Hệ thống pháp luật

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 246-CT

Hà Nội, ngày 28 tháng 8 năm 1987

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC NĂM 1987

Căn cứ báo cáo của Uỷ ban kế hoạch Nhà nước và kiến nghị của các ngành và địa phương về việc thực hiện kế hoạch Nhà nước năm 1987, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã xem xét và có ý kiến như sau:

1. Trong những tháng qua, các ngành và các địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc chỉ đạo thực hiện kế hoạch Nhà nước; nhiều cơ sở đã phát huy tính chủ động, liên kết liên doanh để tìm kiếm thêm vật tư, nguyên liệu bảo đảm sản xuất. Song, nhiều bộ phận quan trọng của kế hoạch không đạt mức dự kiến, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của toàn bộ nền kinh tế. Ngoài một số nguyên nhân về thời tiết (thiên tai bão lụt, hạn hán...) , chủ yếu là do thiếu vật tư, nguyên liệu, ngoại tệ, đồng thời là do cơ chế quản lý chậm đổi mới.

2. Nhiệm vụ đặt ra hiện nay là phải xử lý một cách tích cực nhất, nhằm vào các mục tiêu chủ yếu của ba chương trình kinh tế lớn, phấn đấu đạt được mức cao nhất. Đó chính là điều kiện vật chất để giải quyết các vấn đề giá, lương, tiền đang rất khẩn trương hiện nay.

Về nông nghiệp, phải đẩy nhanh hơn nữa nhịp độ cấy lúa mùa (hiện còn thấp so với cùng kỳ năm ngoái) đồng thời đưa phân bón, thuốc trừ sâu đến tận các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất để bảo đảm năng suất và sản lượng lúa mùa; vừa làm tốt vụ mùa, vừa chuẩn bị ngay cho vụ đông xuân 1987-1988.

Về công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, các ngành sản xuất cùng các ngành liên quan (ngoại thương, ngân hàng, vật tư, kế hoạch, v.v.. . ) phải trực tiếp làm việc với các cơ sở tính toán lại khả năng sản xuất từng sản phẩm, nhất là các sản phẩm thiết yếu, trước hết là giải quyết ngay các khó khăn về nguyên liệu. Trong thực tế, các xí nghiệp đều thiếu nguyên liệu cho nên không đạt kế hoạch sản lượng; nếu bảo đảm đồng bộ các nguyên liệu, vật tư, năng lượng, mức sản xuất trong các tháng cuối năm có thể đưa lên cao hơn các tháng trước, không nhất thiết chỉ ở mức bình quân của các tháng từ đầu năm đến nay. Vì vậy, bằng tất cả các nguồn (huy động các nguyên liệu trong nước hiện có, các vật tư ứ đọng trong kho sau khi kiểm kê; vật tư vận chuyển từ các cảng Đông Âu, vay ngoại tệ để nhập thêm nguyên liệu trong thời gian nhanh nhất, v.v...); các xí nghiệp sản xuất các mặt hàng thiết yếu, nhất là các mặt hàng có hiệu quả hoàn vốn cao và rất cần thiết cho nhu cầu của nhân dân (như sữa hộp, pin đèn, giấy, v. v...) đều phải được các ngành và các địa phương xem xét, xử lý các yêu cầu cho sản xuất một cách tích cực nhất; chỉ đạo kiểm tra sát sao từng tháng, nhằm huy động các năng lực sản xuất đến mức cao nhất.

3. Việc đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch cả năm 1987 sẽ được phân tích thật cụ thể từng trường hợp, phân biệt các nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan của mỗi xí nghiệp, trong đó, phải biểu dương thích đáng các đơn vị đã có nhiều cố gắng bảo đảm nhiệm vụ sản xuất. Việc khen thưởng phải căn cứ vào hiệu quả của sản xuất, kể cả năng suất, chất lượng, giá thành và nhất là thời gian đưa sản phẩm hàng hoá ra thị trường để đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp bách ngay trong mấy tháng cuối năm, không nhất thiết chỉ căn cứ vào tình hình thực hiện mức kế hoạch đã giao cho cả năm.

4. Theo tinh thần đó, hiện nay chưa đặt vấn đề điều chỉnh kế hoạch (trừ kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản đã có quyết định riêng). Các ngành và các địa phương phải theo dõi sát tình hình, thực hiện các biện pháp cụ thể, thiết thực với quyết tâm đạt mức sản xuất cao nhất, và đến tháng 10 năm 1987, trình Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng xem xét tiếp.

 

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 246-CT về đẩy mạnh thực hiện kế hoạch Nhà nước năm 1987 do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành

  • Số hiệu: 246-CT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 28/08/1987
  • Nơi ban hành: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
  • Người ký: Võ Văn Kiệt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 16
  • Ngày hiệu lực: 12/09/1987
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản