Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẬU GIANG
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 13/2012/CT-UBND

Vị Thanh, ngày 18 tháng 9 năm 2012

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẬU GIANG

Thực hiện Chỉ thị số 31/2005/CT-TTg ngày 29 tháng 9 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa. Trong thời gian qua, công tác quản lý bảo vệ hành lang đường thủy trên địa bàn tỉnh được lãnh đạo chính quyền các cấp và các ngành chức năng đặc biệt quan tâm. Bên cạnh đó, công tác nạo vét, tháo dỡ chướng ngại vật, nâng cấp các công trình giao thông cũng được tăng cường, duy trì thực hiện thường xuyên... đã tạo ra những chuyển biến tích cực như: tai nạn giao thông đường thủy được hạn chế, phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân, tạo thuận lợi cho giao thương hàng hóa trên địa bàn tỉnh và trong khu vực, góp phần tích cực vào thành quả phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý đường thủy vẫn còn nhiều hạn chế; việc bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường thủy trên địa bàn tỉnh nhìn chung chưa đảm bảo; tình trạng lấn chiếm, tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường thủy vẫn còn tồn tại làm ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng giao thông; việc đăng đáy cá trên sông, kênh, rạch chiếm luồng tạo chướng ngại vật gây cản trở giao thông đường thủy vẫn còn tái diễn. Măc khác, sự lãnh đạo, chỉ đạo của một số cơ quan quản lý Nhà nước về đường thủy chưa thật sự tập trung; công tác thanh tra, kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm về bảo vệ hành lang an toàn đường thủy chưa kịp thời, vẫn còn một số địa phương chưa có sự quan tâm đúng mức; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được triển khai thực hiện nhưng chưa mang lại hiệu quả thiết thực; ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ kết cấu hành lang an toàn giao thông đường thủy của một số doanh nghiệp, cá nhân chưa cao từ đó ảnh hưởng đến công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy.

Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên; đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Giao thông đường thủy nội địa và các văn bản hướng dẫn thi hành góp phần bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, UBND tỉnh chỉ thị:

1. Thủ trưởng các sở, ban ngành, cơ quan chức năng cấp tỉnh; Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn; Giám đốc các doanh nghiệp liên quan tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và thực hiện tốt công tác bảo đảm trật an toàn giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh theo Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004; Nghị định số 21/2005/NĐ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa.

2. Sở Giao thông vận tải:

a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành tỉnh có liên quan; UBND huyện, thị xã, thành phố tham mưu UBND tỉnh ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn thực hiện công tác quản lý, bảo trì và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy nội địa.

b) Chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông phối hợp với Phòng Cảnh sát đường thủy - Công an tỉnh, Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực 4, Đoạn Quản lý đường thủy nội địa số 12 và các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra an toàn giao thông đường thủy nội địa nhằm kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp xây dựng công trình trái phép, hoạt động của bến thủy nội địa, bến khách ngang sông không phép, đăng đáy cá và các chướng ngại vật gây cản trở giao thông đường thủy nội địa theo đúng thẩm quyền quy định.

c) Phối hợp với UBND huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan chuyên môn thực hiện tốt việc quản lý bến bãi, quy hoạch cấp phép hoạt động bến thủy nội địa, bến khách ngang sông; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định và tiến hành đình chỉ hoạt động đối với các trường hợp vi phạm về hoạt động bến khách ngang sông không có giấy phép hoạt động, phương tiện không đăng ký, không đăng kiểm, không có văn bằng, chứng chỉ chuyên môn; tổ chức tháo dỡ các chướng ngại vật nguy hiểm; lắp đặt, sửa chữa kịp thời những phao tiêu, báo hiệu đường thủy trên địa bàn tỉnh.

3. Công an tỉnh phối hợp với Sở Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường tuần tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn và xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật các trường hợp vi phạm liên quan đến giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh.

4. Ban An toàn giao thông tỉnh phối hợp với Sở Tài chính và các ngành có liên quan tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí chuyển đổi nghề cho các hộ hành nghề đáy cá trên sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh đảm bảo đúng theo quy định.

5. Đài Phát thanh - Truyền hình Hậu Giang, Báo Hậu Giang phối hợp với các đơn vị có liên quan tích cực tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân về an toàn giao thông đường thủy.

6. Các sở, ban ngành tỉnh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Sở Giao thông vận tải và UBND huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc thực hiện việc nghiêm cấm hoạt động gây mất trật tự an toàn giao thông đường thủy; quản lý tốt phạm vi bảo vệ luồng đường thủy nội địa; thực hiện theo Luật Giao thông đường thủy nội địa và các văn bản hướng dẫn thi hành.

7. UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về giao thông đường thủy và Chỉ thị này. Đồng thời, chịu trách nhiệm trên địa bàn quản lý nếu để xảy ra các trường hợp lấn chiếm hành lang, hoạt động đăng đáy cá, chà nò, nuôi lục bình, neo đậu phương tiện chiếm lòng sông và các chướng ngại vật gây cản trở giao thông đường thủy; phát sinh bến thủy nội địa, bến khách ngang sông hoạt động trái phép.

8. Đề nghị Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể tỉnh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp tuyên truyền, vận động mọi người thực hiện tốt Luật Giao thông đường thủy nội địa và các văn bản hướng dẫn có liên quan; đồng thời, giám sát việc triển khai thực hiện nghiêm cấm các trường hợp xây dựng công trình, các hoạt động đăng đáy cá, bến thủy nội địa, bến khách ngang sông không giấy phép hoạt động gây cản trở giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh.

9. Các tổ chức, cá nhân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về giao thông đường thủy nội địa; không được tiến hành các hoạt động đăng đáy cá, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và tạo các chướng ngại vật gây cản trở giao thông; phát hiện và phản ánh kịp thời các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường thủy nội địa đến chính quyền các cấp để xử lý theo quy định của pháp luật.

10. Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày, kể từ ngày ký.

Giám đốc sở; Thủ trưởng cơ quan, ban ngành tỉnh; Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn; các tổ chức, cá nhân có liên quan nghiêm chỉnh chấp hành Chỉ thị này.

Giao Giám đốc Sở Giao thông vận tải chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc báo cáo về UBND tỉnh để kịp thời chỉ đạo./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Công Chánh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 13/2012/CT-UBND về tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Hậu Giang

  • Số hiệu: 13/2012/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 18/09/2012
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hậu Giang
  • Người ký: Trần Công Chánh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/09/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản