Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 13/CT-UBND

Gia Lai, ngày 29 tháng 09 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, SẢN XUẤT, KINH DOANH, SỬ DỤNG PHÂN BÓN, THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Phân bón và thuốc bảo vệ thực vật là một trong những loại vật tư thiết yếu tác động trực tiếp đến hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, góp phần làm tăng năng suất, chất lượng cây trồng. Thời gian qua, công tác quản lý chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện và có những chuyển biến tích cực.Tuy nhiên, tình trạng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra, nhiều doanh nghiệp, cá nhân vì chạy theo lợi nhuận mà sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực giả, ngoài danh mục lưu hành, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, sức khỏe của người dân và tác động tiêu cực đến môi trường.

Nguyên nhân của những tồn tại trên là do công tác chỉ đạo, quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chưa được tăng cường, hình thức xử lý và mức xử phạt chưa nghiêm, chưa đủ răn đe đối với tổ chức, cá nhân vi phạm.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, bảo vệ quyền lợi, lợi ích của người nông dân; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, cố ý làm trái với quy định của pháp luật, UBND tỉnh Chỉ thị:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Công thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Công an tỉnh và các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra liên ngành các cơ sở sản xuất, các tổ chức, hộ kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh; phát hiện, ngăn chặn, đình chỉ hoạt động và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật; thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng loại sản phẩm và tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh có vi phạm.

b) Chỉ đạo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh: Thường xuyên kiểm tra việc ghi nhãn các loại thuốc bảo vệ thực vật đang lưu thông trên thị trường để phát hiện các hành vi vi phạm như ghi sai, ghi thêm đối tượng phòng trừ chưa được đăng ký, khuyến cáo sử dụng,... Khi phát hiện, phải truy xuất nguồn gốc thuốc có nhãn ghi sai và xử lý nghiêm hành vi vi phạm, kiên quyết đình chỉ lưu thông và bắt buộc thu hồi các loại thuốc này theo quy định.

c) Phối hợp với các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật, cung cấp thông tin về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.

d) Chỉ đạo kiểm tra, theo dõi nội dung các cuộc hội thảo, quảng cáo giới thiệu sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật của các doanh nghiệp phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật.

đ) Tăng cường tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn quản lý nhà nước cho cán bộ huyện, xã để tiếp tục hoàn thành việc kiểm tra, đánh giá phân loại cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản theo quy định tại Thông tư số 14/2011/TT-BNNPTNT ngày 29/3/2011 và Thông tư số 01/2013/TT-BNNPTNT ngày 04/01/2013 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 14/2011/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

e) Củng cố, kiện toàn thanh tra chuyên ngành, bộ phận nghiệp vụ cả về số lượng và chất lượng nhằm đảm bảo thực thi tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

2. Sở Công thương

a) Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra việc sử dụng hóa đơn, chứng từ của các cơ sở kinh doanh nhằm phát hiện kịp thời hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, vận chuyển, buôn lậu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

b) Vận động các tổ chức, cá nhân kinh doanh ký cam kết không buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, nhái, hàng nhập lậu, hàng hóa không đảm bảo chất lượng,...

c) Công khai các tổ chức, cá nhân vi phạm nhiều lần; thông tin về phương thức gian lận thương mại trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và cảnh giác trong việc lựa chọn, tiêu thụ sản phẩm.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Tổ chức rà soát, thống kê tất cả các cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh để cung cấp cho các sở, ngành, địa phương liên quan theo dõi, phối hợp tổ chức kiểm tra.

4. Công an tỉnh: Chỉ đạo, bố trí lực lượng tham gia Đoàn công tác liên ngành; căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc kiểm tra, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm quy định về sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.

5. Đề nghị Hội Nông dân tỉnh: Phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền địa phương tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tới cán bộ, hội viên, nông dân; vận động hội viên, nông dân tham gia giám sát, tố giác, đấu tranh, ngăn chặn đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, người sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục lưu hành, không rõ nguồn gốc, gây ô nhiễm môi trường, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý.

6. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

a) Xây dựng và triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra và phối hợp với các cơ quan cấp trên, thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh và việc chấp hành các quy định về quản lý, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn.

b) Thường xuyên quan tâm, chỉ đạo, nắm vững tình hình, chủ động, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn việc sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không đảm bảo chất lượng trên địa bàn theo quy định; chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về tình trạng mua bán, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật là hàng giả, hàng kém chất lượng xảy ra trên địa bàn quản lý.

c) Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật về quản lý sản xuất, kinh doanh, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho các chủ cửa hàng, đại lý kinh doanh và người dân tại địa phương; vận động nhân dân tích cực tham gia vào công tác đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không đảm bảo chất lượng trên địa bàn.

d) Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện, UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức kiểm tra, đánh giá phân loại cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản theo phân cấp tại Thông tư số 14/2011/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định việc kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản.

7. Đài phát thanh truyền hình tỉnh, Báo Gia Lai: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, các sở ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố thông tin các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng trên thị trường trong nước và trong tỉnh; đưa tin những vụ việc vi phạm pháp luật do các lực lượng kiểm tra, phát hiện, xử lý để nhân dân được biết.

8. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tăng cường kiểm tra trách nhiệm thực thi công vụ của các cán bộ, công chức, viên chức trực thuộc đơn vị, xử lý nghiêm theo pháp luật đối với cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn có hành vi nhũng nhiễu, bao che, thông đồng, bảo kê.

UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này, báo cáo kết quả thực hiện về Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh; đề nghị các cơ quan thông tin đại chúng, Hội Nông dân tỉnh tích cực tham gia thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh (b/cáo);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, Ban, ngành;
- Hội Nông dân tỉnh;
- Đài PTTH tỉnh, Báo Gia Lai;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Chánh VP, các PVP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, VHXH, KTTH, NC, NL.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đào Xuân Liên

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 13/CT-UBND 2014 về tăng cường công tác quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh Gia Lai

  • Số hiệu: 13/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 29/09/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Gia Lai
  • Người ký: Đào Xuân Liên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/09/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản