Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 20/CT-TTg | Hà Nội, ngày 01 tháng 06 năm 2016 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP CẤP BÁCH NHẰM NGĂN CHẶN VÀ GIẢM THIỂU TAI NẠN BOM MÌN, VẬT NỔ CÒN SÓT LẠI SAU CHIẾN TRANH
Trong thời gian gần đây, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 504 đã có nhiều cố gắng, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai các hoạt động của Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh (viết tắt là Chương trình 504), trong đó hoạt động tuyên truyền, giáo dục ý thức phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân đã và đang đạt được những kết quả tích cực.
Mặc dù số vụ tai nạn do bom mìn, vật nổ có giảm so với trước nhưng thời gian gần đây trên toàn quốc, nhất là khu vực biên giới phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên vẫn liên tục xảy ra các vụ nổ bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, làm thiệt hại tính mạng và tài sản của nhân dân, tài sản của nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự và an toàn xã hội, gây tâm lý hoang mang lo lắng cho người dân, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và hình ảnh của đất nước trong thời bình.
Theo thống kê, có khoảng 30% số vụ nổ là do người dân tự ý thu gom, tàng trữ, mua bán, cưa cắt, tháo gỡ bom đạn. Số còn lại là các tai nạn xảy ra khi trẻ em hoặc người dân sinh sống, lao động, canh tác tại các khu vực ô nhiễm bom mìn, vật nổ nặng vô tình tác động vào gây nổ. Điển hình gần đây nhất là các vụ nổ bom sót lại sau chiến tranh gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như: vụ nổ tại khu đô thị Văn Phú, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội ngày 19 tháng 3 năm 2016 làm 5 người chết và hơn 10 người bị thương; vụ nổ tại Bãi Dinh, buôn Mả Vôi, xã Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên ngày 14 tháng 5 năm 2016 làm 3 người chết. Các loại bom mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh do người dân phát hiện, thu lượm được, nếu không quản lý chặt chẽ sẽ tiềm ẩn nguy cơ phát nổ gây hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng và tài sản của nhân dân, phá hoại an ninh trật tự và tạo điều kiện cho việc mua bán, tàng trữ, sử dụng bom mìn, vật liệu nổ trái phép.
Nguyên nhân chủ yếu là do người dân chưa nhận thức được về tác hại, mức độ nguy hiểm, sức công phá của bom mìn, vật nổ; công tác quản lý nhà nước, tuyên truyền, giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn; kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trong việc thu mua, sử dụng trái phép bom mìn, vật nổ chưa được tiến hành đồng bộ và kịp thời, còn tình trạng buông lỏng quản lý ở cấp cơ sở; việc xác định những khu vực ưu tiên rà phá bom mìn chưa đồng bộ với việc huy động sử dụng tập trung, hiệu quả các nguồn lực của trung ương và địa phương, chưa phối hợp huy động được nhiều nguồn lực quốc tế.
Để ngăn chặn, tiến tới nhanh chóng giảm thiểu tới mức tối đa các vụ tai nạn thương tâm do bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh gây ra và triển khai có hiệu quả Chương trình 504, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành liên quan, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 504 và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp cấp bách sau:
- Tăng cường trách nhiệm của cả hệ thống chính trị (chính quyền và cơ quan chức năng các địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội) đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân, nhất là thanh, thiếu niên trên các địa bàn thường xảy ra tai nạn bom mìn trong 5 năm trở lại đây, đặc biệt là khu vực miền Trung, Tây Nguyên.
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các quy định của pháp luật và các hình thức xử lý vi phạm về thu gom, mua bán, tàng trữ, cưa cắt, sử dụng trái phép bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
- Khẩn trương rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách, quy định, hướng dẫn có liên quan đến quản lý Nhà nước; phát hiện và xử lý các vi phạm về thu gom, tàng trữ, mua bán, cưa cắt, sử dụng trái phép bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
- Tăng cường trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương và cơ quan liên quan nhất là Ủy ban nhân dân cấp xã trong quản lý, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm của các tổ chức, cá nhân khi thu gom, tàng trữ, mua bán, cưa cắt, sử dụng trái phép bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
- Tăng cường triển khai thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động của Chương trình 504; Đẩy mạnh hoạt động vận động tài trợ với tăng cường cơ chế vận động tài trợ cấp cao. Tiếp tục hoàn thiện, củng cố bộ máy các cơ quan, đơn vị của Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam để triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình 504.
- Tổ chức xây dựng, triển khai thực hiện các đề án, dự án rà phá bom mìn, ưu tiên cho các khu vực ô nhiễm bom mìn nặng, gắn với việc bảo đảm an toàn cho nhân dân và phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là tuyến biên giới Việt - Trung, các khu Kinh tế cửa khẩu, các khu vực ô nhiễm bom mìn nặng và hay xảy ra tai nạn.
- Nghiên cứu đề xuất các mô hình phối hợp, lồng ghép để hỗ trợ nạn nhân bom mìn; ưu tiên nâng cấp các trạm y tế quân dân y kết hợp tại vùng sâu, vùng xa, vùng ô nhiễm bom mìn nặng để cứu chữa kịp thời nạn nhân khi xảy ra tai nạn do bom mìn, vật nổ.
Để triển khai các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn và giảm thiểu tai nạn bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, vũ khí, vật liệu nổ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:
1. Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 504:
a) Khẩn trương rà soát, tư vấn đề xuất với các Bộ, ngành liên quan sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quản lý Nhà nước trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.
b) Nghiên cứu đề xuất các mô hình phối hợp vận động, quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn tài trợ phù hợp với yêu cầu của các nhà tài trợ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân, nhất là thanh, thiếu niên trên các địa bàn thường xảy ra tai nạn bom mìn trong 5 năm trở lại đây, đặc biệt là các khu vực có mức độ ô nhiễm bom mìn nặng.
c) Đề xuất, phối hợp với Bộ Quốc phòng trong việc chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xây dựng, triển khai các đề án, dự án rà phá bom mìn cần ưu tiên trước ở các khu vực ô nhiễm bom mìn nặng, gắn với việc bảo đảm an toàn cho nhân dân và phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là tuyến biên giới Việt - Trung, các khu Kinh tế cửa khẩu, các khu vực ô nhiễm bom mìn nặng và hay xảy ra tai nạn ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên.
d) Phối hợp với Bộ Quốc phòng rà soát, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về cơ chế quản lý, điều hành, cấp phép, giám sát để tăng cường hiệu quả sử dụng các nguồn ngân sách theo Chương trình 504; kết hợp lồng ghép giữa hoạt động rà phá bom mìn với tuyên truyền, giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân.
đ) Phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát, nghiên cứu, đề xuất với Bộ Quốc phòng mua sắm và vận động tài trợ để bảo đảm đủ trang, thiết bị rà phá bom mìn cho lực lượng quân đội chuyên trách.
e) Nghiên cứu đề xuất đưa vào kế hoạch thực hiện Chương trình 504 các mô hình phối hợp, lồng ghép để hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bom mìn, nâng cấp các trạm y tế quân dân y kết hợp ở các khu vực ô nhiễm bom mìn nặng trên các địa bàn chiến lược, gắn với quốc phòng, an ninh.
2. Bộ Quốc phòng:
a) Chủ trì, phối hợp với Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 504 và các Bộ, ngành liên quan trong xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, quy định có liên quan trong công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn.
b) Tăng cường năng lực, điều kiện bảo đảm cho Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ của Chương trình 504 và đáp ứng yêu cầu vận động tài trợ quốc tế.
c) Kiện toàn các lực lượng quân đội chuyên trách tham gia rà phá bom mìn theo hướng tăng cường huấn luyện, củng cố, đầu tư mua sắm trang thiết bị đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của Chương trình 504.
d) Chủ trì, phối hợp với Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 504 trong việc chỉ đạo Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam xây dựng, triển khai các đề án, dự án ưu tiên khắc phục hậu quả bom mìn, các dự án vận động tài trợ.
đ) Chỉ đạo cơ quan quân sự địa phương, các đơn vị trực thuộc tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương trong tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân; trong tiếp nhận, thu gom, quản lý, tiêu hủy bom mìn, vật nổ theo quy định.
e) Chỉ đạo các quân khu, Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh có mức độ ô nhiễm bom mìn nặng (miền Trung, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ) tổ chức và duy trì hoạt động lực lượng công binh chuyên trách làm nhiệm vụ thu gom, xử lý bom mìn, vật nổ khi cần.
3. Bộ Công an:
a) Chỉ đạo công an các địa phương phối hợp với chính quyền cấp cơ sở và cơ quan quân sự trong việc huy động lực lượng, thiết bị, phương tiện để tiếp nhận, thu gom, quản lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo quy định; đẩy mạnh kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến việc người dân thu gom, tàng trữ, mua bán, cưa cắt, sử dụng trái phép bom mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ có nguy cơ gây tai nạn, vi phạm các quy định của pháp luật liên quan.
b) Rà soát bổ sung, hoàn thiện các quy định, hướng dẫn liên quan đến việc phát hiện và xử lý các vi phạm về thu gom, tàng trữ, mua bán, cưa cắt, sử dụng trái phép bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
c) Chỉ đạo điều tra, làm rõ nguyên nhân các vụ tai nạn do người dân thu mua, sử dụng trái phép bom mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh, xác định trách nhiệm liên quan để xử lý, sớm khởi tố đưa ra xét xử các trường hợp vi phạm điển hình. Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng trong chỉ đạo, xác định nguồn gốc, chủng loại bom mìn, vật nổ gây ra tai nạn để có giải pháp ngăn chặn kịp thời.
d) Tăng cường phối hợp với Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 504 trong việc triển khai các hoạt động thuộc Chương trình 504 của Chính phủ.
4. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:
a) Tăng cường phối hợp với các địa phương, các cơ quan quản lý lao động để kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an toàn lao động; chế độ chính sách với các đối tượng thuộc diện nghèo, cận nghèo và gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống ở tại các khu vực ô nhiễm bom mìn nặng; công tác giáo dục, hướng nghiệp cho các đối tượng chưa có việc làm.
b) Đẩy mạnh hoạt động của Hội và Quỹ hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam.
c) Thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động, dự án liên quan được giao trong Chương trình 504.
5. Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các tổ chức Đoàn thể trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, các đài phát thanh, truyền hình địa phương và các cơ quan truyền thông theo chức năng được giao, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân trên các phương tiện thông tin đại chúng; tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các quy định pháp luật và các hình thức xử lý vi phạm trong lĩnh vực này; phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 504 trong triển khai các nhiệm vụ liên quan.
6. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:
a) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm vi phạm liên quan đến việc người dân thu gom, tàng trữ, mua bán, cưa cắt, sử dụng trái phép bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ có nguy cơ gây tai nạn.
b) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã chủ trì phối hợp với cơ quan công an, cơ quan quân sự địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân; mở các cuộc vận động nhân dân phát hiện, trình báo, giao nộp bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho các cơ quan chức năng.
c) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã tăng cường công tác quản lý, kiểm tra hoạt động thu gom, tàng trữ, mua bán, cưa cắt, sử dụng trái phép bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Kiên quyết đình chỉ các hoạt động nếu vi phạm các quy định, có nguy cơ mất an toàn. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và tương đương phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tai nạn do thu gom, tàng trữ, mua bán, cưa cắt, sử dụng trái phép bom mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên địa bàn quản lý.
d) Có hình thức xử lý nghiêm đối với các cấp cơ sở buông lỏng quản lý để người dân vi phạm các quy định và có hình thức khen thưởng, động viên kịp thời với các cá nhân phát hiện, trình báo cơ quan chức năng về việc thu gom, tàng trữ, mua bán, cưa cắt, sử dụng trái phép bom mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
7. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 504, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện Chỉ thị này./.
Nơi nhận: | THỦ TƯỚNG |
- 1Quyết định 42/QĐ-BNV năm 2015 phê duyệt Điều lệ Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành
- 2Quyết định 369/QĐ-TTg năm 2015 phê duyệt Dự án do Quỹ hội nhập ASEAN - Nhật Bản viện trợ không hoàn lại cho Trung tâm Hành động khắc phục bom mìn Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Thông tư 147/2015/TT-BTC về quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành
- 4Quyết định 1509/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt Dự án “Rà tìm và xử lý bom mìn, vật nổ nhằm giảm thiểu các mối nguy hiểm và hỗ trợ kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Quảng Trị, giai đoạn X (2021-2025)” do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1Quyết định 42/QĐ-BNV năm 2015 phê duyệt Điều lệ Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành
- 2Quyết định 369/QĐ-TTg năm 2015 phê duyệt Dự án do Quỹ hội nhập ASEAN - Nhật Bản viện trợ không hoàn lại cho Trung tâm Hành động khắc phục bom mìn Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Thông tư 147/2015/TT-BTC về quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành
- 4Quyết định 1509/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt Dự án “Rà tìm và xử lý bom mìn, vật nổ nhằm giảm thiểu các mối nguy hiểm và hỗ trợ kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Quảng Trị, giai đoạn X (2021-2025)” do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Chỉ thị 20/CT-TTg năm 2016 về tăng cường thực hiện giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn và giảm thiểu tai nạn bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 20/CT-TTg
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 01/06/2016
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra