Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 16/CT-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 28 tháng 04 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN LUẬT TIẾP CÔNG DÂN

Luật tiếp công dân đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa VIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 25/11/2013 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2014. Để bảo đảm các điều kiện cho việc tổ chức thi hành Luật Tiếp công dân được nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật nhằm đạt được những kết quả thiết thực, góp phần ổn định tình hình an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:

1. Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn, các cơ quan trực thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch UBND thành phố Huế, thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà và các huyện triển khai thực hiện một số nhiệm vụ chung sau đây:

a) Triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về Luật Tiếp công dân; nâng cao nhận thức chính sách, pháp luật cho cơ quan, tổ chức và nhân dân về Luật Tiếp công dân. Trong đó, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về tiếp công dân phải được tiến hành thường xuyên, liên tục với nội dung thiết thực và hình thức phù hợp đối với từng đối tượng.

Quá trình thực hiện, cần phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, kết hợp nhiều hình thức, phát huy tối đa khả năng hiện có của hệ thống thông tin và truyền thông để nhân dân nắm được những quy định của pháp luật về tiếp công dân nhằm thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình.

b) Kịp thời khắc phục, chấn chỉnh các sai sót, tồn tại về công tác tiếp công dân đã được phát hiện qua công tác thanh tra trách nhiệm của các Đoàn thanh tra tại một số UBND cấp huyện và sở, ngành liên quan - nhất là việc thực hiện nhiệm vụ tiếp dân định kỳ hàng tháng của lãnh đạo; công tác theo dõi, ghi chép thông tin tại Sổ tiếp dân của cơ quan, đơn vị (khi tiếp dân định kỳ hoặc đột xuất, dù không có công dân đến vẫn phải ghi đầy đủ thành phần tham gia và tình hình tiếp công dân tại thời điểm tiếp).

c) Bố trí cán bộ thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở Tiếp công dân, địa điểm tiếp công dân để tiếp nhận đơn thư, hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật. Chủ động đôn đốc, kiểm tra, rà soát các vụ khiếu nại đông người, phức tạp, kéo dài. Trường hợp có những vụ việc khiếu nại, tố cáo tập trung đông người thì Thủ trưởng các cơ quan hành chính phải phối hợp với cơ quan chức năng để bàn biện pháp giải quyết, không để phát sinh “điểm nóng” gây mất an ninh, trật tự công cộng, nhất là trong thời gian diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng.

d) Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ hàng tháng, quý, năm về công tác tiếp công dân gửi về UBND tỉnh (qua Thanh tra tỉnh) để tổng hợp báo cáo Thanh tra Chính phủ và Chính phủ theo quy định.

2. Chánh Thanh tra tỉnh triển khai thực hiện một số nhiệm vụ sau:

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp có kế hoạch tổ chức triển khai, truyền truyền phổ biến Luật Tiếp công dân, đồng thời tham mưu kiểm tra, rà soát các văn bản quy phạm liên quan để kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung phù hợp với quy định của Luật Tiếp công dân.

b) Phối hợp với Sở Nội vụ rà soát mô hình tổ chức bộ máy tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân của tỉnh và ở các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh để tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức theo quy định của pháp luật về Tiếp công dân. Đồng thời, kiến nghị cấp có thẩm quyền biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tiếp công dân; xử lý theo quy định của pháp luật đối với tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm không triển khai thực hiện kịp thời các quy định của pháp luật về tiếp công dân.

c) Phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh có kế hoạch triển khai hệ thống quản lý phần mềm dùng chung về tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên môi trường mạng.

3. Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo Công an các địa phương có trách nhiệm bảo đảm an ninh, trật tự trong các ngày tiếp dân định kỳ của Thường trực Hội đồng nhân dân, Chủ tịch UBND cùng cấp hoặc các ngày tiếp dân của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tại Trụ sở tiếp công dân của tỉnh hoặc tại các địa phương.

UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch UBND thành phố Huế, các thị xã và các huyện; Thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn có kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tư pháp (Cục KTVBQPPL);
- Thanh tra Chính phủ
- Thường vụ Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- UBMT TQ VN tỉnh; Hội ND tỉnh;
- Các sở, ngành, cơ quan thuộc UBND tỉnh;
- Báo Thừa Thiên Huế, Đài PTTH Thừa Thiên Huế;
- TT HĐND; UBND TP Huế, thị xã, các huyện;
- UBND các xã, phường, thị trấn;
- CVP, PCVP UBND tỉnh; các CV;
- Lưu: VT, KNTD.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phan Ngọc Thọ

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 16/CT-UBND năm 2014 thực hiện Luật tiếp công dân do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành

  • Số hiệu: 16/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 28/04/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Người ký: Phan Ngọc Thọ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/04/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản