ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 20/CT-UBND | Đà Nẵng, ngày 20 tháng 10 năm 2008 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG MỘT SỐ BIỆN PHÁP CHỐNG HÀNG GIẢ, HÀNG KÉM CHẤT LƯỢNG VÀ GIAN LẬN THƯƠNG MẠI
Trong thời gian qua Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND các quận, huyện phối hợp kiểm tra, kiểm soát đấu tranh chống sản xuất và buôn bán hàng giả, gian lận thương mại đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần phát triển sản xuất, bảo vệ được quyền lợi người tiêu dùng, từng bước ổn định thị trường, lành mạnh kinh doanh. Tuy vậy trong quá trình thực hiện chưa đạt được hiệu quả tích cực, tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu trên thị trường vẫn còn đang diễn biến phức tạp, gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng đến nền kinh tế và sức khỏe cộng đồng. Thị trường trong nước đã xuất hiện nhiều loại hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại trong kinh doanh: Xăng dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thuốc chữa bệnh cho người, thức ăn chăn nuôi, giống cây trồng, mỹ phẩm và các loại thực phẩm công nghiệp...
Nguyên nhân tồn tại trên là do các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và các lực lượng chức năng đấu tranh chống hàng giả và gian lận thương mại phối hợp chưa đồng bộ, chưa chặt chẽ, có nơi do nhận thức không đầy đủ về tác hại của hàng giả, nên chưa chủ động ngăn ngừa, đề phòng; Đồng thời các chế tài xử lý vi phạm chưa thật sự đủ mạnh để chặn đứng các hành vi vi phạm.
Để tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 28/2008/CT-TTg, ngày 8/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp cấp bách chống hàng giả, hàng kém chất lượng; cũng như các chỉ đạo của các bộ, ngành Trung ương về các biện pháp chống gian lận thưuơng mại; Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các sở, ngành, địa phương, các lực lượng kiểm tra kiểm soát, các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp, Hội Bảo vệ Người tiêu dùng, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cần quán triệt một số biện pháp cấp bách sau đây:
1) Công tác kiểm tra được tiến hành thường xuyên, liên tục nhằm đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng kiểm tra; Nội dung kiểm tra bao gồm: Việc chấp hành pháp luật trong sản xuất kinh doanh, Giấy phép và các điều kiện kinh doanh, đăng ký sản xuất, kinh doanh hoặc chứng chỉ hành nghề, về ghi nhãn hàng hóa, thời hạn sử dụng. Các trường hợp vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng đối với sản xuất, sức khỏe cộng đồng, môi sinh, môi trường, quyền và lợi ích của người tiêu dùng, tái phạm nhiều lần thì đình chỉ sản xuất, thu hồi Giấy phép, chứng chỉ hành nghề và truy tố trách nhiệm hành sự; trong quá trình thực hiện các phương án kiểm tra, xử lý vi phạm phải thường xuyên có sơ kết và đánh giá rút kinh nghiệm, đảm bảo cho công tác kiểm tra xử lý đạt hiệu quả cao, tránh những diễn biến căng thẳng làm biến động thị trường.
2) Các cấp, các ngành, các lực lượng đấu tranh chống hàng giả và gian lận thương mại của thành phố cần nhận thức sâu sắc về tác hại nhiều mặt, kể cả trước mắt và lâu dài do hàng giả gây ra, thấy rõ tầm quan trọng của công tác nầy đối với công cuộc xây dựng phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và cả nước; sản xuất buôn bán hàng giả và gian lận thương mại là tội phạm kinh tế nguy hiểm không chỉ gây tổn thất vật chất cho xã hội mà còn gây bất an cho nhân dân trong tiêu dùng và sức khỏe cộng đồng (Chỉ thị số 28/2008/CT-TTg ngày 08 tháng 9 năm 2008);
3) Giao Giám đốc Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Y tế, Sở Khoa học & Công nghệ, Công an thành phố, Cục Hải quan Đà Nẵng, các ngành liên quan xây dựng phương án kiểm tra trong thời gian từ nay đến ngày 31/12/2008, và năm 2009 nhằm ngăn chặn có hiệu quả và xử lý các hành vi vi phạm về sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và các hành vi gian lận thương mại; chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường xây dựng kế hoạch kiểm tra và xử lý các hành vi gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng đang lưu thông trên thị trường; giúp UBND thành phố đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này đối với các sở, ban ngành, UBND quận huyện, tổng hợp và báo cáo theo định kỳ;
4) Sở Khoa học và Công nghệ căn cứ vào chức năng nhiệm vụ được giao và sự phân công của Ban chỉ đạo 127 thành phố có kế hoạch thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi về gian lận thưuơng mại, kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, tổ chức và phối hợp với các cơ quan có chức năng kiểm nghiệm, giám định chất lượng, nhãn hàng hoá khi có dấu hiệu vi phạm theo đúng quy định của pháp luật; hướng dẫn và kiểm tra việc doanh nghiệp công bố áp dụng hoặc công bố hàng hoá phù hợp quy chuẩn Việt Nam;
5) Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, chế biến, đóng gói phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, giống cây trồng và xử lý các hành vi kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hoá...
6) Sở Y tế có kế hoạch thanh tra, kiểm tra, rà soát và xử lý các cơ sở phân phối, bán lẻ thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh cho người (kể cả tại các bệnh viện) có lưu hành thuốc giả, kém chất lượng, quá hạn sử dụng, không ghi nhãn hoặc ghi không đầy đủ...
7) Sở Thông tin - Truyền thông, Sở Văn hoá - Thể thao & Du lịch có nhiệm vụ cung cấp nội dung, tài liệu tuyên truyền chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước về đấu tranh chống hàng giả...
8) Công an thành phố có nhiệm vụ chủ động và phối hợp với các cơ quan có chức năng tiến hành trinh sát, phát hiện và xử lý các hành vi kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại; tập trung điều tra, khám phá các tổ chức, cá nhân, các đường dây, ổ nhóm sản xuất, chế biến, đóng gói, sang chiết, nhập khẩu, buôn bán, tàng trữ hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại để truy tố theo quy định của Pháp luật hiện hành.
9) Cục Hải quan Đà Nẵng tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại cửa khẩu; kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi buôn lậu, nhập khẩu hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng … vào nội địa; đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai các biện pháp chống buôn lậu đạt hiệu quả.
10) UBND quận huyện có kế hoạch phổ biến tuyên truyền chỉ thị này đến UBND các phường, BQL các chợ, các tổ chức cá nhân kinh doanh trên địa bàn, tiến hành kiểm tra và xử lý các hành vi gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng đang lưu thông trên thị trường theo phân cấp quản lý;
11) Báo Đà Nẵng, Đài Phát thanh truyền hình Đà Nẵng (DRT) có nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước về đấu tranh chống các hành vi kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại.
Nhận được Chỉ thị này, UBND thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị, UBND các quận, huyện xây dựng, triển khai kế hoạch và định kỳ báo cáo UBND thành phố vào ngày 20 hằng tháng qua cơ quan thường trực - Sở Công Thương thành phố.
| CHỦ TỊCH |
Chỉ thị 20/CT-UBND năm 2008 về tăng cường một số biện pháp chống hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành
- Số hiệu: 20/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 20/10/2008
- Nơi ban hành: Thành phố Đà Nẵng
- Người ký: Trần Văn Minh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 30/10/2008
- Tình trạng hiệu lực: Đã biết