13/07/2004
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản