Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 17/CT-TTg

Hà Nội, ngày 10 tháng 07 năm 2015

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG BẢO ĐẢM AN TOÀN BỨC XẠ VÀ AN NINH NGUỒN PHÓNG XẠ

Ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ đã mang lại lợi ích to lớn trong chăm sóc sức khỏe con người và thúc đẩy phát triển kinh tế trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, nếu không được quản lý giám sát chặt chẽ và có những biện pháp phòng tránh, ứng phó thích hợp thì sự cố bức xạ có thể tác động, gây ảnh hưởng xấu đến con người và môi trường.

Luật Năng lượng nguyên tử và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đã quy định rõ trách nhiệm bảo đảm an toàn bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân đối với các cơ quan, tổ chức và cá nhân. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 115/2007/QĐ-TTg ngày 23 tháng 7 năm 2007 về Quy chế bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án “Triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử” tại Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 25 tháng 3 năm 2011, trong đó có nhiệm vụ phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với các hoạt động chiếm đoạt, mua bán, làm mất, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng bất hợp pháp nguồn phóng xạ.

Thời gian qua, việc tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, bảo đảm an toàn bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ đã có bước tiến bộ. Tuy nhiên, hệ thống quản lý vẫn còn kẽ hở, ý thức trách nhiệm về bảo đảm an toàn bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ của nhiều cơ quan quản lý, cơ sở và cá nhân tiến hành công việc bức xạ còn thấp, quy trình quản lý nguồn phóng xạ có nơi bị buông lỏng, để xảy ra một số sự cố mất nguồn phóng xạ và tiếp tục tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến sự cố mất nguồn phóng xạ.

Để tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật, tăng cường bảo đảm an toàn bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

1. Bộ Khoa học và Công nghệ

a) Rà soát đề xuất các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ, bảo đảm tính đầy đủ, đồng bộ và có chế tài đủ mạnh để nâng cao hiệu lực thi hành.

b) Tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về sử dụng, lưu giữ nguồn phóng xạ, việc thực hiện các quy định pháp luật về an toàn bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ.

c) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến thông tin và huấn luyện, đào tạo về an toàn bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ.

d) Xây dựng, thường xuyên cập nhật và nâng cấp hệ thống giám sát an ninh nguồn phóng xạ, hệ cơ sở dữ liệu nguồn phóng xạ; định kỳ hàng năm tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về công tác quản lý an toàn bức xạ và hạt nhân trong phạm vi toàn quốc.

2. Bộ Công an

a) Khẩn trương xây dựng, triển khai thực hiện các nhiệm vụ có liên quan trong Đề án “Triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử”.

b) Tổ chức điều tra các vụ mất nguồn phóng xạ, hành vi kinh doanh và sử dụng nguồn phóng xạ trái phép; tham gia thực hiện kế hoạch ứng phó khẩn cấp khi xảy ra hành vi xâm phạm tới nguồn phóng xạ.

c) Phối hợp với các tổ chức cảnh sát quốc tế trong trường hợp liên quan đến an ninh nguồn phóng xạ ở phạm vi ngoài biên giới Việt Nam.

3. Bộ Quốc phòng chỉ đạo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tăng cường tuần tra, kiểm tra, phát hiện các vụ vận chuyển trái phép nguồn phóng xạ, vật liệu phóng xạ qua biên giới.

4. Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan tăng cường kiểm tra, phát hiện các vụ việc vận chuyển trái phép nguồn phóng xạ, vật liệu phóng xạ khi thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu.

5. Các Bộ, ngành có liên quan

a) Chỉ đạo các cơ sở tiến hành công việc bức xạ thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ, ngành thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về an toàn bức xạ và hạt nhân; tổ chức tuyên truyền, phổ biến thông tin và đào tạo nâng cao nhận thức trong lãnh đạo và nhân viên về tầm quan trọng của công tác bảo đảm an toàn bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ.

b) Tổ chức thống kê, thường xuyên cập nhật số liệu nguồn phóng xạ hiện quản lý, sử dụng; định kỳ hằng năm báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ về công tác bảo đảm an toàn bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

6. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

a) Tổ chức hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật, tuyên truyền, đào tạo, nâng cao nhận thức về bảo đảm an toàn bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ cho các tổ chức, cá nhân có nguồn phóng xạ trong phạm vi địa phương.

b) Phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc thực hiện theo thẩm quyền việc kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm các quy định pháp luật về bảo đảm an toàn bức xạ, an ninh nguồn phóng xạ đối với các tổ chức, cá nhân có nguồn phóng xạ trong phạm vi địa phương.

c) Khẩn trương xây dựng, gửi Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân cấp tỉnh; thực hiện tổng kiểm kê các nguồn phóng xạ được sử dụng và lưu giữ trên địa bàn theo quy định.

d) Tăng cường năng lực cho cơ quan quản lý nhà nước về an toàn bức xạ của địa phương để thực hiện tốt chức năng quản lý an toàn bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ trên địa bàn; chỉ đạo cơ quan công an địa phương triển khai, thực hiện công tác bảo đảm an ninh các cơ sở có sử dụng và lưu giữ nguồn phóng xạ tại địa phương theo quy định.

7. Các cơ sở sử dụng và lưu giữ nguồn phóng xạ

a) Nâng cao nhận thức trong lãnh đạo và nhân viên của cơ sở về trách nhiệm bảo đảm an toàn bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ; xây dựng văn hóa an toàn, an ninh; rà soát, sửa đổi, cập nhật, bổ sung các quy định nội bộ về quản lý an toàn bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ của cơ sở.

b) Thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về bảo đảm an toàn bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ, các quy định về kiểm soát nguồn phóng xạ được ghi trong giấy phép hoạt động của cơ sở; thực hiện các biện pháp quản lý chặt chẽ, an toàn nguồn phóng xạ thuộc quản lý, sử dụng của mình; chịu trách nhiệm trực tiếp về mọi hành vi vi phạm an toàn, an ninh nguồn phóng xạ theo quy định của pháp luật.

c) Kịp thời thông báo tới các cơ quan có thẩm quyền về sự cố mất an toàn, an ninh đối với nguồn phóng xạ thuộc trách nhiệm quản lý; áp dụng ngay các biện pháp cần thiết để thu hồi nguồn phóng xạ bị thất lạc, mất cắp, chiếm đoạt, chuyển giao hoặc sử dụng bất hợp pháp; có phương án giảm thiểu tác hại khi nguồn phóng xạ bị phá hoại.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ sở sử dụng, lưu giữ nguồn phóng xạ trong cả nước thực hiện nghiêm Chỉ thị này. Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện và báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình triển khai thực hiện Chỉ thị này./.

 


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, Công báo;
- Lưu: VT, KGVX (3b).

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 17/CT-TTg năm 2015 về tăng cường bảo đảm an toàn bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 17/CT-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 10/07/2015
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: 22/07/2015
  • Số công báo: Từ số 857 đến số 858
  • Ngày hiệu lực: 10/07/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản