Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 22/2005/CT-UBND

Cần Thơ, ngày 02 tháng 12 năm 2005

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ QUAN TƯ PHÁP CẤP HUYỆN VÀ XÃ.

Thời gian qua, tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp ở quận, huyện, xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp cấp huyện, xã) đã tương đối ổn định và đi vào nề nếp, giúp Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện tốt trong các lĩnh vực tư pháp tại địa phương như: công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật, thi hành án dân sự, công chứng, chứng thực, hộ tịch, trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở và thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn trong lĩnh vực công tác tư pháp. Tuy nhiên, sau khi Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ ban hành Thông tư liên tịch số 04/2005/TTLT-TP-NV ngày 05 tháng 5 năm 2005 của Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân quản lý nhà nước về công tác tư pháp ở địa phương thay thế Thông tư liên Bộ số 12/TTLB ngày 26 tháng 7 năm 1993 của Bộ Tư pháp và Ban tổ chức cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) thì chưa có văn bản nào hướng dẫn một cách cụ thể và đồng bộ về tổ chức và hoạt động của cơ quan tư pháp ở địa phương.

Để xác định rõ vị trí chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của cơ quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực công tác tư pháp ở địa phương, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ chỉ thị về việc xác định tổ chức và hoạt động của cơ quan tư pháp cấp huyện, xã như sau:

I. Phòng Tư pháp:

1. Vị trí, chức năng:

Phòng Tư pháp là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện (gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện), tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, thi hành án dân sự, chứng thực, hộ tịch, trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở và công tác tư pháp khác theo quy định của pháp luật; thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn trong lĩnh vực công tác tư pháp theo sự ủy quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

 Phòng Tư pháp chịu sự quản lý toàn diện, trực tiếp của Ủy ban nhân dân cấp huyện, đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn nghiệp vụ của Sở Tư pháp.

2. Nhiệm vụ, quyền hạn:

a) Về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật:

- Trình Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành các văn bản để tổ chức thực hiện các chính sách, chế độ và pháp luật về quản lý công tác tư pháp trên địa bàn huyện;

- Thẩm định và chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cấp huyện về nội dung thẩm định các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành theo quy định của pháp luật;

- Tổ chức lấy ý kiến nhân dân về các dự án luật, pháp lệnh và các dự thảo văn bản qui phạm pháp luật khác theo sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân cấp huyện và sự hướng dẫn của Sở Tư pháp;

- Rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành.

b) Về kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật:

- Giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện tự kiểm tra văn bản do Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành; hướng dẫn Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) thực hiện tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật;

- Thực hiện kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định của pháp luật; trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định các biện pháp xử lý văn bản trái pháp luật theo quy định của pháp luật.

c) Về phổ biến giáo dục pháp luật:

- Xây dựng, trình Ủy ban nhân dân cấp huyện kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật hàng năm ở địa phương và tổ chức thực hiện kế hoạch đó sau khi được phê duyệt;

- Hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng, quản lý và khai thác tủ sách pháp luật ở cấp xã và ở các cơ quan, đơn vị khác của địa phương theo quy định của pháp luật;

- Làm thường trực Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cấp huyện;

- Thẩm định dự thảo hương ước, quy ước của ấp, khu vực, cụm dân cư trước khi trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt.

d) Tổ chức triển khai thực hiện các quy định về công tác hòa giải trên địa bàn theo sự chỉ đạo của cơ quan tư pháp cấp trên và Ủy ban nhân dân cấp huyện; tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở địa phương theo hướng dẫn của cơ quan tư pháp cấp trên.

e) Giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý nhà nước về công tác thi hành án dân sự ở địa phương theo quy định của pháp luật.

f) Hướng dẫn, kiểm tra hoạt động chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã; thực hiện chứng thực một số việc theo sự ủy quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện theo quy định của pháp luật.

g) Hướng dẫn, kiểm tra việc đăng ký và quản lý hộ tịch; quản lý các hồ sơ, tài liệu, biểu mẫu về hộ tịch theo quy định của pháp luật.

h) Thực hiện trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách theo quy định của pháp luật.

i) Chỉ đạo, hướng dẫn kiểm tra chuyên môn nghiệp vụ về công tác tư pháp ở cấp xã.

j) Thực hiện công tác thông tin, báo cáo định kỳ và đột xuất về tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp huyện và Sở Tư pháp.

k) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật hoặc do Ủy ban nhân dân cấp huyện giao.

3. Tổ chức và biên chế:

a) Phòng Tư pháp gồm Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và các công chức chuyên môn.

Việc bổ nhiệm Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định theo tiêu chuẩn chức danh do Ủy ban nhân dân thành phố quy định.

b) Biên chế của Phòng Tư pháp do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định trong tổng biên chế hành chính của cấp huyện do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố giao. Ngoài Trưởng phòng và Phó Trưởng phòng, phải có ít nhất 03 (ba) công chức chuyên môn, nghiệp vụ để bảo đảm đủ lực lượng triển khai nhiệm vụ giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý tốt công tác tư pháp ở địa phương.

II. Ban Tư pháp xã, phường, thị trấn (gọi chung là Ban Tư pháp xã).

1. Vị trí, chức năng:

Ban Tư pháp xã là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý về công tác tư pháp trong phạm vi địa phương. Ban Tư pháp xã chịu sự quản lý trực tiếp toàn diện của Ủy ban nhân dân cấp xã; đồng thời, chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn nghiệp vụ của Phòng Tư pháp.

2. Nhiệm vụ, quyền hạn:

a) Trình Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành các văn bản và công tác tư pháp ở điạ phương; tổ chức lấy ý kiến nhân dân về các dự án luật, pháp lệnh theo hướng dẫn của Ủy ban nhân dân cấp huyện và sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân cấp xã.

b) Giúp Ủy ban nhân dân cấp xã tự kiểm tra các Quyết định, Chỉ thị do Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành.

c) Xây dựng kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn trình Ủy ban nhân dân cấp xã và tổ chức thực hiện kế hoạch sau khi được phê duyệt.

d) Giúp Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ đạo, hướng dẫn việc xây dựng hương ước, quy ước khu vực, ấp, cụm dân cư phù hợp với quy định hiện hành và chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.

e) Hướng dẫn hoạt động của Tổ hòa giải; bồi dưỡng, cung cấp tài liệu nghiệp vụ cho tổ viên Tổ hòa giải của địa phương theo sự hướng dẫn của cơ quan tư pháp cấp trên; trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định việc miễn nhiệm tổ viên Tổ hòa giải.

f) Thực hiện việc trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách theo quy định của pháp luật.

g) Trực tiếp quản lý việc khai thác, sử dụng tủ sách pháp luật ở xã; tổ chức việc phối hợp khai thác, sử dụng, trao đổi giữa tủ sách pháp luật ở xã với các tổ chức, đơn vị khác.

h) Giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện việc đôn đốc thi hành án theo hướng dẫn của cơ quan thi hành án cấp huyện và thực hiện công tác hành chính, tài chính trong việc đôn đốc thi hành án.

i) Thực hiện đăng ký và quản lý hộ tịch ở địa phương; thực hiện một số việc về quốc tịch thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

j) Giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện chứng thực chữ ký của công dân Việt Nam trong các giấy tờ phục vụ cho việc thực hiện các giao dịch dân sự ở trong nước; chứng thực di chúc, văn bản từ chối nhận di sản và các việc khác theo quy định của pháp luật.

k) Báo cáo định kỳ và đột xuất về tình hình thực hiện nhiệm vụ trong các lĩnh vực công tác được giao với Ủy ban nhân dân cấp xã và Phòng Tư pháp.

l) Thực hiện các nhiệm vụ khác do Ủy ban nhân dân cấp xã giao.

3. Cơ cấu tổ chức:

Ban Tư pháp xã có 07 (bảy) thành viên gồm: Trưởng ban do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã đảm nhiệm; công chức Tư pháp - Hộ tịch làm Phó ban chuyên trách và các thành viên kiêm nhiệm khác là công chức Văn phòng, công chức Văn hóa - Xã hội Ủy ban nhân dân cấp xã. Ngoài ra, có thể mời Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các thành viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc như: Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân... do Ủy ban nhân dân cấp xã lựa chọn và quyết định theo tình hình thực tế địa phương.

4. Tổ chức biên chế:

Ban Tư pháp xã hiện nay được giao nhiều nhiệm vụ mới như công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, chứng thực, thực hiện việc đôn đốc thi hành án dân sự, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở...; như vậy, phạm vi hoạt động của tư pháp xã ngày càng được mở rộng, khối lượng công việc gia tăng, tính chất công việc phức tạp, do đó tại những xã có từ 10.000 dân trở lên phải bố trí 02 (hai) công chức chuyên trách công tác Tư pháp - Hộ tịch theo đúng thứ tự ưu tiên đã quy định tại Quyết định số 280/2004/QĐ-UB ngày 11/8/2004 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ về việc quy định số lượng, chế độ chính sách đối với cán bộ chuyên trách, công chức ở xã, phường, thị trấn, số lượng mức phụ cấp đối với cán bộ không chuyên trách và cán bộ ở ấp, khu vực.

Đối với những nơi chưa đủ 10.000 dân nhưng địa bàn phức tạp, công việc phát sinh nhiều mà địa phương không đủ điều kiện bố trí 02 (hai) Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thì cần bố trí thêm 01 (một) công chức chuyên trách Tư pháp - Hộ tịch theo thứ tự ưu tiên được quy định tại Quyết định số 280/2004/QĐ-UB ngày 11/8/2004 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ.

Trong trường hợp xã đã bố trí đủ 02 (hai) Phó Chủ tịch nhưng không còn biên chế để bố trí thêm thì đối với những nơi công việc nhiều, để thực hiện tốt công tác cải cách hành chính theo cơ chế "một cửa", Ủy ban nhân dân cấp xã hợp đồng thêm từ 01 (một) đến 02 (hai) nhân viên để hỗ trợ hoạt động tư pháp địa phương, chi trả từ nguồn kinh phí giữ lại của hoạt động tư pháp.

III. Tổ chức thực hiện.

Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký và đăng báo Cần Thơ sau 5 (năm) ngày kể từ ngày ký. Chỉ thị này thay thế Chỉ thị số 12/CT.UBT.94 ngày 26 tháng 4 năm 1994 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cần Thơ về việc chấn chỉnh tổ chức và hoạt động của Ban Tư pháp thành phố Cần Thơ, Phòng Tư pháp huyện và Ban Tư pháp xã, phường, thị trấn.

Giao cho Giám đốc Sở Tư pháp, Giám đốc Sở Nội vụ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, Trưởng phòng Tư pháp quận, huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị này.

Sau khi tổ chức triển khai, đề nghị địa phương có sơ kết và báo cáo về Sở Tư pháp để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố và Bộ Tư pháp, chậm nhất là 20 tháng 12 năm 2005.

Trong quá trình thực hiện, mọi vấn đề còn khó khăn, vướng mắc phải báo cáo về Ủy ban nhân dân thành phố để chỉ đạo kịp thời./.

 

 

 

TM. UBND THÀNH PHỐ CẦN THƠ
CHỦ TỊCH




Võ Thanh Tòng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 22/2005/CT-UBND về tăng cường tổ chức và hoạt động của cơ quan tư pháp cấp huyện và xã do thành phố Cần Thơ ban hành

  • Số hiệu: 22/2005/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 02/12/2005
  • Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ
  • Người ký: Võ Thanh Tòng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản