Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14/CT-UBND

Bà Rịa-Vũng Tàu, ngày 12 tháng 11 năm 2018

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN CÔNG TẠI CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC, ĐƠN VỊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

Thực hiện pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2008, các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý các trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công trước đây cũng như pháp luật về tài sản năm 2017 hiện nay, công tác quản lý, sử dụng tài sản công trên địa bàn tỉnh đã dần đi vào nề nếp; hệ thống văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, tiêu chuẩn, định mức đã được Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành khá đồng bộ, đầy đủ; tình trạng thất thoát, lãng phí tài sản công từng bước được khắc phục; ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, đơn vị được nâng lên; hiệu quả trong sử dụng, khai thác tài sản công được chú trọng, góp phần quan trọng phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, công tác quản lý tài sản công còn bất cập, sử dụng chưa thực sự hiệu quả so với tiềm năng; việc chấp hành các quy định về tiêu chuẩn, định mức, chế độ sử dụng trụ sở làm việc, xe ô tô và trang thiết bị, phương tiện làm việc tại một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa tốt; năng lực quản lý về tài sản công của người đứng đầu còn hạn chế dẫn đến tình trạng đầu tư, mua sắm dàn trải, thiếu đồng bộ, sử dụng chưa đúng pháp luật gây thất thoát, lãng phí, nhất là đối với đất đai, trụ sở làm việc, trang thiết bị, phương tiện làm việc...

Để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công, khắc phục triệt để những hạn chế và những bất cập nêu trên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp công lập, các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp (sau đây gọi chung là Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị); Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi chung là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện) tổ chức phổ biến, quán triệt sâu rộng Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Hội đồng nhân dân tỉnh và của Ủy ban nhân dân tỉnh tại cơ quan, đơn vị mình và các đơn vị trực thuộc (nếu có); đồng thời tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ sau:

1. Về nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc quản lý, sử dụng tài sản công:

Giao người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng tài sản công rà soát lại toàn bộ việc quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, đơn vị mình, đề xuất các giải pháp để đưa vào sử dụng có hiệu quả đối với các tài sản công được đầu tư, mua sắm nhưng không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản và người đứng đầu cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh khi để xảy ra sai phạm trong việc đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng tài sản công.

3. Về tăng cường quản lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp:

a) Các cơ quan, tổ chức, đơn vị:

- Thực hiện nghiêm tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc cơ sở hoạt động sự nghiệp theo quy định tại Nghị định số 152/2017/NĐ-CP ngày 27/12/2017 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp. Kiểm soát chặt chẽ tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc bao gồm cả diện tích làm việc của các chức danh, diện tích sử dụng chung và diện tích chuyên dùng ngay từ khâu lập, phê duyệt thiết kế đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp.

- Khi lập thiết kế đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo trụ sở làm việc, các cơ quan, tổ chức, đơn vị lập dự án phải thực hiện lấy ý kiến bằng văn bản của Sở Tài chính (đối với các cơ quan thuộc cấp tỉnh) hoặc Phòng Tài chính-Kế hoạch (đối với các cơ quan thuộc cấp huyện, cấp xã) về định mức diện tích trụ sở làm việc bao gồm: diện tích làm việc cho cán bộ, công chức, diện tích sử dụng chung và diện tích chuyên dùng trước khi báo cáo cấp thẩm quyền phê duyệt.

- Khi hoàn thành việc đầu tư xây dựng và chuyển ra trụ sở mới phải bàn giao toàn bộ trụ sở làm việc cũ cho Sở Tài chính để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định phương án xử lý. Nghiêm cấm các cơ quan, tổ chức, đơn vị giữ lại trụ sở làm việc để cho thuê, cho mượn hoặc bố trí cho đơn vị khác sử dụng (kể cả các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc phạm vi quản lý) khi chưa có quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh. Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo tiến hành ngay việc rà soát tình hình quản lý, sử dụng các cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước của cơ quan và các đơn vị trực thuộc thuộc phạm vi quản lý để thu hồi ngay đối với các trường hợp tự cho thuê, cho mượn khi chưa được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Nghiên cứu Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công và Thông tư số 37/2018/TT-BTC ngày 16/4/2018 của Bộ Tài chính để khẩn trương rà soát, lập báo cáo kê khai và đề xuất phương án sắp xếp lại, xử lý đối với tất cả các cơ sở nhà, đất đang quản lý, sử dụng, gửi cơ quan quản lý cấp trên (nếu có) tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, phê duyệt. Đến ngày 31/10/2018, các cơ quan, tổ chức, đơn vị phải hoàn thành việc kê khai, tổ chức kiểm tra hiện trạng và trình phương án tổng thể để phê duyệt phương án xử lý các cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trước ngày 15/12/2018.

b) Giao Sở Tài chính:

- Xây dựng tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích chuyên dùng, tiêu chuẩn, định mức sử dụng công trình sự nghiệp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành trong quý IV/2018.

- Tham mưu, trình UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà đất trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2018 của Chính phủ (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 167) để thay thế Ban Chỉ đạo 09 trước đây; Thời gian thực hiện trong tháng 10/2018.

- Chủ trì, phối hợp cùng với các Sở, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo 167 của tỉnh hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc lập báo cáo kê khai, tổ chức kiểm tra hiện trạng và lập phương án sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà đất; xử lý các vi phạm, tồn tại phát hiện quan sắp xếp (cho thuê, cho mượn, để trống không sử dụng hoặc sử dụng vượt định mức...); tổng hợp phương án sắp xếp trên địa bàn toàn tỉnh, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt; tổng hợp kết quả phê duyệt phương án và tổ chức thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, trình Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Bộ Tài chính theo quy định.

- Phối hợp chặt chẽ với Bộ, ngành Trung ương trong việc kiểm tra hiện trạng sử dụng nhà, đất, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để có ý kiến bằng văn bản về phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các cơ, quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh.

- Tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành quy định về tiêu chuẩn, định mức trụ sở làm việc của các cơ quan, tổ chức, đơn vị khi cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, xây dựng mới trụ sở làm việc về diện tích đất, diện tích nhà và các trang thiết bị gắn liền với nhà, công trình; xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp theo Nghị định số 192/2012/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ và các Nghị định sửa đổi, thay thế (nếu có).

c) Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện:

Tăng cường công tác thẩm tra, thẩm định các dự án đầu tư, mua sắm tài sản công. Chỉ thẩm định, trình cấp thẩm quyền phê duyệt, bố trí dự toán ngân sách đầu tư xây dựng, mua sắm khi việc đầu tư, mua sắm tài sản xuất phát từ nhu cầu sử dụng thực tế của đơn vị sử dụng tài sản và phù hợp với tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản đã được cấp có thẩm quyền ban hành.

3. Về quản lý, sử dụng máy móc thiết bị và các tài sản khác:

a) Các cơ quan, tổ chức, đơn vị

- Thực hiện nghiêm tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị theo quy định tại Quyết định số 50/2017/QĐ-TTg ngày 31/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ; khẩn trương rà soát máy móc, thiết bị chuyên dùng hiện có và tình hình thực tế tại đơn vị để xây dựng, đề xuất tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng, báo cáo cơ quan chủ quản cấp trên (nếu có) tổng hợp, gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh báo cáo xin ý kiến Thường trực HĐND tỉnh trước khi ban hành để có căn cứ thực hiện việc mua sắm theo quy định.

- Căn cứ tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị và các tài sản công khác, các cơ quan, tổ chức, đơn vị khẩn trương rà soát, sắp xếp lại máy móc, thiết bị và các tài sản công khác hiện có. Máy móc, thiết bị và các tài sản công khác đang sử dụng đúng tiêu chuẩn, định mức thì tiếp tục quản lý, sử dụng; máy móc thiết bị và các tài sản công khác dôi dư (vượt tiêu chuẩn, định mức) phải báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền để xử lý theo các hình thức quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định số 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ.

- Khẩn trương xây dựng, ban hành mới quy chế quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định tại Nghị định 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ và Thông tư 144/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Bộ Tài chính, đảm bảo độc lập với quy chế chi tiêu nội bộ và hoàn thành trong năm 2018.

b) Giao Sở Tài chính, phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện:

- Rà soát, trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành hoặc phân cấp thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Quyết định số 50/2017/QĐ-TTg.

- Chỉ thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép các đơn vị mua sắm tài sản khi tài sản đó đã được cơ quan có thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức.

- Nghiên cứu, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định đối tượng, mức khoán kinh phí sử dụng máy móc, thiết bị cho cán hộ, công chức và đối tượng khác thuộc phạm vi quản lý, tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đơn vị tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả kinh phí đầu tư, mua sắm, sửa chữa máy móc, thiết bị.

4. Về quản lý, sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập

- Khi có nhu cầu sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết, đơn vị sự nghiệp công lập phải lập đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết (theo Mẫu số 02/TSC-ĐA ban hành kèm theo Nghị định 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ) để báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền quyết định.

- Thủ trưởng các Sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố triển khai các quy định của pháp luật về tài sản công, đồng thời rà soát, theo dõi việc thực hiện quản lý, sử dụng, xử lý tài sản công, nhất là việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết tại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

5. Về công tác thanh tra, kiểm tra

- Giao Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan, tổ chức thanh tra, kiểm tra, rà soát các công trình, dự án đầu tư lãng phí, kém hiệu quả trên địa bàn tỉnh; xác định rõ, xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng và người đứng đầu cơ quan quản lý để xảy ra sai phạm, lãng phí trong việc tham mưu đầu tư xây dựng, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công. Trong vòng 03 tháng phải hoàn thành việc xử lý trách nhiệm và có giải pháp điều chuyển, đưa vào sử dụng các tài sản công đã được đầu tư mua sắm;

- Thanh tra tỉnh, các Sở, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài sản công trên phạm vi toàn tỉnh, kịp thời phát hiện để xử lý hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.

- Các Sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện nâng cao công tác tự kiểm tra trong nội bộ ngành, lĩnh vực, địa phương thuộc phạm vi quản lý, kịp thời phát hiện những sai phạm, vướng mắc để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý.

- Sở Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định tại Nghị định số 192/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý, sử dụng tài sản công đối với các hành vi như: bố trí, sử dụng tài sản công sai mục đích, sử dụng tài sản công thừa so với tiêu chuẩn định mức, xử lý tài sản công sai thẩm quyền, không thực hiện chế độ báo cáo, kê khai, hạch toán tài sản công...

6. Về nâng cấp cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công

- Các cơ quan, tổ chức, đơn vị khẩn trương rà soát hiện trạng tài sản so với dữ liệu trên phần mềm cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước và gửi báo cáo về Sở Tài chính khi có thay đổi, biến động về tài sản.

- Giao Sở Tài chính chủ trì nghiên cứu, xây dựng phần mềm quản lý tài sản công của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có thể kết nối dữ liệu với phần mềm quản lý đăng ký tài sản nhà nước và phần mềm quản lý tài sản nhà nước để quản lý toàn diện, hiệu quả toàn bộ tài sản công thuộc phạm vi quản lý của tỉnh

6. Về quản lý nhà ở công vụ, nhà ở thuộc sở hữu nhà nước

Giao Sở Xây dựng:

a) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy định về quản lý, sử dụng nhà ở công vụ và nhà ở thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn tỉnh, trong đó quy định cụ thể: Đối tượng và điều kiện được thuê nhà; tiêu chuẩn sử dụng nhà ở công vụ và nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; nguyên tắc bố trí, trình tự, thủ tục thuê nhà, phương thức thanh toán tiền thuê nhà, Đơn giá cho thuê nhà...; xác định cụ thể trách nhiệm quản lý của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan trong việc quản lý sử dụng nhà ở công vụ, nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.

b) Chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện rà soát tình hình quản lý, sử dụng nhà ở công vụ và nhà ở thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn tỉnh, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh phương án xử lý đối với những trường hợp sử dụng sai mục đích, sai đối tượng.

8. Về quản lý, sử dụng đất công

a) Đối với đất công do nhà nước đang quản lý

- Sở Tài nguyên Môi trường chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện rà soát, hoàn thiện phương án quản lý, khai thác quỹ đất công trên địa bàn tỉnh để xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy trước khi Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành; tổ chức triển khai xây dựng kế hoạch, lộ trình và quy chế thực hiện phương án, trong đó quy định rõ trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, đơn vị liên quan cấp tỉnh, cấp huyện.

- Trung tâm Phát triển Qũy đất tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện lập dự toán, cắm mốc, xây dựng lý lịch từng thửa đất (vị trí, nguồn gốc, quá trình sử dụng, phương án quản lý, khai thác...) để theo dõi quản lý theo quy định của pháp luật đất đai và pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

- Trung tâm Phát triển Qũy đất tỉnh xây dựng quy chế phối hợp trong thực hiện đấu giá đất nhằm rút ngắn thời gian thực hiện bán đấu giá quyền sử dụng đất.

b) Đối với đất Nhà nước giao cho các doanh nghiệp để thực hiện dự án kinh tế

- Sở Tài nguyên Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan rà soát hiện trạng sử dụng các khu đất của các doanh nghiệp cổ phần hóa báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, phê duyệt phương án xử lý đối với từng doanh nghiệp có vi phạm.

- Sở Kế hoạch và đầu tư chủ trì rà soát và đề xuất phương án xử lý các dự án chậm triển khai trên địa bàn tỉnh, làm căn cứ để Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh gia hạn sử dụng đất 24 tháng và ký quỹ đầu tư theo quy định.

9. Đối với việc khai thác tài nguyên, khoáng sản

a) Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện và các Sở, ngành có liên quan:

- Kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn, nhất là việc khai thác tận thu cát tại các hồ chứa nước của tỉnh; đề ra các biện pháp hiệu quả nhằm thu đúng, thu đủ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Báo cáo kết quả thực hiện tại phiên họp Thường trực HĐND tỉnh lần thứ 17.

- Tham mưu tổ chức đấu giá quyền khai thác; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, kịp thời đề xuất xử lý hành vi khai thác trái phép, khai thác vượt định mức.

b) Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng quy chế kiểm tra, giám sát trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan tại dự án nạo vét lòng hồ thuỷ lợi trong đó quy định cụ thể trách nhiệm của chủ dự án, trách nhiệm của doanh nghiệp thực hiện dự án, trách nhiệm của cơ quan giám sát dự án...

10. Tổ chức thực hiện:

a) Giao Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc và hiệu quả Chỉ thị này của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

b) Định kỳ hàng năm (cùng với báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước), yêu cầu các Sở, ban, ngành, đoàn thể và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổng hợp kết quả thực hiện các nội dung có liên quan trong Chỉ thị này gửi Sở Tài chính trước ngày 28 tháng 02 hàng năm để tổng hợp tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Bộ Tài chính theo quy định

c) Chỉ thị này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Sở, ban, ngành, đoàn thể và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Nguyễn Thành Long

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 14/CT-UBND năm 2018 về tăng cường công tác quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

  • Số hiệu: 14/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 12/11/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
  • Người ký: Nguyễn Thành Long
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 12/11/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản