Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NAM ĐỊNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 17/CT-UBND

Nam Định, ngày 29 tháng 8 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CỦA GIÁO DỤC MẦM NON, GIÁO DỤC PHỔ THÔNG, GIÁO DỤC THƯỜNG XUYÊN VÀ GIÁO DỤC CHUYÊN NGHIỆP, NĂM HỌC 2014-2015

Năm học 2014-2015 là năm đầu triển khai thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Để giữ vững thành tích 20 năm liên tục là tỉnh trong tốp dẫn đầu toàn quốc về chất lượng giáo dục toàn diện và phát huy truyền thống của giáo dục và đào tạo tỉnh nhà, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành Giáo dục và Đào tạo tập trung thực hiện có kết quả các nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Về công tác quản lý giáo dục

Xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện Chương trình hành động số 01/CTr-UBND ngày 22/8/2014 của UBND tỉnh để thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các sở, ngành và địa phương trong quản lý giáo dục; nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý giáo dục theo Nghị định số 115/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục và Thông tư liên tịch số 47/2011/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 19/10/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của Sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT.

Tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra giáo dục, chú trọng thanh tra công tác quản lý của Thủ trưởng đơn vị nhất là việc triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của các cấp học, ngành học, xử lý nghiêm các sai phạm và thông báo công khai trước công luận.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và tổ chức các hoạt động giáo dục. Đổi mới công tác thông tin, truyền thông, tạo sự đồng thuận và huy động toàn xã hội chung tay, góp sức xây dựng giáo dục và tham gia đánh giá, giám sát, phản biện của toàn xã hội đối với công cuộc đổi mới, phát triển giáo dục.

Chủ động báo cáo, đề xuất, tham mưu với các cấp ủy Đảng, chính quyền, phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội để xây dựng môi trường sư phạm xanh, sạch, đẹp trong và ngoài nhà trường; xóa bỏ các hiện tượng tiêu cực gây bức xúc trong nhân dân; phối hợp đảm bảo an ninh, trật tự trường học, phòng chống tội phạm, bạo lực, tệ nạn xã hội trong học sinh.

2. Về tổ chức hoạt động giáo dục

2.1. Nhiệm vụ chung của các cấp học

Tiếp tục thực hiện sáng tạo, có hiệu quả việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; đưa nội dung các cuộc vận động và phong trào thi đua đã tổng kết thành các hoạt động thường xuyên của ngành.

Tiếp tục đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu của việc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo.

Tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kĩ năng sống, công tác giáo dục thể chất, chăm sóc sức khoẻ của học sinh, sinh viên; giáo dục bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, giáo dục về chủ quyền biển, đảo, tiết kiệm năng lượng.

Triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học. Tăng cường công tác phân luồng và tư vấn, định hướng nghề nghiệp trong các trường phổ thông. Ngăn chặn có hiệu quả việc dạy thêm, học thêm tràn lan và lạm thu trong các cơ sở giáo dục theo Quyết định số 16/2013/QĐ-UBND ngày 30/5/2013 của UBND tỉnh.

Đẩy mạnh việc đổi mới phương pháp dạy học, chấn chỉnh việc dạy chay, đọc chép, nói ngọng... Đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng phát huy khả năng sáng tạo, khả năng vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề trong thực tiễn cuộc sống.

Tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 25/7/2011 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển một số cơ sở giáo dục đào tạo chất lượng cao và Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 30/12/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về nâng cao chất lượng đồng đều trong giáo dục phổ thông.

Nâng cao chất lượng công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong nhà trường.

2.2. Nhiệm vụ từng cấp học

- Giáo dục mầm non:

Duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, tăng tỉ lệ huy động trẻ dưới 5 tuổi đến trường. Tập trung nguồn lực, tăng cường các điều kiện để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non; nâng cao chất lượng tổ chức các hoạt động giáo dục, tăng cường hoạt động vui chơi cho trẻ; tích cực triển khai thực hiện chuyên đề “Nâng cao chất lượng phát triển vận động cho trẻ trong trường mầm non”, triển khai chương trình hướng dẫn chăm sóc, giáo dục trẻ tại gia đình và cộng đồng.

Tăng cường quản lý các cơ sở giáo dục, nhóm/lớp mầm non ngoài công lập.

- Giáo dục phổ thông:

Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp giáo dục phổ thông theo mục tiêu phát triển năng lực và phẩm chất học sinh; nâng cao kỹ năng ngoại ngữ, tin học; rèn luyện năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn; phát triển năng lực sáng tạo, tự học.

Đổi mới đồng bộ phương pháp dạy học gắn với đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục theo hướng đánh giá năng lực người học; kết hợp đánh giá trong quá trình học với đánh giá cuối kỳ, cuối năm học; mở rộng tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở trung học. Tích cực triển khai đổi mới phương pháp dạy học gắn với đặc thù của từng cấp học như: Phương pháp Bàn tay nặn bột; tổ chức dạy học theo mô hình trường học kiểu mới Việt Nam; tăng cường đưa các tiết dạy ra ngoài không gian lớp học ở cấp Tiểu học; tích hợp liên môn; vận dụng kiến thức để giải quyết tình huống thực tiễn; nâng cao hiệu quả cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học. Tiếp tục triển khai Đề án dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục phổ thông, giai đoạn 2011-2020 theo Quyết định số 2005/QĐ-UBND ngày 10/11/2011 của UBND tỉnh.

Nâng cao chất lượng giải học sinh dự thi Olympic quốc tế; giữ vững vị trí trong tốp dẫn đầu toàn quốc về tỷ lệ học sinh đạt giải quốc gia và điểm bình quân thi đại học.

- Giáo dục thường xuyên:

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện Đề án Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020 và Đề án xóa mù chữ đến năm 2020.

Tổ chức lại các trung tâm GDTX, trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp và hướng nghiệp và trung tâm dạy nghề cấp huyện theo hướng dẫn của trung ương, phù hợp với đặc điểm, tình hình cụ thể của địa phương. Đa dạng hóa các chương trình giáo dục, đào tạo tại các trung tâm, chú trọng các chương trình bồi dưỡng ngắn hạn cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Xây dựng và phát triển mô hình trung tâm học tập cộng đồng kết hợp với trung tâm văn hóa thể thao cấp xã nhằm giúp trung tâm hoạt động có hiệu quả và phát triển bền vững.

- Giáo dục chuyên nghiệp:

Đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo, các hình thức đào tạo gắn với bảo đảm chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực theo quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của tỉnh.

Chỉ đạo các cơ sở đào tạo TCCN triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo; đổi mới chương trình đào tạo, đánh giá kết quả của học sinh theo định hướng phát triển năng lực người học, biên soạn lại giáo trình môn học, tăng cường thời lượng thực hành, thực tập; đảm bảo học sinh, sinh viên ra trường có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng nhu cầu xã hội.

3. Về phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục

Tổ chức quán triệt tới toàn thể đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên các chủ trương của Đảng, Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo để mỗi nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên nhận thức và hành động đúng, không ngừng học tập, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, năng lực chuyên môn triển khai các hoạt động đổi mới của ngành.

Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra công tác đánh giá giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục theo chuẩn cán bộ quản lý, giáo viên gắn với việc thực hiện đổi mới nội dung, đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá. Nghiên cứu hình thức đánh giá giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục từ chú trọng bằng cấp sang chú trọng năng lực, kết quả công tác, uy tín đối với đồng nghiệp, học sinh, phụ huynh học sinh.

Xây dựng kế hoạch và tổ chức bồi dưỡng, từng bước đào tạo lại đội ngũ giáo viên phổ thông đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình, sách giáo khoa mới vào năm 2016. Tiếp tục thực hiện quy hoạch phát triển đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục, đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức đào tạo, bồi dưỡng của trường cao đẳng sư phạm Nam Định để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.

Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách đối với nhà giáo, giáo viên mầm non ngoài biên chế.

4. Về tăng nguồn lực đầu tư và đổi mới cơ chế tài chính giáo dục

Sử dụng và quản lý có hiệu quả các nguồn đầu tư cho giáo dục. Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, thiết bị dạy học, học liệu, hạ tầng công nghệ thông tin cho các cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Thực hiện lồng ghép các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất gắn với việc xây dựng trường chuẩn quốc gia, trường xanh - sạch - đẹp - an toàn - thân thiện. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các trường phổ thông chất lượng cao. Tăng cường kiểm tra, công nhận lại các trường đạt chuẩn quốc gia các cấp học theo quy định.

Tổ chức rà soát, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường lớp học, kế hoạch phát triển giáo dục giai đoạn 2016-2020 phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Bảo đảm quỹ đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, phù hợp với yêu cầu xây dựng trường học theo hướng hiện đại hóa, trường đạt chuẩn quốc gia.

Chỉ đạo rà soát, mua sắm bổ sung sách, thiết bị dạy học mới, sử dụng có hiệu quả sách và các đồ dùng, thiết bị hiện có; phát động phong trào tự làm đồ dùng dạy học tại các nhà trường. Triển khai thực hiện có hiệu quả các Đề án, Chương trình về giáo dục đào tạo theo mục tiêu và lộ trình đã được phê duyệt.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai; chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thành phố, các cơ sở giáo dục và đào tạo thực hiện tốt nhiệm vụ năm học 2014-2015.

Giao Sở Giáo dục và Đào tạo thường xuyên tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh tình hình thực hiện nhiệm vụ và đề xuất các giải pháp để giải quyết những vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện./.

 

 

CHỦ TỊCH




Đoàn Hồng Phong

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 17/CT-UBND năm 2014 về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên nghiệp, năm học 2014-2015 do tỉnh Nam Định ban hành

  • Số hiệu: 17/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 29/08/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Nam Định
  • Người ký: Đoàn Hồng Phong
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/08/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản