Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 20/CT-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 22 tháng 8 năm 2016

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP CẤP BÁCH NHẰM NGĂN CHẶN VÀ GIẢM THIỂU TAI NẠN BOM MÌN, VẬT NỔ CÒN SÓT LẠI SAU CHIẾN TRANH

Trong thời gian qua, việc triển khai các hoạt động nhằm thực hiện chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh đã được các ngành, các địa phương phối hợp tích cực thực hiện và đạt được nhiều kết quả. Trong đó, hoạt động tuyên truyền, giáo dục ý thức phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân là vấn đề then chốt

Mặc dù số vụ tai nạn trên địa bàn tỉnh do bom mìn, vật nổ có giảm so với trước nhưng vẫn tiềm ẩn các loại bom mìn, vật nổ còn sót lại gây nguy cơ làm thiệt hại tính mạng và tài sản của nhân dân, tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội, gây tâm lý hoang mang lo lắng cho người dân, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và du lịch của tỉnh nhà.

Một số địa bàn đặc biệt là các địa phương nơi có các khu quân sự của chế độ cũ, các vùng chiến khu, vùng giao tranh giữa ta và địch số lượng bom mìn, vật liệu nổ còn nhiều, công tác quản lý Nhà nước, công tác tuyên truyền giáo dục, nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế. Việc xử lý vi phạm trong thu mua phế liệu chiến tranh, sử dụng trái phép bom mìn, vật liệu nổ chưa được tiến hành đồng bộ, kịp thời.

Để ngăn chặn, tiến tới nhanh chóng giảm thiểu tới mức tối đa các vụ tai nạn thương tâm do bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh gây ra và triển khai có hiệu quả Chương trình 504, Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 01 tháng 6 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cơ quan, ban, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các tổ chức chính trị, xã hội cần tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp cấp bách sau:

- Tăng cường trách nhiệm của hệ thống chính trị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân, nhất là các địa bàn thường xảy ra tai nạn bom mìn trong thời gian qua.

- Tổ chức giáo dục phổ biến rộng rãi các quy định của pháp luật và các hình thức xử lý vi phạm về thu gom, mua bán, tàng trữ, cưa cắt, sử dụng trái phép bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

- Đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách, các quy định, hướng dẫn có liên quan đến quản lý Nhà nước, phát hiện và xử lý các vi phạm về thu gom, tàng trữ, mua bán, sử dụng trái phép bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

- Tăng cường trách nhiệm của các ban ngành, địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội có liên quan, nhất là Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan quân sự, công an trong quản lý, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm của các tổ chức, cá nhân khi thu gom, tàng trữ, mua bán, cưa cắt, sử dụng trái phép bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh.

- Khi tổ chức tiến hành triển khai thực hiện các đề án phát triển kinh tế - xã hội phải gắn liền với việc rà phá bom mìn, ưu tiên cho các khu vực ô nhiễm bom mìn nặng gắn với việc bảo đảm an toàn cho nhân dân, đặc biệt là các vùng chiến khu, vùng có chiến sự xảy ra trong chiến tranh, các khu kinh tế, khu vực thường xảy ra tai nạn do bom mìn còn sót lại.

Để triển khai các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn và giảm thiểu tai nạn bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh:

a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh trong việc xây dựng và hướng dẫn các văn bản có liên quan trong công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn.

b) Chỉ đạo cơ quan quân sự địa phương phối hợp với các đơn vị quân đội đóng trên địa bàn tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân, thực hiện tốt việc tiếp nhận, thu gom, quản lý, tiêu hủy bom mìn, vật nổ theo quy định.

c) Củng cố, kiện toàn lực lượng chuyên trách tham gia rà phá bom mìn theo yêu cầu nhiệm vụ của địa phương trong việc phát triển kinh tế - xã hội và xử lý các tình huống do bom mìn, vật liệu nổ gây ra.

2. Công an tỉnh:

a) Chỉ đạo công an các địa phương phối hợp với cơ quan quân sự, chính quyền cấp cơ sở trong việc tiếp nhận, thu gom, quản lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo quy định. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến việc người dân thu gom, tàng trữ, mua bán, cưa cắt, sử dụng trái phép bom mìn, vật liệu nổ sót lại sau chiến tranh.

b) Phối hợp với các ngành đề xuất, bổ sung hoàn thiện các quy định, hướng dẫn liên quan đến việc phát hiện và xử lý các vi phạm về thu gom, tàng trữ, mua bán, cưa cắt và sử dụng trái phép bom mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

c) Chỉ đạo điều tra, làm rõ nguyên nhân các vụ tai nạn nếu xảy ra do người dân thu mua, sử dụng trái phép bom mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh; xác định trách nhiệm liên quan để xử lý, sớm khởi tố đưa ra xét xử các trường hợp vi phạm. Phối hợp với Bộ chỉ huy quân sự tỉnh trong việc xác định nguồn gốc, chủng loại bom mìn, vật nổ gây ra tai nạn để có giải pháp ngăn chặn kịp thời.

3. Sở Thông tin và Truyền thông, Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy, các ban, ngành liên quan, các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Thừa Thiên Huế và các cơ quan truyền thông theo chức năng được giao đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân trên các phương tiện thông tin đại chúng; tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các quy định pháp luật và các hình thức xử lý vi phạm trong lĩnh vực này; phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành trong triển khai các nhiệm vụ liên quan đến ngành, lĩnh vực mình.

4. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội:

a) Tăng cường phối hợp với các ban, ngành, địa phương, các cơ quan quản lý lao động để kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an toàn lao động; chế độ chính sách với các đối tượng thuộc diện nghèo, cận nghèo và gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống ở tại các khu vực ô nhiễm bom mìn nặng; làm tốt công tác giáo dục, hướng nghiệp cho các đối tượng chưa có việc làm.

b) Đẩy mạnh các hoạt động của các tổ chức, các nguồn quỹ hỗ trợ, khắc phục hậu quả bom mìn trên địa bàn tỉnh.

c) Thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động được giao trong các dự án liên quan đến chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

5. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

a) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm vi phạm liên quan đến việc người dân thu gom, tàng trữ, mua bán, cưa cắt, sử dụng trái phép bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ có nguy cơ gây tai nạn.

b) Chỉ đạo cơ quan Công an, cơ quan Quân sự địa phương, Ủy ban nhân dân cấp xã, các ngành có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân; mở các cuộc vận động nhân dân phát hiện, trình báo, giao nộp bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho các cơ quan chức năng.

c) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan Công an, Quân sự địa phương tăng cường công tác quản lý, kiểm tra hoạt động thu gom, tàng trữ, mua bán, cưa cắt, sử dụng trái phép bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Kiên quyết đình chỉ các hoạt động nếu vi phạm các quy định, có nguy cơ mất an toàn. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tai nạn do thu gom, tàng trữ, mua bán, cưa cắt, sử dụng trái phép bom mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên địa bàn quản lý,

d) Có hình thức xử lý nghiêm đối với các cấp buông lỏng quản lý để người dân vi phạm các quy định và có hình thức khen thưởng, động viên kịp thời với các cá nhân phát hiện, trình báo cơ quan chức năng về việc thu gom, tàng trữ, mua bán, cưa cắt, sử dụng trái phép bom mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Yêu cầu các cơ quan, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan, đơn vị nghiêm túc thực hiện Chỉ thị này./.

 


Nơi nhận:

- Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 504 (Bộ Quốc phòng);
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Bộ CHQS tỉnh;
- Công an tỉnh;
- UB MTTQ VN tỉnh;
- BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh;
- Cảnh sát PC&CC;
- Các sở: Lao động TB&XH, Thông tin và Truyền thông, KH&ĐT, Ngoại vụ;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Các đoàn thể cấp tỉnh;
- Báo Thừa Thiên Huế;
- Đài PT-TH tỉnh;
- Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh;
- VPUB: CVP, PCVP, TBBT CTTĐT tỉnh, các CV;
- Lưu: VT, NC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Cao

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 20/CT-UBND năm 2016 về tăng cường thực hiện biên pháp cấp bách nhằm ngăn chặn và giảm thiểu tai nạn bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành

  • Số hiệu: 20/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 22/08/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Người ký: Nguyễn Văn Cao
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 22/08/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản