Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 19/CT-UBND

Thanh Hoá, ngày 23 tháng 12 năm 2019

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI NGƯỜI NƯỚC NGOÀI NHẬP CẢNH, XUẤT CẢNH, CƯ TRÚ VÀ HOẠT ĐỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA

Thực hiện chính sách hội nhập sâu rộng và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Thanh Hóa đang trở thành điểm thu hút của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, du khách quốc tế đến tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh, tham quan, nghỉ dưỡng,... góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Công tác quản lý người nước ngoài (NNN) thời gian qua đã được các sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi chung là UBND cấp huyện) quan tâm chỉ đạo, tổ chức triển khai, thực hiện chặt chẽ, có hiệu quả.

Tuy nhiên, trên phạm vi cả nước nói chung, tỉnh Thanh Hóa nói riêng, bên cạnh những mặt tích cực, đã xuất hiện một số vấn đề phức tạp, đáng chú ý như: Một số NNN vào Việt Nam hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, kích động biểu tình, truyền đạo bất hợp pháp; lừa đảo, trộm cắp cước viễn thông, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán ma túy với số lượng lớn; thực hiện các hoạt động khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép như: đầu tư, kinh doanh, du lịch, lao động, khám chữa bệnh, dạy học; tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép, mua bán người; làm giả giấy tờ để ở lại Việt Nam; móc nối, “núp bóng” một số cá nhân, doanh nghiệp người Việt Nam để mua bán bất động sản, hoạt động đầu tư kinh doanh ở những khu vực nhạy cảm về quốc phòng, an ninh. Các vấn đề phức tạp trên đang trở thành nguy cơ đối với an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội nếu không được theo dõi, quản lý chặt chẽ.

Để tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với NNN nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú và hoạt động trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện. Tiếp tục thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại các Quyết định số 34/2018/QĐ-UBND ngày 19/11/2018 ban hành Quy chế phối hợp trong công tác quản lý cư trú, hoạt động của NNN; Quyết định số 2268/2014/QĐ-UBND ngày 21/7/2014 ban hành Quy định quản lý Nhà nước về các hoạt động đối ngoại; Quyết định số 2780/2017/QĐ-UBND ngày 03/8/2017 ban hành Quy chế phối hợp quản lý NNN làm việc trên địa bàn tỉnh. Đồng thời tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ cụ thể sau:

1. Công an tỉnh

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành tăng cường biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh với các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội của đối tượng NNN; kịp thời phát hiện, xử lý NNN vi phạm trong lĩnh vực xuất nhập cảnh, nhất là NNN nhập cảnh bằng thị thực du lịch nhưng vào làm việc, lao động, đầu tư chui, cư trú trái phép. Điều tra, xử lý nhanh các vụ án có đối tượng vi phạm là NNN.

- Hướng dẫn các sở, ban, ngành, địa phương, cơ sở lưu trú, nhà dân thực hiện nghiêm công tác khai báo, đăng ký tạm trú đối với NNN theo quy định của Bộ Công an.

- Thực hiện việc cấp thị thực, thẻ tạm trú, gia hạn tạm trú; cấp giấy phép vào khu vực cấm và các loại giấy tờ có liên quan đến nhập cảnh, xuất cảnh của NNN theo đúng quy định của pháp luật.

- Phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan, thẩm định yếu tố an ninh đối với các dự án đầu tư có yếu tố nước ngoài trên địa bàn, để tham mưu cho UBND tỉnh, nhất là các địa bàn trọng yếu về quốc phòng, an ninh.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và truyền thông rà soát, kiểm tra, quản lý các tổ chức, cá nhân liên quan đến NNN có đăng ký, sử dụng nhiều đường truyền Internet tốc độ cao, lưu lượng lớn để kịp thời phát hiện, xử lý hoạt động vi phạm pháp luật theo quy định.

- Thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thực hiện có hiệu quả Chỉ thị. Chủ trì tập hợp kết quả thực hiện của các đơn vị để báo cáo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh theo quy định.

2. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành tăng cường các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh đối với các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài trong khu vực biên giới, cửa khẩu, vùng biển, cảng biển.

- Phối hợp với các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh thẩm định các dự án đầu tư có yếu tố nước ngoài ở khu vực biên giới, vùng biển, cửa khẩu, cảng biển.

- Thường xuyên trao đổi cho Công an tỉnh thông tin, tình hình, số liệu về NNN nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú và hoạt động tại khu vực biên giới để phục vụ công tác thống kê nhà nước về xuất nhập cảnh và phối hợp xử lý những vấn đề phức tạp, phát sinh.

3. Sở Ngoại vụ

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện chức năng là cơ quan đầu mối trong việc hướng dẫn, tổ chức đón tiếp và quản lý hoạt động đối với các đoàn khách quốc tế, các đối tác, tình nguyện viên, cá nhân, tổ chức phi Chính phủ nước ngoài, phóng viên, báo chí, truyền thông, giảng viên, chuyên gia là người nước ngoài đến thăm và làm việc tại tỉnh Thanh Hóa và lưu học sinh nước ngoài đang học tập tại các Trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp với Công an tỉnh, các cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh thông tin, giải quyết những vấn đề phức tạp, phát sinh trong xử lý NNN vi phạm pháp luật, các trường hợp nghi vấn liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo yêu cầu chính trị, đối ngoại ...vv.

4. Sở Tư pháp

- Thực hiện việc thẩm định, giải quyết hoặc hướng dẫn UBND cấp huyện thẩm định, giải quyết các vấn đề về quốc tịch, hộ tịch, nuôi con nuôi, lý lịch tư pháp, kết hôn có yếu tố nước ngoài theo quy định của pháp luật.

- Thẩm định hoặc chủ trì và phối hợp với các Sở, ban ngành và UBND cấp huyện tổ chức thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác quản lý nhà nước đối với NNN.

5. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Tiếp nhận, tổng hợp, thẩm định nhu cầu sử dụng lao động là NNN của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân để tham mưu UBND tỉnh xem xét, quyết định. Rà soát, thẩm định và xác nhận đối với lao động là người NNN thuộc diện, không thuộc diện cấp giấy phép lao động hoặc được miễn giấy phép lao động. Thực hiện việc cấp, cấp lại giấy phép lao động đối với lao động là NNN làm việc tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh theo quy định.

- Định kỳ hàng quý, trao đổi cho Công an tỉnh, các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện có liên quan, thông tin về NNN trong các trường hợp nêu trên để phối hợp quản lý.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện có liên quan định kỳ, đột xuất tổ chức thanh tra, kiểm tra liên ngành về việc tuyển dụng, sử dụng lao động nước ngoài, kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm hành vi vi phạm các quy định về lao động có yếu tố nước ngoài.

6. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện tiến hành rà soát các cơ sở giáo dục và đào tạo có NNN là giáo viên, sinh viên, học sinh để có biện pháp quản lý chặt chẽ. Tuyệt đối không để NNN không có kiến thức sư phạm nhập cảnh mục đích du lịch và các mục đích khác tham gia giảng dạy. Thực hiện việc bảo lãnh cho NNN vào giảng dạy theo đúng quy định của pháp luật.

- Kịp thời trao đổi với Công an tỉnh, các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện về các vi phạm của NNN hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, các cơ sở giáo dục và đào tạo sử dụng NNN để xử lý theo quy định của pháp luật.

7. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Phối hợp với Công an tỉnh kiểm tra, xử lý, tham mưu thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, các doanh nghiệp cho NNN sử dụng tư cách pháp nhân để kinh doanh du lịch, sử dụng NNN làm hướng dẫn viên nhưng không có giấy phép, bảo lãnh cho khách nước ngoài nhập cảnh du lịch nhưng “bỏ rơi”, không quản lý, để khách có hoạt động trái mục đích nhập cảnh, vi phạm pháp luật.

- Phối hợp với các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện hướng dẫn, định kỳ, đột xuất tổ chức thanh tra, kiểm tra liên ngành doanh nghiệp lữ hành về việc khai thác, quản lý khách du lịch nước ngoài, sử dụng lao động nước ngoài.

8. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các dự án đầu tư có yếu tố nước ngoài; quản lý vốn ODA và các nguồn viện trợ phi Chính phủ; thẩm định, cấp mới, bổ sung, thay đổi, cấp lại, thu hồi đăng ký kinh doanh đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nước ngoài trên địa bàn tỉnh theo quy định.

- Phối hợp Công an tỉnh và các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện có liên quan tham gia thẩm định hồ sơ và các điều kiện đối với các dự án đầu tư có yếu tố nước ngoài theo đúng quy định của pháp luật. Quản lý chặt chẽ, ngăn chặn các hình thức đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng”, tránh tình trạng NNN lợi dụng việc góp vốn “tượng trưng” nhằm hợp thức thủ tục để cấp thẻ tạm trú, cấp thị thực dài hạn để hoạt động không đúng mục đích.

9. Ban quản lý khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp

- Thực hiện việc cấp, cấp lại giấy phép lao động đối với lao động là NNN theo phân cấp.

- Phối hợp với Công an tỉnh và các sở, ban, ngành chức năng tham gia thẩm định, đề xuất UBND tỉnh lựa chọn các dự án đầu tư có yếu tố nước ngoài theo đúng quy định của pháp luật, phòng trách thiệt hại, rủi ro về kinh tế trong hoạt động xúc tiến đầu tư tại Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện nơi có khu kinh tế, khu công nghiệp định kỳ, đột xuất tổ chức thanh tra, kiểm tra liên ngành về việc tuyển dụng, sử dụng lao động là NNN tại doanh nghiệp để kịp thời chấn chỉnh, xử lý theo quy định của pháp luật.

10. Sở Y tế

Rà soát, cấp chứng chỉ hành nghề đối với NNN, giấy phép hoạt động đối với các cơ sở hành nghề y dược có sử dụng NNN. Kịp thời phát hiện, trao đổi với các ngành liên quan để xử lý vi phạm của NNN và các cơ sở hành nghề y dược có yếu tố nước ngoài theo quy định của pháp luật.

11. Sở Tài nguyên và Môi trường

Phối hợp với các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện rà soát, xử lý các dự án có yếu tố nước ngoài vi phạm các quy định trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường, đất đai hoặc các dự án do NNN “núp bóng” cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam để hoạt động sản xuất, kinh doanh.

12. Ngân hàng Nhà nước tại Thanh Hóa

Tăng cường công tác quản lý, xử lý đối với hoạt động thanh toán hàng hóa, dịch vụ qua các hệ thống thanh toán điện tử trái pháp luật có liên quan đến NNN. Phối hợp với các đơn vị chức năng thường xuyên kiểm tra các cơ sở kinh doanh cung cấp dịch vụ thanh toán cho du khách nước ngoài, phát hiện, xử lý các sai phạm về hoạt động thanh toán bằng ngoại tệ không đúng quy định. Kịp thời trao đổi cho Công an tỉnh thông tin về các tổ chức, cá nhân người nước ngoài có các hoạt động giao dịch chuyển tiền nghi có liên quan đến hoạt động khủng bố, tội phạm quốc tế, rửa tiền...vv.

13. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Kiểm tra đôn đốc lực lượng chức năng làm tốt công tác quản lý cư trú đối với NNN, đặc biệt là công tác khai báo tạm trú cho NNN trên địa bàn. Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn để các cơ sở cho NNN lưu trú thực hiện việc khai báo tạm trú qua Trang thông tin điện tử của cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh - Công an tỉnh.

- Phối hợp với các Sở, ban, ngành cấp tỉnh thường xuyên kiểm tra, phát hiện, xử lý hoạt động vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân có yếu tố nước ngoài trên địa bàn.

Căn cứ nội dung Chỉ thị, các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện triển khai thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ được giao. Định kỳ hàng năm báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh (qua Công an tỉnh) kết quả thực hiện trước ngày 15 tháng 11 hàng năm./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Thị Thìn

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 19/CT-UBND năm 2019 về tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú và hoạt động trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

  • Số hiệu: 19/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 23/12/2019
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
  • Người ký: Lê Thị Thìn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 23/12/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản