THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM ***** |
Số: 212-TTg | Hà Nội, ngày 15 tháng 05 năm 1977 |
VỀ VIỆC XÂY DỰNG KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC 5 NĂM (1976-1980) VÀ KẾ HOẠCH NĂM 1978
Việc xây dựng kế hoạch Nhà nước 5 năm (1976-1980) kết hợp với việc xây dựng kế hoạch năm 1978 có tầm quan trọng rất lớn đối với việc tổ chức thực hiện phương hướng, nhiệm vụ và những mục tiêu chủ yếu về kinh tế, văn hóa, xã hội mà nghị quyết Đại hội lần thức IV của Đảng đã đề ra, trong việc xây dựng kế hoạch từ dưới lên, các ngành, các cấp và các đơn vị cơ sở phải nắm vững những tư tưởng chỉ đạo, nội dung và phương pháp kế hoạch hóa như sau.
I. TƯ TƯỞNG CHỈ ĐẠO VIỆC XÂY DỰNG KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC 5 NĂM (1976-1980)
Việc xây dựng kế hoạch Nhà nước 5 năm (1976-1980) phải quán triệt những tư tưởng chỉ đạo sau đây:
1. Phải quán triệt đường lối của Đảng, nhiệm vụ công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, phương hướng, nhiệm vụ và những mục tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm (1976-1980) nêu trong nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Đảng vào kế hoạch của từng ngành, từng địa phương, từng đơn vị cơ sở. Tập trung cao độ sức lực của cả nước, của các ngành, các cấp để tạo ra một bước phát triển vượt bậc về nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển lâm nghiệp, ngư nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng; đồng thời tích cực xây dựng và phát triển công nghiệp nặng nhằm thực hiện cùng một lúc hai mục tiêu vừa cơ bản vừa cấp bách là xây dựng một bước cơ sở vật chất – kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, cải thiện một bước đời sống của nhân dân.
2. Căn cứ vào phương hướng, nhiệm vụ của kế hoạch 5 năm mà Đại hội Đảng đã đề ra, bám sát hoàn cảnh thực tế của những năm trước mắt, cần giải quyết đúng đắn các mối quan hệ lớn về kinh tế: quan hệ kết hợp công nghiệp và nông nghiệp, xây dựng nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa với cơ cấu kinh tế công – nông nghiệp, trong đó việc xây dựng cấp huyện trở thành đơn vị kinh tế nông – công nghiệp có vị trí rất quan trọng; kết hợp việc xây dựng kinh tế trung ương và việc phát triển kinh tế địa phương; kết hợp việc phát triển lực lượng sản xuất với việc đẩy mạnh cải tạo xã hội chủ nghĩa, củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất mới; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ của nước ta đi đôi với mở rộng quan hệ về kinh tế, khoa học – kỹ thuật với nước ngoài, trong đó việc đẩy mạnh xuất khẩu là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, có tính chiến lược; kết hợp nhiệm vụ phát triển kinh tế với nhiệm vụ củng cố quốc phòng, triển khai mạnh và sử dụng tốt lực lượng quân đội làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế; tranh thủ kỹ thuật hiện đại, cơ giới đồng thời tận dụng kỹ thuật thủ công, nửa cơ giới, kết hợp quy mô lớn với quy mô vừa và nhỏ.
3. Phát huy cao độ tinh thần tự lực tự cường, bố trí và tạo các điều kiện để cân đối kế hoạch với tinh thần tích cực, vững chắc và sinh động. Phải tìm mọi biện pháp, phân bố và sử dụng tốt lao động xã hội, khai thác mọi khả năng của ngành mình, địa phương mình, đơn vị mình để khắc phục những mặt còn chưa cân đối, nhằm bảo đảm thực hiện những chỉ tiêu số kiểm tra đã được giao mà không đòi hỏi cấp trên cung cấp thêm điều kiện vật chất kỹ thuật, đặc biệt là các vật tư, thiết bị nhập khẩu.
4. Chấp hành chính sách tiết kiệm một cách toàn diện và triệt để, thể hiện cụ thể trong kế hoạch của tất cả các ngành, các cấp, các đơn vị cơ sở bằng các chỉ tiêu chất lượng như: giảm hao phí lao động, giảm tiêu hao vật tư cho một đơn vị sản phẩm, tăng tỷ lệ sử dụng thời gian và công suất của máy móc, thiết bị, rút ngắn thời gian xây dựng, tăng hiệu quả đầu tư xây dựng cơ bản…, các chỉ tiêu về thu hồi và tận dụng phế liệu, phế phẩm, v.v…. Phải kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện các định mức và có thưởng phạt nghiêm minh. Các chỉ tiêu về vật tư, thiết bị, lao động phải được tính toán theo tinh thần mau chóng trở lại ngang định mức trước thời kỳ chiến tranh (1964), và sau đó phải đạt mức tiên tiến hơn. Năm 1978, yêu cầu cấp bách là phải xây dựng một hệ thống định mức toàn diện, bao gồm định mức tiêu hao và dự trữ vật tư, định mức sử dụng thiết bị, định mức lao động, định mức trong công tác xây dựng cơ bản, định mức vốn lưu động. Bước đầu là phải soát xét lại hệ thống định mức hiện có, nghiêm chỉnh thực hiện các định mức đã ban hành.
5. Thúc đẩy công tác nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học và tiến bộ kỹ thuật trong các ngành kinh tế, vận dụng tốt những thành tựu khoa học – kỹ thuật của thế giới để tạo nên những bước tiến mạnh mẽ về tăng năng suất trồng trọt và chăn nuôi, tăng năng suất lao động, tìm vật tư trong nước thay thế nguyên liệu nhập khẩu, làm ra nhiều mặt hàng mới phù hợp với yêu cầu của sản xuất và đời sống nhân dân.
6. Việc xây dựng kế hoạch 5 năm phải gắn liền với việc tổ chức lại sản xuất, cải tiến quản lý kinh tế trong từng ngành, từng địa phương, từng đơn vị cơ sở để phân bố và sử dụng tốt lao động xã hội, tận dụng năng lực sản xuất hiện có, thực hiện tốt các chỉ tiêu chất lượng, phấn đấu tăng sản lượng nhằm góp phần tích cực khắc phục các mặt mất cân đối trong nền kinh tế quốc dân và đạt hiệu quả kinh tế ngày càng cao.
7. Kết hợp chặt chẽ xây dựng chủ nghĩa xã hội với việc cải tạo xã hội chủ nghĩa. Ra sức phát triển lực lượng quốc doanh trong các ngành kinh tế. Hoàn thành sớm việc xóa bỏ các tàn tích bóc lột phong kiến và xúc tiến nhanh công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa ở các tỉnh, thành phố phía Nam, kết hợp chặt chẽ hợp tác hóa nông nghiệp với thủy lợi hóa và cơ giới hóa. Trong các vùng kinh tế mới, cần xúc tiến việc tổ chức các công trường quốc doanh, các hợp tác xã. Ra sức khắc phục những mặt tiêu cực của thành phần kinh tế tư bản tư doanh và kinh tế cá thể, phát huy thế mạnh của nền kinh tế thống nhất, mở đường cho bước phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế cả nước đi lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Trong quá trình cải tạo xã hội chủ nghĩa, các thành phần kinh tế tư nhân còn tồn tại trong một thời gian nhất định nhưng phải chịu sự chi phối của kinh tế xã hội chủ nghĩa và phải hoạt động theo quỹ đạo của kế hoạch Nhà nước. Do đó, kế hoạch Nhà nước phải tính đến việc khai thác và phát huy năng lực sản xuất, xây dựng của tư nhân ở các tỉnh và thành phố phía Nam, nhất là các cơ sở thủ công nghiệp và tiểu công nghiệp (kể cả thủ công nghiệp gia đình).
8. Trong quá trình xây dựng kế hoạch, cần đánh giá đúng tình hình, nhìn thẳng vào khó khăn, đồng thời thấy rõ thuận lợi và khả năng chung của cả nước, của từng ngành, từng địa phương, từng đơn vị cơ sở để bố trí kế hoạch. Cần phát huy tinh thần làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, tinh thần cách mạng tiến công, khắc phục các tư tưởng hoài nghi, trông chờ, ỷ lại đang gây trở ngại lớn cho việc xây dựng kế hoạch và thực hiện kế hoạch Nhà nước.
Tất cả các địa phương, các ngành phải nêu rõ phương hướng, nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch 5 năm và riêng kế hoạch năm 1978. Khi xây dựng kế hoạch, cần tôn trọng số kiểm tra Nhà nước đã giao, nhất là về vật tư, tiền vốn, thu mua, giao nộp sản phẩm, quỹ tiền lương…. Các ngành, các địa phương nếu có điều kiện phát triển nhanh, vược qua số kiểm tra mà không xin thêm vật tư, thiết bị thì rất tốt, nhưng nếu ngược lại phải thêm vật tư và thiết bị thì các chỉ tiêu này cần được tính toán riêng để cho kế hoạch chung khỏi bị động, và sẽ được trình bày cụ thể trong quá trình làm việc, báo cáo kế hoạch.
II. NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP LẬP KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC 5 NĂM (1976-1980)
Từng Bộ, Tổng cục phải căn cứ vào nghị định số 172-CP của Hội đồng Chính phủ, căn cứ vào số kiểm tra kế hoạch Nhà nước đã giao cho ngành, chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch và tổng hợp kế hoạch toàn ngành trong cả nước.
1. Một số yêu cầu chung về kế hoạch của các ngành.
- Kế hoạch toàn ngành, bao gồm phần do trung ương quản lý và phần do địa phương quản lý, chia theo các thành phần kinh tế: quốc doanh tập thể, công tư hợp doanh, cá thể và tư bản tư doanh. Các Bộ, Tổng cục dự kiến phân chia các chỉ tiêu kế hoạch của toàn ngành cho từng cơ quan quản lý, liên hiệp các xí nghiệp, công ty, xí nghiệp liên hợp, nhóm sản phẩm và chia theo từng địa bàn tỉnh,thành phố; thực hiện việc phân công và hợp tác sản xuất giữa các ngành, phân cấp quản lý kinh tế giữa trung ương và địa phương.
Kế hoạch phát triển sản xuất và kinh doanh của ngành phải kết hợp chặt chẽ với nhiệm vụ cải tạo xã hội chủ nghĩa ở các tỉnh, thành phố phía Nam. Phải tích cực phát triển lực lượng quốc doanh để làm tôt nòng cốt của từng ngành.
- Kế hoạch ngành phải tính toán chặt chẽ vốn đầu tư cơ bản theo nguyên tắc: nếu chưa tận dụng hết công suất hiện có thì không đầu tư xây dựng mới thêm (trừ trường hợp đặc biệt); bảo đảm công trình được ghi vào kế hoạch phải có điều kiện thực hiện. Khi phân bố vốn đầu tư, cần chú trọng cả những địa phương có nhiều tiềm năng góp phần thực hiện các mục tiêu chủ yếu và những địa phương mà kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với miền núi và các vùng bị chiến tranh tàn phá nhiều.
- Từng ngành phải có kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu, bố trí tập trung các biện pháp đồng bộ về vốn đầu tư, cung ứng vật tư… để hình thành các vùng, các cơ sở chế biến, sản xuất các mặt hàng xuất khẩu. Tính toán chặt chẽ nhu cầu về nhập khẩu, giảm dần và tiến tới không nhập khẩu các nguyên liệu, thiết bị, phụ tùng, hàng tiêu dùng mà trong nước có thể sản xuất được.
- Phải tính toán kỹ hiệu quả kinh tế của sản xuất, kinh doanh trong từng ngành như: mức đáp ứng nhu cầu trong nước, mức tăng xuất khẩu, so sánh giữa vốn đầu tư cơ bản với mức tăng sản lượng, giữa khối lượng vật tư, thiết bị của Nhà nước cung ứng với khối lượng sản phẩm thu mua, giao nộp cho Nhà nước,v.v…
Các ngành phải căn cứ vào số kiểm tra kế hoạch đã giao (về vốn và vật tư), chỉ đạo các địa phương và các đơn vị trực thuộc xây dựng cho sát; nếu số yêu cầu vượt quá xa số kiểm tra, thì từng ngành phải tính toán, cân đối, xử lý và báo cáo lên trên.
2. Nội dung kế hoạch của một số ngành chủ yếu
Cần chú trọng những điểm sau đây:
a) Kế hoạch nông nghiệp.
- Kế hoạch của ngành nông nghiệp gắn chặt với việc tổ chức lại sản xuất nông nghiệp từ cơ sở theo hướng tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa; hình thành các vùng sản xuất tập trung chuyên canh, các vùng kinh tế mới; gắn chặt kế hoạch sản xuất nông nghiệp với kế hoạch thu mua và chế biến nông sản, kế hoạch khai hoang với phân bố lực lượng lao động.
- Tập trung giải quyết vấn đề lương thực, đồng thời phát triển nông nghiệp toàn diện, tạo điều kiện cân đối giữa trồng trọt và chăn nuôi.
- Bảo đảm cân đối giữa các chỉ tiêu sản xuất với các chỉ tiêu biện pháp trong toàn ngành và từng vùng, như thủy lợi, cơ giới hóa nông nghiệp, cung ứng vật tư kỹ thuật, điều động lao động giữa các vùng, thu mua, giao nộp sản phẩm,v.v… Tập trung đầu tư vào những vùng có sản lượng hàng hóa cao, các vùng vành đai thực phẩm ở các thành phố và khu công nghiệp, các vùng nguyên liệu cho các nhà máy và phục vụ xuất khẩu; đồng thời phải quan tâm đến những vùng gặp khó khăn (miền núi,v.v…).
- Kế hoạch nông nghiệp phải chú trọng việc củng cố và phát triển nông trường; khi xét duyệt việc lập nông trường mới, cần xác định rõ phương hướng sản xuất, sản phẩm chủ yếu và các chỉ tiêu chất lượng, vốn đầu tư, hiệu quả sản xuất, giá thành, tích lũy, v.v…
b) Kế hoạch lâm nghiệp.
- Các chỉ tiêu kế hoạch về trồng rừng, bảo vệ và tu bổ rừng phải được bố trí cân đối với chỉ tiêu về đầu tư vốn, thiết bị, vật tư và lao động theo từng vùng, nhằm hình thành các vùng rừng cây tập trung phục vụ nhu cầu của các ngành công nghiệp mỏ, giấy, sợi. Gắn chặt việc trồng rừng, khai thác rừng với việc định canh, định cư, giao đất rừng và rừng cho hợp tác xã kinh doanh theo quy hoạch chung. Trong từng vùng, phải đánh giá lại diện tích rừng, diện tích có thể khai thác được; việc xác định chỉ tiêu diện tích trồng rừng trong các năm tới phải đi liền với kế hoạch bảo đảm giống cây và kế hoạch tiến hành khảo sát, thiết kế, phân bổ trồng cho từng năm…. Đặc biệt, phải xác định rõ mức đáp ứng nhu cầu cho các ngành công nghiệp mỏ, giấy, sợi… trong kế hoạch 5 năm (1976 – 1980) và kế hoạch 5 năm sau, theo chu kỳ khai thác, cân đối với yêu cầu của các nhà máy đã có và sẽ đưa vào sản xuất.
- Gắn liền kế hoạch khai thác với kế hoạch chế biến (trước hết là cưa xẻ, ngâm tẩm gỗ) và cung ứng gỗ, lâm sản nhằm nâng cao tỷ lệ gỗ thành khí, sử dụng tổng hợp gỗ cành ngọn, tiết kiệm gỗ. Bắt đầu từ kế hoạch năm 1978, phải thể hiện biện pháp cụ thể về vận chuyển, phân phối, sử dụng gỗ cành ngọn… Phân bổ lại mạng lưới cưa xẻ gỗ đưa các cơ sở này về gần nguồn nguyên liệu, nhất là ở các tỉnh phía Nam.
- Có kế hoạch phát triển nhanh lực lựong khai thác quốc doanh ở những vùng khai thác tập trung, đồng thời xác định rõ khu vực khai thác và kế hoạch cung ứng xăng, dầu, phụ tùng, lương thực… để sử dụng và quản lý tốt lực lượng khai thác, vận chuyển của tư nhân ở phía Nam, bảo đảm thu mua, điều động đủ số lượng gỗ, lâm sản theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước. Ngoài gỗ, cần chú trọng các lâm sản khác như: củi, nứa giấy, nhựa thông, cánh kiến phục vụ xuất khẩu.
c) Kế hoạch ngư nghiệp (nuôi, khai thác và chế biến thủy sản).
- Xác định các biện pháp đồng bộ phục vụ cho khai thác cá và hải sản khác, như: tàu, thuyền, phụ tùng, xăng, dầu và các cơ sở hậu cần (bến cá, kho lạnh, cung ứng nước đá, sửa chữa…). Chú trọng tận dụng phương tiện khai thác hiện có. Kế hoạch năm 1978 phải thể hiện sự biến chuyển rõ về tổ chức lực lượng thi công và tăng tỷ trọng đầu tư cho ngành hải sản.
- Kết hợp kế hoạch khai thác với kế hoạch chế biến cá và hải sản khác, phát triển các cơ sở quốc doanh liên hợp đánh bắt, chế biến cá, và hợp tác xã nghề cá, tổ chức những cơ sở chế biến tôm, cá và hải sản khác chuyên phục vụ xuất khẩu.
- Làm tốt kế hoạch thu mua, điều động hải sản. Ngành hải sản thông qua việc cung ứng xăng dầu, phụ tùng… bảo đảm thu mua cá và hải sản khác của hợp tác xã và ngư dân trong từng khu vực, từng huyện (thị xã…), theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước (cả số lượng và chất lượng hải sản). Ngành hải sản phối hợp với các ngành nội thương, ngoại thương, vận tải… để tổ chức tốt việc điều động hải sản cho các nhu cầu ăn tươi, chế biến và xuất khẩu… giữa các vùng và từ phía Nam ra phía Bắc.
d) Kế hoạch công nghiệp
- Các Bộ, Tổng cục quản lý công nghiệp phải xúc tiến việc xây dựng quy hoạch ngành; lập kế hoạch phân công sản xuất giữa công nghiệp trung ương và công nghiệp địa phương, giữa cơ sở quốc doanh và cơ sở tập thể trong toàn ngành và trên từng khu vực nhằm tận dụng tổng hợp năng lực sản xuất, kỹ thuật, nguồn nguyên liệu tại chỗ.
- Các ngành công nghiệp nhẹ và công nghiệp thực phẩm (kể cả tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp) cần nghiên cứu kỹ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, nhu cầu của phụ nữ, của trẻ em và nhu cầu xuất khẩu, đặt kế hoạch phát triển sản xuất mặt hàng mới, nâng cao sản lượng và chất lượng của sản phẩm để đáp ứng cao nhất nhu cầu tiêu dùng trong nước. Xây dựng nguồn hàng xuất khẩu chủ lực và phát triển các cơ sở chuyên phục vụ xuất khẩu. Năm 1978 phải đặt mạnh việc chế biến màu nhất là ngô, sắn gắn chặt kế hoạch chế biến với kế hoạch thu mua, phân phối, bảo đảm tăng tỷ trọng cung cấp màu trong lương thực.
- Các ngành công nghiệp nặng, như điện, than, hóa chất, vật liệu xây dựng và nhất là cơ khí, phải xác định rõ mức độ phục vụ nông nghiệp và các ngành lâm nghiệp, ngư nghiệp giao thông vận tải, xây dựng cơ bản… Cung ứng đủ công cụ thường và công cụ cải tiến, đáp ứng phần lớn nhu cầu về phụ tùng thông thường, các loại vật liệu, phân bón, hóa chất thông thường…
- Khai thác đến mức cao nhất năng lực sản xuất hiện có, (cả lực lượng quốc doanh và tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp), chú ý việc đầu tư theo chiều sâu để sử dụng tốt năng lực hiện có; đồng thời khẩn trương chuẩn bị điều kiện cho việc xây dựng các công trình chủ yếu trong những năm tiếp theo.
Tính toán chặt chẽ nhu cầu về vật tư, giảm định mức tiêu hao vật tư: nghiên cứu, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, tìm ra những vật tư trong nước để thay thế vật tư nhập khẩu; tận dụng phế liệu, phế phẩm (sắt vụn, giấy vụn, bao bì, cọc pin…); tổ chức thu mua những nguyên liệu trong nước (dầu dừa, bông, đay, hạt có dầu…). những chỉ tiêu này phải được thể hiện trong kế hoạch cho địa phương và xí nghiệp.
d) Kế hoạch xây dựng.
- Tiến hành cân đối năng lực xây dựng theo từng ngành (xây dựng công nghiệp, xây dựng dân dụng; xây dựng mỏ, đường dây và trạm biến thế điện; xây dựng giao thông, v.v….) và theo khu vực xây dựng. Bộ xây dựng lập kế hoạch thi công trên cơ sở tổng hợp, cân đối toàn bộ kế hoạch xây dựng công nghiệp và xây dựng dân dụng, kiến nghị việc phân công hợp lý giữa Bộ Xây dựng với các Bộ khác, với các Ty, Sở xây dựng. Các Bộ, Tổng cục phụ trách xây dựng chuyên ngành (giao thông, thủy lợi…) tổng hợp cân đối toàn bộ kế hoạch xây dựng chuyên ngành và phân công xây dựng giữa trung ương với địa phương.
Các Bộ, Tổng cục (kể cả Tổng cục Xây dựng kinh tế Bộ Quốc phòng), các địa phương có ngành xây dựng công nghiệp và ngành xây dựng dân dụng, sau khi đã tổng hợp cân đối toàn bộ kế hoạch của 2 ngành xây dựng đó, cần gửi tài liệu và làm việc kịp thời với Bộ Xây dựng để Bộ Xây dựng thẩm tra và tổng hợp, cân đối toàn ngành xây dựng công nghiệp và xây dựng dân dụng.
Bộ Xây dựng phối hợp với các Bộ có lực lượng xây dựng và các địa phương sắp xếp lại lực lượng xây dựng trên từng khu vực, hình thành các tổ chức chuyên đảm nhận một số khâu trong xây dựng (làm đầt, san nền…) nhằm sử dụng hợp lý hơn năng lực các thiết bị thi công… Đồng thời phải lập cân đối tổng hợp giữa lực lượng thi công (bao gồm lực lượng của Bộ Xây dựng, của các bộ khác và của địa phương) với vật liệu xây dựng trên từng khu vực, trước hết là các khu vực xây dựng lớn. Để đảm bảo xây dựng dứt điểm và đồng bộ từng công trình, các Bộ, Tổng cục và địa phươnng phụ trách xây dựng phải cùng với cơ quan chủ quản công trình và một số cơ quan hữu quan (ngoại thương, vận tải, v.v…) lập kế hoạch, tiến độ thi công toàn bộ công trình. Đối với công trình lớn phải thi công trong nhiều năm, cần lập kế hoạch tiến độ thi công của các hạng mục xây dựng quan trọng.
- Lập kế hoạch phát triển các lực lượng xây dựng quốc doanh trung ương, quốc doanh địa phương, lực lượng xây dựng ở các hợp tác xã, huy động lao động nghĩa vụ và lao động xã hội chủ nghĩa… có kế hoạch sử dụng đi đôi với kế hoạch cải tạo và tổ chức lại lực lượng xây dựng của tư nhân. Từng ngành phải chú ý trang bị đủ công cụ lao động cải tiến với chất lượng ngày càng tốt cho đội ngũ lao động xây dựng, tìm cách vượt khó khăn để sử dụng cao nhất khả năng thiết bị thi công hiện có. Phải nghiên cứu xác định rõ tỷ lệ cơ giới hóa thi công, tỷ lệ công xưởng hóa sản xuất các cấu kiện lắp ghép phù hợp với khả năng và đối tượng xây dựng. Từng ngành phải nghiên cứu nhu cầu và tổng hợp kế hoạch trang thiết bị thi công cho các tổ chức xây dựng trong ngành, gửi tài liệu và làm việc với Bộ Xây dựng để thẩm tra, tổng hợp và trình Hội đồng Chính phủ.
e) Kế hoạch giao thông vận tải.
- Kế hoạch giao thông vận tải phải tính toán cân đối giữa nhu cầu về vận tải hàng hóa và vận chuyển hành khách (trong đó có yêu cầu đưa người đi xây dựng vùng kinh tế mới) với khả năng vận tải và xếp dỡ ở các cảng, đặc biệt là cảng Hải Phòng, trên từng tuyến đường, chú trọng nhũng tuyến đường chính như tuyến đường Bắc – Nam. tuyến Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, tuyến Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Tây Bắc và các tuyến chính đi các tỉnh miền núi… Phân phối hợp lý khối lượng vận tải cho từng phương thức vận tải đảm nhiệm, phát huy đến mức cao nhất năng lực trong từng phương thức vận tải.
Lập cân đối vận tải ô tô theo từng khu vực, nhất là về vận tải vật liệu xây dựng, chú trọng các trung tâm xây dựng lớn. Sắp xếp lại để sử dụng tốt lực lượng xe vận tải hiện có, nhất là lực lượng vận tải ô tô tư nhân ở các tỉnh phía Nam.
Có kế hoạch cụ thể và chỉ đạo chặt chẽ việc mua thêm, đóng mới và sửa chữa toa xe, đầu máy, các biện pháp khác để sử dụng hết năng lực của các tuyến đường sắt.
Có kế hoạch kết hợp các phương tiện vận tải, hình thành các liên hiệp vận tải có khả năng đảm nhiệm khối lượng vận tải lớn và liên tục từ nơi gửi hàng đến nơi nhận hàng. Tăng cường và mở rộng mạng lưới vận tải ở nông thôn để phục vụ tốt yêu cầu của nông nghiệp, lâm nghiệp.
- Từ cân đối vận tải. lập kế hoạch đầu tư xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp cảng biến, cảng sông, cầu đường, ga, lập kế hoạch cung ứng phương tiện vận tải và xếp dỡ, cung ứng phụ tùng; lập kế hoạch sửa chữa… Chú trọng đầu tư cho những tuyến đường đầu mối giao thông, bến cảng có yêu cầu vận tải lớn, bảo đảm cân đối đồng bộ các khâu; vận tải với giao thông, vận tải với xếp dỡ, phương tiện vận tải với sửa chữa, cung ứng nhiên liệu, phụ tùng.
g) Kế hoạch khoa học và kỹ thuật.
Kế hoạch khao học – kỹ thuật bao gồm những nhiệm vụ và chỉ tiêu về nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và những kết quả đạt được trong các ngành, đặc biệt là về: tăng năng suất lao động; tăng năng suất trồng trọt và chăn nuôi; sử dụng tốt thiết bị máy móc; nâng cao chất lượng của sản phẩm và công trình, đạt hiệu quả cao trong sản xuất và xây dựng; chế tạo nguyên liệu, vật liệu, thiết bị, phụ tùng thay thế những thứ phải nhập khẩu,… Từ các chỉ tiêu, nhiệm vụ nói trên, xác định đúng đắn kế hoạch đầu tư, kế hoạch đào tạo cán bộ, công nhân kỹ thuật trong các ngành, các địa phương và các đơn vị cơ sở.
h) Kế hoạch quân đội làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế.
Kế hoạch quân đội làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế bao gồm: kế hoạch xây dựng các vùng kinh tế mới (nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp kế hợp với công nghiệp chế biến); kế hoạch xây dựng các công trình công nghiệp và dân dụng, xây dựng giao thông, xây dựng thủy lợi; kế hoạch sản xuất công nghiệp (sản xuất vật liệu xây dựng, đánh cá và sản xuất hàng tiêu dùng, v.v…). Các mặt kế hoạch cần được bố trí cân đối theo nguyên tắc và chế độ kế hoạch hóa của Nhà nước; chú trọng huy động các khả năng tiềm tàng hiện có của quân đội, phải quan tâm đầy đủ hiệu quả kinh tế và bảo đảm giao nộp đầy đủ sản phẩm cho Nhà nước.
Các Bộ, các địa phương phải tích cực giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi để các lực lượng quân đội làm tốt nhiệm vụ xây dựng kinh tế, như giúp làm quy hoạch sản xuất, bố trí đất đai, thăm dò, khảo sát, thiết kế, đào tạo công nhân, cán bộ quản lý kinh tế và khoa học – kỹ thuật …. Bộ Quốc phòng cần thông báo những chỉ tiêu có liên quan cho các Bộ, các tỉnh, thành phố.
B. KẾ HOẠCH CỦA TÌNH, THÀNH PHỐ.
Căn cứ vào phương hướng, nhiệm vụ và các mục tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm (1976-1980), số kiểm tra kế hoạch giao cho các địa phương thể hiện tinh thần tích cực, quy mô sản xuất và xây dựng ngày càng lớn, tốc độ cao. Kinh tế địa phương phát triển ngày càng gắn bó hơn với các ngành kinh tế của trung ương được bố trí trên các vùng lãnh thổ theo hướng tập trung, chuyên môn hóa, từng bước thể hiện cơ cấu kinh tế công – nông nghiệp.
Sau khi nhận được số kiểm tra kế hoạch của Chính phủ, các tỉnh, thành phố cần triển khai ngay việc hướng dẫn các ngành, các huyện và đơn vị cơ sở xây dựng kế hoạch. Trước hết, phải nắm lại tình hình cơ bản của địa phương về các mặt: dân số, lao động, ruộng đất, rừng, biển, các tài nguyên, các cơ sở vật chất – kỹ thuật đã có, tình hình thực hiện kế hoạch trong các năm vừa qua, để có căn cứ cho việc xây dựng kế hoạch sát hợp với thực tế hơn. Xác định lại những mặt mạnh, mặt yếu của tình hình. Dựa vào dự kiến phân bố lực lượng sản xuất chung, kết hợp với số kiểm tra kế hoạch được giao, tỉnh, thành phố hướng dẫn cho huyện và đơn vị cơ sở xây dựng tốt kế hoạch, đề ra các yêu cầu, mục tiêu phấn đấu, nhất là về nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng, tăng nhanh hàng xuất khẩu và khả năng đóng góp với Nhà nước, yêu cầu về đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân …. Trong quá trình xây dựng kế hoạch, phải động viên khai thác mọi khả năng, tiềm lực của bản thân mình, tìm thêm đối tượng lao động nhằm sử dụng một cách hợp lý nhất sức lao động xã hội trong địa phương, tìm mọi biện pháp để khắc phục những mặc còn chưa cân đối trong kế hoạch kinh tế địa phương.
Phải nâng cao chất lượng của việc xây dựng và tổng hợp kế hoạch ở cấp tỉnh, thành phố, đồng thời thực hiện một bước việc kết hợp kế hoạch hóa theo ngành với kế hoạch hóa địa phương và vùng lãnh thổ.
Trước mắt, nội dung kinh tế địa phương ở tỉnh, thành phố có nhiều điểm mới. Với hướng phân cấp quản lý kinh tế, nội dung công tác kế hoạch ở cấp tỉnh, thành phố sẽ ngày càng toàn diện tốt hơn, khối lượng nhiều hơn. Do đó, kế hoạch ở cấp tỉnh, thành phố phải thể hiện đầy đủ nội dung kinh tế toàn diện của mình, đồng thời phải thể hiện được mọi hoạt động kinh tế, văn hóa của các ngành trung ương trong phạm vi địa phương, gắn chặt được kế hoạch kinh tế địa phương với kế hoạch kinh tế trung ương trên từng vùng lãnh thổ.
Trong quá trình xây dựng kế hoạch, ngoài việc hướng dẫn, giúp đỡ huyện xây dựng kế hoạch đối với khu vực kinh tế tập thể, cấp tỉnh phải quan tâm hơn đến việc xây dựng kế hoạch ở khu vực kinh tế tập thể, cấp tỉnh phải quan tâm hơn đến việc xây dựng kế hoạch ở khu vực kinh tế quốc doanh (xí nghiệp, nông trường, lâm trường công trường do tỉnh trực tiếp quản lý), xây dựng tốt các chỉ tiêu chất lượng, năng suất lao động, giảm giá thành, nộp lợi nhuận, tiết kiệm vật tư, tăng chất lượng sản phẩm; chú trọng cả kế hoạch hiện vật và giá trị, gắn liền việc xây dựng, thực hiện kế hoạch với công tác hạch toán kinh tế ở các đơn vị cơ sở.
Đối với kế hoạch cân đối theo địa phương và vùng lãnh thổ, trong số kiểm tra kế hoạch, đã có đề cập tới nhiệm vụ, mục tiêu lớn của các ngành kinh tế trung ương trên từng vùng lãnh thổ, trên các tỉnh, thành phố. Đây là bước đầu trong quá trình xây dựng, các ngành trung ương sẽ cùng với các địa phương xác định, bố trí cụ thể để thể hiện việc kết hợp kế hoạch hóa theo ngành với kế hoạch hóa theo địa phương và vùng lãnh thổ.
Trước mắt, trong khi xây dựng kế hoạch năm 1978 và kế hoạch 5 năm (1976-1980), các địa phương cùng với các ngành trung ương cần làm tốt những cân đối lớn sau đây (từng bước hình thành, bổ sung và hoàn chỉnh theo sự phát triển chung của nền kinh tế), thực hiện đúng những quy định trong nghị định số 24-CP.
- Cân đối lao động xã hội nhằm phân bổ, sử dụng hợp lý nhất sức lao động trên địa bàn tỉnh.
- Cân đối các mặt về đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân (kể cả nhân khẩu của trung ương quản lý trên địa phương): ăn, ở, đi lại, học tập, chữa bệnh, các mặt phúc lợi xã hội khác (đây là bản cân đối có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với cấp tỉnh).
- Cân đối vốn đầu tư, năng lực xây dựng.
- Cân đối sản xuất và cung cấp vật liệu xây dựng.
- Cân đối vận tải.
- Cân đối tiêu dùng, thu chi tiền tệ của nhân dân địa phương.
Các ngành ở trung ương cần hướng dẫn cho các tỉnh, thành phố nắm được chủ trương, phương hướng kế hoạch của toàn ngành, trực tiếp chỉ đạo các Ty, Sở xây dựng tốt kế hoạch toàn diện (phần chuyên ngành tại địa phương), kịp thời thông báo cho địa phương biết rõ các yêu cầu và khả năng cụ thể của phần kế hoạch ngành và phần xí nghiệp do trung ương trực tiếp quản lý trên địa phương đó.
Các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phải coi trọng sự hướng dẫn của các ngành ở trung ương để chỉ đạo các Ty, Sở xây dựng kế hoạch, đồng thời phải chủ động nắm được các yêu cầu của ngành và tham gia cùng các ngành trung ương về các mặt cân đối bố trí trong kế hoạch tổng thể của địa phương.
Đối với các tỉnh miền núi:
Công tác kế hoạch hóa ở các tỉnh miền núi cần vận dụng thích hợp những nội dung nêu ở trên và cần chú trọng:
- Kết hợp chặt chẽ kế hoạch nông nghiệp với kế hoạch lâm nghiệp, chú trọng sản xuất lương thực, đặc biệt là đẩy mạnh sản xuất, thu mua, chế biến và sử dụng hoa màu, phát triển mạnh cây công nghiệp và chăn nuôi đại gia súc; đẩy mạnh trồng rừng, bảo vệ và tu bổ rừng, khai thác, chế biến gỗ và lâm sản, bảo đảm yêu cầu về nguyên liệu cho các nhà máy và yêu cầu xuất khẩu, phát huy các thế mạnh của miền núi.
- Kế hoạch phát triển nông – lâm nghiệp phải kết hợp chặt chẽ với kế hoạch tiếp nhận đồng bào các địa phương lên khai hoang xây dựng các vùng kinh tế mới, kế hoạch vận động nhân dân định canh, định cư để chấm dứt nạn phá rừng và hoàn thành việc xóa nạn mù chữ.
- Kế hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp địa phương phải nhằm tăng nhanh sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu, cung cấp cho nhân dân địa phương, tăng nhanh hàng xuất khẩu. Cần có kế hoạch kết hợp chặt chẽ với các cơ sở công nghiệp của trung ương đã và đang xây dựng tại địa phương, để tạo điều kiện giúp đỡ kỹ thuật của địa phương mau phát triển.
- Có kế hoạch chăm lo tổ chức đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân địa phương, nhất là đồng bào vùng cao, nơi thường bị thiếu đói (chăm lo về sức khỏe, học tập, đi lại…).
C. KẾ HOẠCH CỦA HUYỆN VÀ CỦA ĐƠN VỊ CƠ SỞ
Phải tích cực hướng dẫn, giúp đỡ cấp huyện xây dựng kế hoạch toàn diện, trước hết là kế hoạch nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, thủ công nghiệp và tiểu công nghiệp, từng bước xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật trên địa bàn huyện, gắn chặt kế hoạch sản xuất với kế hoạch lưu thông phân phối, kế hoạch cải thiện đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân. Các kế hoạch này cần được tính toán chặt chẽ, cân đối với các điều kiện thực hiện, nhất là về các mặt lao động, vật tư, tiền vốn. Đối với các huyện nằm trong các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, trọng điểm về lúa, ngô, cây công nghiệp, trồng rừng, xuất khẩu… kế hoạch cần được tính toán cân đối theo từng vùng và phải gắn bó chặt chẽ với kế hoạch chung của các ngành ở tỉnh, thành phố.
Việc xây dựng kế hoạch của huyện không thể tách rời việc lập kế hoạch của hợp tác xã và xã; phải chú trọng các hợp tác xã tiên tiến trong các vùng trọng điểm, đồng thời hết sức giúp đỡ các hợp tác xã yếu kém xây dựng được kế hoạch. Kế hoạch của huyện phải được tổng hợp từ xã và hợp tác xã (đối với các tỉnh phía Nam), các đơn vị kinh tế quốc doanh do huyện trực tiếp quản lý.
Trong nội dung kế hoạch của huyện cần chú ý một số điểm:
- Dựa vào kết quả điều tra, nghiên cứu, nắm vững đặc điểm tự nhiên, kinh tế, và theo quy hoạch của tỉnh, lập kế hoạch tổ chức lại sản xuất, định rõ phương hướng sản xuất phù hợp với đặc điểm của huyện. Trên cơ sở đó, và căn cứ vào số kiểm tra kế hoạch của Nhà nước, bố trí các mục tiêu chủ yếu về phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, thủ công nghiệp và tiểu công nghiệp trong huyện, đồng thời tính toán cân đối các biện pháp các biện pháp đồng bộ như: thủy lợi, cải tạo đất, sức kéo, cơ giới hóa nông nghiệp, cung ứng giống, phân bón, thức ăn cho chăn nuôi chế biến nông sản, bảo đảm thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu.
- Lập kế hoạch phân bố lực lượng lao động, kế hoạch sử dụng và điều động lao động, kết hợp với kế hoạch đầu tư xây dựng, bổ sung mạng lưới cơ sở vật chất – kỹ thuật trên địa bàn huyện phù hợp với phương hướng phát triển sản xuất. Phối hợp chặt chẽ việc đầu tư tập trung của nhà nước với việc huy động khả năng của hợp tác xã và nhân dân tự xây dựng để nhanh chóng hoàn chỉnh hệ thống thủy nông, tăng cường các trạm, trại, cơ sở chế biến nông sản, mạng lưới thu mua, bán lẻ, mạng lưới cơ sở phục vụ đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân, xây dựng các khu nhà ở theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới của huyện.
- Xác định mức phấn đấu tăng sản lượng về lương thực, thực phẩm, nông sản chủ yếu, mức tự giải quyết về lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng trong huyện; tăng nhanh khối lượng hàng hóa đóng góp cho Nhà nước và cho xuất khẩu.
Để cấp huyện có thể sớm ổn định, đi vào xây dựng được kế hoạch 5 năm, cần tiến hành gấp việc phân cấp quản lý, phân định rõ trách nhiệm giữa tỉnh và huyện trong công tác quản lý kinh tế và xây dựng kế hoạch. Các ngành trung ương và cấp tỉnh cần tạo mọi điều kiện giúp đỡ cấp huyện về quy hoạch, kế hoạch, cán bộ, phương tiện để huyện sớm trở thành một cấp quản lý kinh tế, thực sự làm tốt công tác kế hoạch. Bản thân cấp huyện cần xúc tiến công tác điều tra cơ bản, năm chắc các nguồn tài nguyên, đất đai, lao động… để có căn cứ cho việc xây dựng kế hoạch 5 năm.
Yêu cầu đặt ra là dựa trên quy hoạch và phương hướng sản xuất chung, các hợp tác xã phải xây dựng kế hoạch 5 năm và kế hoạch hàng năm, thể hiện cho được các mục tiêu sản xuất, cải thiện đời sống, đóng góp cho Nhà nước và tăng cường cơ sở vật chất – kỹ thuật của hợp tác xã; đồng thời đề ra các yêu cầu cụ thể đối với Nhà nước về vật tư, nguyên liệu, tín dụng, cán bộ kỹ thuật, v.v… Việc xây dựng kế hoạch của các hợp tác xã (nông nghiệp, ngư nghiệp, tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, vận tải, xây dựng …) phải gắn chặt với kế hoạch của cấp huyện. Phải đứng trên vị trí và địa bàn toàn huyện mà bố trí kế hoạch và các quan hệ cân đối, hướng dẫn các hợp tác xã và xã xây dựng kế hoạch. Trên cơ sở phân vùng, quy hoạch và cơ cấu kinh tế của huyện, từng hợp tác xã phải xác định rõ nhiệm vụ sản xuất, điều chỉnh và bổ sung phương hướng sản xuất cho phù hợp, nhằm sử dụng tốt đất đai lao động, năng lực sản xuất, truyền thống ngành nghề… và áp dụng các biện pháp tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để tăng nhanh sản phẩm, tăng nhanh thu nhập cho hợp tác xã và xã viên. Phải gắn chặt công tác kế hoạch với các chính sách khuyến khích sản xuất, gắn chặt kế hoạch cung ứng tư liệu sản xuất với kế hoạch thu mua và giao nộp sản phẩm (thông qua hợp đồng kinh tế) nhằm phát huy tác động tích cực của Nhà nước đối với việc phát triển sản xuất của các hợp tác xã.
3. Kế hoạch của đơn vị kinh tế quốc doanh
Trên cơ sở phát huy tinh thần làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, phải mở rộng hơn nữa quyền chủ động của xí nghiệp, thúc đẩy xí nghiệp hợp lý hóa sản xuất, cải tiến kỹ thuật, khai thác mọi khả năng tiềm tàng, xây dựng và thực hiện kế hoạch cao hơn mức của Nhà nước giao, có lợi cho Nhà nước, cho xí nghiệp và cho người lao động.
Các ngành, các cấp giúp các xí nghiệp xây dựng tốt kế hoạch sản xuất – kỹ thuật – tài chính, cân đối kế hoạch toàn diện, thống nhất hai mặc hiện vật và giá trị, gắn liền kế hoạch với chế độ hạch toán kinh tế, gắn chặt kế hoạch sản xuất với kế hoạch tiêu thụ, với hợp đồng kinh tế, kết hợp kế hoạch với các đòn bẩy kinh tế như giá cả, tiền lương, tiền thưởng, lợi nhuận, tín dụng… nâng cao các chỉ tiêu chất lượng và hiệu quả kinh tế. Các xí nghiệp quốc doanh phải thực hiện nghiêm chỉnh những quy định về công tác kế hoạch hóa nêu trong Điều lệ xí nghiệp chế độ lập và báo cáo kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ đã ban hành.
4. Đối với khu vực kinh tế cá thể và tư bản tư doanh
Hiện nay, trong quá trình cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội, tại các tỉnh phía Nam, kinh tế cá thể và kinh tế tư bản tư doanh còn nhiều, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, gia công làm hàng xuất khẩu….
Phải ra sức phát triển lực lượng kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể, hướng dẫn thành phần kinh tế cá thể và kinh tế tư bản tư doanh đi theo phương hướng của kế hoạch Nhà nước và quỹ đạo của chủ nghĩa xã hội.
Trên cơ sở giáo dục ý thức xây dựng chủ nghĩa xã hội, cần phổ biến kỹ nhiệm vụ, phương hướng của kế hoạch Nhà nước 5 năm (1976-1980), động viên mọi người, mọi gia đình tích cực lao động sản xuất và thực hành tiết kiệm. Từng gia đình cần định rõ những việc phải làm trong thời kỳ kế hoạch (năm, vụ sản xuất hoặc từng quý) trên những điểm chủ yếu:
- Khối lượng sản phẩm sản xuất trong năm (lúa, màu, cây công nghiệp, chăn nuôi, hoặc sản phẩm tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, hàng xuất khẩu,v.v…)
- Nghĩa vụ đóng góp, nộp cho Nhà nước (nộp thuế, bán nông sản hàng hóa…);
- Những yêu cầu cụ thể về tư liệu sản xuất, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu để sản xuất (cơ sở để tiến hành việc ký kết các hợp đồng kinh tế về thu mua, giao nhận hàng hóa với cơ quan Nhà nước);
- Xây dựng gia đình văn hóa mới (thanh toán nạn mù chữ, sinh đẻ có kế hoạch, thực hiện nếp sống mới; chống mê tín, dị đoan, văn hóa đồi trụy…).
Từ nội dung trên, từng gia đình sẽ đăng ký với tổ, tập đoàn sản xuất, với ấp hoặc tổ dân phố. Ủy ban nhân dân xã, phường, xem xét, tổng hợp lại cùng với các phần kế hoạch của khu vực tập thể và các kế hoạch chung của xã, phường, tổ chức chỉ đạo việc thực hiện.
Ủy ban nhân dân huyện (quận) chỉ đạo các phòng chuyên môn (nông, lâm nghiệp, công nghiệp và tiểu công nghiệp, thương nghiệp, tài chính, v.v….) theo dõi việc thực hiện, thông qua các hợp đồng đồng kinh tế ký kết giữa các cơ quan Nhà nước với các tập đoàn sản xuất, với đại diện ấp hoặc từng gia đình, đó là căn cứ, phương hướng ràng buộc các điều kiện thực hiện.
III. TỔ CHỨC XÂY DỰNG KẾ HOẠCH 5 NĂM (1976-1980) VÀ KẾ HOẠCH NĂM 1978
Trong việc tổ chức xây dựng kế hoạch 5 năm (1976-1980) và kế hoạch năm 1978, cần chú trọng một số điểm sau đây:
1. Kết hợp việc xây dựng kế hoạch 5 năm với kế hoạch năm 1978
Việc xây dựng, tổng hợp, xét duyệt và giao kế hoạch 5 năm, kế hoạch năm 1978 phải được tiến hành đồng thời ở từng ngành, từng cấp, nhưng cần lập riêng cho kế hoạch 5 năm (1976-1980) và kế hoạch năm 1978.
Những chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm phải được bố trí cụ thể cho từng năm, có cân đối các mặt ở mức độ cần thiết làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch hàng năm. Việc phân chia các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm, nhất là về sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu và đầu tư xây dựng cơ bản cần theo hướng tích cực, tránh dồn lại cho một, hai năm cuối, đồng thời chú ý bố trí các công trình gối đầu cho kế hoạch 5 năm tiếp theo.
2. Kết hợp kế hoạch hóa theo ngành với kế hoạch hóa theo địa phương và vùng lãnh thổ.
Việc kết hợp kế hoạch hóa theo ngành với kế hoạch hóa theo địa phương và vùng lãnh thổ cần được triển khai trong các ngành, các địa phương, ngay từ khi xây dựng kế hoạch 5 năm (1976-1980) và kế hoạch năm 1978.
a) Ở trung ương, sẽ chỉ đạo trọng điểm một số ngành như: cơ khí, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, xây dựng công nghiệp và xây dựng dân dụng, vận tải và một số địa phương để rút kinh nghiệm phổ biến chung.
b) Việc kết hợp kế hoạch hóa theo từng ngành với kế hoạch hóa theo địa phương và vùng lãnh thổ; cần thể hiện ngay từ trong các quy hoạch của ngành và quy hoạch của địa phương.
Các bộ, Tổng cục thông báo cho các địa phương về phương án tổ chức lại sản xuất của từng ngành, sự phân bố các cơ sở của ngành (kể cả cơ sở trung ương và cơ sở địa phương) trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện để các địa phương xây dựng quy hoạch chung trên vùng lãnh thổ.
Các Bộ, Tổng cục và các địa phương tiến hành việc phân công và hợp tác sản xuất giữa các xí nghiệp trung ương, xí nghiệp địa phương và tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, đồng thời tiến hành việc phân cấp quản lý các cơ sở giữa trung ương và địa phương theo phương án hợp lý nhất, đặc biệt là đối với thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.
Ngay sau khi có số kiểm tra kế hoạch, các Bộ, Tổng cục phải thông báo cho cấp tỉnh, thành phố những chỉ tiêu kế hoạch thuộc phần hoạt động của ngành (cả trung ương và địa phương), đồng thời chỉ đạo các cơ sở trung ương báo cáo với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố về những yêu cầu có liên quan đến trách nhiệm của địa phương phải giải quyết như: cung ứng nguyên liệu, vật liệu theo tiến độ sản xuất của nhà máy, cung ứng lao động, vật liệu xây dựng, lương thực, thực phẩm, nhà ở và các kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống. Cuối tháng 6 năm 1977. Bộ và Tổng cục phải thông báo cho địa phương để đưa vào cân đối chung kế hoạch của địa phương.
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố nghiên cứu và đưa vào cân đối chung trong kế hoạch của địa phương, và qua đó, tham gia ý kiến với các Bộ, Tổng cục về những yêu cầu nêu ở trên.
Khi báo cáo kế hoạch chính thức lên Chính phủ, các Bộ, Tổng cục phải báo cáo kế hoạch của toàn ngành, có phân chia theo từng địa phương và ý kiến của địa phương về phần kế hoạch của ngành trên phạm vi tỉnh, thành phố. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố báo cáo kế hoạch của địa phương bao gồm kinh tế địa phương và phần nhiệm vụ đối với kinh tế trung ương trên địa bàn tỉnh, thành phố.
3. Thực hiện dân chủ hóa kế hoạch, bảo đảm xây dựng và tổng hợp kế hoạch từ cơ sở lên.
Kế hoạch của tỉnh, thành phố phải được tổng hợp từ huyện lên. Vì vậy, sau khi giao số kiểm tra kế hoạch, các ngành ở trung ương phải cử cán bộ xuống cùng với tỉnh lập thành những tổ công tác đi hướng dẫn, giúp đỡ một số huyện trọng điểm xây dựng kế hoạch. Riêng đối với kế hoạch của Bộ, Tổng cục, sau khi đã giao số kiểm tra kế hoạch cho các đơn vị cơ sở, phải cử cán bộ các cục, vụ xuống các xí nghiệp trọng điểm, các cơ sở quan trọng, giúp đỡ việc xây dựng và tổng hợp kế hoạch.
Thông qua việc giúp đỡ, tạo điều kiện cho cấp huyện và đơn vị cơ sở chủ động xây dựng kế hoạch, phát hiện những vấn đề cần được trung ương và cấp tỉnh giải quyết như tổ chức lại sản xuất, phân cấp quản lý kinh tế - tài chính, tổ chức bộ máy và cán bộ, v.v…, mở rộng quyền chủ động sản xuất, kinh doanh của đơn vị cơ sở, giải qyết các vấn đề về chính sách, biện pháp nhằm thúc đẩy hợp lý hóa sản xuất, cải tiến kỹ thuật, tiết kiệm vật tư, mở rộng mặt hàng, nâng cao chất lượng sản phẩm, khai thác mọi năng lực sản xuất hiện có để đẩy mạnh sản xuất và xây dựng.
Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và dựa vào các đoàn thể công đoàn, thanh niên, phụ nữ, cần phát động và tổ chức phong trào quần chúng rộng rãi, nêu cao quyền làm chủ tập thể tham gia xây dựng các chỉ tiêu kế hoạch và bàn các biện pháp thực hiện kế hoạch, chú trọng khai thác mọi khả năng tiềm tàng nhằm khắc phục những khó khăn, phát huy những thuận lợi trong sản xuất và xây dựng.
4. Chấp hành nghiêm chỉnh trình tự, tiến độ lập kế hoạch, báo cáo và giao kế hoạch.
Để đưa công tác kế hoạch hóa vào nền nếp và góp phần nâng cao chất lượng của kế hoạch, các Bộ, Tổng cục, các tỉnh, thành phố cần phải chấp hành nghiêm chỉnh trình tự, tiến độ lập kế hoạch, báo cáo và giao kế hoạch 5 năm (1976-1980), kế hoạch năm 1978 như sau;
Sau khi nhận được số kiểm tra kế hoạch của Hội đồng Chính phủ, chậm nhất là cuối tháng 5 năm 1977, các Bộ, Tổng cục, các tỉnh, thành phố phải cụ thể hóa và giao xong số kiểm tra kế hoạch cho các đơn vị cơ sở trực thuộc và các huyện.
Trong số kiểm tra kế hoạch, phải cân đối đồng bộ giữa các chỉ tiêu sản xuất, xây dựng, tiêu thụ sản phẩm với chỉ tiêu về biện pháp và không được trái với các chỉ tiêu của Hội đồng Chính phủ đã giao về vốn đầu tư, vật tư, thiết bị; đặc biệt là không được giao thấp hơn các chỉ tiêu của Hội đồng Chính phủ về nhiệm vụ sản xuất, thu mua, xuất khẩu…
Trong thời gian này các Bộ, Tổng cục các tỉnh, thành phố cần thông báo cho nhau về những chỉ tiêu có liên quan (theo quy định ở các phần trên) để đáp ứng kịp thời yêu cầu kết hợp kế hoạch hóa theo ngành với kế hoạch hóa theo địa phương và vùng lãnh thỗ; đồng thời cần phối hợp chỉ đạo các đơn vị cơ sở triển khai việc ký kết các hợp đồng kinh tế để làm căn cứ xác định các chỉ tiêu kế hoạch sát với yêu cầu và khả năng thực tế.
Từ khi nhận được số kiểm tra kế hoạch đến hết tháng 7 năm 1977, các huyện và các đơn vị cơ sở tổ chức việc xây dựng kế hoạch. Cùng trong thời gian này, các Bộ, Tổng cục, tỉnh, thành phố xuống giúp các huyện và cơ sở trọng điểm xây dựng kế hoạch và phối hợp tổ chức nghiên cứu các chuyên đề.
Tháng 8 và đầu tháng 9 năm 1977, các Bộ, Tổng cục, các tỉnh, thành phố tổng hợp, cân đối kế hoạch của ngành và của địa phương, thông qua Bộ trưởng, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và báo cáo dự án kế hoạch lên Hội đồng Chính phủ, đồng thời gửi Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Trong tháng 9 năm 1977,Ủy ban Kế hoạch Nhà nước tổ chức làm việc về kế hoạch của ngành và kế hoạch của địa phương với các Bộ, Tổng cục và các tỉnh, thành phố.
Trong thời gian này, giữa các Bộ và Ủy ban nhân dân địa phương cần tổ chức làm việc để thông báo cho nhau biết các chỉ tiêu kế hoạch của ngành và địa phương, các vấn đề có liên quan tới việc bố trí cân đối chung trong kế hoạch của ngành và địa phương. Đối với các vấn đề có liên quan đến nhiều ngành, nhiều địa phương, sẽ tổ chức làm việc tại Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, trước khi báo cáo kế hoạch ra Hội đồng Chính phủ.
Dự án kế hoạch của ngành và của địa phương phải bảo đảm đầy đủ nội dung kế hoạch toàn diện, theo đúng hệ thống chỉ tiêu, biểu mẫu do Ủy ban Kế hoạch Nhà nước quy định; chú trọng các bảng tính toán, thuyết minh cụ thể về những mục tiêu chủ yếu của kế hoạch, về hiệu quả sản xuất, kinh doanh và các bảng cân đối về những biện pháp lớn (như: huy động tài sản cố định, năng lực sản xuất, đất đai, lao động, công nhân kỹ thuật, vật tư, thiết bị, lương thực, thực phẩm…); đồng thời phải có dự án kế hoạch của một số xí nghiệp trọng điểm trong ngành và của một xí nghiệp trọng điểm trong tỉnh, thành phố kèm theo.
Trong tháng 10 năm 1977, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước tổng hợp kế hoạch kinh tế quốc dân; tháng 11 sẽ báo cáo với Hội đồng Chính phủ để chuẩn bị trình ra Bộ Chính trị và Ban chấp hành trung ương Đảng; thnág 12 sẽ trình ra Quốc hội. Tiếp đó, Hội đồng Chính phủ giao kế hoạch chính thức cho các Bộ, Tổng cục, các tỉnh, thành phố.
Cuối tháng 12 năm 1977, các Bộ, Tổng cục, các tỉnh, thành phố giao xong kế hoạch chính thức cho các huyện và các đơn vị cơ sở; đồng thời phải chỉ đạo ngay các đơn vị cơ sở tính toán cân đối lại kế hoạch và ký kết, điều chỉnh, bổ sung các hợp đồng kinh tế đúng với chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước.
Khi giao kế hoạch chính thức cho các xí nghiệp công nghiệp, các huyện trọng điểm, phải đồng gửi cho Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Tổng cục Thống kê và Bộ Tài chính để theo dõi và đánh giá, công nhận việc thực hiện kế hoạch.
Khi giao kế hoạch chính thức năm 1978, các Bộ, Tổng cục, các tỉnh, thành phố giao kèm theo kế hoạch quý 1, kế hoạch tiến độ thi công các công trình trọng điểm. Ở đơn vị cơ sở, khi nhận được kế hoạch chính thức do cấp trên giao, cần tiến hành ngay việc ký kết hợp đồng tập thể giữa giám đốc và công đoàn, đồng thời phát động và tổ chức phong trào đồng khởi thi đua xã hội chủ nghĩa ngay từ ngày đầu, tháng đầu để phấn đấu hoàn thành toàn diện và vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước.
| K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
- 1Chỉ thị 187-TTg năm 1979 về xây dựng kế hoạch Nhà nước năm 1980 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Chỉ thị 179-CT năm 1983 về xây dựng kế hoạch Nhà nước và ngân sách Nhà nuớc năm 1984 do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 3Chỉ thị 192-CT năm 1988 đẩy mạnh thực hiện kế hoạch nhà nước năm 1988 và xây dựng kế hoạch nhà nước năm 1989 do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 4Nghị quyết về việc thông qua nhiệm vụ cơ bản của Kế hoạch Nhà nước 5 năm 1976-1980 và nhiệm vụ cụ thể của kế hoạch Nhà nước năm 1978 do Quốc hội ban hành
- 5Thông tư 390-TTg-1978 sửa đổi Chỉ thị 343-TTG-1978 về việc xây dựng kế hoạch Nhà nước năm 1979(1) do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1Chỉ thị 187-TTg năm 1979 về xây dựng kế hoạch Nhà nước năm 1980 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Chỉ thị 179-CT năm 1983 về xây dựng kế hoạch Nhà nước và ngân sách Nhà nuớc năm 1984 do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 3Chỉ thị 192-CT năm 1988 đẩy mạnh thực hiện kế hoạch nhà nước năm 1988 và xây dựng kế hoạch nhà nước năm 1989 do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 4Nghị quyết về việc thông qua nhiệm vụ cơ bản của Kế hoạch Nhà nước 5 năm 1976-1980 và nhiệm vụ cụ thể của kế hoạch Nhà nước năm 1978 do Quốc hội ban hành
- 5Thông tư 390-TTg-1978 sửa đổi Chỉ thị 343-TTG-1978 về việc xây dựng kế hoạch Nhà nước năm 1979(1) do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Chỉ thị 212-TTg năm 1977 về xây dựng kế hoạch Nhà nước 5 năm (1976-1980) và kế hoạch năm 1978 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 212-TTg
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 15/05/1977
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Lê Thanh Nghị
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 8
- Ngày hiệu lực: 30/05/1977
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định