Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH

---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 16/2006/CT-UBND

Đồng Hới, ngày 04 tháng 5 năm 2006

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC ĐO ĐẠC, LẬP, CHỈNH LÝ, QUẢN LÝ HỒ SƠ ĐỊA CHÍNH, ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Hồ sơ địa chính là tài liệu rất quan trọng nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai, cung cấp dữ liệu khoa học cho việc đánh giá tiềm năng đất đai phục vụ cho việc hoạch định chính sách, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Trong những năm qua, công tác đo đạc, lập hồ sơ địa chính ở tỉnh ta đã đạt được nhiều kết quả đáng kể. Từ năm 1990 đến nay, đã đo đạc, lập bản đồ địa chính chính quy cho khu vực dân cư và đất sản xuất nông nghiệp của 95 xã với diện tích 102.000 ha; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được: 254.086 giấy cho hộ gia đình, cá nhân, với diện tích 98373 ha; 864 giấy cho các tổ chức, với diện tích 225.429 ha, đã đưa công tác quản lý nhà nước về đất đai ngày càng đi vào nề nếp, chặt chẽ hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng đất thực hiện các quyền của mình để phát triển sản xuất.

Tuy vậy, so với yêu cầu nhiệm vụ của công tác quản lý đất đai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá thì công tác đo đạc, lập, chỉnh lý, quản lý hồ sơ địa chính vẫn chưa đáp ứng được kịp thời. Hiện nay, một khối lượng diện tích rất lớn chưa đo đạc, chỉnh lý, lập bản đồ địa chính; nhiều nơi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt tỷ lệ còn thấp, đặc biệt là đất ở đô thị, đất lâm nghiệp.

Để khắc phục những tồn tại trên và thực hiện nghiêm pháp luật về đất đai, UBND tỉnh yêu cầu:

1. Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành, vận động nhân dân tiếp tục thực hiện tốt chương trình dồn điền, đổi thửa, cấp đổi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp theo quy định của pháp luật về đất đai. Phấn đấu hoàn thành việc thực hiện chương trình dồn điền, đổi thửa, cấp đổi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp trong năm 2007.

2. UBND các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn tăng cường triển khai công tác lập, chỉnh lý kịp thời, quản lý, lưu trữ hồ sơ địa chính theo quy định của Luật Đất đai. Đến hết năm 2007 phải cơ bản lập xong hồ sơ địa chính ban đầu theo đúng quy định tại Thông tư số 29/2004/TT-BTNMT ngày 01/11/2004 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về hướng dẫn lập, chỉnh lý, quản lý hồ sơ địa chính để đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức và hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường chỉ đạo chuyên môn, nghiệp vụ đối với công tác đo đạc, lập, chỉnh lý, quản lý hồ sơ địa chính, coi đây là một nhiệm vụ chính, thường xuyên của ngành; củng cố, kiện toàn các tổ chức tư vấn đủ năng lực để giúp các cơ quan chức năng thực hiện tốt nhiệm vụ đo đạc, lập, chỉnh lý, quản lý hồ sơ địa chính, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên phạm vi toàn tỉnh; thẩm định, duyệt phương án lập hồ sơ địa chính cho từng đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn; kiểm tra, nghiệm thu sản phẩm, duyệt hồ sơ địa chính trước khi đưa vào sử dụng.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính có trách nhiệm tham mưu giúp UBND tỉnh trong việc cân đối các nguồn ngân sách bảo đảm cấp đủ cho công tác đo đạc, lập, chỉnh lý, quản lý hồ sơ địa chính ở các cấp.

5. Sở Tài chính chủ trì phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn chi tiết định mức chi phí cho các nội dung công việc thực hiện lập, chỉnh lý, quản lý hồ sơ, bản đồ địa chính.

6. UBND các huyện, thành phố sớm thành lập, kiện toàn tổ chức Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất; bố trí cán bộ đủ năng lực, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo cho yêu cầu công tác đo đạc, lập, chỉnh lý bản đồ địa chính; chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND các xã, phường, thị trấn rà soát lại hồ sơ địa chính hiện có để xây dựng kế hoạch lập, chỉnh lý, quản lý hồ sơ địa chính của cấp mình theo đúng quy định.

7. UBND các xã, phường, thị trấn tiến hành hướng dẫn người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ của mình, kê khai, đăng ký quyền sử dụng đất tất cả các thửa đất đang sử dụng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; chỉnh lý, quản lý hồ sơ địa chính của xã; cử cán bộ địa chính đủ năng lực, phẩm chất, nhiệt tình đảm nhiệm công tác địa chính lâu dài; trang bị phương tiện để làm việc, quản lý, lưu trữ hồ sơ bảo đảm yêu cầu, nhiệm vụ.

Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký. Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc. Định kỳ 6 tháng và hàng năm tổ chức sơ kết, tổng kết và báo cáo kết quả thực hiện về Uỷ ban nhân dân tỉnh (qua Sở Tài nguyên và Môi trường).

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Thường vụ Tỉnh uỷ;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Ban KT-NS Hội đồng nhân dân tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- Báo QB; Đài PT- TH tỉnh;
- Sở Tư pháp;
- UBND các huyện, thành phố;
- Lưu VT, KTTH.

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Hoài

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 16/2006/CT-UBND tăng cường công tác đo đạc, lập, chỉnh lý, quản lý hồ sơ địa chính, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do tỉnh Quảng Bình ban hành

  • Số hiệu: 16/2006/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 04/05/2006
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Bình
  • Người ký: Nguyễn Hữu Hoài
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 14/05/2006
  • Ngày hết hiệu lực: 06/08/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản