Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 18/CT-UB

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 27 tháng 04 năm 1992

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC THỰC HIỆN PHÁP LỆNH BẢO VỆ NGUỒN LỢI THỦY SẢN Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH.

Trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh tập trung nhiều cơ sở chế biến hàng xuất khẩu và kinh doanh các loại thủy sản với công suất lớn đã tạo được nhiều ngoại tệ và giải quyết việc làm cho nhân dânthành phố. Tuy nhiên trong thời gian gần đây tình trạng khai thác và chế biến các loài thủy sản (tôm, cua, cá) quá nhỏ so với kích thước quy định, sẽ dẫn đến tình trạng làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thủy sản với tốc độ rất nhanh.

Để triển khai tốt việc thực hiện Pháp lệnh của Hội đồng Nhà nước, Nghị định của Hội đồng Bộ trưởng và Thông tư 04/TT-T ngày 30/8/1991 của Bộ Thủy sản về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh chỉ thị các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị thuộc mọi thành phần kinh tế đóng trên địa bàn thành phố thực hiện tốt các việc sau :

1- Tất cả các tổ chức Nhà nước, xã hội, tập thể, tư nhân có các hoạt động khai thác, chế biến, nuôi trồng và kinh doanh dịch vụ thủy sản phải chấp hành triệt để và nghiêm túc Pháp lệnh ngày 25/4/1989 của Hội đồng Nhà nước, Nghị định 195/HĐBT ngày 2/6/1990 của Hội đồng Bộ trưởng và Thông tư hướng dẫn số 04/TT-TS ngày 30/5/1990 của Bộ Thủy sản về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

2- Tất cả các phương tiện hoạt động đánh bắt các loài thủy sản thuộc các thành phần kinh tế trong và ngoài quốc doanh trực thuộc thành phố (kể cả lực lượng vũ trang làm kinh tế) đều phải làm thủ tục đăng ký, đăng kiểm tại Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp thành phố Hồ Chí Minh.

3- Cấm sản xuất, lưu trữ, sử dụng và kinh doanh các loại lưới dùng để khai thác thủy sản có kích thước mắc lưới nhỏ hơn quy định tại bản 4 của Thông tư 04/TT-TS của Bộ Thủy sản, và các loại chất nổ, chất độc làm tê liệt hoặc làm chết hàng loạt thủy sản.

4- Cấm sử dụng dòng điện, ánh sáng có cường độ mạnh và các tác nhân vật lý, hóa học để khai thác thủy sản.

5- Cấm xả, thải, để rò rỉ các chất độc hại có cường độ vượt quá giới hạn quy định tại bản 1 Thông tư 04/TT-TS. Cấm xây dựng mới, xóa bỏ, thay đổi các công trình liên quan đến vùng nước và môi trường sống làm thiệt hại lớn đến nguồn lợi thủy sản.

6- Nghiêm cấm việc hủy hoại làm mất cân bằng sinh thái và môi trường sống của các loài hải sản như phá rừng ngập mặn, rừng đầu nguồn các rạn đá, các bãi thực vật ngầm.

7- Tất cả các sản phẩm của các cơ sở chế biến hàng thủy sản phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa phải thông qua sự kiểm tra của Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp (cùng phối hợp với các ngành, các cấp có liên quan) để xác định rõ chuẩn loại và kích cỡ cho phép khai thác của các loài thủy sản theo bản 7, 8 và 9 của Thông tư 04/TT-TS trước khi xuất và đưa ra tiêu thụ nội địa.

Trọng tâm công tác kiểm tra là các loại thủy sản quý hiếm có giá trị kinh tế cao và có nguy cơ bị tuyệt chủng quy định tại bản 7 của Thông tư 04.

8- Về công tác phòng trừ dịch bệnh thủy sản : Việc nhập giống, di giống, xuất khẩu giống, thuần hóa các loài thủy sản và thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản phải được kiểm tra và tuân thủ chặt chẽ theo quy chế về giống của Bộ Thủy sản.

9- Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản phải kết hợp với các cơ quan thông tin đại chúng (đài, báo...) mở đợt tuyên truyền phổ biến các nội dung của Pháp lệnh, Nghị định, các quy định của Thông tư 04/TT-TS và các văn bản dưới luật, để hướng dẫn việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến các cơ quan đơn vị và người sản xuất, kinh doanh ngành thủy sản, nhằm đạt được mục đích là hướng dẫn, giáo dục và thực hiện tốt Pháp lệnh bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tránh gây ra tình trạng ngăn sông cấm chợ làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh các loài thủy sản trên địa bàn thành phố.

Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản phối hợp với đội kiểm tra liên ngành (gồm Công an kinh tế, Quản lý thị trường, Công an biên phòng, Hải quan...) tiến hành kiểm tra các đơn vị, tổ chức, tư nhân. Nếu tổ chức, đơn vị và cá nhân thực hiện tốt hoặc có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Pháp lệnh phải kịp thời biểu dương khen thưởng. Nếu vi phạm, tùy theo mức độ nặng nhẹ sẽ bị xử phạt hành chánh hoặc truy cứu trách nhiệm theo pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

10- Sở Nông nghiệp phối hợp với các cơ quan hữu quan thuộc các ngành, các cấp, các cơ quan đơn vị xây dựng kế hoạch tuyên truyền phổ biến, tổ chức hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Pháp lệnh của Hội đồng Nhà nước, Nghị định của Hội đồng Bộ trưởng, Thông tư 04 của Bộ Thủy sản và chỉ thị này. Đồng thời nghiên cứu đề xuất chính sách, chế độ về công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong năm 1992 và những năm kế tiếp trình Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố duyệt.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề gì vướng mắc kịp thời báo cáo Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố để điều chỉnh, bổ sung phù hợp với tình hình thực tế./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Võ Viết Thanh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 18/CT-UB năm 1992 thực hiện Pháp lệnh bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 18/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 27/04/1992
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Võ Viết Thanh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 27/04/1992
  • Ngày hết hiệu lực: 07/07/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản