Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 23/2001/CT-CTUBBT

Phan Thiết, ngày 11 tháng 6 năm 2001

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT NÔNG NGHIỆP.

Thực hiện chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 20/02/1998 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh việc giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã có chỉ thị số 12/CT-CTUBBT ngày 04/4/1998 và kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Trong thời gian qua, các cấp, các ngành chức năng đã có nhiều cố gắng triển khai thực hiện. Đến nay, toàn tỉnh đã cấp được 130.635,21 ha/201.099,82 ha đất nông nghiệp, đạt 63,98%. Riêng trong 5 tháng đầu năm 2001, tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp quá chậm, toàn tỉnh chỉ mới cấp được 1.970 ha/15.000 ha, đạt 13,13% kế hoạch. Trong đó, duy nhất chỉ có huyện Hàm Thuận Nam đạt 50% kế hoạch, các huyện, thành phố còn lại đạt quá thấp, có 03 huyện từ đầu năm đến nay không triển khai thực hiện nhiệm vụ giao.

Nguyên nhân của tình hình trên là do:

+ Uỷ ban nhân dân, Ban Điều hành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp các huyện, thành phố chưa quan tâm đúng mức đến công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho dân; Thiếu kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện của các Phòng, Ban chức năng và Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn nên nhiều năm liền, hầu hết các huyện, thành phố không hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch giao.

+ Việc tổ chức học tập tuyên truyền vận động trong nhân dân chưa sâu rộng, thiếu thường xuyên nên một bộ phận nhân dân chưa thấu hiểu những quyền lợi căn bản khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chưa nhận thức hết trách nhiệm của người sử dụng đất là phải kê khai, đăng ký đất đai đang sử dụng để được xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai; Có một bộ phận nhân dân không muốn nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi đã được xét cấp giấy.

+ Các ngành chức năng và các cấp chính quyền chậm phối hợp xử lý những vướng mắc về ranh giới đất nông nghiệp và đất lâm nghiệp trên địa bàn.

+ Cán bộ địa chính từ tỉnh đến cơ sở tuy đã được tăng cường nhưng chưa đủ mạnh, nhất là cán bộ địa chính xã vừa yếu lại vừa kiêm nhiệm quá nhiều công việc nên chưa tập trung tham mưu chính quyền các cấp chỉ đạo sâu sát trong lĩnh vực này.

Để nhanh chóng khắc phục tồn tại nêu trên, đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành kế hoạch cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp năm 2001 và cơ bản hoàn thành nhiệm vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp và đất ở nông thôn vào năm 2002 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Chủ tịch ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Giám đốc các Sở, Ban, Ngành; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương tổ chức thực hiện ngay một số công việc sau đây:

1/ Uỷ ban nhân dân, Ban Điều hành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất các huyện, thành phố phải thực sự coi việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm của các tháng còn lại năm 2001 và những năm tiếp theo để từ đó tập trung chỉ đạo, kiểm tra đồng loạt tình hình tổ chức, kết quả triển khai thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp ở các xã, phường, thị trấn.

Căn cứ quy hoạch 03 loại rừng đã được phê duyệt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Sở Địa chính và Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố xác định rõ ranh giới đất sản xuất nông nghiệp và chủ thể quản lý, sử dụng để Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho nhân dân. Trên cơ sở kiểm tra, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố trực tiếp xử lý những vướng mắc (nếu có), khắc phục ngay những tồn tại, điều chỉnh kế hoạch đảm bảo phù hợp tình hình thực tế đối với từng loại đất, xây dựng tiến độ thực hiện hàng tháng, hàng quý trên địa bàn từng xã. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc nhất là những xã có diện tích đất nông nghiệp chưa được cấp giấy còn nhiều, đồng thời chỉ đạo các xã còn tồn động giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp và đất ở nhanh chóng tổ chức việc trao giấy chứng nhận đến tận tay nhân dân.

2/ Uỷ ban nhân dân các cấp phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận cùng cấp tăng cường công tác tuyền truyền, vận động, tổ chức học tập sâu kỹ về ý nghĩa, mục đích yêu cầu của công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp đến các đối tượng đã được ký cấp giấy chứng nhận nhưng chưa đến nhận và các đối tượng chưa thực hiện kê khai, đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Phấn đấu đến cuối năm 2001 giải quyết dứt điểm số giấy còn tồn đọng và hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp năm 2001 đã giao cho các địa phương. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố khẩn trương củng cố Hội đồng đăng ký đất đai và xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, lâm nghiệp (đối với xã, thị trấn có diện tích đất lâm nghiệp) của các xã, phường, thị trấn để tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ cấp giấy, kết hợp đồng bộ các khâu công việc như: Tuyên truyền, vận động kê khai đăng ký, đo đạc chỉnh lý bản đồ, xét duyệt hồ sơ cấp giấy. Thực hiện đo đạc, chỉnh lý bản đồ đến đâu đưa ngay vào diện đăng ký xét cấp giấy đến đó.

3/ Giao Sở Địa chính (Thường trực Ban chỉ đạo cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp của tỉnh) cùng với các Sở, Ban, Ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn và giúp các địa phương giải quyết tồn tại vướng mắc theo chức năng của mình, tạo điều kiện cho các huyện, thành phố thực hiện hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch hàng năm về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp ở địa phương mình.

4/ Về kinh phí: Trên cơ sở nguồn kinh phí Uỷ ban nhân dân tỉnh đã cấp tạm ứng cho các địa phương để chi cho công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp trong những năm qua, kết quả kiểm tra việc quản lý, sử dụng, thu hồi nguồn tạm ứng, đồng thời căn cứ vào khối lượng công việc về cấp giấy của từng xã, phường, thị trấn mà Uỷ ban nhân dân, Ban Điều hành cấp giấy của các huyện, thành phố điều phối nguồn kinh phí giữa các địa phương sao cho phù hợp nhiệm vụ được giao.

5/ Hai tuần một lần, Sở Địa chính có trách nhiệm báo cáo tiến độ, kết quả cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp và tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện của các huyện, thành phố để Uỷ ban nhân dân tỉnh theo dõi, chỉ đạo thực hiện.

 Nhận được chỉ thị này, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành có liên quan và Chủ tịch ủy ban nhân dân các huyện, thành phố khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thường trực Tỉnh ủy
- Thường trực HĐND tỉnh
- Các PCT-UBND tỉnh
- UBND các huyện, thành phố
- Các Sở, Ban, Ngành
- UBMT Tổ quốc Việt Nam tỉnh               
- Các tổ chức thành viên Mặt trận TQ tỉnh
- Báo Bình Thuận
- Đài phát thanh truyền hình tỉnh
- Lưu:      + VPUB
                + NLN

KT/CHỦ TỊCH UBND TỈNH BÌNH THUẬN
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 23/2001/CT-CTUBBT về đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp do tỉnh Bình Thuận ban hành

  • Số hiệu: 23/2001/CT-CTUBBT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 11/06/2001
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận
  • Người ký: Nguyễn Văn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 11/06/2001
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản