Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/CT-UBND

Phú Thọ, ngày 25 tháng 3 năm 2013

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC TƯ PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự nỗ lực của ngành Tư pháp; công tác Tư pháp đã tiến hành triển khai đồng bộ, bám sát ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Chương trình công tác trọng tâm của Bộ Tư pháp, các mặt công tác Tư pháp nhìn chung đã có những bước chuyển biến tích cực, hoàn thành chức năng tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong việc cụ thể hóa các quy định của pháp luật phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm cơ bản, công tác Tư pháp trong thời gian qua còn một số hạn chế cần được khắc phục: Chất lượng xây dựng, tham gia thẩm định đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế, khả năng phản ứng chính sách, gắn kết với các nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương có lúc chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật hiệu quả chưa cao. Hoạt động tự kiểm tra, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật chưa được tiến hành thường xuyên; nhiều văn bản chứa quy phạm pháp luật của các sở, ngành, các huyện, thành, thị ban hành không đúng về thể thức, nội dung, thẩm quyền. Hoạt động của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật, nhất là cấp huyện hiệu quả chưa cao. Nội dung, hình thức phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật chưa thực sự có nhiều đổi mới. Chất lượng các vụ việc trợ giúp pháp lý, nhất là trợ giúp pháp lý trong tố tụng chưa được tiến hành thường xuyên, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu. Công tác quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực theo chức năng còn nhiều hạn chế; việc theo dõi, kiểm tra công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, chứng thực chưa được tiến hành thường xuyên, còn để xảy ra tình trạng sai sót về trình tự, thủ tục. Việc phát triển các tổ chức hành nghề công chứng chưa đồng đều. Triển khai ứng dụng phần mềm lý lịch tư pháp dùng chung theo yêu cầu của Bộ Tư pháp còn chậm so với tiến độ chung của cả nước. Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của các luật sư và tổ chức hành nghề luật sư còn hạn chế. Tổ chức, bộ máy các cơ quan Tư pháp chậm được củng cố kiện toàn, nhất là trên các lĩnh vực công tác mới được giao như: theo dõi thi hành pháp luật, bồi thường trách nhiệm của Nhà nước, lý lịch tư pháp, pháp chế…

Để nâng cao hiệu quả công tác Tư pháp trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:

 1. Sở Tư pháp tỉnh Phú Thọ:

Thực hiện sắp xếp, bố trí cán bộ, nâng cao năng lực, hiệu quả của các phòng, đơn vị trực thuộc Sở. Tổ chức thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Chương trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác Tư pháp năm 2013 đã được phê duyệt tại Quyết định số 653/QĐ-UBND ngày 13/3/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh; Tập trung vào một số nội dung chủ yếu như sau:

1.1. Thực hiện tốt các nhiệm vụ về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với cải cách thủ tục hành chính; tích cực tham mưu, đề xuất sửa đổi Hiến pháp 1992; thực hiện quyết liệt, tạo bước đột phá trong công tác xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật. Tổ chức triển khai thực hiện Nghị định số 59/2012/NĐ-CP, Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2013 đúng quy định. Kết hợp có hiệu quả giữa công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật với kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật.

Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, đưa công tác này thực sự đi vào cuộc sống, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp.

1.2. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý và rà soát văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời phát hiện, kiến nghị xử lý các văn bản chồng chéo, mâu thuẫn nhằm đảm bảo tính thống nhất của hệ thống văn bản pháp luật của địa phương.

1.3. Tăng cường quản lý nhà nước trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đưa các luật được Quốc hội ban hành năm 2012 sớm đi vào cuộc sống: Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Phổ biến giáo dục pháp luật…Phối hợp với Sở Tài chính báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về mức chi bảo đảm cho công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh.

1.4. Nâng cao hiệu quả công tác Hành chính tư pháp. Thực hiện đúng quy định, thủ tục, trình tự đối với công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trong nước và có yếu tố nước ngoài. Đẩy mạnh kiểm tra công tác công chứng, chứng thực, đảm bảo đúng quy định của Luật Công chứng, Nghị định số 79/2007/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 10/2012/QĐ-UBND ngày 08/3/2012 của UBND tỉnh về việc thực hiện công chứng hợp đồng, giao dịch, văn bản về bất động sản trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

1.5. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh về triển khai thi hành Luật Giám định tư pháp. Triển khai thực hiện có hiệu quả Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư và Chiến lược phát triển đội ngũ luật sư đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện “Quy chế Bán đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuế đất” nhằm đưa công tác bán đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh đi vào nền nếp, đúng theo quy định pháp luật; đồng thời tăng cường năng lực hoạt động của Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản.

1.6. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân theo đúng quy định của pháp luật, góp phần tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, phòng chống tham nhũng, lãng phí    .

1.7. Kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác tư pháp, pháp chế; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

2. Sở Nội vụ tỉnh Phú Thọ:

2.1. Phối hợp với Sở Tư pháp tham mưu cho UBND tỉnh việc cân đối, bố trí cán bộ, thành lập các Phòng Pháp chế tại các sở, ngành, đơn vị theo quy định tại Nghị định số 55/2011/NĐ-CP của Chính phủ.

2.2. Chỉ đạo các huyện, thành, thị rà soát, củng cố và tăng cường đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp cấp huyện, cấp xã bảo đảm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

3. Các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh:

3.1. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ quyền hạn được giao, phối hợp chặt chẽ với Sở Tư pháp để thực hiện tốt công tác Tư pháp trên địa bàn.

3.2. Bố trí, sắp xếp cán bộ để làm công tác pháp chế theo quy định tại Nghị định số 55/2011/NĐ-CP của Chính phủ.

4. Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị:

4.1. Căn cứ thẩm quyền được giao, chỉ đạo thực hiện tốt công tác tư pháp trên địa bàn.

4.2. Rà soát đội ngũ cán bộ Phòng Tư pháp cấp huyện, cán bộ Tư pháp- Hộ tịch cấp xã; bố trí cán bộ làm công tác Tư pháp ở cấp huyện và cấp xã đủ số lượng, chất lượng để hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác Tư pháp trên địa bàn.

4.3. Chú trọng thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; công tác thẩm định, xây dựng văn bản; công tác quản lý nhà nước về hộ tịch; công tác công chứng, chứng thực theo đúng quy định của Luật Công chứng, Nghị định số 79/2007/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 10/2012/QĐ-UBND ngày 08/3/2012 của UBND tỉnh về việc thực hiện công chứng hợp đồng, giao dịch, văn bản về bất động sản trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

5. Đề nghị UBMTTQ tỉnh, các đoàn thể nhân dân của tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện tốt công tác Tư pháp, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Tư pháp trong thời gian tới./.

 

 

CHỦ TỊCH




Hoàng Dân Mạc

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 02/CT-UBND năm 2013 về tăng cường công tác Tư pháp trong thời gian tới do tỉnh Phú Thọ ban hành

  • Số hiệu: 02/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 25/03/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Phú Thọ
  • Người ký: Hoàng Dân Mạc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản