Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 219-TTg | Hà Nội, ngày 14 tháng 06 năm 1975 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TỔ CHỨC THANH TOÁN CÔNG NỢ DÂY DƯA TRONG CÁC TỔ CHỨC KINH TẾ QUỐC DOANH, CƠ QUAN NHÀ NƯỚC, ĐƠN VỊ BỘ ĐỘI
Công nợ dây dưa giữa các ngành, các tổ chức kinh tế, cơ quan Nhà nước, đơn vị bộ đội rất nghiêm trọng và kéo dài từ nhiều năm nay, một mặt phản ánh các khó khăn, nhược điểm, khuyết điểm trong quản lý kinh tế, mặt khác đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của nhiều ngành kinh tế.
Các ngành, các tổ chức kinh tế quốc doanh, cơ quan Nhà nước, đơn vị bộ đội phải khẩn trương giải quyết các khoản công nợ dây dưa từ trước đến ngày 31 tháng 12 năm 1974, xem đây là công tác quan trọng trong việc tăng cường quản lý tài chính năm 1975, nhằm đưa hoạt động kinh tế sớm trở lại bình thường, góp phần ổn định tình hình quản lý xí nghiệp, tăng cường và củng cố chế độ hạch toán kinh tế.
Các thủ trưởng đơn vị cơ sở phải cùng với kế toán trưởng trực tiếp nắm, đôn đốc, kiểm tra và có biện pháp giải quyết cụ thể từng khoản công nợ dây dưa, đồng thời tiến hành xử lý, thanh lý tài sản tổn thất, ứ đọng, kém, mất phẩm chất theo đúng quyết định số 107-CP ngày 7-5-1974 của Hội đồng Chính phủ.
Các cơ quan quản lý (Bộ, Tổng cục, Sở, Ty…) phải chỉ đạo, giúp đỡ, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị cơ sở tổ chức thanh toán công nợ dây dưa, xử lý các tranh chấp và tổ chức thanh toán bù trừ công nợ giữa các đơn vị trong nội bộ ngành ; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, cơ quan tài chính và các cơ quan có liên quan giải quyết các khoản tranh chấp với các đơn vị ngoài ngành.
Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố phải trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thanh toán công nợ dây dưa giữa các ngành, đơn vị cơ sở trong địa phương ; cần tổ chức bộ phận giúp việc gồm một số cán bộ ngân hàng và cán bộ tài chính có năng lực đi sâu nắm công việc và kiến nghị biện pháp giải quyết.
Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính được Hội đồng Chính phủ giao trách nhiệm chỉ đạo thanh toán công nợ dây dưa trong nền kinh tế như đã nói trong quyết định số 107-CP ngày 7-5-1974 của Hội đồng Chính phủ, có nhiệm vụ :
- Tổ chức, hướng dẫn, giúp đỡ, đôn đốc, kiểm tra việc thanh toán công nợ dây dưa ;
- Xử lý các vụ tranh chấp về thanh toán công nợ dây dưa ;
- Thực hiện các chủ trương, biện pháp cần thiết để thúc đẩy việc thanh toán công nợ dây dưa và chấp hành nghiêm chỉnh chế độ, nguyên tắc thanh toán của Nhà nước ;
- Hướng dẫn các ngành, đơn vị cơ sở giải quyết nguồn vốn thanh toán công nợ dây dưa.
Nguồn vốn để thanh toán công nợ dây dưa gồm có vốn tự có của các đơn vị cơ sở, vốn cấp phát của ngân sách Nhà nước và vốn cho vay của Ngân hàng Nhà nước.
Để kịp thời cấp phát hoặc cho vay các nhu cầu vốn chưa dự kiến trong năm kế hoạch để thanh toán công nợ dây dưa, Bộ tài chính được phép vay vốn của Ngân hàng Nhà nước và chuyển vào một tài khoản riêng tại Ngân hàng Nhà nước, và Ngân hàng Nhà nước được sử dụng một hình thức tín dụng gọi là: “Tín dụng đặc biệt được Chính phủ cho phép để thanh toán công nợ dây dưa”.
Các đơn vị cơ sở và các cơ quan quản lý (Bộ, Tổng cục, Sở, Ty…) phải tiến hành xử lý, thanh lý các khoản tổn thất phát hiện qua việc thanh toán công nợ dây dưa.
Hàng quý, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính phải tổng hợp báo cáo tình hình tổn thất tài sản và cho vay về thanh toán công nợ dây dưa không thể thu hồi được ; cuối đợt thanh toán, phải trình Chính phủ xét để tất toán tài khoản “Bộ Tài chính vay Ngân hàng để cấp phát thanh toán công nợ dây dưa” và tài khoản “Tín dụng đặc biệt được Chính phủ cho phép để thanh toán công nợ dây dưa ”.
Đi đôi với việc tổ chức thanh toán công nợ dây dưa cũ, các đơn vị cơ sở phải tổ chức chấp hành nghiêm chỉnh các chế độ quản lý hiện hành và các cơ quan quản lý (Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước…) phải phối hợp nghiên cứu đề ra các biện pháp để ngăn ngừa công nợ dây dưa mới phát sinh.
Nghiêm cấm mọi việc mua chịu, bán chịu hàng hóa, ứng trước, trả trước tiền hàng và nhận các khoản tiền đó (trừ trường hợp được Thủ tướng Chính phủ cho phép). Cả hai bên vi phạm điều này đều phải chịu phạt 1% số tiền vi phạm và nộp ngay vào ngân sách Nhà nước. Nguồn tiền và thể thức trích nộp phạt áp dụng như điều 19 bản Điều lệ về chế độ hợp đồng kinh tế số 54-CP ngày 10 tháng 3 năm 1975.
Trong khi tiến hành thanh toán công nợ dây dưa, gặp trường hợp có khó khăn do cán bộ làm việc này đã chuyển công tác đi cơ quan khác, thì Bộ, Tổng cục chủ quản được quyền yêu cầu cán bộ đó trở về để giải quyết cho đến khi xong việc. Cơ quan có cán bộ được triệu tập phải bố trí để cán bộ đó trở lại ngay đơn vị cũ và không được cản trở hoặc từ chối việc này.
Hai bên chủ nợ và mắc nợ phải tiến hành đối chiếu, xác minh các khoản công nợ để thanh toán, không được viện bất cứ lý do gì để trì hoãn. Quá thời hạn nhất định kể từ ngày đơn vị chủ nợ yêu cầu đối chiếu, đơn vị mắc nợ không đối chiếu hoặc từ chối thanh toán không có lý do chính đáng, bị coi như đã công nhận khoản nợ đó và phải thanh toán.
| K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
- 1Thông tư 04-LB/NH/TC-1975 về việc thanh toán công nợ dây dưa trong các Tổ chức kinh tế Quốc doanh, cơ quan Nhà nước, đơn vị Bộ đội do Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước ban hành
- 2Chỉ thị 30/TT-CT năm 199 thực hiện QĐ 88-Ct và QĐ 101-CT về việc thanh toán công nợ giữa các đơn vị tổ chức kinh tế do Chủ tịch Trọng tài kinh tế Nhà nước ban hành
- 3Nghị định 54-CP năm 1975 Điều lệ về chế độ hợp đồng kinh tế do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 1Thông tư 04-LB/NH/TC-1975 về việc thanh toán công nợ dây dưa trong các Tổ chức kinh tế Quốc doanh, cơ quan Nhà nước, đơn vị Bộ đội do Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước ban hành
- 2Chỉ thị 30/TT-CT năm 199 thực hiện QĐ 88-Ct và QĐ 101-CT về việc thanh toán công nợ giữa các đơn vị tổ chức kinh tế do Chủ tịch Trọng tài kinh tế Nhà nước ban hành
- 3Nghị định 54-CP năm 1975 Điều lệ về chế độ hợp đồng kinh tế do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
Chỉ thị 219-TTg năm 1975 về tổ chức thanh toán công nợ dây dưa trong các tổ chức kinh tế quốc doanh, cơ quan Nhà nước, đơn vị bộ đội do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 219-TTg
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 14/06/1975
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Đặng Việt Châu
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 11
- Ngày hiệu lực: 29/06/1975
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra