Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
****

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
*****

Số: 195-TTg

Hà Nội, ngày 25 tháng 05 năm 1979

 

CHỈ THỊ

VỀ CÔNG TÁC LƯƠNG THỰC VỤ CHIÊM XUÂN 1979 Ở MIỀN BẮC

Năm 1978, ở miền Bắc, sản xuất lương thực bị sút kém, nhất là vụ mùa 1978 nhiều nơi bị mất mùa nặng do bão lụt. Nhưng trước tình hình và nhiệm vụ mới, nhiều tỉnh, thành đã động viên nhân dân tiết kiệm tiêu dùng, đóng góp lương thực cho Nhà nước với mức cố gắng lớn. Ngoài phần làm tròn nghĩa vụ đóng thuế nông nghiệp và bán lương thực trong kế hoạch và hợp đồng, một số hợp tác xã còn trích quỹ của tập thể cho Nhà nước vay khi cần thiết. Đối với nông dân vùng bị lũ lụt nặng, ngoài số lương thực được Nhà nước tiếp trợ, nhiều địa phương đã tích cực đẩy mạnh sản xuất và vận động nhân dân cứu giúp lẫn nhau trong sản xuất và đời sống, nhất là trong những tháng giáp hạt vừa qua. Đó là những thành tích rất lớn của nhân dân, của các hợp tác xã đáng được biểu dương đúng mức.

Tuy vậy, bên cạnh nhiều tỉnh, thành làm tốt công tác lương thực, vẫn còn một số địa phương đánh giá sản xuất chưa sát, chỉ đạo chưa chặt chẽ, thiếu khẩn trương, nên kết quả đạt được còn thấp so với kế hoạch và khả năng thực tế.

Từ nay đến cuối năm 1979, tình hình lương thực của Nhà nước hết sức khẩn trương, số lương thực cố gắng huy động trong nước còn thấp xa so với nhu cầu tăng nhanh,Nhà nước có tranh thủ nhập thêm lương thực của người nước ngoài, nhưng còn gặp nhiều khó khăn về nguồn hàng, về tiếp nhập, vận chuyển và chế biến. Trước yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, bảo đảm và ổn định đời sống của nhân dân, bảo đảm yêu cầu chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu, tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, nhu cầu về lương thực của Nhà nước ở miền Bắc từ nay có vị trí đặc biệt quan trọng, đòi hỏi các ngành, các cấp phải có sự nỗ lực vượt bậc để đảm bảo hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đã định.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân các địa phương và các ngành có trách nhiệm làm tốt  các việc cụ thể sau đây:

1. Về chủ trương huy động lương thực.

a) Vụ chiêm xuân năm nay ở miền Bắc, các địa phương, các hợp tác xã nông nghiệp và nông dân đã có nhiều cố gắng bảo đảm kế hoạch diện tích lúa và màu, nhưng do thời tiết không thuận, phân bón có phần kém trước nên nhiều nơi năng suất có bị kém, triển vọng tổng sản lượng lương thực quy thóc không đạt được kế hoạch dự kiến từ đầu năm. Tuy vậy, đây cũng là một trong những vụ chiêm xuân thu hoạch bình thường.

Yêu cầu đề ra cho công tác lương thực vụ chiêm xuân này là phải động viên trên tinh thần thời chiến, tăng cường giáo dục các hợp tác xã nông nghiệp và nông dân thấy hết khó khăn chung, với lòng yêu nước nồng nàn, ý chí quyết tâm bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, ra sức chăm sóc cây trồng, tổ chức thu hoạch lúa và màu vụ chiêm xuân nhanh, gọn, tốt. Quản lý chặt chẽ việc phân phối lương thực trong nội bộ hợp tác xã, giải quyết đời sống của xã viên trên tinh thần chi dùng lương thực tiết kiệm và làm thêm rau xanh màu vụ thu để ăn thêm, dành nộp thuế nông nghiệp, trả nợ (nếu có) và bán cho Nhà nước với mức cố gắng cao nhất.

b) Khi lên cân đối lương thực của hợp tác xã, cần chỉ đạo làm đúng theo những quy định sau đây:

- Tính từ 5 đến 7% hao hụt tự nhiên so với năng suất gặt thống kê (nơi nào cây giống lúa dễ rơi rụng mới trừ 7%).

- Dành 1% sản lượng lương thực của hợp tác xã để lập quỹ xã hội.

- Dành 100kg/ha làm giống cho vụ sau và 20 kg/ha dự phòng. Riêng đối với thóc dự phòng này, các hợp tác xã phải nộp lên huyện như nghị quyết số 55-CP ngày 03-03-1978 của Hội đồng Chính phủ đã quy định.

Ngoài các khoản quy định nói trên, vụ này hợp tác xã chưa để thêm thứ quỹ nào khác bằng lương thực.

Việc dành từ 10 đến 15% ruộng đất để sản xuất thức ăn phát triển chăn nuôi gia súc phải thi hành đúng tinh thần và nội dung thông tư số 291-TTg ngày 19-05-1978 của Thủ tướng Chính phủ. Trong vụ chiêm xuân này, hợp tác xã nào vẫn chưa dành hoặc dành chưa đủ diện tích để sản xuất thức ăn phát triển chăn nuôi gia súc, mà vẫn trích trong sản lượng thu hoạch để chăn nuôi, thì phải căn cứ vào đàn lợn hiện có mặt tại chuồng và kế hoạch phát triển chăn nuôi (nếu có) từ nay đến vụ mùa tới (kể cả phần chăn nuôi tập thể và phần giao khoán cho các hộ xã viên  nuôi) để trích cho sát đúng, khỏi làm ảnh hưởng đến mức sống của xã viên và mức huy động của Nhà nước.

Cần giáo dục các hợp tác xã với tinh thần nơi được mùa, cần đóng góp thêm lương thực để bù đắp cho nơi mất mùa, nơi không có chiến sự cố gắng huy động thêm giúp nơi có chiến sự. Việc phân phối lương thực trong nội bộ hợp tác xã nông nghiệp vẫn theo tinh thần và nội dung nghị quyết số 55-CP ngày 03-03-1978 của Hội đồng Chính phủ, mặt khác, có biện pháp đẩy mạnh ngay sản xuất lúa và rau màu hè thu ở tất cả những nơi có điều kiện nhằm tạo thêm nguồn lương thực cho người và thức ăn cho gia súc trong thời kỳ giáp hạt vụ mùa.

c) Sau khi hợp tác xã đã làm đủ mức thuế nông nghiệp trả nợ Nhà nước (nếu có) và bán đủ mức lương thực theo kế hoạch trên giao, hợp tác xã vận động các hộ xã viên có lương thực thừa bán ngoài kế hoạch cho Nhà nước theo giá khuyến khích gấp hai lần giá chỉ đạo mua trong kế hoạch của Nhà nước.

d) Ngoài việc huy động thóc, phải hết sức coi trọng việc đẩy mạnh thu mua và tiêu thụ màu (cả khô và tươi) ở những nơi trồng nhiều, mặt khác, cần thực hiện tốt việc đổi màu, mì lấy thóc tốt cho quỹ chăn nuôi của hợp tác xã để có thêm gạo cung cấp cho các lực lượng chiến đấu.

2. Về chỉ đạo và tổ chức thực hiện.

a) Để thực hiện tốt nhiệm vụ huy động lương thực nói trên, công tác giáo dục tư tưởng và động viên chính trị phải được đặt biệt coi trọng, cần làm cho toàn thể cán bộ, đảng viên ở nông thôn và quần chúng xã viên hiểu rõ tình hình và nhiệm vụ mới, thấy rõ khó khăn chung về lương thực của cả nước hiện nay, có ý thức tận dụng mọi khả năng lao động và đất đai để ra sức đẩy mạnh sản xuất lương thực, bảo đảm đủ lượng chi dùng cho địa phương mình, đơn vị mình và làm tròn nghĩa vụ đóng góp ngày càng nhiều lương thực cho Nhà nước.

b) Về mặt sản xuất, phải chỉ đạo và tổ chức thu hoạch khẩn trương, kịp thời vụ, kết hợp chặt chẽ việc thu hoạch vụ chiêm xuân với sản xuất vụ mùa, thu hoạch với thu mua và nhập kho, bố trí kế hoạch vận chuyển, giao nhận hợp lý cho từng hợp tác xã. Trong thời gian này, các địa phương cần chỉ đạo thực hiện công tác thu hoạch và làm nhiệm vụ lương thực một cách tập trung, dứt điểm trong thời gian ngắn nhất.

c) Các tỉnh cần đi sát hướng dẫn, giúp đỡ các Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo, phối hợp các ngành có liên quan làm tốt chế độ hợp đồng hai chiều, thực hiện đúng các hợp đồng đã ký về mặt cung cấp vật tư hàng hóa cho các hợp tác xã nông nghiệp và nông dân, cũng như về mặt thu mua lương thực, thực hiện đúng chính sách giá khuyến khích mua ngoài kế hoạch gấp đôi giá chỉ đạo mua trong kế hoạch.

d) Tỉnh và huyện cần tập trung cán bộ có năng lực đưa xuống cơ sở để vừa giúp đỡ các hợp tác xã tổ chức thu hoạch vụ chiêm xuân, làm vụ thu và vụ mùa, vừa đôn đốc nhập kho, bảo đảm hoàn thành công tác lương thực trong thời gian nhanh nhất, bảo đảm phẩm chất lương thực tốt.

Trong quá trình thực hiện, Bộ Lương thực và thực phẩm và các Ủy ban nhân dân địa phương cần thường xuyên kiểm tra, phát hiện tình hình để kịp thời bổ khuyết những thiếu sót cho bên dưới.

 

 

K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG
 
 

 
Võ Chí Công

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 195-TTg về công tác lương thực vụ Chiêm xuân 1979 ở miền Bắc do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 195-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 25/05/1979
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Võ Chí Công
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 4
  • Ngày hiệu lực: 25/05/1979
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản