Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 16/2005/CT-UBND | Long Xuyên, ngày 27 tháng 05 năm 2005 |
CHỈ THỊ
VÊ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ, BẢO TỒN, PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA TRONG TỈNH
Di sản văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta.
An Giang là tỉnh có nhiều di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh, phân bố ở nhiều huyện, thị xã, thành phố. Được sự quan tâm của cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương các cấp và các cơ quan, đơn vị liên quan; trong những năm qua, công tác quản lý, bảo tồn, tôn vinh giá trị di tích lịch sử - văn hoá ở tỉnh ta đã từng bước đi vào nề nếp. Tuy nhiên, một số nơi vẫn còn tình trạng xâm hại đến di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, như: Tuỳ tiện sử dụng đất đai thuộc khuôn viên di tích để xây dựng nhà ở, cơ quan, cơ sở phúc lợi, trường học; tình trạng tự ý tu bổ, sửa chữa, thay đổi chất liệu xây dựng, cơi nới, bổ sung tượng, đồ thờ tự, thay đổi màu sơn, chất liệu sơn...đối với các di tích đã được xếp hạng, vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản văn hoá, phá vỡ và làm mất giá trị văn hoá - lịch sử vốn có của di tích. Tình trạng tranh mua, tranh bán, vệ sinh yếu kém và các tệ nạn xã hội khác theo các lễ hội truyền thống làm mất trật tự công cộng, mất vẻ tôn nghiêm và ảnh hưởng xấu đến nhu cầu văn hoá tâm linh của cộng đồng.
Từ thực trạng nói trên, để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; đồng thời tiếp tục thực hiện tốt Luật Di sản văn hóa năm 2001, Nghị định số 92/2002/NĐ-CP ngày 11/11/2002 của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa; Chỉ thị 30/CT-UB ngày 03/9/2002 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc Sưu tầm, tôn tạo, giữ gìn, phát huy các di tích lịch sử và truyền thống cách mạng ở An Giang, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1/ Đối với các công trình đã được xây dựng thuộc khuôn viên di tích:
- Trước mắt, tạm thời giữ nguyên hiện trạng đối với các công trình kiên cố đã được xây dựng thuộc khuôn viên các di tích; đồng thời có kế hoạch di dời khỏi các khu di tích khi có điều kiện; khi sửa chữa, dở bỏ các công trình này phải có sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền. Nghiêm cấm việc mở rộng quy mô các công trình đã có trong khuôn viên các di tích.
- Những công trình, nhà bán kiên cố, tạm bợ phải có kế hoạch di dời ngay để trả lại cảnh quan cho di tích.
2/- Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:
- Phối hợp cùng ngành Văn hóa - Thông tin tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước về di sản văn hóa theo quy định của Luật di sản văn hóa và Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật di sản văn hoá của Chính phủ đã ban hành, nhất là các di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn, kiên quyết không để phát sinh mới tình trạng xâm hại di tích lịch - sử văn hóa. Đồng thời tiến hành qui hoạch lại và có kế hoạch thường xuyên duy tu, bảo dưỡng, trùng tu, tôn tạo khai thác tốt giá trị các di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh nhằm phục vụ cho phát triển văn hóa và kinh tế xã hội tỉnh nhà trong thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa và giao lưu hội nhập quốc tế.
- Rà soát lại tất cả các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn mình quản lý nhằm phát hiện, xử lý các hành vi xâm hại và có biện pháp khắc phục hậu quả trả lại mỹ quan cho di tích, danh lam thắng cảnh.
- Phối hợp với ngành Văn hoá – Thông tin, Công an và các ngành liên quan nghiêm cấm và có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi gây mất trật tự, vệ sinh; tổ chức cờ bạc; dịch vụ bói toán, mê tín, thả chim; ăn xin… ở các di tích vào dịp lễ hội làm ảnh hưởng đến khách tham quan và nhu cầu tâm linh của nhân dân đến các di tích lịch sử văn hóa trong tỉnh.
3/- Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có di tích:
- Thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước của mình theo Luật di sản văn hoá và các quyết định xếp hạng di tích.
- Tổ chức lực lượng công an, dân quân thường xuyên kiểm tra giám sát để kịp thời phát hiện và cùng các Ban Bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm, đánh cắp cổ vật, đồ thờ tự ở các di tích và các di chỉ khảo cổ dưới lòng đất thuộc địa phương; kịp thời báo cáo cho UBND huyện để phối hợp cùng ngành Văn hóa - Thông tin xử lý.
4/- Sở Văn hoá – Thông tin có trách nhiệm xây dựng kế hoạch bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hoá và phối hợp cùng ngành Tư pháp, Báo, Đài thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện Luật di sản văn hóa nhằm nâng cao nhận thức cho mọi người về giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa để cộng đồng trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa của dân tộc. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, thanh tra phát hiện và xử lý theo thẩm quyền các vi phạm liên quan đến di sản văn hoá.
5/- Sở Kế hoạch- Đầu tư cần cân đối dành một phần ngân sách hàng năm để đầu tư cho việc trùng tu tôn tạo chống xuống cấp cho các di tích trong tỉnh, ưu tiên cho di tích lịch sử cách mạng. Các di tích khác Nhà nước chỉ đầu tư khuyến khích để tạo điều kiện cho hoạt động xã hội hóa trong bảo tồn phát huy tác dụng di tích.
6/ Trưởng Ban quản trị, Trưởng Ban Bảo vệ di tích:
- Quản lý chặt di tích thuộc trách nhiệm của mình, không được tự tiện cho xây nhà ở, cơi nới, sửa chữa di tích khi chưa có sự đồng ý của các cơ quan có thẩm quyền.
- Phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn chỉnh thủ tục cấp quyền sử dụng đất để khắc phục tình trạng di tích bị lấn chiếm.
- Tăng cường giữ gìn cảnh quan và vệ sinh di tích để hạn chế dư luận di tích bị bỏ phế và phục vụ tốt cho sinh hoạt tâm linh của công chúng.
UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, các cấp, các ngành có liên quan thực hiện nghiêm Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc cần kịp thời báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG |
- 1Quyết định 25/2007/QĐ-UBND quy định về quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Đà Nẵng
- 2Chỉ thị 17/2006/CT-UBND tăng cường quản lý, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hoá trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi
- 1Luật di sản văn hóa 2001
- 2Nghị định 92/2002/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Di sản văn hoá
- 3Quyết định 25/2007/QĐ-UBND quy định về quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Đà Nẵng
- 4Chỉ thị 17/2006/CT-UBND tăng cường quản lý, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hoá trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi
Chỉ thị 16/2005/CT-UBND về việc tăng cường quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa trong tỉnh do Ủy ban nhân dân tỉnh An giang ban hành
- Số hiệu: 16/2005/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 27/05/2005
- Nơi ban hành: Tỉnh An Giang
- Người ký: Lê Minh Tùng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra