Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 13/CT-UB

Bến Tre, ngày 20 tháng 6 năm 1996

 

CHỈ THỊ

“VỀ VIỆC GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI, ỔN ĐỊNH SẢN XUẤT”

Thời gian qua, các ngành và UBND các cấp tập trung giải quyết các trường hợp khiếu nại, tranh chấp quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh về cơ bản ổn định cả về mặt chính trị, sản xuất và đời sống nhân dân.

Tuy nhiên, hiện nay lại phát sinh một số trường hợp bất chấp pháp luật, không thực hiện quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, tổ chức thành đoàn có hung khí ngang nhiên lấn chiếm, cấy sạ trên đất đã được Nhà nước, HTX, Tập đoàn sản xuất giao khoán hợp lý trước đây, làm cho rất nhiều hộ trước đây có đất sản xuất, nay bị trắng tay thậm chí xảy ra 1 số vụ xô xát gây thương tích người, tình hình nầy ảnh hưởng xấu đến sản xuất, đời sống, trật tự xã hội rối ren, tình đoàn kết trong nội bộ nông dân bị tổn thương nghiêm trọng. Nhiều hộ kéo đến ở vạ tại cơ quan Nhà nước tỉnh, huyện dài ngày làm tốn kém thời gian, mất công ăn việc làm v.v…

Để thực hiện tốt quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai, thống nhất quan điểm, chủ trương và biện pháp giải quyết các tranh chấp, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Chủ tịch các huyện, thị xã, Thủ trưởng các ngành chức năng thực hiện ngay các việc sau đây:

1- Chủ tịch UBND huyện, thị xã chỉ đạo chính quyền địa phương phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các Đoàn thể tổ chức mời các hộ lấn chiếm đất, giáo dục cho họ thông hiểu Luật đất đai và Nghị định 64/CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ. Phải giải thích cho dân hiểu rõ đất đai thuộc sở hữu của toàn dân, do Nhà nước quản lý theo pháp luật. Chính quyền kiên quyết bảo vệ những thành quả cách mạng về đất đai, không thừa nhận việc đòi lại đất đã giao cho người khác sử dụng hợp pháp, hợp lý trong quá trình thực hiện các chính sách đất đai của Nhà nước. Bảo đảm cho mọi người lao động sản xuất nông nghiệp có đất sản xuất ổn định lâu dài, thúc đẩy sản xuất nông thôn phát triển cải thiện đời sống cho gia đình.

Trong quá trình giải quyết đất đai nếu có những vấn đề bất hợp lý, không công bằng, thì hộ gia đình có quyền khiếu nại để các cấp chính quyền giải quyết theo đúng luật đất đai và Nghị định của Chính phủ. Không được kích xúi, tổ chức lực lượng, sử dụng hung khí đánh nhau lấn chiếm đất đai người khác, làm điều đó là vi phạm pháp luật.

2- Phải có biện pháp giáo dục, ngăn chặn những phần tử xấu tung tin sai sự thật, trái luật pháp, tạo tâm lí ngầm, kích xúi hòng tập hợp lực lượng để lấn chiếm đất trái phép, giáo dục các chủ máy cày không tiếp tay những hộ đi lấn chiếm đất. Chủ tịch Ủy ban nhân dân phải tổ chức nắm cho được hồ sơ bọn đầu sỏ chủ mưu, bọn tiếp tay và những vụ xô xát gây thương tích vừa qua để có biện pháp xử lý hành chính kịp thời và cần thiết đưa ra xử lý bằng pháp luật.

- Phải giáo dục và ra quyết định cho hộ đi lấn đất (A) giao lại cho hộ bị lấn (B) diện tích mà họ đã canh tác ổn định để sản xuất ngay trong vụ mùa 1996; tạo điều kiện để giải quyết cuộc sống đang khó khăn. Chính quyền địa phương phải bảo vệ cho các hộ gia đình không có đất đai, không nghề nghiệp, nhất là gia đình cách mạng, gia đình chính sách phải có đất sản xuất.

3- Ở mỗi địa phương có tranh chấp đất đai phải tổ chức Đoàn đi kiểm tra nắm thật kỹ diện tích, nguồn gốc sử dụng đất hộ A, hộ B, diện tích hộ A đi lấn chiếm, đời sống của từng hộ để sau đó lên phương án giải quyết từng vụ một cho dứt điểm.

4- Ở huyện, xã tổ chức BCĐ; huyện xã cử cán bộ xuống tại ấp lập từng Đoàn kiểm tra và lấy Tổ An ninh tự quản để giải quyết tranh chấp đất. Ban chỉ đạo, Đoàn kiểm tra có đại diện chính quyền, Công an, các Ban ngành có liên quan, mời Mặt trận Tổ quốc, các Đoàn thể tham gia; ở những điểm nóng nên mời đại diện Viện Kiểm sát theo dõi. Các Thành viên BCĐ nên bố trí những cán bộ có năng lực, uy tín trong dân.

Giao cho Chủ tịch UBND huyện, thị xã theo thẩm quyền xử lý. Tỉnh sẽ đưa Đoàn cán bộ đến hỗ trợ với huyện khi cần thiết. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc, Ban Dân vận Tỉnh ủy và các Đoàn thể tỉnh có văn bản chỉ đạo cho cấp huyện cùng tham gia tích cực về giải quyết tranh chấp đất trong dân.

Thanh tra tỉnh kết hợp Sở Địa chính cử cán bộ hỗ trợ huyện, thị xã và kiểm tra đôn đốc thực hiện chỉ thị này.

Các Ban chỉ đạo, Đoàn kiểm tra đất đai hàng tuần có sơ kết báo cáo.

Hàng tháng trước ngày 25, UBND các huyện, thị báo cáo kết quả thực hiện về Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

Chỉ thị này phổ biến đến cơ sở xã, phường và học tập rộng rãi ra dân.

Trong quá trình thực hiện, có gì khó khăn vướng mắc nên phản ánh ngay về Ủy ban nhân dân tỉnh để hướng dẫn chỉ đạo tiếp./.

 

 

 

TM.ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT.CHỦ TỊCH
 PHÓ CHỦ TỊCH




Trịnh Văn Y

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 13/CT-UB năm 1996 về giải quyết tranh chấp đất đai, ổn định sản xuất do tỉnh Bến Tre ban hành

  • Số hiệu: 13/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 20/06/1996
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bến Tre
  • Người ký: Trịnh Văn Y
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản