Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÒA BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 13/CT-UBND

Hòa Bình, ngày 17 tháng 09 năm 2012

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÒA BÌNH

Trong những năm qua, công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã từng bước đi vào nề nếp; các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân địa phương đã tham gia tích cực vào quản lý khoáng sản và các hoạt động khoáng sản. Việc khai thác, chế biến khoáng sản đã và đang trở thành ngành công nghiệp mang lại hiệu quả cho phát triển kinh tế tại địa phương, tạo thêm việc làm cho người lao động, tăng nguồn thu cho ngân sách.

Tuy nhiên, công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản và các hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế như: Khai thác, chế biến khoáng sản làm ảnh hưởng xấu đến cảnh quan và môi trường; tiến độ thực hiện các dự án còn chậm; kê khai và nộp thuế chưa đúng quy định; có địa phương còn để xảy ra khai thác khoáng sản trái phép, đặc biệt là việc khai thác khoáng sản có chứa vàng. Một trong những nguyên nhân chính của những hạn chế này là do các ngành, các cấp chưa thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước chưa chặt chẽ.

Để thực hiện nghiêm túc Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về khoáng sản; khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguồn tài nguyên khoáng sản của tỉnh; khuyến khích phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến gắn với bảo vệ môi trường môi sinh, đảm bảo an toàn lao động, quốc phòng, an ninh và bảo vệ được nguồn khoáng sản chưa khai thác; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Các Sở, Ban, Ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ của mình tổ chức thực hiện nghiêm túc Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 và các Văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành; thực hiện nghiêm Chỉ thị số 06/CT-UBND, ngày 17-2-2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh Hòa Bình và Chỉ thị số 08/CT-UBND, ngày 15-4-2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý kiểm tra, xử lý các hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản vàng trên địa bàn tỉnh. Chú trọng thực hiện tuyên truyền, phổ biến để các cơ quan quản lý Nhà nước và mọi tầng lớp nhân dân nhận thức được trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong quản lý, bảo vệ và tham gia các hoạt động khoáng sản; nâng cao trách nhiệm của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trong công tác quản lý và bảo vệ tài nguyên Khoáng sản.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Nghiên cứu, đề xuất những biện pháp quản lý khoáng sản và hoạt động khoáng sản hợp lý, có hiệu quả; tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật và các thông tin về khoáng sản trên các phương tiện thông tin truyền thông, có văn bản hướng dẫn và đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố phối hợp quản lý có hiệu quả khoáng sản được cấp phép khai thác và khoáng sản chưa khai thác tại địa bàn;

- Trong quá trình khảo sát thực địa và lấy ý kiến các ngành, các cấp, phải chú trọng đến ý kiến của chính quyền xã và sự đồng thuận của nhân dân nơi có khoáng sản về các vấn đề có liên quan đến các dự án hoạt động khoáng sản tại địa phương, báo cáo đề xuất với Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh để cấp phép hoạt động khoáng sản cho các dự án theo đúng quy định hiện hành;

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xác định các khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản; các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ; khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản, đề xuất, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết theo quy định;

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý hoặc đề xuất xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản theo thẩm quyền, tập trung đề xuất hướng xử lý thu hồi giấy phép đối với các dự án khai thác khoáng sản đã được cấp phép nhưng không hoạt động, hoạt động không hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, không thực hiện nghĩa vụ tài chính, dự án chậm triển khai; đề xuất biện pháp chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương;

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Quy chế phối hợp quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh và giám sát thực hiện nghĩa vụ tài chính của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoáng sản để hoạt động khoáng sản được thực hiện theo đúng quy định và các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với nhà nước.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Trong quá trình thẩm định hồ sơ của doanh nghiệp xin cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án khai thác, chế biến khoáng sản phải phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét, xác định vốn tự có của doanh nghiệp đảm bảo mức vốn chủ sở hữu theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 53 Luật Khoáng sản (trong thời gian chưa có quy định cụ thể về văn bản xác định vốn chủ sở hữu theo điểm h khoản 1 Điều 59 Luật Khoáng sản); đồng thời đề xuất hình thức bảo đảm thực hiện dự án đầu tư phù hợp;

- Khi xem xét các dự án đầu tư liên quan đến hoạt động khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản như các dự án đầu tư xây dựng cơ sở chế biến quặng, sản xuất gạch, ngói, gốm, sứ... phải xem xét mức độ tin cậy, căn cứ pháp lý của các nguồn cung cấp nguyên liệu, đảm bảo có đủ nguồn nguyên liệu cho dự án hoạt động ổn định lâu dài, có hiệu quả, bảo vệ được môi trường cảnh quan và các tài nguyên khác;

- Tăng cường kiểm tra tiến độ đầu tư và tình hình thực hiện các dự án đầu tư khai thác, chế biến khoáng sản, đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện dự án, xem xét các nguyên nhân, đề xuất điều chỉnh hoặc thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án chậm tiến độ hoặc không triển khai thực hiện.

4. Cục Thuế tỉnh

- Kiểm tra việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp được cấp phép hoạt động khoáng sản; hướng dẫn các doanh nghiệp kê khai và nộp các khoản thuế, phí theo đúng quy định; phát hiện, xử lý hoặc đề xuất xử lý đối với các đơn vị trốn thuế, gian lận thuế hoặc chây ỳ trong việc nộp thuế;

- Phối hợp với các ngành liên quan xác định căn cứ để ấn định thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế đối với các dự án khai thác khoáng sản kim loại (đặc biệt là các trường hợp kê khai sản lượng tính thuế thấp hơn công suất ghi trong giấy phép). Ấn định thuế và thực hiện thu thuế ấn định đối với các dự án khai thác vàng theo chủ trương tại Văn bản số 3406/VPUBND-TCTN ngày 19-10-2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Kiến nghị với Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh thu hồi giấy phép khai thác đối với các trường hợp hoạt động kinh doanh không có hiệu quả, không chấp hành nghĩa vụ tài chính với ngân sách nhà nước.

5. Sở Tài chính

- Chủ trì, phối hợp với Cục Thuế tỉnh theo dõi tình hình giá bán tài nguyên trên thị trường địa phương, lập phương án đề nghị điều chỉnh giá tính thuế trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định khi giá bán các loại tài nguyên khoáng sản tăng (hoặc giảm) quá 20%;

- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản để hỗ trợ cho công tác bảo vệ và đầu tư môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản theo quy định tại Nghị định số 74/2011/NĐ-CP ngày 25-8-2011 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản.

6. Sở Xây dựng

- Rà soát để lập, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch thăm dò khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân tỉnh với kỳ quy hoạch là 5 năm và tầm nhìn là 10 năm; tổ chức tốt việc công bố và quản lý các quy hoạch khoáng sản đã được phê duyệt. Căn cứ tình hình hoạt động khoáng sản, phát hiện mới về khoáng sản, các yếu tố liên quan đến thị trường để đề xuất điều chỉnh quy hoạch khoáng sản đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành vật liệu xây dựng;

- Tăng cường công tác kiểm tra việc khai thác theo thiết kế đối với các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng và xi măng; đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh môi trường trong khai thác, kiên quyết xử lý hoặc đề xuất xử lý theo thẩm quyền đối với các mỏ khai thác không theo thiết kế, vi phạm quy trình công nghệ trong khai thác.

7. Sở Công thương

- Rà soát để lập, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản (trừ khoáng sản làm vật liệu xây dựng) thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân tỉnh với kỳ quy hoạch là 5 năm và tầm nhìn là 10 năm; tổ chức tốt việc công bố và quản lý các quy hoạch khoáng sản đã được phê duyệt. Căn cứ tình hình hoạt động khoáng sản, phát hiện mới về khoáng sản, các yếu tố liên quan đến thị trường để điều chỉnh quy hoạch khoáng sản đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành công nghiệp khai khoáng;

- Nghiên cứu xây dựng quy định tạm thời hướng dẫn về nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế mỏ. Chỉ trình Ủy ban nhân dân tỉnh cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp cho các doanh nghiệp sau khi giấy phép khai thác khoáng sản được đăng ký nhà nước tại Sở Tài nguyên và Môi trường;

- Tăng cường công tác kiểm tra việc khai thác mỏ theo thiết kế, kiểm tra việc bảo quản và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp. Kiên quyết xử lý những trường hợp khai thác không có thiết kế mỏ hoặc không đúng theo thiết kế, vi phạm quy trình công nghệ; đình chỉ việc nổ mìn hoặc kiến nghị thu hồi giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp đối với các mỏ có nguy cơ xảy ra mất an toàn;

- Phối hợp với lực lượng Công an kiểm tra các bến bãi, kho tàng, phương tiện tham gia vào việc mua bán, kinh doanh, bảo quản và vận chuyển hàng hóa có nguồn gốc từ khoáng sản nhằm phát hiện, chấn chỉnh, xử lý hoặc đề xuất hướng xử lý việc kinh doanh khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh (than, cát, sỏi xây dựng và các loại quặng kim loại...).

8. Sở Lao động, thương binh và Xã hội

Theo chức năng thẩm quyền cơ quan mình, chủ động tăng cường công tác quản lý nhà nước về lao động và an toàn lao động tại các mỏ khoáng sản; kiểm tra, phát hiện, kiên quyết xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật về an toàn lao động. Trường hợp cần thiết, kịp thời kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền đình chỉ hoạt động tại các mỏ có nguy cơ gây mất an toàn, kiên quyết không để xảy ra tai nạn lao động trên địa bàn tỉnh do không đảm bảo an toàn trong hoạt động khoáng sản.

9. Công an tỉnh

Tăng cường công tác nắm tình hình hoạt động khoáng sản trên toàn tỉnh, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi khai thác khoáng sản trái phép, các hoạt động khoáng sản làm ảnh hưởng xấu đến môi trường, mất an ninh trật tự; phối hợp chặt chẽ với lực lượng quản lý thị trường đấu tranh và ngăn chặn các loại tội phạm buôn lậu và gian lận thương mại trong sản xuất, kinh doanh khoáng sản.

10. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài phát thanh và truyền hình tỉnh

- Thông tin đầy đủ, kịp thời đến người dân về các chủ trương, chính sách, quy định của nhà nước về khoáng sản; trách nhiệm của công dân, chính quyền địa phương trong quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản;

- Xây dựng chương trình phổ biến kiến thức pháp luật về quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản; phản ánh kịp thời những điển hình, gương người tốt, việc tốt liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản tại các địa phương trong tỉnh.

11. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra nắm tình hình bảo vệ khoáng sản chưa khai thác và các hoạt động khai thác khoáng sản tại địa phương; phối hợp với các sở, ngành của tỉnh giải quyết các vấn đề liên quan đến đất đai, bảo vệ môi trường và các tài nguyên khác trong quá trình hoạt động khoáng sản; xử lý hoặc đề xuất xử lý theo thẩm quyền đối với các trường hợp vi phạm pháp luật về khoáng sản; huy động các lực lượng trên địa bàn để ngăn chặn, giải toả các tụ điểm hoạt động khoáng sản trái phép;

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn nâng cao trách nhiệm trong công tác bảo vệ, quản lý các hoạt động khoáng sản; đặc biệt chú trọng đến việc thực hiện các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, phát hiện, ngăn chặn và báo cáo kịp thời các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép cho Ủy ban nhân dân huyện, thành phố và các cơ quan chức năng liên quan;

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và trước pháp luật nếu để xảy ra tình trạng khai thác trái phép trên địa bàn mà không có biện pháp xử lý và không kịp thời báo cáo cơ quan quản lý cấp trên.

Giám đốc các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Công thương, Lao động, thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông; Giám đốc Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm triển khai thực hiện Chỉ thị này.

Giao Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi, đôn đốc và tổng hợp kết quả thực hiện, định kỳ hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ TN&MT (để biết);
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các Sở: TN&MT, KH&ĐT, TC, XD, CT, LĐTB&XH, TT&TT;
- Cục Thuế tỉnh Hòa Bình;
- Công an tỉnh;
- Đài PT&TH tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Chánh, Phó VPUBND tỉnh;
- Lưu: VT, ĐT.CTh34.

CHỦ TỊCH




Bùi Văn Tỉnh

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 13/CT-UBND năm 2012 về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hòa Bình

  • Số hiệu: 13/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 17/09/2012
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hòa Bình
  • Người ký: Bùi Văn Tỉnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 17/09/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản