Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 13/CT-CTUBND

Quy Nhơn, ngày 15 tháng 11 năm 2006

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CHỈ ĐẠO ĐẨY MẠNH HOẠT ĐỘNG SINH VẬT CẢNH VÀ XÂY DỰNG TỔ CHỨC HỘI SINH VẬT CẢNH

Qua 10 năm hoạt động, phong trào sinh vật cảnh tỉnh ta không ngừng phát triển sâu rộng ở nhiều khu vực dân cư, nhờ sản xuất và làm dịch vụ sinh vật cảnh mà nhiều hộ nông dân thoát khỏi đói nghèo, có hộ thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm. Phong trào phát triển sinh vật cảnh không những góp phần cải thiện đời sống, tăng nguồn thu nhập cho người trồng hoa, cây cảnh mà còn góp phần nâng cao truyền thống văn hóa tốt đẹp của nhân dân ta, bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái, hình thành những vùng sản xuất hoa, cây cảnh tập trung có giá trị hàng hóa cao, như: vùng trồng hoa huệ ở huyện Tuy Phước, hoa mai ở huyện An Nhơn..., nhiều làng đã cải tạo vườn tạp sang trồng hoa, cây cảnh. Tuy nhiên, tổ chức và hoạt động sinh vật cảnh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh của tỉnh nhà, một số địa phương phong trào sinh vật cảnh phát triển tự phát, nhỏ lẻ, tổ chức hội còn yếu, chưa tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia hội. Trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể trong việc phát triển phong trào sinh vật cảnh và xây dựng Hội còn hạn chế.

Để tiếp tục thực hiện Quyết định số 182/1999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển rau quả và hoa cây cảnh thời kỳ 1999 - 2010, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phong trào hoạt động Hội Sinh vật cảnh Việt Nam thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Thủ trưởng các sở, ban liên quan thực hiện các nội dung sau:

1. Các cấp, các ngành cần nhận thức đúng đắn, quán triệt đầy đủ nhiệm vụ và nội dung hoạt động sinh vật cảnh; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền ý nghĩa, lợi ích hoạt động sinh vật cảnh, hình thành ý thức giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, môi trường sống trong lành, xây dựng nông thôn mới, xây dựng khối phố ngày càng xanh, sạch, đẹp, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

2. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp Hội Sinh vật cảnh tỉnh, các sở, ban liên quan, UBND các huyện, thành phố xây dựng chương trình, mục tiêu, kế hoạch phát triển sinh vật cảnh trên địa bàn tỉnh và từng địa bàn huyện, thành phố giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2020, phấn đấu đưa ngành sinh vật cảnh thành ngành kinh tế hàng hóa, sản xuất tập trung, có quy mô và phát triển bền vững về môi trường sinh thái, gắn với phát triển du lịch, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Trong đó, chú ý hình thành các cơ sở sản xuất giống cây, giống con sinh vật cảnh, cung cấp dịch vụ và kinh doanh sản phẩm sinh vật cảnh. Quy hoạch bố trí cơ cấu cây trồng nhằm tạo ra những vùng chuyên canh sản xuất sinh vật cảnh tập trung với quy mô thích hợp ở từng địa phương.

Song song việc đầu tư phát triển, khai thác sinh vật cảnh cần chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường, có kế hoạch quy hoạch trồng cây xanh các nơi công cộng, cơ quan, xí nghiệp, trường học, khu du lịch, đồng thời có biện pháp bảo tồn, chăm sóc các thảm thực vật, các loại cây, hoa, chim thú đặc hữu, các loài động vật hoang dã.

3. Hội Sinh vật cảnh tỉnh phối hợp Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện việc đào tạo, tập huấn tay nghề kết hợp chuyển giao ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật cho người lao động sản xuất sinh vật cảnh.

Hàng năm Hội Sinh vật cảnh tỉnh phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức các hội chợ, hội thi, trưng bày, triển lãm, giới thiệu các sản phẩm về sinh vật cảnh, tôn vinh các nghệ nhân sinh vật cảnh, từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm sinh vật cảnh có giá trị cao của tỉnh.

4. Về xây dựng, tổ chức Hội Sinh vật cảnh:

Sở Nông nghiệp và PTNT, Hội Sinh vật cảnh tỉnh phối hợp UBND các huyện, thành phố tăng cường chỉ đạo củng cố, xây dựng, phát triển tổ chức Hội đến các cơ sở xã, phường; thành lập các Chi hội thành viên chuyên ngành sinh vật cảnh và các Chi hội trực thuộc, mở rộng tổ chức hội sinh vật cảnh các cơ sở có điều kiện; phát triển mạnh hội viên, tập hợp mọi đối tượng có nhu cầu hoạt động sinh vật cảnh tự nguyện tham gia vào tổ chức Hội.

Hội Sinh vật cảnh tỉnh cần nâng cao hơn nữa năng lực hoạt động của Hội để Hội thực hiện vai trò tư vấn trong công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển hoa quả và sinh vật cảnh; quy hoạch, tôn tạo cảnh quan đô thị, khu dân cư… kiến nghị với cơ quan nhà nước những vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách để phát triển sinh vật cảnh của tỉnh.

Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Thủ trưởng các sở, ban, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện các nội dung Chỉ thị này. Giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT chịu trách nhiệm theo dõi việc thực hiện Chỉ thị này ở các địa phương và thường xuyên nắm tình hình, đề xuất UBND tỉnh theo dõi, chỉ đạo./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Thiện

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 13/CT-CTUBND năm 2006 tăng cường chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động sinh vật cảnh và xây dựng tổ chức Hội Sinh vật cảnh do tỉnh Bình Định ban hành

  • Số hiệu: 13/CT-CTUBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 15/11/2006
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định
  • Người ký: Nguyễn Văn Thiện
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản