THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | VIỆT |
Số: 154-TTg | Hà Nội, ngày 17 tháng 06 năm 1974 |
VỀ CÔNG TÁC LƯƠNG THỰC VỤ CHIÊM XUÂN 1974
Vụ mùa 1973 bị mất nặng, vụ đông 1973 và rau màu sớm gieo trồng trong những tháng đầu năm 1974, do rét kéo dài, một số vùng bị sương muối, năng suất bị giảm sút và thu hoạch chậm lại nhiều ngày. Vì những nguyên nhân trực tiếp nói trên, trong vụ giáp hạt năm nay (cuối 1973 đầu 1974), diện nông dân thiếu ăn xảy ra khá rộng, thời gian kéo dài, gây ảnh hưởng không tốt đến sản xuất và sức khỏe của dân ở một số địa phương.
Ngoài những nguyên nhân khách quan, nhiều khuyết điểm trong công tác lương thực, từ việc nắm tình hình sản xuất và đánh giá sản xuất, hướng dẫn ăn chia, phân phối trong hợp tác xã và lãnh đạo tiết kiệm tiêu dùng trong dân, tổ chức thu mua lương thực của Nhà nước và quản lý thị trường lương thực, chỉ đạo sản xuất tự cứu và tương trợ giúp đỡ nhau trong nông thôn, đến việc tổ chức phân phối lương thực cứu đói... đã làm cho tình hình thêm khó khăn hơn.
Thi hành nghị quyết 228-NQ/TW của Bộ Chính trị trung ương Đảng và quyết định số 75-CP ngày 8-4-1974, của Hội đồng Chính phủ về quản lý lương thực; rút kinh nghiệm trong việc giải quyết lương thực trong đợt giáp hạt vừa qua và những năm trước đây, để tăng cường sự chỉ đạo và quản lý lương thực của Nhà nước, đề cao trách nhiệm của các ngành, các cấp, của từng đơn vị sản xuất và cá nhân trong công tác lương thực, cần phải tập trung sức làm tốt những công tác chính như sau:
Khả năng cân đối lương thực không phải chỉ dựa trên kết quả thu hoạch của các vụ sản xuất chính, mà còn phải dựa vào kết quả và khả năng thiết thực tăng vụ, đẩy mạnh sản xuất rau, màu ngắn ngày, tiết kiệm tiêu dùng… cấp ủy và chính quyền các cơ quan có trách nhiệm ở các cấp, trước hết là ngành nông nghiệp và ngành lương thực thực phẩm phải nắm chắc tình hình và kết quả sản xuất cụ thể từng vùng từng vụ, từng thời gian để có kế hoạch và biện pháp bảo đảm nghĩa vụ lương thực đối với Nhà nước, đồng thời bảo đảm nhu cầu về đời sống của dân. Trong công tác lương thực một mặt lãnh đạo ở các cấp không được tách rời công tác chỉ đạo sản xuất, thu mua với nhiệm vụ chính trị của nó, mặt khác phải nắm kết quả sản xuất một cách chính xác, khách quan; số liệu thống kê và báo cáo về kết quả sản xuất phải phản ánh trung thực tình hình từng cơ sở. Công tác chuyên môn, nghiệp vụ của hệ thống thống kê, kế toán phải bảo đảm yêu cầu đó. Ngành thống kê có trách nhiệm trước Nhà nước về các số liệu thống kê báo cáo của mình. Các cấp ủy và chính quyền phải lãnh đạo, kiểm tra và đòi hỏi các ngành chuyên môn và các đơn vị cơ sở bảo đảm tính chính xác, trung thực của số liệu thống kê, ngay từ số liệu thống kê ban đầu ở cơ sở. Khi tính kết quả sản xuất lương thực, phải tính cả tổng sản lượng và sản lượng bình quân đầu người về lương thực, không phải chỉ tính thành tích về năng suất bình quân trên hécta có thu hoạch. Các ngành, các cấp phải nắm kết quả sản xuất theo yêu cầu nội dung trên đây để tính toán kế hoạch huy động và phân phối lương thực và tránh sai lầm trong việc huy động và phân phối.
Phải đề cao trách nhiệm của các hợp tác xã, các đơn vị sản xuất và cá nhân bảo đảm yêu cầu cung cấp lương thực cho Nhà nước, bao gồm cả thuế nông nghiệp, bán thóc và lương thực trong nghĩa vụ, trả nợ và bán thóc ngoài nghĩa vụ cho Nhà nước. Qua kỳ giáp hạt lần này, trong nông dân cũng như trong cán bộ để có tâm lý sợ thiếu đói, hơn nữa giá lương thực thị trường tự do lên cao, do đó, muốn giữ lương thực lại, việc huy động lương thực cho Nhà nước sẽ có khó khăn. Tuy nhiên, qua kỳ giáp hạt vừa rồi, nông dân và cán bộ đều thấy rõ chỉ dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, nông dân mới có thể vượt qua một kỳ giáp hạt gay go như vậy. Do đó cần phải giáo dục, động viên mọi người ra sức sản xuất và tiết kiệm, làm đầy đủ nghĩa vụ lương thực với Nhà nước; khắc phục tư tưởng ỷ lại vào Nhà nước, khi khó khăn thì trông chờ vào lương thực của Nhà nước, lúc thu hoạch thì muốn giữ nhiều thóc lại để phân phối và tiêu dùng thoải mái.
Trên cơ sở nắm chắc kết quả sản xuất, cần có kế hoạch đẩy mạnh sản xuất và đề cao nghĩa vụ cung cấp lương thực cho Nhà nước; phải ra sức cải tiến công tác thu mua, thu nợ của Nhà nước. Kế hoạch và mức thu mua phải căn cứ vào kết quả thực tế sản xuất của từng cơ sở, không thể tách rời mức thu mua với sản xuất và bảo đảm đời sống nông dân. Phải hết sức khắc phục tình trạng Nhà nước thu mua với giá cao, sau đó lại phải bán ra, cứu tế, hoặc cho vay, gây ra tổn phí cho Nhà nước, căng thẳng về lương thực ở các vùng và tâm lý ỷ lại vào Nhà nước.
Sau đây là một số việc cụ thể:
a) Phải ra sức làm tốt việc thu thuế nông nghiệp bằng lương thực và thu mua lương thực trong nghĩa vụ. Dựa trên đánh giá sơ bộ về tình hình sản xuất vụ chiêm xuân 1974 và để bảo đảm yêu cầu lương thực của Nhà nước mức thu thuế nông nghiệp bằng lương thực và thu mua lương thực trong nghĩa vụ nói chung phải đạt khoảng 50 – 60% mức nghĩa vụ dự kiến cho cả năm. Đối với những hợp tác xã thu hoạch khá, không nợ hoặc ít nợ lương thực của Nhà nước thì mức tạm thu có thể cao hơn (70 – 80% hay cao hơn), những hợp tác xã sản xuất khó khăn, nợ nhiều thì mức tạm thu thấp hơn.
b) Về thu nợ: Các hợp tác xã và nông dân xã viên có vay lương thực của Nhà nước phải cố gắng trả nợ với mức tích cực. Những hợp tác xã hoặc cá nhân thu hoạch khá, nợ ít thì cố gắng trả hết nợ; các hợp tác xã hoặc cá nhân thu hoạch kém, nợ nhiều có thể xét cho trả một phần, còn thì hoãn lại các vụ sau. Hợp tác xã hoặc cá nhân còn nợ lương thực Nhà nước phải có kế hoạch sản xuất và tiết kiệm lương thực để trả nợ và cấp trên phải kiểm tra kế hoạch này.
c) Về thu mua lương thực ngoài nghĩa vụ. Đi đôi với việc thu thuế, thu mua trong nghĩa vụ, thu nợ, phải ra sức làm tốt việc mua lương thực ngoài nghĩa vụ để tăng thêm nguồn lương thực của Nhà nước và góp phần xóa bỏ thị trường tự do về lương thực. Mua lương thực ngoài nghĩa vụ là nhằm mua số lương thực của hợp tác xã hoặc cá nhân, sau khi đã làm đúng nghĩa vụ lương thực với Nhà nước, dành các quỹ lương thực cần thiết cho hợp tác xã, bảo đảm mức ăn cần thiết trong hợp tác xã hoặc trong gia đình, mà còn dôi ra, hoặc tiết kiệm được. Nhà nước không mua của hợp tác xã, hoặc cá nhân không đủ lương thực ăn cho đến vụ sau. Những hộ chỉ đủ ăn mà cần tiền phải bán lương thực thì được bán ký gửi cho Nhà nước, sau này có tiền sẽ mua lại.
d) Đối với các hộ nông dân cá thể, Ủy ban hành chính huyện và xã phải có kế hoạch và phân công trách nhiệm cho cán bộ đôn đốc các hộ làm đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế, bán trong nghĩa vụ, trả nợ, bán ngoài nghĩa vụ cho Nhà nước và phải có sự kiểm tra chặt chẽ.
đ) Phải chỉ đạo tốt việc chế biến màu và thu mua màu trong và ngoài nghĩa vụ. Ngoài thóc và ngô, trong vụ chiêm xuân hàng năm, các hợp tác xã và nông dân thu hoạch một khối lượng khá lớn hoa màu, chủ yếu là khoai lang. Ngành lương thực thực phẩm phải có kế hoạch hướng dẫn việc thu hoạch, chế biến và tổ chức thu mua hoa màu, bảo đảm nắm thêm trong tay Nhà nước một khối lượng lương thực cần thiết. Dựa trên kết quả thu mua, phải có kế hoạch bảo quản và tiêu thụ kịp thời, nhất thiết không để xảy ra tình trạng: vì sợ phiền phức khó khăn mà không chịu thu mua; thu mua rồi, không có kế hoạch tiêu thụ, để hư hỏng.
Chính sách chung của Đảng và Nhà nước là nhằm tạo điều kiện để mọi người hăng hái lao động và được hưởng mức ăn cần thiết; những người lao động giỏi, lao động nhiều và nặng nhọc mức ăn phải cao hơn những người lao động nhẹ, lao động ít hoặc chưa lao động. Việc ăn chia phân phối lương thực trong hợp tác xã không thể bình quân, nhưng không nên tạo ra những chênh lệch quá lớn giữa các hộ xã viên: một số người được thu về một số lương thực rất lớn, không ăn hết, đem bán ở thị trường tự do, tiêu dùng lãng phí, một số ít dùng để cho vay lấy lãi, một số hộ khác thì mức ăn quá thấp...
Để bảo đảm chính sách lương thực, góp phần xóa bỏ thị trường tự do về lương thực, cần phải cải tiến việc phân phối lương thực trong nội bộ hợp tác xã theo hướng như sau:
a) Những người lao động giỏi, lao động nặng nhọc phải được khuyến khích thỏa đáng trong việc phân phối lương thực, nhưng hợp tác xã không phân phối lương thực quá mức ăn cần thiết cho cá nhân và gia đình họ. Những người lao động nhiều và giỏi, gia đình ít hoặc không có miệng ăn theo, sau khi được phân phối mức ăn cao, thì mức ăn bình quân trong gia đình có thể ngang với người lao động nặng nhọc trong công nhân; những người lao động nhiều hoặc giỏi nhưng có nhiều miệng ăn theo thì mức ăn bình quân trong hộ sẽ thấp hơn. Nói chung, đối với mỗi hộ phải tùy theo sự đóng góp về lao động mà phân phối thức ăn tương xứng, nhưng không quá mức ăn cần thiết.
b) Nhà nước huy động lương thực qua hợp tác xã, còn việc ăn chia công điểm của xã viên thì sẽ quy ra giá trị, một phần tính bằng lương thực theo mức nói trên, một phần khác tính bằng tiền và được chia theo ngày công. Chung quy lại những người lao động nhiều và lao động giỏi sẽ được hưởng thu nhập bằng tiền cao hơn người lao động kém. Khi tính toán cân đối lương thực của hợp tác xã, phải tính toán toàn bộ các nguồn thu và lương thực. Đối với lương thực trên đất dành cho chăn nuôi, hợp tác xã phải sử dụng đúng mục đích của nó, phải hết sức tiết kiệm. Trường hợp không dùng lương thực để chăn nuôi thì phải đưa vào lương thực cho người để cân đối.
c) Để bảo đảm cho mọi người, sau mỗi vụ sản xuất được phân phối một số lương thực cần thiết cho đời sống, hợp tác xã nông nghiệp phải có kế hoạch bố trí lao động thích hợp với khả năng và điều kiện lao động của từng người, để tạo điều kiện cho mọi người tham gia sản xuất, đi vào làm ăn chính đáng và bảo đảm được đời sống của bản thân người lao động và những người họ phải nuôi dưỡng.
Đi đôi với việc đẩy mạnh sản xuất, việc tiết kiệm lương thực có một tầm quan trọng rất lớn. Vì vậy, các cơ quan của Đảng, của Nhà nước ở các cấp, phải có trách nhiệm chỉ đạo và quản lý sản xuất, đồng thời phải lãnh đạo chặt chẽ việc tiết kiệm tiêu dùng. Phải chú trọng chỉ đạo và kiểm tra những khâu tiêu dùng lương thực quan trọng như sau:
a) Khi dành thóc, ngô... giống và dùng thóc, ngô giống cho sản xuất phải có tiêu chuẩn, định mức tùy theo loại giống, theo vùng, có phân biệt giống cho sản xuất và giống dự phòng; khi dành lương thực và dùng lương thực cho chăn nuôi phải có định mức tối đa và tối thiểu. Nhất thiết không để xảy ra lãng phí lương thực, lợi dụng, tham ô lương thực trong sản xuất.
b) Phải lãnh đạo tiêu dùng lương thực trong nông dân. Với mức lương thực được ăn chia sau mỗi vụ thu hoạch, mỗi hộ xã viên phải tiêu dùng tiết kiệm, nếu còn thiếu thì phải ra sức sản xuất thêm rau màu để có đủ ăn, nếu mức ăn tương đối khá thì phải tiết kiệm để phòng lúc khó khăn. Trong phạm vi lương thực được phân phối, mỗi hộ, mỗi gia đình phải tự lo lấy đời sống của mình; Đảng ủy xã, chính quyền xã và hợp tác xã phải lãnh đạo, hướng dẫn việc tiêu dùng lương thực trong nông thôn, nhất thiết không để xảy ra tình trạng đầu vụ thì tiêu dùng lãng phí, ma chay đình đám, làm nhà... đưa lương thực bán ra thị trường tự do; lúc giáp hạt thì thiếu đói, Nhà nước phải cứu trợ.
c) Phải quản lý chặt chẽ lương thực trong khu vực Nhà nước, khu vực thành thị và khu vực phi nông nghiệp khác. Ngành lương thực phải soát lại mức tiêu dùng thực tế để có biện pháp tiết kiệm lương thực, khắc phục những sơ hở gây ra lãng phí lương thực như: mức lương thực cao quá không ăn hết; phải cung cấp lương thực 2 lần (như cung cấp lương thực hội nghị, ăn sáng mà không thu tem phiếu…); lương thực vọt ra thị trường tự do, hao phí, mất mát trong khâu bảo quản, vận chuyển, phân phối. Dựa trên kết quả động viên tiết kiệm và quản lý chặt chẽ tiêu dùng lương thực, Bộ Lương thực và thực phẩm phải nghiên cứu quy định lại mức tiêu dùng lương thực trong khu vực phi nông nghiệp để trình Chính phủ quyết định.
Lương thực là nhu cầu cơ bản của nhân dân, là vật tư chiến lược của Nhà nước, vì vậy Nhà nước phải quản lý thống nhất, chặt chẽ, có hiệu lực. Để bảo đảm yêu cầu nói trên, đi đôi với việc thu mua lương thực phải làm tốt những khâu chủ yếu như:
- Phải quản lý chặt chẽ việc bảo quản, chế biến và phân phối lương thực của Nhà nước ở các cấp; khắc phục những sơ hở, lãng phí, lạm dụng tham ô trong công tác quản lý lương thực của Nhà nước. Kỳ giáp hạt vừa qua cũng là một dịp thử thách rất lớn đối với công tác này. Phải qua kết quả thực tế, cần biểu dương những hành động và những cá nhân có thành tích, đồng thời phải có kỷ luật, xử lý thích đáng đối với cá nhân hoặc đơn vị có khuyết điểm. Qua một đợt đấu tranh với những thử thách và khó khăn, sự chỉ đạo và quản lý của Đảng, của Nhà nước về công tác lương thực, cũng như bản thân ngành lương thực phải được củng cố để ngày càng tốt hơn.
- Tăng cường quản lý thị trường lương thực, theo Nghị quyết 328 của Bộ Chính trị trung ương Đảng và quyết định số 75-CP của Hội đồng Chính phủ. Thu hoạch vụ chiêm xuân năm nay là một dịp thuận lợi để triển khai công tác quản lý thị trường lương thực. Vì vậy, các ngành có trách nhiệm và các cấp phải tập trung sức để thi hành quyết định của Đảng và của Chính phủ: phải nghiêm cấm tư nhân buôn bán lương thực, bao gồm: thóc, gạo, ngô, mỳ, và các hàng chế biến từ những sản phẩm nói trên; nông dân và các hợp tác xã, sau khi làm nghĩa vụ còn lương thực thì bán cho Nhà nước với giá khuyến khích, không được đưa ra bán ở chợ. Việc vận chuyển lương thực từ nơi này sang nơi khác phải được quản lý chặt chẽ theo quy định của Nhà nước…
Ngành lương thực phải có trách nhiệm tổ chức tốt mạng lưới mua và bán lương thực để kịp thời phục vụ các hợp tác xã và nông dân mua bán lương thực được thuận tiện.
Những công tác trên đây phải được thực hiện tốt trong vụ thu hoạch chiêm xuân 1974, riêng việc ăn chia trong nội bộ hợp tác xã (nói ở điểm 3 trong chỉ thị này) là một công tác rất phức tạp, trong vụ chiêm xuân lần này mỗi tỉnh phải có kế hoạch chu đáo và cố gắng làm thí điểm ở một huyện, rút kinh nghiệm để làm phổ biến trong vụ mùa sắp đến. Ở những nơi làm thí điểm, phải chỉ đạo chặt chẽ, bảo đảm thu được kết quả tốt, không để các nơi làm tràn lan.
Công tác lương thực vụ chiêm xuân năm nay và trong thời gian tới có một tầm quan trọng đặc biệt và là một công tác có liên quan đến nhiều mặt quản lý của Nhà nước cũng như của hợp tác xã. Bộ Lương thực và thực phẩm và Ủy ban hành chính các cấp phải vừa làm vừa theo dõi sát các diễn biến xảy ra để kịp thời nghiên cứu các biện pháp cũng như các chính sách chế độ cần thiết phải bổ sung hoặc cụ thể hóa nhằm thực hiện tốt các quyết định của Đảng và Nhà nước. Kinh nghiệm trong công tác lương thực và việc giải quyết thiếu đói vừa qua và nhiều năm về trước cho thấy rõ chỉ trên cơ sở không ngừng đẩy mạnh sản xuất phát triển, gắn kế hoạch và biện pháp sản xuất với kế hoạch và tổ chức thu mua, phân phối và tiết kiệm tiêu dùng; đề cao tinh thần tự lực tự cường, ra sức sản xuất và tiết kiệm lương thực trong dân, đồng thời phải tăng cường công tác chỉ đạo quản lý lương thực của Nhà nước... thì mới có thể giải quyết một cách vững chắc nhu cầu về lương thực cho người và thức ăn cho gia súc, có dự trữ vững chắc cho Nhà nước.
Các ngành có trách nhiệm, các cấp ủy và chính quyền địa phương, phải rút bài học kinh nghiệm vừa qua, căn cứ vào tình hình và khả năng sản xuất, và chức năng nhiệm vụ của mình, góp phần phát động phong trào lao động sản xuất và tiết kiệm, ra sức làm tốt công tác lương thực trong vụ chiêm xuân năm nay và trong thời gian tới.
| K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
- 1Quyết định 75-CP năm 1974 về việc thực hiện chủ trương xóa bỏ thị trường tự do về lương thực và tăng cường quản lý lương thực do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 2Chỉ thị 195-TTg về công tác lương thực vụ Chiêm xuân 1979 ở miền Bắc do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Chỉ thị 500-TTg về công tác lương thực vụ mùa 1978 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Chỉ thị 154-TTg về công tác lương thực vụ chiêm xuân 1974 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 154-TTg
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 17/06/1974
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Lê Thanh Nghị
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 10
- Ngày hiệu lực: 02/07/1974
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định