ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 21/CT-UBND | Thanh Hóa, ngày 06 tháng 12 năm 2013 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ TÀI CHÍNH - NGÂN SÁCH XÃ
Trong những năm qua, các cấp, các ngành đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý ngân sách xã; do đó quản lý ngân sách xã từ khâu lập dự toán đến khâu điều hành đã có chuyển biến tích cực; nhiều đơn vị đã quan tâm khai thác, nuôi dưỡng và phát triển nguồn thu nhằm cân đối cho các nhu cầu chi trên địa bàn. Cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn đã nhận thức đầy đủ hơn về quyền hạn, trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng ngân sách. Công tác kế toán đã dần đi vào nề nếp, ứng dụng tin học trong kế toán ngân sách xã từng bước được mở rộng.
Tuy nhiên, việc quản lý, sử dụng ngân sách xã và các khoản thu đóng góp của nhân dân những năm vừa qua nổi lên các vấn đề sau:
- Vẫn còn nhiều xã, phường, thị trấn, thu nhiều khoản sai quy định, chưa thực hiện nghiêm Quy chế dân chủ trong việc thu các khoản đóng góp của dân, mức thu lớn, quá sức dân. Một số đơn vị còn giấu nguồn thu, lập quỹ sai quy định.
- Quản lý, sử dụng ngân sách không đúng quy định của Luật Ngân sách, biểu hiện: Chi sai nguyên tắc, chế độ, chứng từ chi không đảm bảo quy định, thu, chi không qua Kho bạc Nhà nước. Nhiều xã chưa xây dựng và thực hiện Quy chế chi tiêu nội bộ và quản lý tài chính tài sản công.
- Một số xã nợ đọng tiền đầu tư xây dựng cơ bản lớn, chưa xác định được nguồn trả nợ.
Nguyên nhân chủ yếu của tồn tại, hạn chế và khuyết điểm nêu trên là do cấp ủy, chính quyền một số huyện, xã còn buông lỏng công tác quản lý tài chính - ngân sách xã, hàng năm chưa tổ chức sơ kết, tổng kết và ban hành các chủ trương, giải pháp cụ thể, lãnh đạo, chỉ đạo về công tác quản lý tài chính - ngân sách xã và tổ chức thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý kịp thời các sai phạm; đội ngũ cán bộ tài chính - ngân sách xã phần lớn chưa đạt chuẩn; việc triển khai, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật về tài chính - ngân sách xã của các ngành cấp tỉnh chưa thường xuyên;...
Để chấn chỉnh công tác quản lý tài chính - ngân sách xã; sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả, tiền và tài sản nhà nước, khắc phục những tồn tại, yếu kém và khuyết điểm như đã nêu trên; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường thị trấn thực hiện tốt những nội dung chủ yếu sau:
1. Sở Tài chính có trách nhiệm:
- Tham mưu cho UBND tỉnh tuyên truyền, hướng dẫn, triển khai kịp thời, có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các quyết định, chỉ thị của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh về quản lý tài chính - ngân sách xã để các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện và nhân dân biết, giám sát việc thực hiện.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn các xã, phường, thị trấn thực hiện Luật Ngân sách nhà nước; Chế độ tài chính và Luật Kế toán; xử lý nghiêm các vi phạm.
- Chủ trì, phối hợp với các cấp, các ngành xây dựng văn bản hướng dẫn; quy trình huy động các khoản đóng góp tự nguyện của nhân dân theo đúng Quy chế dân chủ ở cơ sở, trình UBND tỉnh trong tháng 01/2014.
- Rà soát các khoản thu phí, lệ phí và các khoản thu trên địa bàn xã; tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành hướng dẫn quản lý, sử dụng các khoản thu tại các di tích đền, chùa, danh lam thắng cảnh,... đảm bảo thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật.
- Hàng năm, tiến hành tổng kết công tác quản lý tài chính - ngân sách xã (có thể tổ chức theo cụm) để kịp thời đánh giá những mặt được, chưa được và đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tăng cường quản lý ngân sách xã.
2. Thanh tra Nhà nước tỉnh Thanh Hóa:
Tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác quản lý tài chính - ngân sách xã và quản lý đầu tư xây dựng của cấp xã để kịp thời chấn chỉnh, ngăn chặn, phòng ngừa những vi phạm; kiên quyết xử lý các trường hợp buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, đầu tư không có hiệu quả, gây lãng phí, thất thoát ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; hàng năm phối hợp với thanh tra chuyên ngành tài chính và các ngành liên quan xây dựng kế hoạch thanh tra chuyên đề trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt để tổ chức triển khai thực hiện.
3. Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nội vụ và các sở, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm hướng dẫn, phối hợp chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý tài chính - ngân sách, đầu tư xây dựng, tài nguyên môi trường, đất đai, khoáng sản,... trên địa bàn xã, nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn thu ngân sách xã.
4. UBND các huyện, thị xã, thành phố.
- Tiến hành rà soát trình độ, năng lực của đội ngũ công chức làm công tác tài chính - ngân sách các xã, bố trí những người được đào tạo cơ bản, có đủ trình độ, năng lực và phẩm chất đảm nhiệm các các công việc chuyên môn, nghiệp vụ; kiên quyết thay thế những người làm công tác tài chính - ngân sách không đủ năng lực, phẩm chất; thực hiện luân chuyển đối với những công chức quản lý địa chính, tài chính - ngân sách theo quy định.
- Tăng cường hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức quản lý để cập nhật kịp thời các chế độ, chính sách, quy định mới của nhà nước cho lãnh đạo và công chức làm công tác kế toán tài chính - ngân sách xã.
- Chỉ đạo công tác lập dự toán sát thực tế; phản ánh đầy đủ các khoản thu theo các sắc thuế, phí, lệ phí, thu đóng góp,... vào NSNN theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, chỉ đạo xây dựng dự toán thu hàng năm vừa đảm bảo thu đúng, thu đủ cho NSNN vừa quan tâm nuôi dưỡng và phát triển nguồn thu.
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác quản lý tài chính - ngân sách xã; phản ánh kịp thời về UBND tỉnh và các ngành liên quan những phát sinh vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện để được xem xét, giải quyết.
- UBND các huyện phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai Đề án xây dựng nông thôn mới, việc cho chủ trương đầu tư đối với các dự án ở cấp xã phải đảm bảo cân đối được nguồn vốn thực hiện và trả nợ. Đối với những xã có công nợ xây dựng cơ bản lớn, chưa có nguồn trả nợ thì kiên quyết không cho triển khai các dự án đầu tư mới bằng nguồn vốn của ngân sách cấp xã.
5. UBND các xã, phường, thị trấn:
- Chủ động rà soát công tác quản lý ngân sách xã, có biện pháp cụ thể chấn chỉnh ngay những sai phạm, khuyết điểm trong quản lý, sử dụng ngân sách ở tất cả các khâu lập, chấp hành, và quyết toán ngân sách, tiền, tài sản nhà nước và tài nguyên đất đai, khoáng sản,... trên địa bàn nhằm sớm lập lại kỷ cương pháp luật trong công tác quản lý tài chính - ngân sách xã, góp phần ổn định tình hình chính trị, xã hội ở cơ sở.
- Tập trung rà soát, kiểm tra toàn diện các nguồn thu để quản lý thu đúng, thu đủ các khoản thu phát sinh trên địa bàn; đồng thời quan tâm đến việc nuôi dưỡng nguồn thu bền vững tại xã; khắc phục kịp thời tình trạng ký hợp đồng giao thầu, khoán đối với đất công ích, đầm, ao, hồ,... có thời gian dài (trên 05 năm) và thu tiền trước một lần làm ảnh hưởng đến cân đối ngân sách xã, phường, thị trấn các năm sau; chấm dứt việc thu tiền đóng góp của nhân dân không đúng quy định (Như: Thẩm quyền, trình tự, thủ tục,...), vi phạm Quy chế dân chủ ở cơ sở, thu đóng góp quá sức dân, sử dụng nguồn thu đóng góp của nhân dân không đúng mục tiêu đề ra, sai quy định,...
- Về quản lý chi ngân sách xã phải tuân thủ nguyên tắc tiết kiệm và hiệu quả; chi ngân sách phải theo dự toán; chi đúng mục đích, đúng đối tượng, đúng định mức tiêu chuẩn, sử dụng dự phòng ngân sách theo đúng quy định. Thực hiện nghiêm chế độ hạch toán và chứng từ, hóa đơn, sổ sách kế toán; nghiêm cấm việc thành lập quỹ ngoài ngân sách để chi tiêu trái pháp luật, khắc phục tình trạng thu - chi không qua Kho bạc Nhà nước; chấp hành chế độ báo cáo tài chính - ngân sách và quyết toán ngân sách theo đúng mẫu biểu, mục lục ngân sách và thời gian quy định; thực hiện công khai quyết toán sau khi được Hội đồng nhân dân cùng cấp phê chuẩn.
- Xây dựng, hoàn thiện Quy chế chi tiêu nội bộ và quản lý tài sản công theo đúng Quy chế quản lý Tài chính quy định tại Nghị định số 130/NĐ-CP của Chính phủ, các quy định hiện hành của nhà nước, hướng dẫn của các ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố để tổ chức triển khai thực hiện; Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố về việc thực hiện nhiệm vụ quản lý tài chính - ngân sách và công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trên địa bàn.
6. Đề nghị cấp ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các huyện, thị xã, thành phố tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và phối hợp với UBND cùng cấp trong quá trình thực hiện Chỉ thị này; nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài chính - ngân sách xã, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững ổn định chính trị ở địa phương.
7. Giao Sở Tài chính theo dõi, hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung công việc nêu trên; định kỳ 6 tháng và năm tổng hợp tình hình và kết quả thực hiện báo cáo UBND tỉnh.
Yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.
| KT. CHỦ TỊCH |
- 1Chỉ thị 26/2001/CT-UB về việc tăng cường công tác quản lý tài chính ngân sách xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
- 2Quyết định 104/2006/QĐ-UBND về Quy chế quản lý tài chính đối với phần nguồn vốn cho vay của Quỹ giải quyết việc làm thành phố uỷ thác qua Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
- 3Quyết định 217/2005/QĐ-UB về quy chế quản lý tài chính đối với nguồn vốn ngân sách địa phương uỷ thác qua chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội Thành phố Hà Nội để cho vay giải quyết việc làm và thực hiện mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn Thành phố do Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành
- 4Quyết định 1940/2003/QĐ-UB về bản quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước ở địa phương trên lĩnh vực quản lý tài chính, ngân sách, giá cả do tỉnh An Giang ban hành
- 1Nghị định 130/2005/NĐ-CP quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước
- 2Chỉ thị 26/2001/CT-UB về việc tăng cường công tác quản lý tài chính ngân sách xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
- 3Luật Ngân sách Nhà nước 2002
- 4Luật Kế toán 2003
- 5Quyết định 104/2006/QĐ-UBND về Quy chế quản lý tài chính đối với phần nguồn vốn cho vay của Quỹ giải quyết việc làm thành phố uỷ thác qua Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
- 6Quyết định 217/2005/QĐ-UB về quy chế quản lý tài chính đối với nguồn vốn ngân sách địa phương uỷ thác qua chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội Thành phố Hà Nội để cho vay giải quyết việc làm và thực hiện mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn Thành phố do Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành
- 7Quyết định 1940/2003/QĐ-UB về bản quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước ở địa phương trên lĩnh vực quản lý tài chính, ngân sách, giá cả do tỉnh An Giang ban hành
Chỉ thị 21/CT-UBND năm 2013 tăng cường công tác quản lý tài chính - ngân sách xã do tỉnh Thanh Hóa ban hành
- Số hiệu: 21/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 06/12/2013
- Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
- Người ký: Nguyễn Đình Xứng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 06/12/2013
- Tình trạng hiệu lực: Đã biết