Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/CT-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 16 tháng 6 năm 2023

 

CHỈ THỊ

TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP CẤP BÁCH PHÒNG, CHỐNG BỆNH DẠI TRÊN ĐỘNG VẬT

Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-BNN-TY ngày 21/4/2023 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh Dại trên động vật; Luật thú y, Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Kế hoạch số 493/KH-UBND ngày 30/12/2022 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình Quốc gia phòng chống bệnh Dại giai đoạn 2022-2030 trên địa bàn tỉnh; để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống bệnh Dại trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nội dung sau:

1. UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế

- Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức rà soát, thống kê chính xác số chó, mèo, số hộ nuôi chó, mèo ở từng khu dân cư, thôn, xã; yêu cầu chủ hộ nuôi chó, mèo cam kết thực hiện nghiêm túc việc khai báo, đăng ký chó, mèo nuôi, chấp hành việc nuôi nhốt trong khuôn viên gia đình và tiêm phòng vắc xin dại cho chó, mèo nuôi; báo cáo đầy đủ, kịp thời, chính xác số liệu trên Hệ thống báo cáo thông tin dịch bệnh trực tuyến (VAHIS); khi cho chó ra đường, nơi công cộng phải có người quản lý và đeo rọ mõm cho chó theo đúng quy định.

- Tuyên truyền trong cộng đồng dân cư (đặc biệt là khu vực nông thôn, miền núi và đối tượng trẻ em) nhằm nâng cao nhận thức của người dân về sự nguy hiểm của bệnh Dại đối với con người và biện pháp phòng tránh; tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của người nuôi chó đối với cộng đồng, chấp hành nghiêm việc tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó, mèo và tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho chủ nuôi chó; đặc biệt quan tâm tuyên truyền để mọi người không chủ quan, khi bị chó, mèo cắn phải chủ động đến cơ quan y tế khám và điều trị kịp thời.

- Chủ động bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống bệnh Dại động vật, tổ chức thực hiện tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó, mèo bảo đảm đạt tỷ lệ tiêm phòng trên 85% tổng đàn trong giai đoạn 2022-2025; thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung, tránh bỏ sót chó, mèo thuộc diện tiêm phòng.

- Thành lập và có cơ chế hỗ trợ cho các đội xử lý chó thả rông; áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về nuôi chó, tiêm phòng vắc xin được quy định tại Nghị định 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ; xử lý nghiêm mọi trường hợp vi phạm; báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện trước ngày 30/9 hàng năm.

- Thành lập các Đoàn Kiểm tra phối hợp với cơ quan chuyên môn thú y, y tế kiểm tra công tác phòng chống bệnh Dại tại địa phương; báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện trước ngày 30/9 hàng năm.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Tập trung chỉ đạo, thực hiện nghiêm Kế hoạch số 493/KH-UBND ngày 30/12/2022 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình Quốc gia phòng chống bệnh Dại, giai đoạn 2022-2030 trên địa bàn tỉnh.

- Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y: (i) phối hợp với các địa phương thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh Dại động vật; chuẩn bị đầy đủ vắc xin, hóa chất để thực hiện tiêm phòng cho đàn chó, mèo trên địa bàn tỉnh, bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng đạt 85%; (ii) kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc, tổ chức và đánh giá hiệu quả thực hiện tại các địa phương trọng điểm; tăng cường giám sát vi rút Dại, kịp thời cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Dại có hiệu quả.

- Phối hợp với cơ quan y tế kịp thời chia sẻ thông tin ngay khi phát hiện hoặc nhận được thông tin về các trường hợp người bị chó, mèo nghi mắc bệnh Dại cắn; tổ chức điều tra, xác định nguyên nhân và thực hiện các giải pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định.

3. Sở Y tế

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp, UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế trong việc giám sát dịch bệnh, tập huấn, tuyên truyền về công tác phòng chống bệnh Dại ở người. Phối hợp với chính quyền địa phương rà soát, tuyên truyền vận động các trường hợp bị chó, mèo nghi dại cào, cắn đi tiêm phòng đầy đủ.

- Kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sử dụng các phương pháp chưa được công nhận, sử dụng thuốc chưa được phép lưu hành để khám, điều trị cho người bị bệnh Dại hoặc người bị chó, mèo cắn.

4. Sở Giáo dục và Đào tạo

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế thực hiện công tác truyền thông học đường về phòng chống bệnh Dại.

5. Các cơ quan thông tin truyền thông

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin kịp thời về bệnh Dại, mức độ nguy hiểm của bệnh Dại đối với con người. Tuyên truyền các biện pháp phòng chống, đặc biệt là trách nhiệm của người dân trong việc tiêm phòng bệnh Dại bắt buộc đối với đàn chó mèo và không thả rông chó.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế thực hiện nghiêm Chỉ thị này. Kịp thời báo cáo về UBND tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Cục Thú y;
- Chi cục Thú y vùng 3;
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- Các sở: NN&PTNT, TC, YT, TT&TT, GD&ĐT;
- UBND các huyện, thị xã, TP Huế;
- Báo Thừa Thiên Huế;
- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh;
- Chi cục Chăn nuôi và Thú y;
- VP: LĐ và các CV TH, TC, VH;
- Lưu: VT, NN.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hoàng Hải Minh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 12/CT-UBND năm 2023 về tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh Dại trên động vật do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành

  • Số hiệu: 12/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 16/06/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Người ký: Hoàng Hải Minh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 16/06/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản