Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 19/UB-CT | Bến Tre, ngày 28 tháng 6 năm 1980 |
CHỈ THỊ
VỀ CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG BÃO LỤT
Thi hành Chỉ thị số 111-TTg của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng chống bão lụt năm 1980 và thông báo của hội nghị các Phó Thủ tướng thường trực với BCH chống lụt bão Trung ương ngày 27/3/1980 và thông báo số 18-TB ngày 01/4/1980.
- Căn cứ theo tinh thần hội nghị tổng kết công tác chống lụt bão các tỉnh phía Nam năm 1979 do BCH chống lụt bão TW triệu tập và căn cứ theo Công văn số 56-CLB-TW về KH bảo vệ hậu phương trong công tác phòng chống lụt bão của Ban Chỉ huy phòng chống lụt - chống bão TW đề ngày 18/6/1980.
- Căn cứ vào tình hình thực tế của tỉnh ta trong mùa mưa bão.
UBND tỉnh chỉ đạo cho các ty, ban ngành, chính quyền các cấp cùng toàn thể nhân dân trong tỉnh về những việc cấp bách phải làm để phòng chống lụt bão trong năm 1980 như sau:
- Theo sự dự báo về mưa lũ được trên thông báo, lượng mưa năm nay sẽ lớn hơn trung bình nhiều năm; các sông ở Nam bộ năm 1978 có xuất hiện lũ lớn, nhưng đó là trận lớn nhất, trong vòng 20 gần đây chớ chưa phải là trận lũ (lụt) lớn nhất đã xảy ra.
Thời tiết trên thế giới trong nhiều năm gần đây rất thất thường, nước ta và nhiều nước khác trên thế giới liên tục bị lụt bão gây thiệt hại. Từ đầu năm nay lụt bão đã xảy ra ở các nước: Inđônêxia, Philippin, Ấn độ, Braxin; ở nước ta cơn bão số 2 đã xuất hiện vào ngày 26/6/1980.
Lụt bão là một tai họa khủng khiếp đối với sản xuất, đời sống của con người, chúng ta chỉ có thể hạn chế thiệt hại do nó gây ra mức thấp nhất bằng các biện pháp phòng chống chủ động tích cực. Do đó, vì trách nhiệm bảo vệ sinh mạng, tài sản trong khu vực Nhà nước và của nhân dân nên các ty, ban ngành, chính quyền các cấp, các lực lượng an ninh, phải chống các biểu hiện chủ quan trong nội bộ và nhân dân cho rằng ở Nam bộ ít có lụt bão.
Công tác phòng chống lụt bão có những nhiệm vụ nội dung như sau:
I. NHỮNG NHIỆM VỤ CHỦ YẾU:
1. Có kế hoạch chuẩn bị đầy đủ về lực lượng con người, phương tiện vật chất trước mùa lụt bão sắp đến: bao gồm các việc:
- Dựa vào tình hình cụ thể của từng ngành, từng địa phương để xây dựng kế hoạch, xây dựng phưong án phòng chống ... tốt nhất dự kiến sát đúng các tình huống sẽ xảy ra, lượng định chắc chắn những thuận lợi khó khăn có lụt bão đến.
- Chuẩn bị dụng cụ, vật liệu, phương tiện thông tin liên lạc, phương tiện vận chuyển...
- Tổ chức lực lượng xung kích, bao gồm các thành phần thanh niên nam, nữ, bộ đội, công an có sự chỉ huy thống nhất, sẵn sàng xung phong bảo vệ tài sản Nhà nước, sinh mạng và tài sản của nhân dân khi xảy ra lụt bão.
Phải thường xuyên kiểm tra công tác chuẩn bị nầy và những địa bàn xung yếu cần tổ chức diễn tập làm cho lực lượng xung kích phối hợp nhịp nhàng, thành thạo các thao tác để nâng cao hiệu quả chiến đấu khi có lụt bão thật sự.
2. Tổ chức chỉ huy chống lụt bão đạt hiệu quả cao khi có lụt bão xảy đến:
- Vì diện lụt bão sẽ rất rộng, nên phải nhanh chống tập trung lực lượng chống lụt bão có trọng tâm trọng điểm. Tức là tập trung lực lượng lớn vào bảo vệ những nơi có khả năng bị lụt bão gây ra những thiệt hại nặng về người và tài sản của Nhà nước và của nhân dân.
Tổ chức chống lụt bão đồng thởi tổ chức lực lượng bảo vệ đề phòng địch phá hoại, đảm bảo an toàn đối với những công trình xung yếu, những tài sản quan trọng (đê đập, cầu cống, kho tàng, nhà máy, các khu vực chăn nuôi tập trung...)
3. Tổ chức khắc phục hậu quả của thiên tai có trọng tâm trọng điểm, tức là tuỳ theo đối tượng của từng vùng mà nên tập trung cứu trợ đối tượng nào trước, đối tượng nào sau... để cho các mặt sản xuất, đời sống trong ngành mình địa phương mình sớm ổn định nhất.
II. NỘI DUNG CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG LỤT BÃO:
Có 4 nội dung chính như sau:
1. Bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân:
Đây là trách nhiệm lớn nhất của các ngành các cấp nên cần có KH phương án cụ thể để đối phó tích cực đối với lụt bão để bảo vệ sinh mạng, tài sản của nhân dân, bảo đảm tối thiểu về các mặt ăn, ở bình thường, chữa bệnh cho nhân dân trong và khi bão lụt. Đặc biệt phải chú trọng đầy đủ đến nhân dân ở vùng ven biển, thông báo kịp thời về bão lụt cho ngư dân trên tàu thuyền đánh cá để họ kịp thời ẩn tránh. Phải xem bảo vệ tính mạng của con người là nhiệm vụ quan trọng nhất.
2. Bảo vệ cơ quan, kho tàng, xí nghiệp, tài sản của Nhà nước và tập thể:
Các cơ quan xí nghiệp, HTX cần căn cứ theo tính chất các loại hồ sơ, tài liệu, tài sản để có KH bảo vệ. Cụ thể như: những loại hồ sơ quan trọng, hàng quý, máy móc quý phải được đưa vào chỗ cao bảo quản. Kiểm tra kiểm kê các kho vật tư thiết bị, hàng hoá của Nhà nước để phân loại bảo vệ và chỉ giữ mức tồn kho các loại vật tư hàng hoá dự trữ ở mức thấp nhất. Các loại giống cây trồng để ở kho, các trạm, trại giống cũng như có KH bảo vệ chu đáo.
Các loại máy móc thiết bị đặt ở những vùng trũng bờ biển, bãi sông các loại bè tre, gỗ... phải có KH đảm bảo an toàn. Khi có lụt bão kịp thời đưa lên cao. Hoặc đưa đến nơi an toàn trước khi có lụt bão đối với các loại thiết bị, vật tư chưa sử dụng đến.
Các công trình quan trọng như trạm bơm điện, kè cống, đê đập phải được bảo vệ chặt chẽ khi có bão lụt để đề phòng địch lợi dụng bão lụt để phá hoại.
3. Bảo đảm giao thông, thông tin liên lạc và trật tự trị an.
a) Giao thông:
Có kế hoạch đảm bảo giao thông thông suốt, có kế hoạch giải phóng hành khách ở các bến xe, tàu, có kế hoạch sẵn sàng chuẩn bị phương tiện thuỷ bộ đi huy động đi cứu người tài sản bị ngập lụt, phục vụ công tác giải quyết hậu quả sau bão lụt.
Có kế hoạch bảo vệ an toàn cầu phà, xà lan, tàu bè khi có bão lụt đến.
b) Thông tin liên lạc: Đài phát thanh, đài khí tượng chịu trách nhiệm theo dõi tình hình diễn biến của bão lụt để thông báo nhạy bén kịp thời. Tăng cường hệ thống thông tin vô tuyến, hữu tuyến từ tỉnh đến các huyện. Có kế hoạch dự kiến tổ chức các tổ thông tin đặc biệt nhằm đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống. Nhất là thông tin liên lạc với những vùng bị bão lụt tàn phá.
c) Trật tự trị an: trong tình hình hiện nay phải kết hợp chặt chẽ giữa công tác phòng chống bão lụt với công tác bảo vệ trât tự trị an qua các giai đoạn: trước trong và sau khi hết bão lụt để ngăn chặn kịp thời các âm mưu hành động của địch lợi dụng mưa bão để phá hoại kinh tế nói chung, nói riêng là phá hoại các công trình thuỷ lợi đê đập, cầu cống để làm thiệt hại do bão lụt gây ra nghiêm trọng thêm, tăng thêm nhiều thiệt hại khó khăn cho Nhà nước và nhân dân. Vì vậy, nên khi có bão lụt phải tập trung lực lượng để chống, đồng thời phải có lực lượng tuần tra chốt giữ các địa bàn có công trình xung yếu về kinh tế (các đoạn đê xung yếu, trạm bơm điện, kho tàng, đường dây thông tin, trạm biến thế điện, cầu, phà...).
4. Khắc phục hậu quả, phục hồi sản xuất và đời sống:
Đây là một công tác rất phức tạp, phải có kế hoạch cụ thể đối với từng hiện trường. Nhưng nhìn chung có mấy khâu quan trọng nhất:
+ Tổ chức lại lực lượng để giải quyết các hậu quả để sao cho mặt thiệt hại về kinh tế của Nhà nước và mặt sản xuất của nhân dân đến mức thấp nhất, đời sống khôi phục các mặt sản xuất với tốc độ nhanh nhất (kịp thời tháo úng cứu lúa, hoa màu, tranh thủ thu hoạch, tiếp tục gieo mạ để cấy tiếp...).
+ Nhanh chóng ổn định đời sống cho nhân dân đi đôi với công tác phòng ngừa dịch bệnh cho người và cho các loại gia súc, phục hồi nhanh các hoạt động văn hoá, y tế, giáo dục để phục vụ nhân dân.
+ Đây là khâu cuối cùng nhưng có mối quan hệ mật thiết với những khâu trước, vì nêu chúng ta chuẩn bị kế hoạch phòng chống tốt, kịp thời đối phó khi bão lụt xảy ra một cách chủ động, sáng tạo có trọng điểm trọng tâm thì khi giải quyết hậu quả cũng sẽ rất chủ động, nhẹ nhàng và ngược lại.
III. CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN:
- Sau khi sinh hoạt quán triệt Chỉ thị này trong các ty, ban ngành, chính quyền các cấp. Các đồng chí lãnh đạo trực tiếp xin chỉ thị của cấp uỷ (ty, ban ngành, huyện, thị) để các cấp ủy có kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các đoàn thể phối hợp hoạt động, tuyên truyền giáo dục sâu rộng trong nhân dân về mục đích ý nghĩa của công tác phòng chống bão lụt. Chống các tư tưởng chủ quan tiêu cực ỷ lại trong cán bộ đảng viên và nhân dân.
- Các ty, ban ngành, chính quyền huyện, thị dựa vào tình hình của ngành mình, địa phương mình để xây dựng kế hoạch phòng chống bão lụt.
- Tổ chức Ban Chỉ huy chống bão lụt các cấp tỉnh, huyện, xã, ban chống lụt bão các cấp cũng đồng thời là Ban Chỉ huy bảo vệ các công trình thuỷ lợi, các cơ sở kinh tế, văn hoá trong địa phương mình kể cả các công trình do TW hoặc do tỉnh quản lý. Các cơ quan của TW của tỉnh có những công trình cơ sở kinh tế xây dựng, các địa phương thì phải đến bàn bạc với Ban Chỉ huy chống bão lụt tỉnh, huyện để có kế hoạch bảo vệ thống nhất.
Trong khi chuẩn bị công tác phòng chống lụt bão cần chú trọng đến tính chất chịu ảnh hưởng đối với bão lụt của từng vùng. Cụ thể như ở tỉnh ta. Các huyện Ba Tri, Giồng Trôm, Thạnh Phú, Bình Đại khi có bão nhất là gió Đông Nam thổi mạnh sẽ gây ra những đợt sóng lớn, nước biển dâng lên dội nước sông Cửu Long nên mực nước dâng cao nhiều vùng sẽ bị ngập úng gây nhiều thiệt hại cho mùa màng và các loại tài sản khác của nhân dân, của Nhà nước. Ven biển nhiều cơ sở kinh tế quốc phòng của Nhà nước, nhà cửa của nhân dân, tàu thuyền đánh cá,…do đó phải có phương án cụ thể để phòng chống cho phù hợp. Nhằm bảo vệ tốt tính mạng của nhân dân, tài sản của Nhà nước cũng như của nhân dân trên mặt đất và trên mặt nước, còn các vùng từ Mỏ Cày trở lên chủ yếu là chịu ảnh hưởng của mực nước sông Cửu Long, nhưng nước biển dâng cao thì mực nước ở vùng này vẫn lên cao hơn bình thường. Do đó cũng phải có phương án đề phòng ngập úng, đồng lúa, vườn cây ăn quả, gia súc,…và ở cả hai vùng đều phải chú ý đến việc hướng dẫn cho nhân dân bảo vệ các ao cá trước khi có bão lụt.
Đến ngày 10/7/1980 các ty, ban ngành, huyện, thị phải gửi danh sách Ban Chỉ huy phòng chống lụt, chống bão và kế hoạch phòng, chống lụt bão năm 1980 lên UBND tỉnh, nghiên cứu xét duyệt (gửi đến đồng chí Trưởng ty Thuỷ lợi - Phó ban (thường trực) phòng chống lụt, chống bão tỉnh.
UBND tỉnh mong rằng các ty, ban ngành, các huyện, thị khẩn trương, nghiêm túc thi hành Chỉ thị này./.
| KT. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH |
- 1Chỉ thị 28/CT-UB về công tác phòng chống bão lụt và giảm nhẹ thiên tai năm 1992 do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 2Quyết định 1156/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Phương án phòng chống lụt bão, đảm bảo an toàn đập và phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du đập nhà máy thuỷ điện Nậm La thuộc xã Chiềng Xôm, thành phố Sơn La và xã Mường Bú, huyện Mường La tỉnh Sơn La
- 3Chỉ thị 33/UB-CT năm 1979 về công tác phòng, chống bão lụt để bảo vệ sản xuất, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, bảo vệ tài sản sinh mạng của nhân dân do tỉnh Bến Tre ban hành
- 4Quyết định 1184/QĐ-UBND năm 2013 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre ban hành từ năm 1976 đến ngày 31/12/2012 đã hết hiệu lực thi hành
- 1Chỉ thị 111-TTg về công tác phòng, chống lũ, lụt, bão năm 1980 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Chỉ thị 28/CT-UB về công tác phòng chống bão lụt và giảm nhẹ thiên tai năm 1992 do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 3Quyết định 1156/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Phương án phòng chống lụt bão, đảm bảo an toàn đập và phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du đập nhà máy thuỷ điện Nậm La thuộc xã Chiềng Xôm, thành phố Sơn La và xã Mường Bú, huyện Mường La tỉnh Sơn La
- 4Chỉ thị 33/UB-CT năm 1979 về công tác phòng, chống bão lụt để bảo vệ sản xuất, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, bảo vệ tài sản sinh mạng của nhân dân do tỉnh Bến Tre ban hành
Chỉ thị 19/UB-CT năm 1980 về công tác phòng chống bão lụt do Tỉnh Bến Tre ban hành
- Số hiệu: 19/UB-CT
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 28/06/1980
- Nơi ban hành: Tỉnh Bến Tre
- Người ký: Lê Minh Đào
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 28/06/1980
- Ngày hết hiệu lực: 10/07/2013
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra