THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 146-TTg | Hà Nội, ngày 11 tháng 04 năm 1961 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TẬP TRUNG LỰC LƯỢNG ĐẨY MẠNH SẢN XUẤT GỖ TRONG QUÝ II
Ba tháng đầu năm nay việc khai thác gỗ hụt mức rất nhiều, theo ước lượng của Tổng cục Lâm nghiệp thì đến cuối tháng 3 chỉ có thể đạt khoảng 55% kế hoạch cả quý, riêng các cơ sở quốc doanh cũng chỉ đạt khoảng 55% kế hoạch cả quý, riêng các cơ sở quốc doanh cũng chỉ đạt khoảng 60% kế hoạch. Ngoài gỗ ra, các loại lâm sản phụ cũng hụt mức nghiêm trọng, đặc biệt nửa cho nhà máy giấy Việt trì mới đạt 3% kế hoạch. Việc vận chuyển gỗ lại cũng rất chậm trễ do đó mặc dù khai thác mới được ít mà vẫn còn trên 100.000 thước khối gỗ tại các khu rừng hoặc bến tập trung chưa chở về. Tình hình đó đã ảnh hưởng lớn đến kế hoạch xây dựng, đến kế hoạch của nhiều xí nghiệp, đến nông nghiệp và nghề đánh cá. Một số công trình xây dựng bị chậm trễ mặc dù sắp đến mùa mưa, nhiều nhà máy cưa xẻ nhất là nhà máy lớn phải nghỉ việc trong nhiều ngày, nông cụ cung cấp không kịp thời, việc đóng và chữa thuyền đánh cá cho vụ năm là vụ chính trong cả năm mới đạt độ 1/5 kế hoạch. Đó là một điều không tốt cả về kinh tế lẫn chính trị trong lúc chúng ta bắt tay thực hiện kế hoạch năm đầu của kế hoạch 5 năm, kế hoạch bước đầu xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, đồng thời hoàn thành cải tạo xã hội chủ nghĩa.
Sở dĩ có tình trạng trên là vì nhiều địa phương chưa thấy hết tầm quan trọng của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, chưa lường được rằng thiếu gỗ thì mọi công trình xây dựng đều không thể thực hiện, do đó thiếu ý thức trách nhiệm đối với công cuộc kiến thiết của Nhà nước và sản xuất của nhân dân. Nhiều nơi do chưa quan niệm sản xuất nông nghiệp một cách toàn diện nên đã giữ sơn tràng lại làm nông nghiệp không cho đi khai thác lâm sản. Trong nhiều hợp tác xã chính sách hưởng lợi theo lao động chưa được quán triệt nên tính công điểm cho sơn tràng chưa được công bằng. Giá cả giữa gỗ và lâm sản phụ còn có chỗ chưa hợp lý, chưa khuyến khích những loại tốn nhiều công sức.
Chúng ta cần thấy rõ rằng rừng của chúng ta còn nhiều gỗ, nhân lực nhiều nên còn có khả năng sử dụng nhiều hơn nữa, phương tiện vận xuất vận chuyển cả cơ giới lẫn thủ công nếu tập trung và sử dụng một cách hợp lý thì không những có thể đảm bảo mức cả năm mà còn có thể vượt mức được. Kinh nghiệm mấy năm qua chứng tỏ điều đó.
Vì vậy Thủ tướng Chính phủ quyết định: phải tập trung lực lượng đẩy mạnh khai thác vận xuất và vận chuyển gỗ và các lâm sản trong quý II để thực hiện kỳ được chỉ tiêu khai thác quý II và để làm đà cho các quý sau này. Phải tận dụng mọi khả năng để vượt mức kế hoạch vì không những nhu cầu trước mắt rất to mà còn phải có một lực lượng dự trữ về gỗ đủ để bảo đảm cung cấp đều đặn cho mọi yêu cầu của sản xuất. Để thực hiện nhiệm vụ trên đây, yêu cầu Tổng cục, Lâm nghiệp và Ủy ban hành chính các cấp, căn cứ tinh thần cuộc hội nghị lâm nghiệp về khai thác gỗ do Phủ Thủ tướng triệu tập ngày 25-03-1961 vừa qua, nghiêm chỉnh thi hành những điểm sau đây:
1. Quán triệt tinh thần Chỉ thị số 15-CT ngày 10-03-1961 của Ban Bí thư trung ương Đảng nhận rõ vị trí và tính chất của ngành lâm nghiệp trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Nâng cao tinh thần trách nhiệm để quyết tâm và khẩn trương thi hành kế hoạch gỗ và nứa trong quý II đồng thời lãnh đạo công tác lâm nghiệp một cách toàn diện, tích cực trồng cây gây rừng, bảo vệ rừng, tu bổ và cải tạo rừng, tiếp tục điều tra thăm dò chuẩn bị điều kiện thực hiện kế hoạch năm tới.
2. Chấn chỉnh các cơ sở khai thác quốc doanh, phát động tư tưởng công nhân đẩy mạnh thi đua sản xuất cải tiến kỹ thuật tăng năng suất, cải tiến quản lý xí nghiệp hưởng ứng phong trào thi đua sôi nổi hiện nay trong các xí nghiệp công nghiệp để cho các quốc doanh lâm khẩn thật sự có tác dụng lãnh đạo đến sản xuất của sơn tràng.
Những tỉnh có điều kiện nên tổ chức một số công trường khai thác nhỏ, để bảo đảm khai thác ở những nơi cần sản xuất tập trung nhưng phải có cán bộ và mình lãnh đạo tốt.
3. Kiểm điểm lại lực lượng sơn tràng chuyên nghiệp và số người bán chuyên nghiệp về lâm sản, các người chuyên nghiệp kết bè, xuôi bè, bốc dỡ gỗ lại, tổ chức thành tổ trong hợp tác xã, hoặc những tổ chuyên nghiệp riêng để đưa đi làm lâm sản nhất là gỗ và nứa. Giữa các hợp tác xã và ngành lâm nghiệp nên có ký hợp đồng khai thác gỗ hoặc hợp đồng cung cấp nhân lực một cách hợp lý để vừa bảo đảm khai thác lâm sản vừa bảo đảm sản xuất nông nghiệp của hợp tác xã. Nên rút kinh nghiệm việc xây dựng hợp tác xã tốt như hợp tác xã Đại phong và một số hợp tác xã ở Hòa Bình để thực hiện kế hoạch. Cần thực hiện tốt việc cung cấp gạo cho sơn tràng nhằm bảo đảm số gạo theo tiêu chuẩn cho những người làm công tác nặng nhọc đồng thời cần căn cứ vào yêu cầu của sơn tràng phải làm việc lâu ngày trên rừng hoặc phải đi vận chuyển lâu ngày mà định cách cấp phát cho hợp lý, tránh làm trợ ngại cho sản xuất.
Các tỉnh miền xuôi cần đưa người biết nghề rừng lên các tỉnh miền núi để khai thác và vận chuyển gỗ; giữa hai bên thỏa thuận trước với nhau. Do số lượng gỗ khai thác được tăng thêm nên sau khi khai thác xong tỉnh miền xuôi sẽ được phân phối ngay một số lâm sản thích đáng để sử dụng cho địa phương mình .
4. Tập trung lực lượng để vận xuất và vận chuyển gỗ. Phải tận dụng các phương tiện vận tải thô sơ hiện có, và đẩy mạnh sản xuất các loại xe cải tiến để chở gỗ. Ngành lâm nghiệp cần kiểm điểm việc sử dụng và bảo quản các phương tiện vận tải của mình để có kế hoạch sử dụng cho tốt. Ngoài các phương tiện của sơn tràng và của lâm nghiệp phải tập trung các phương tiện của ngành giao thông và kết hợp với việc vận chuyển của quân đội để giải quyết các nơi gỗ ứ động nhiều. Cần có cán bộ phụ trách chỉ huy việc vận xuất và vận chuyển gỗ ở những nơi khó khăn. Chú ý đưa ra cho hết số gỗ đã khai thác từ mấy năm trước còn lại ở rừng hoặc ở bến nếu gỗ còn sử dụng được.
Cần tích cực làm các đường vận xuất để tăng tốc độ vận xuất. Giữa ngành lâm nghiệp và ngành giao thông cần thảo luận và phân công nhau trong việc làm các đường vừa có tác dụng chuyên chở lâm sản vừa có tác dụng kinh tế dân sinh, hoặc chi dùng cho lâm nghiệp.
Đi đôi với việc vận chuyển gỗ cần có kế hoạch bảo quản gỗ, và thi hành mọi biện pháp cần thiết phòng bão lụt trong mùa mưa sắp tới.
5. Triệt để tiết kiệm gỗ. Tình hình đòi hỏi phải triệt để tiết kiệm gỗ, chấp hành nghiêm chỉnh nghị định số 10/CP ngày 26-04-1960 của Hội đồng Chính phủ về vấn đề tiết kiệm gỗ. Mọi hiện tượng lãng phí gỗ, để hư hỏng gỗ phải được nghiêm khắc phê phán và có kỷ luật thích đáng. Cần tổ chức thêm một đợt kiểm tra rộng rãi việc thi hành chế độ tiết kiệm gỗ và nếu cần, nghiên cứu bổ sung một số điểm đã quy định.
6. Bảo vệ các cơ sở; gần đây đã phát hiện một số trường hợp địch trà trộn vào các cơ sở sản xuất của lâm nghiệp hoặc ẩn núp trong rừng dưới hình thức đi khai thác gỗ. Vì vậy cần chú ý hơn nữa công tác bảo vệ, phòng gian.
7. Để thực hiện các biện pháp trên ở mỗi tỉnh, huyện, xã có khai thác gỗ cần cử một ủy viên hành chính chuyên trách để chỉ đạo công tác khai thác và vận chuyển gỗ. Ngành lâm nghiệp cùng ban công tác nông thôn ở mỗi nơi có khai thác gỗ sẽ xuống tận các hợp tác xã để bàn bạc kế hoạch và ký hợp đồng khai thác vận chuyển gỗ kết hợp với sản xuất nông nghiệp. Trong thời gian này không nên đưa cán bộ lâm nghiệp đi làm công tác khác.
Tổng cục Lâm nghiệp cần tăng cường kiểm tra đôn đốc việc thực hiện kế hoạch và tích cực giúp các địa phương giải quyết mọi khó khăn.
Mong Ủy ban tích cực và khẩn trương thi hành chỉ thị này và 15 ngày báo cáo một lần về Phủ Thủ tướng và Tổng cục Lâm nghiệp như đã định trong Chỉ thị số 50-TTg ngày 08-02-1961.
| K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
Chỉ thị 146-TTg năm 1961 về việc tập trung lực lượng đẩy mạnh sản xuất gỗ trong quý II do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 146-TTg
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 11/04/1961
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Phạm Hùng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 16
- Ngày hiệu lực: 26/04/1961
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định