Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ CHÍNH TRỊ | ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM |
Số: 53-KL/TW | Hà Nội, ngày 5 tháng 8 năm 2009 |
KẾT LUẬN
VỀ ĐỀ ÁN “AN NINH LƯƠNG THỰC QUỐC GIA ĐẾN NĂM 2020”
Tại phiên họp ngày 23-7-2009, sau khi nghe Ban cán sự đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được uỷ quyền của Ban cán sự đảng Chính phủ báo cáo về Đề án ''An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020'', ý kiến thẩm định của Văn phòng Trung ương Đảng (số 7641-CV/VPTW, ngày 22-7-2009) và ý kiến của các bộ, ban, ngành Trung ương, Bộ Chính trị đã thảo luận và kết luận:
1- Về cơ bản nhất trí với nội dung và những kiến nghị của Ban cán sự đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Đề án ''An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020”.
Những năm qua, thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp, nông thôn, sản xuất lương thực, thực phẩm tăng khá, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội và ổn định chính trị của đất nước. Tuy nhiên, trong sản xuất, lưu thông vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, nổi lên là: sản xuất lương thực, thực phẩm chưa thực sự bền vững; phương thức sản xuất nông nghiệp chậm được đổi mới; hạ tầng, khoa học - công nghệ phục vụ sản xuất còn nhiều yếu kém; quản lý sản xuất, điều hành trong kinh doanh, xuất khẩu còn những bất cập, thu nhập của người sản xuất còn thấp và lợi ích địa phương trồng lúa chưa được coi trọng.
An ninh lương thực là vấn đề trọng đại của đất nước trước mắt cũng như lâu dài. Trong phát triển sắp tới cần chú ý những vấn đề lớn sau:
- Quy hoạch, phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, hiệu quả là cơ sở để bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia; gắn sản xuất với các hình thức tổ chức phù hợp để đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu lương thực, thực phẩm trong mọi tình huống, nâng cao dinh dưỡng, cải thiện bữa ăn của nhân dân.
- Phát huy lợi thế về cây lúa là chính và phát triển lương thực, thực phẩm thành các vùng sản xuất hàng hoá có hiệu quả và sức cạnh tranh cao; đẩy mạnh cơ giới hoá, chế biến, bảo quản theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá và bảo vệ môi trường bền vững.
- Cân đối hài hoà giữa tiêu dùng trong nước và xuất khẩu lương thực, thực phẩm. Tổ chức tốt hệ thống mua, bán và dự trữ ở các vùng miền, tạo thuận lợi cho mọi người dân tiếp cận dễ dàng về lương thực, thực phẩm với chất lượng, hiệu quả ngày càng cao.
- Mục tiêu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 phải bảo đảm đủ nguồn cung cấp lương thực với sản lượng cao hơn 2 lần tốc độ tăng dân số. Chấm dứt tình trạng thiếu đói lương thực, nâng cao chất lượng bữa ăn. Bảo đảm lãi của nông dân sản xuất lúa trên 30% giá thành sản xuất.
2- Trên cơ sở những định hướng, mục tiêu trên, Bộ Chính trị giao Ban cán sự đảng Chính phủ cụ thể hoá và tổ chức triển khai thực hiện tốt những nội dung và giải pháp của Đề án. Trong đó, chú trọng các giải pháp: quy hoạch, bảo vệ và sử dụng hiệu quả 3,8 triệu ha đất lúa; hoàn thiện hạ tầng; phát triển khoa học - công nghệ, tăng cường cơ giới hoá, chế biến lương thực, thực phẩm, nâng cao giá trị sản xuất và các sản phẩm. Ban hành đồng bộ các chính sách bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, nhất là các chính sách: đảm bảo lợi ích của người trồng lúa, địa phương được quy hoạch trồng lúa giữ được đất lúa; chính sách cho người trồng rừng, địa phương có đất rừng giữ được rừng và nguồn nước; thu hút và phát triển mạnh mẽ các loại hình doanh nghiệp nông nghiệp, công ty dịch vụ kỹ thuật, các loại hình hợp tác ở nông thôn. Xây dựng cơ chế điều hành xuất khẩu lương thực, thực phẩm linh hoạt, phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; kết hợp tốt giữa dự trữ lưu thông và dự trữ nhà nước để bảo đảm yêu cầu cứu trợ lương thực, thực phẩm trong trường hợp khẩn cấp.
3- Về việc thành lập Uỷ ban An ninh lương thực quốc gia, giao Ban cán sự đảng Chính phủ xem xét, quyết định để bảo đảm chỉ đạo toàn diện các nội dung của Đề án.
Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương, các tỉnh uỷ, thành uỷ theo chức năng, nhiệm vụ của mình triển khai thực hiện các nội dung của Đề án và Kết luận của Bộ Chính trị./.
| T/M BỘ CHÍNH TRỊ |
Kết luận 53-KL/TW về Đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020” do Bộ Chính trị ban hành
- Số hiệu: 53-KL/TW
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 05/08/2009
- Nơi ban hành: Bộ Chính trị
- Người ký: Trương Tấn Sang
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra