Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ CÔNG THƯƠNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 13/CT-BCT | Hà Nội, ngày 01 tháng 9 năm 2020 |
CHỈ THỊ
VỀ BẢO ĐẢM AN NINH LƯƠNG THỰC QUỐC GIA ĐẾN NĂM 2030
10 năm thực hiện Kết luận số 53-KL/TW ngày 05 tháng 8 năm 2009 của Bộ Chính trị khóa X về Đề án An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020 đã ghi nhận nhiều thành quả to lớn về bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, góp phần quan trọng ổn định và phát triển kinh tế - xã hội; cải thiện đời sống của nhân dân, nhất là khu vực ở nông thôn. Hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, lưu thông, dự trữ lương thực, thực phẩm được nâng cấp; năng lực sản xuất, lưu thông được nâng cao, các kênh phân phối được mở rộng, hoàn thiện; khả năng tiếp cận lương thực, thực phẩm của nhân dân không ngừng được cải thiện.
Bên cạnh những kết quả đạt được, một số hạn chế, khó khăn vẫn tồn tại. Việc quản lý, sử dụng đất lúa thiếu hiệu quả; còn chưa quan tâm đúng mức tới đầu tư nâng cao chất lượng, tạo dựng thương hiệu, giá trị gia tăng và thu nhập của người trồng lúa còn thấp, đời sống nông dân còn gặp nhiều khó khăn. Tổ chức sản xuất, chế biến, thương mại, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập. Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với chế biến, tiêu thụ chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất hàng hóa lớn, hội nhập quốc tế; ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế, cơ giới hóa, tự động hóa chưa mạnh, chưa tạo được đột phá để giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh sản phẩm; chế biến sâu chưa nhiều, tổn thất sau thu hoạch còn cao. Việc tiếp cận thực phẩm đa dạng, kịp thời, đủ dinh dưỡng vẫn là thách thức với người dân vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi.
Những hạn chế, yếu kém nêu trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân chưa thực sự đầy đủ, toàn diện, chưa quan tâm đúng mức về bảo đảm an ninh lương thực. Cơ chế, chính sách bảo đảm an ninh lương thực còn bất cập; chưa thực hiện tốt chính sách đất đai, hỗ trợ nông dân, địa phương, doanh nghiệp trồng lúa, bảo hiểm nông nghiệp. Hệ thống bộ máy quản lý nhà nước về nông nghiệp, nông thôn chậm được hoàn thiện, chưa thích ứng cao với cơ chế kinh tế thị trường. Sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thể chế hóa, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát về an ninh lương thực chưa đầy đủ, cụ thể. Phát triển công nghiệp phụ trợ cho nông nghiệp còn hạn chế. Công tác nghiên cứu về an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng chưa được triển khai toàn diện.
An ninh lương thực quốc gia luôn là vấn đề quan trọng, thiết yếu của đất nước cả trước mắt và lâu dài, khi nguồn cung tiếp tục chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, an ninh nguồn nước, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ.
Để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu thủ trưởng, công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công Thương quán triệt, tăng cường thực hiện nghiêm túc các nội dung sau:
1. Mục tiêu đến năm 2030
- Cung cấp, phân phối đầy đủ, đa dạng, an toàn các loại thực phẩm như thịt, trứng, sữa, thủy sản, rau quả, đồ uống với chất lượng ngày càng cao, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần bảo đảm nâng cao đời sống nhân dân, ổn định chính trị, xã hội trong mọi tình huống.
- Tăng cường thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; ứng dụng khoa học, công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bảo quản và lưu thông nhằm nâng cao chất lượng chế biến lương thực, thực phẩm; giảm giá thành, đa dạng hóa các sản phẩm thực phẩm chế biến để người dân có thể tiếp cận với lương thực, thực phẩm có đủ dinh dưỡng với giá thành phù hợp; đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng, khẩu phần ăn cân đối, khoa học của người dân.
- Nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm và khả năng tiếp cận thị trường nhằm giúp người nông dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống, gắn bó bền vững với nông nghiệp.
2. Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu triển khai trong thời gian tới
a) Nhiệm vụ chung
Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ phối hợp với cấp ủy đảng cùng cấp phổ biến, tuyên truyền, quán triệt sâu sắc đến toàn thể đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, đơn vị về vai trò, ý nghĩa quan trọng của công tác bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trong tình hình mới. Đồng thời, tiếp tục nâng cao nhận thức về an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động; xác định bảo đảm an ninh lương thực quốc gia là nhiệm vụ thường xuyên quan trọng góp phần bảo đảm sự ổn định, phát triển bền vững của đất nước; trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động tham mưu Ban Cán sự đảng, lãnh đạo Bộ triển khai thực hiện nội dung có liên quan, góp phần thực hiện có kết quả Kết luận số 81-KL/TW của Bộ Chính trị.
b) Vụ Kế hoạch
Trên cơ sở yêu cầu của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh liên quan, chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan trong Bộ trong việc tham gia góp ý quy hoạch, phát triển các vùng trọng điểm, chuyên canh sản xuất lương thực, thực phẩm chủ lực (lúa gạo, chăn nuôi, thủy sản,...) ở những địa bàn lợi thế.
c) Vụ Khoa học và Công nghệ
Trên cơ sở yêu cầu của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh liên quan, tham gia ý kiến về các giải pháp thu hút các thành phần kinh tế đầu tư, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, bảo quản, chế biến và lưu thông lương thực, thực phẩm.
d) Vụ Thị trường trong nước
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu, đề xuất chính sách thúc đẩy phát triển hạ tầng thương mại; thực hiện tốt công tác bình ổn giá cả các mặt hàng thiết yếu; tạo thuận lợi cho hoạt động lưu thông, phân phối và tiếp cận hàng hóa lương thực, thực phẩm của người dân trong mọi tình huống, nhất là các hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc tham gia nghiên cứu, xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030.
đ) Vụ Pháp chế
Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan trong công tác rà soát, sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách đất đai, tài chính, bảo hiểm, tín dụng, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững khi được cơ quan chủ trì yêu cầu.
e) Cục Xuất nhập khẩu
- Chủ trì, phối hợp với các Vụ Thị trường ngoài nước, Vụ Thị trường trong nước trong công tác phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ.
- Chủ trì, phối hợp với các Vụ Thị trường ngoài nước, Vụ Thị trường trong nước, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phát triển hệ thống thông tin về an ninh lương thực, thực phẩm; cung cấp thông tin dự báo của nước ngoài về sản xuất, tiêu thụ lương thực, thực phẩm trên phạm vi thế giới và khu vực.
- Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính trong việc rà soát, nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ thỏa đáng cho nông dân, địa phương trồng lúa và doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh lúa gạo.
- Nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế điều hành xuất khẩu, nhập khẩu lương thực, thực phẩm phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; kết hợp hiệu quả giữa dự trữ lưu thông và dự trữ quốc gia.
- Là đơn vị đầu mối của Bộ Công Thương phối hợp các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, bổ sung, ban hành các chế tài xử lý vi phạm đủ sức răn đe đối với tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.
- Phối hợp với các cơ quan liên quan trong công tác hoàn thiện hệ thống và mối liên hệ về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền trong các cơ quan có liên quan quản lý nhà nước về an ninh lương thực.
- Phối hợp với Vụ Khoa học và Công nghệ trong công tác tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.
- Chủ trì, phối hợp với các Vụ Thị trường ngoài nước, Cục Xúc tiến thương mại: (i) Tăng cường hợp tác quốc tế, phát triển thị trường xuất khẩu lương thực, thực phẩm; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất lượng, an toàn thực phẩm với các đối tác thương mại; (ii) Phát huy và tranh thủ lợi thế ngành hàng lúa gạo Việt Nam trong quan hệ quốc tế; xây dựng quan hệ đối tác dài hạn để đầu tư phát triển các vùng sản xuất, cung ứng lương thực, thực phẩm ổn định, đáng tin cậy với các thị trường nhập khẩu nông sản.
g) Cục Công nghiệp
Đẩy mạnh triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy các ngành công nghiệp thực phẩm thuộc phạm vi quản lý; phát triển công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho nông nghiệp, góp phần hỗ trợ cho quá trình chế biến, bảo quản sau thu hoạch để nâng cao giá trị, dinh dưỡng, đa dạng hóa các mặt hàng lương thực, thực phẩm phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của nhân dân và xuất khẩu.
h) Cục Xúc tiến thương mại
Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, đơn vị liên quan trong công tác xây dựng và phát triển thương hiệu, nâng cao năng lực phát triển, thiết kế mẫu mã, bao bì sản phẩm đáp ứng thị hiếu của thị trường, giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận diện, tiếp cận với các sản phẩm lương thực, thực phẩm chế biến.
i) Tổng cục Quản lý thị trường
Chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng vật tư nông nghiệp; kịp thời phát hiện các trường hợp hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm.
j) Văn phòng Ban Cán sự Đảng Bộ
Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Kết luận số 81-KL/TW của Bộ Chính trị; tiến hành sơ kết, tổng kết, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư khi có yêu cầu./.
| BỘ TRƯỞNG |
- 1Công văn số 4423/VPCP-KTN về việc báo cáo diện tích đất lúa cần giữ lại bảo đảm an ninh lương thực quốc gia do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2Nghị quyết 63/NQ-CP năm 2009 về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia do Chính phủ ban hành
- 3Công văn 10008/VPCP-NN năm 2019 về tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 53-KL/TW và Nghị quyết 63/NQ-CP về Đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020” do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 1975/QĐ-TTg năm 2020 về kế hoạch hành động thực hiện Kết luận 81-KL/TW về "Bảm đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Nghị quyết 34/NQ-CP năm 2021 về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia năm 2030 do Chính phủ ban hành
- 1Công văn số 4423/VPCP-KTN về việc báo cáo diện tích đất lúa cần giữ lại bảo đảm an ninh lương thực quốc gia do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2Nghị quyết 63/NQ-CP năm 2009 về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia do Chính phủ ban hành
- 3Kết luận 53-KL/TW về Đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020” do Bộ Chính trị ban hành
- 4Công văn 10008/VPCP-NN năm 2019 về tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 53-KL/TW và Nghị quyết 63/NQ-CP về Đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020” do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 5Kết luận 81-KL/TW năm 2020 về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030 do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 6Quyết định 1975/QĐ-TTg năm 2020 về kế hoạch hành động thực hiện Kết luận 81-KL/TW về "Bảm đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Nghị quyết 34/NQ-CP năm 2021 về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia năm 2030 do Chính phủ ban hành
Chỉ thị 13/CT-BCT năm 2020 về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030 do Bộ Công thương ban hành
- Số hiệu: 13/CT-BCT
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 01/09/2020
- Nơi ban hành: Bộ Công thương
- Người ký: Trần Tuấn Anh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 01/09/2020
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra