Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 17/1997/NN-TCKT-CT

Hà Nội, ngày 13 tháng 9 năm 1997

 

CHỈ THỊ

"VỀ VIỆC TỔ CHỨC TRIỂN KHAI CỔ PHẦN HOÁ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC"

Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII của Đảng, thông báo số: 63/TB - TW của Bộ Chính trị, Quyết định 202/CT và Nghị định 28/CP của Chính phủ, Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn đã nhiều lần tổ chức quán triệt chủ trương, chính sách cổ phần hoá trong cán bộ lãnh đạo và quản lý doanh nghiệp, nhưng chuyển biến rất chậm, việc tổ chức triển khai ở cơ sở chưa tích cực, chưa rộng rãi; sau ba năm thí điểm chỉ mới cổ phần hoá được một xí nghiệp thành công ty cổ phần (công ty thức ăn chăn nuôi VIFOCO).

Hiện nay Bộ đang quản lý 17 Tổng công ty, trong đó trực tiếp quản lý 13 Tổng công ty "90"; 30 doanh nghiệp trực thuộc, bao gồm 425 doanh nghiệp hạch toán độc lập có tư cách pháp nhân. Đối chiếu với quy định về đối tượng và điều kiện cổ phần hoá tại Nghị định 28/CP thì trừ những doanh nghiệp công ích, còn lại hầu hết các doanh nghiệp Nhà nước hiện nay thuộc bộ đều trong diện cổ phần hoá (Khoảng gần 400 doanh nghiệp).

Chấp hành Chỉ thị 658/TTg ngày 20 tháng 8 năm 1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc thúc đẩy triển khai cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ thị:

1/ Ban chỉ đạo cổ phần hoá của Bộ:

* Tiếp tục tổ chức quán triệt cho lãnh đạo các tổng công ty, các doanh nghiệp chưa dự hội nghị tập huấn của Bộ ngày 5 và 6 tháng 9 năm 1997.

* Tổng hợp tình hình phân loại doanh nghiệp để lên kế hoạch cổ phần hoá:

+ Doanh nghiệp công ích

+ Doanh nghiệp Nhà nước cần nắm giữ 100% vốn

+ Doanh nghiệp Nhà nước chỉ cần giữ cổ phần chi phối hoặc cổ phần đặc biệt.

* Tổ chức một đợt tuyên truyền sâu rộng cho cán bộ, Đảng viên về cổ phần hoá. Đảng phải giáo dục cá biệt, công đoàn vận động, tổ chức học tập, nói chuyện về cổ phần hoá, các báo, tạp chí viết bài, ảnh tuyên truyền thường xuyên liên tục.

* Kiện toàn và bổ sung ban chỉ đạo cổ phần hoá, phân công trách nhiệm chỉ đạo, chọn một số cán bộ, chuyên viên am hiểu về chính sách và nghiệp vụ cổ phần hoá thành lập hai tổ (miền Bắc và miền Nam) công tác chuyên trách cổ phần hoá giúp ban chỉ đạo tư vấn cho các doanh nghiệp cổ phần hoá; Chuẩn bị điều kiện thành lập công ty tư vấn doanh nghiệp và cổ phần hoá của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

* Lập kế hoạch triển khai cụ thể 9 doanh nghiệp đã đăng ký cổ phần hoá trong năm 1997 và kế hoạch triển khai năm 1998 đối với các tổng công ty và các doanh nghiệp trực thuộc. Ban chỉ đạo cùng các tổng công ty tiếp tục lựa chọn các đơn vị như: Nhà máy đường Lam Sơn cũ, các sản phẩm phụ trên dây chuyền sản xuất khác như: bánh, kẹo, phân vi sinh, đường, nha; các nhà máy hoa quả; các dây chuyền chè.... để thử làm cổ phần hoá trong cuối năm 1997.

* Tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ các ban chỉ đạo cổ phần hoá cơ sở và cán bộ nghiệp vụ có khả năng tham gia quản lý các công ty cổ phần hoá.

* Lập đề án tổ chức nghiên cứu chính sách đối với nông dân và công nhân nông, lâm trường để họ có chế độ ưu đãi trong việc tham gia cổ đông với tư cách họ là người cung ứng nguyên liệu cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông lâm sản và dịch vụ thương mại khi tiến hành cổ phần hoá; nghiên cứu mô hình doanh nghiệp cổ phần thuỷ nông tưới tiêu đồng ruộng để trình Chính phủ.

* Cung cấp đầy đủ tài liệu và văn bản của Nhà nước về cổ phần hoá cho các tổng công ty, các doanh nghiệp thành viên và doanh nghiệp trực thuộc Bộ.

2/ Các tổng công ty, các doanh nghiệp trực thuộc Bộ:

* Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc, giám đốc các doanh nghiệp trực thuộc bộ không dự hội nghị tập huấn về cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước ngày 5 và 6 tháng 9 năm 1997 (có danh sách kèm theo) phải có báo cáo và xin ý kiến ban chỉ đạo cổ phần hoá của bộ, tổ chức hội nghị quán triệt các văn bản của nhà nước của bộ trong lãnh đạo toàn đơn vị.

* Tất cả các tổng công ty, các doanh nghiệp trực thuộc Bộ sau khi tổ chức quán triệt chủ trương chính sách cổ phần hoá trong cán bộ chủ chốt phải:

+ Thành lập ban chỉ đạo cổ phần hoá doanh nghiệp báo cáo Bộ xem xét ra quyết định.

+ Đối chiếu với điều kiện và hình thức cổ phần hoá, lập các bước triển khai đăng ký doanh nghiệp cổ phần hoá trong năm 1998 và các năm tiếp theo, báo cáo ban chỉ đạo cổ phần hoá của Bộ.

+ Chỉ đạo thực hiện công tác cổ phần hoá doanh nghiệp theo kế hoạch và hướng dẫn của bộ.

+ Riêng các tổng công ty "91" khi lập kế hoạch phân loại doanh nghiệp để cổ phần hoá và kế hoạch triển khai báo cáo Chính phủ đồng thời báo cáo Bộ để tổng hợp và theo dõi.

+ Các Tổng công ty, các doanh nghiệp đã được Bộ ra thông báo và quyết định chuyển doanh nghiệp thành Công ty cổ phần trong năm 1997 cần tập trung chỉ đạo để hoàn thiện đúng thời gian.

+ Hàng quý Ban cổ phần hoá doanh nghiệp phải báo cáo về Bộ bằng văn bản để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

3. Thủ trưởng các cơ quan thuộc Bộ, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc các Tổng công ty, Giám đốc các doanh nghiệp trực thuộc Bộ có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh Chỉ thị này và thường xuyên báo cáo tình hình, tiến độ về Ban chỉ đạo cổ phần hoá của Bộ để tổng hợp báo cáo lãnh đạo Bộ và Chính phủ.

 

 

Nguyễn Thiện Luân

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 17/1997/NN-TCKT-CT về tổ chức triển khai cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 17/1997/NN-TCKT-CT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 13/09/1997
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Nguyễn Thiện Luân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản