UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10/CT-UBND | Bắc Giang, ngày 02 tháng 10 năm 2008 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC CHỐNG HÀNG GIẢ, HÀNG KÉM CHẤT LƯỢNG
Thực hiện Chỉ thị số 31/1999/CT-TTg ngày 27/10/1999 của Thủ tướng Chính phủ về đấu tranh chống sản xuất và buôn bán hàng giả, các ngành và địa phương trong tỉnh đã tích cực, chủ động triển khai nhiều biện pháp chống sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng và đạt được những kết quả nhất định, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, công tác đấu tranh chống sản xuất và buôn bán hàng giả chưa đạt hiệu quả cao, tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng ngày càng có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp; đặc biệt trong thời gian gần đây lợi dụng biến động của giá cả hàng hoá trong nước và thế giới, trên thị trường đã xuất hiện nhiều hàng giả, hàng kém chất lượng như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, giống cây trồng, dược phẩm, mỹ phẩm và một số mặt hàng công nghiệp thực phẩm. Các loại hàng giả, hàng kém chất lượng nói trên đã và đang gây tác hại nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, sức khoẻ nhân dân và môi trường. Thực hiện Chỉ thị số 28/2008/CT-TTg ngày 08/9/2008 Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp cấp bách chống hàng giả, hàng kém chất lượng; để tăng cường công tác đấu tranh chống sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường tỉnh Bắc Giang, Chủ tịch UBND tỉnh yêu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các cơ quan thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Giám đốc các doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh thực hiện ngay một số biện pháp sau đây:
1. Giám đốc các sở, Thủ trưởng các cơ quan thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các lực lượng chức năng chống hàng giả, hàng kém chất lượng phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc về tác hại do hàng giả, hàng kém chất lượng gây ra; thấy rõ tầm quan trọng của công tác này, phải coi trọng công tác chống hàng giả, hàng kém chất lượng là một trong những nhiệm vụ quan trọng cấp bách hiện nay; phải thường xuyên chỉ đạo, chủ động, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng từ quá trình sản xuất, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường; phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, các lực lượng chức năng và các doanh nghiệp, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan, đoàn thể, người tiêu dùng và cơ quan thông tin đại chúng để đấu tranh, tạo dư luận lên án mạnh mẽ hoạt động sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các vụ sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng phát hiện được.
Giám đốc các sở, Thủ trưởng các cơ quan thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về tình hình hàng giả, hàng kém chất lượng xảy ra thuộc phạm vi quản lý của ngành, địa phương.
2. Thường trực Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại tỉnh (Sở Công Thương) chủ trì, phối hợp với các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Khoa học và Công nghệ; Công an tỉnh và các cơ quan liên quan xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra các loại hàng giả, hàng kém chất lượng đối với phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, giống cây trồng, dược phẩm, mỹ phẩm và một số mặt hàng thực phẩm công nghiệp... trước mắt tập trung cao công tác kiểm tra vào những tháng cuối năm 2008 nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời các loại hàng giả, hàng kém chất lượng nói trên.
Việc kiểm tra, kiểm soát phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, có trọng tâm trọng điểm, không được gây cản trở đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn; đối tượng kiểm tra là các cơ sở sản xuất, chế biến, gia công, đóng gói, sang chiết, nhập khẩu, bán buôn, bán lẻ các mặt hàng nói trên; nội dung kiểm tra là việc chấp hành pháp luật về đăng ký kinh doanh, điều kiện kinh doanh, giấy phép sản xuất, kinh doanh hoặc chứng chỉ hành nghề, chất lượng sản phẩm hàng hoá, đóng gói hàng hoá, nguồn gốc hàng hoá, nhãn hàng hoá, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ…; các trường hợp vi phạm đều phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm rà soát, hệ thống lại các loại phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, giống cây trồng của các doanh nghiệp đã đăng ký và được phép sản xuất, nhập khẩu đóng gói, sang chiết, lưu hành và sử dụng tại Việt Nam; chủ động kiểm tra hoặc thông báo cho các ngành, các lực lượng có chức năng phối hợp kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, gia công, chế biến, sang chiết, đóng gói, nhập khẩu hoặc phân phối các loại vật tư nông nghiệp nói trên nhằm ngăn ngừa hàng giả, hàng kém chất lượng được sản xuất, nhập khẩu và tiêu thụ trên thị trường.
4. Sở Y tế chấn chỉnh, tăng cường quản lý, giám sát các cơ sở phân phối, bán lẻ thuốc phòng, chữa bệnh cho người, kể cả các bệnh viện; tổ chức lại hệ thống phân phối thuốc phòng chữa bệnh cho người trên địa bàn tỉnh phù hợp yêu cầu quản lý trong tình hình mới; phối hợp với các ngành, các lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra ngăn chặn có hiệu quả tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng lưu hành trên thị trường.
5. Công an tỉnh phối hợp với các ngành, các lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra chống hàng giả, hàng kém chất lượng đối với các mặt hàng nói trên; chỉ đạo công an các cấp tập trung điều tra, khám phá các tổ chức, cá nhân, các đường dây, ổ nhóm sản xuất, chế biến đóng gói, sang chiết, nhập khẩu, buôn bán, tàng trữ hàng giả để xử lý theo quy định của pháp luật.
6. Sở Tài chính phối hợp với Thường trực Ban Chỉ đạo 127 tỉnh nghiên cứu đề xuất hỗ trợ điều kiện làm việc, kinh phí bảo đảm thông tin liên lạc, phương tiện kiểm tra, kiểm soát cho các lực lượng chức năng thực thi chống hàng giả, hàng kém chất lượng báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét quyết định.
7. Các lực lượng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường ở các ngành cần phối hợp thường xuyên, chặt chẽ trong công tác chống hàng giả, hàng kém chất lượng; Công an, Quản lý thị trường phải là lực lượng chủ yếu trong công tác chống hàng giả, hàng kém chất lượng trên địa tỉnh.
8. Chủ tịch UBND huyện, thành phố thường xuyên quan tâm chỉ đạo các lực lượng chức năng của huyện, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn làm tốt công tác phòng ngừa, chủ động đấu tranh, ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng lưu thông trên địa bàn; xử lý nghiêm theo pháp luật các vụ việc phát hiện được.
9. Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh cần đầu tư áp dụng khoa học công nghệ để sản xuất hàng hoá đảm bảo chất lượng, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành sản phẩm; nghiêm túc thực hiện các quy định về công bố chất lượng sản phẩm hàng hoá, ghi nhãn hàng hoá, bảo đảm chất lượng hàng hoá đúng với công bố chất lượng, chịu trách nhiệm trước người tiêu dùng và trước pháp luật đối với sản phẩm, hàng hoá do mình sản xuất; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc chống hàng giả, hàng kém chất lượng.
10. Đài Phát thanh và truyền hình, Báo Bắc Giang tích cực đưa tin, phản ánh kịp thời chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về công tác chống hàng giả, hàng kém chất lượng; tình hình hàng giả, hàng kém chất lượng và công tác chống hàng giả, hàng kém chất lượng của các cơ quan, lực lượng chức năng nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đối với công tác chống hàng giả, hàng kém chất lượng.
11. Đề nghị Mặt trận tổ quốc tỉnh và các Đoàn thể nhân dân phối hợp tuyên truyền, vận động để mọi tổ chức và nhân dân biết tham gia đấu tranh chống sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng trên địa bàn tỉnh; tích cực phối hợp, tham gia cùng với các cơ quan chức năng chống hàng giả, hàng kém chất lượng trong quá trình tổ chức thực hiện Chỉ thị này.
12. Giao Giám đốc Sở Công Thương- Thường trực Ban Chỉ đạo 127 tỉnh chủ trì phối hợp với các ngành, cơ quan liên quan và UBND huyện thành phố tổ chức kiểm điểm đánh giá toàn diện và báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 127 Trung ương kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị số 31/1999/CT-TTg ngày 27/10/1999 của Thủ tướng Chính phủ về đấu tranh chống sản xuất và buôn bán hàng giả trên địa bàn tỉnh.
13. Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các cơ quan thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Giám đốc các doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân có liên quan chị trách nhiệm thực hiện Chỉ thị này./.
Nơi nhận: | KT. CHỦ TỊCH |
- 1Chỉ thị 20/CT-UBND năm 2008 về tăng cường một số biện pháp chống hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành
- 2Quyết định 31/2012/QĐ-UBND bãi bỏ Quyết định 01/2002/QĐ-UB về Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, chống hàng giả và gian lận thương mại do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp ban hành
- 1Chỉ thị 31/1999/CT-TTg về việc đấu tranh chống sản xuất và buôn bán hàng giả do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Chỉ thị 28/2008/CT-TTg về biện pháp cấp bách chống hàng giả, hàng kém chất lượng do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Chỉ thị 20/CT-UBND năm 2008 về tăng cường một số biện pháp chống hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành
- 4Quyết định 31/2012/QĐ-UBND bãi bỏ Quyết định 01/2002/QĐ-UB về Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, chống hàng giả và gian lận thương mại do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp ban hành
Chỉ thị 10/CT-UBND năm 2008 tăng cường công tác chống hàng giả, hàng kém chất lượng của tỉnh Bắc Giang
- Số hiệu: 10/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 02/10/2008
- Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Giang
- Người ký: Bùi Văn Hạnh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 02/10/2008
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực