Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 12/CT-UBND | Quảng Ninh, ngày 22 tháng 6 năm 2012 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN VÀ CHẤN CHỈNH CÔNG TÁC QUẢN LÝ ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH GIAI ĐOẠN 2012 - 2020
Trong những năm qua, khu vực kinh tế đầu tư nước ngoài tại tỉnh đã trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá. Thông qua các hoạt động xúc tiến đầu tư, chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và môi trường đầu tư kinh doanh luôn được cải thiện, nhiều tập đoàn công ty lớn đã đến tìm hiểu và đầu tư tại tỉnh. Kết quả đóng góp của khu vực FDI trong GDP toàn tỉnh tăng dần qua các năm. Năm 2011, trong tình hình khó khăn chung của cả nước, tuy kết quả thu hút vốn FDI giảm nhưng tình hình giải ngân và triển khai dự án của các doanh nghiệp FDI khả quan, vốn đầu tư thực hiện đạt 90 triệu USD, giá trị sản xuất công nghiệp khu vực FDI đạt 15,3% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh; kim ngạch xuất khẩu đạt 10% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh; đóng góp vào thu ngân sách của tỉnh 2.085 tỷ đồng, chiếm gần 10% tổng thu ngân sách tỉnh; hiện nay đang giải quyết việc làm cho 11.320 lao động địa phương.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thu hút và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài còn một số hạn chế: Kết quả thu hút đầu tư về tổng thể chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; số lượng các dự án lớn hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn còn hạn chế; Chất lượng, hiệu quả đầu tư một số dự án chưa cao, triển khai chậm, năng lực của một số nhà đầu tư còn hạn chế. Việc liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước trong quá trình hoạt động, sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ chưa chặt chẽ. Tỷ lệ nội địa hóa trong các sản phẩm của các doanh nghiệp FDI chưa cao. Tiền lương lao động ở một số doanh nghiệp FDI thấp, điêu kiện lao động chưa đảm bảo dẫn đến tình trạng thu hút lao động gặp khó khăn. Công tác hậu kiểm còn nhiều hạn chế, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước còn thiếu chặt chẽ.
Nhằm phát huy tốt hiệu quả của khu vực FDI đối với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, phát triển bền vững của tỉnh, các sở, ngành và các cấp chính quyền cần tập trung thực hiện tốt phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu sau:
1. Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Quảng Ninh (IPA) căn cứ chức năng, nhiệm vụ quy định tại Quyết định số 4366/QĐ-UBND ngày 31/12/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh phát huy vai trò là cơ quan đầu mối của tỉnh trong lĩnh vực xúc tiến và hỗ trợ đầu tư, xây dựng chương trình kế hoạch xúc tiến đầu tư theo hướng ưu tiên xúc tiến tại các quốc gia và lãnh thổ có kinh tế phát triển: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Châu âu, các nước Trung Đông,...; Chú trọng nâng cao chất lượng công tác thu hút dự án FDI; Xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư và cải thiện môi trường đầu tư để đạt được chỉ tiêu về thu hút FDI của tỉnh về: Số lượng, chất lượng dự án; tổng vốn đầu tư; giá trị sản xuất; công nghệ hiện đại phát triển bền vững; tạo việc làm cho lao động địa phương; nộp ngân sách hàng năm.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh và Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư Quảng Ninh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình chủ trì cùng các ban, ngành và địa phương liên quan:
- Hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc thẩm tra, cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư và quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư FDI trên địa bàn tỉnh trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành theo quy định hoàn thành trong quý II năm 2012.
- Rà soát quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và công bố định hướng thu hút nguồn vốn FDI theo địa phương/vùng lãnh thổ giai đoạn 2011 - 2020 theo hướng khuyến khích kinh tế FDI phát triển theo quy hoạch, hoàn thành trong quý III năm 2012.
- Trong quá trình thẩm tra, cấp/điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, chú trọng xem xét, đánh giá lợi ích kinh tế - xã hội của dự án, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến công nghệ, môi trường sinh thái, an ninh - quốc phòng, phát triển nguồn nhân lực, tác động đến cộng đồng dân cư, sự liên kết với doanh nghiệp trong nước, thị trường, đối tác; tiến độ thực hiện dự án; năng lực nhà đầu tư…Ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, khoáng sản, đất đai, tạo điều kiện và tăng cường liên kết với doanh nghiệp trong nước; Tập trung thu hút vào các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức cao, công nghệ thông tin; dịch vụ khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, phát triển kết cấu hạ tầng; thu hút có chọn lọc công nghiệp chế biến, chế tác, công nghiệp công nghệ cao, có sự cam kết về chuyển giao công nghệ thích hợp với từng ngành, từng dự án, đảm bảo tạo việc làm cho lao động địa phương và điều kiện tiền lương cho người lao động, đóng góp tích cực cho ngân sách địa phương, phát triển đội ngũ lao động có kỹ năng cao.
- Hạn chế các dự án đầu tư vào khu vực phi sản xuất, làm gia tăng tình trạng nhập siêu, tiêu tốn năng lượng, khai thác không gắn với chế biến. Không cấp Giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án sử dụng lãng phí năng lượng, tài nguyên, sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường.
- Đối với các dự án đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp cần tập trung vao các khu công nghiệp, cụm công nghiệp (trừ các dự án phải gắn với nguồn nguyên liệu); không cấp phép ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp đối với các dự án này.
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động FDI, đặc biệt là việc thanh tra, kiểm tra, giám sát theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật chuyên ngành đối với các dự án FDI có quy mô lớn, sử dụng nhiều đất, các dự án khai thác tài nguyên, khoáng sản, kinh doanh bất động sản, sử dụng nhiều năng lượng, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường…; rà soát và xử lý theo quy định của pháp luật đối với các dự án chậm triển khai hoặc không triển khai.
- Quán triệt thực hiện các nội dung theo chỉ đạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại các Công văn số 4302/BKHĐT-ĐTNN ngày 04/7/2011 về việc ngăn ngừa và hạn chế các vụ kiện đối với Chính phủ, số 2879/BKH-ĐTNN ngày 04/5/2010 về việc tăng cường giám sát, kiểm tra đối với các dự án ĐTNN và số 6022/BKH-ĐTNN ngày 12/9/2011 về việc cảnh báo và ngăn chặn gian lận thương mại qua C/O trong hoạt động quản lý nhà nước đối với các dự án FDI trên địa bàn tỉnh.
3. Sở Công Thương:
- Chủ trì cùng các cơ quan chức năng của tỉnh nghiên cứu đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy định danh mục những dự án công nghiệp khuyến khích đầu tư theo hướng thu hút đầu tư có chọn lọc, thu hút các dự án công nghiệp thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng, công nghệ cao, hiện đại, tạo giá trị gia tăng cao, trong đó chú trọng các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ theo hướng khả thi, phù hợp với năng lực của các doanh nghiệp trên địa bàn, hoàn thành trong quý II năm 2012.
- Phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường quản lý nhà nước đối với việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
4. Sở Giao thông - Vận tải: Phối hợp với Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư Quảng Ninh và các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan trong việc lập dự án và kêu gọi xúc tiến đầu tư dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2011-2020, hoàn thành trong quý II năm 2012.
- Phối hợp trong việc thẩm định địa điểm liên quan đến quy hoạch phát triển giao thông vận tải, đấu nối giao thông, hành lang và an toàn giao thông.
5. Sở Tài nguyên và Môi trường:
- Chủ trì cùng các ban, ngành của tỉnh xây dựng danh mục các dự án tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao cần chú ý trong quá trình thẩm tra cấp Giấy chứng nhận đầu tư, hoàn thành trong qúy II năm 2012.
- Kiểm tra giám sát các dự án FDI có sử dụng đất của tỉnh, phối hợp với cơ quan đầu mối xem xét cấp Giấy chứng nhận đầu tư, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh thu hồi đất đối với những dự án FDI vi phạm Luật Đất đai.
- Tăng cường công tác quan trắc, thanh tra, kiểm tra đối với các dự án FDI gây ô nhiễm môi trường; kịp thời phát hiện, xử lý những vi phạm theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
6. Sở Khoa học và Công nghệ: Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan xây dựng Đề án nâng cao hiệu quả chuyển giao công nghệ của dự án có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn thành phố, hoàn thành trước tháng 12/2012.
5. Sở Xây dựng:
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành có liên quan rà soát, nâng cao chất lượng đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.
- Phối hợp với các sở, ban ngành có liên quan thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
8. Sở Tài chính:
- Chủ trì cùng Cục Thuế và các ban, ngành của tỉnh ban hành cơ chế phối hợp và cung cấp thông tin nhằm phát hiện và xử lý tình trạng chuyển giá của các doanh nghiệp FDI, hoàn thành trong quý II năm 2012.
- Hàng năm, thực hiện tổng hợp, phân tích báo cáo tài chính của các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh theo nội dung của Công văn số 2966/BTC-TCDN ngày 06/3/2012 của Bộ Tài chính về việc đôn đốc doanh nghiệp FDI nộp báo cáo tài chính; thông báo cho Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư Quảng Ninh, Sở Kế hoạch và Đầu tư những doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, có nguy cơ phá sản để có biện pháp ngăn ngừa thiệt hại phát sinh cho Nhà nước và bên thứ ba.
9. Công an tỉnh:
- Phối hợp trong quá trình xác minh tính pháp lý và năng lực của nhà đầu tư nước ngoài khi đến tìm hiểu và đầu tư tại tỉnh Quảng Ninh.
- Thực hiện thủ tục xuất nhập cảnh lao động nước ngoài đến làm việc tại Quảng Ninh, quản lý người nước ngoài trên địa bàn tỉnh theo chức năng nhiệm vụ.
10. Cục Thuế tỉnh:
Tăng cường rà soát, kiểm tra, phát hiện và kịp thời xử lý những sai phạm đối với doanh nghiệp FDI có dấu hiệu gian lận trong kê khai nộp thuế; định kỳ hàng năm cung cấp cho cơ quan đầu mối xem xét cấp Giấy chứng nhận đầu tư những doanh nghiệp FDI kê khai kết quả kinh doanh lỗ liên tục nhiều năm liền để đánh giá hiệu quả của dự án đầu tư đã được cấp phép.
- Định kỳ ngày 30 hàng tháng cung cấp thông tin về tình hình đăng ký mã số thuế, kê khai nộp thuế, các nghĩa vụ tài chính, việc ngừng kê khai nộp thuế, đóng mã số thuế của các doanh nghiệp FDI cho cơ quan đầu mối quản lý dự án FDI (Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý Khu kinh tế), đảm bảo hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với dự án FDI trên địa bàn tỉnh.
11. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
- Chủ trì, phối hợp với các ban, ngành có liên quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp nhằm đáp ứng đủ nhu cầu về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực cho các dự án FDI trong thời gian tới và giải pháp nhằm hạn chế tình trạng khó khăn trong thu hút lao động của các doanh nghiệp FDI, hoàn thành trong qúy II năm 2012.
- Chủ trị theo dõi quản lý chuyên ngành tình hình sử dụng và quản lý lao động người nước ngoài trong các doanh nghiệp FDI.
12. Sở Ngoại vụ:
- Thông qua các cơ quan ngoại giao trong và ngoài nước, xác minh tư cách pháp nhân, năng lực tài chính của Nhà đầu tư nghiên cứu dự án FDI theo đề nghị của cơ quan đầu mối xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư.
- Phối hợp với cơ quan đầu mối xem xét cấp Giấy chứng nhận đầu tư giải quyết các khiếu nại, tranh chấp có liên quan đến các hiệp định, hiệp ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết của các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh.
13. Sở Tư pháp, Thanh tra tỉnh: Tham gia ý kiến chuyên ngành đối với các nội dung khiếu nại, tranh chấp có liên quan đến doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh theo đề nghị của cơ quan quản lý nhà nước giải quyết khiếu nại, tranh chấp.
14. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Ninh: Chủ trì phối hợp với các ngành: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và Ban quản lý Khu kinh tế và Ủy ban nhân dân các địa phương theo dõi và lập phương án quản lý dòng vốn đầu tư nước ngoài.
15. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:
- Tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng đối với các dự án FDI có hiệu quả kinh tế - xã hội lớn đối với tỉnh.
- Công khai quy hoạch, giới thiệu địa điểm đối với dự án đầu tư phù hợp quy hoạch tông thể kinh tế - xã hội chung và quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu; Phối hợp chặt chẽ việc theo dõi quản lý các dự án FDI trên địa bàn; Phối hợp xây dựng danh mục các dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư.
16. Các Sở, ban, ngành và địa phương liên quan chịu trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện với Ủy ban nhân dân tỉnh theo đúng tiến độ, đồng thời gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp và đề xuất định hướng về cơ chế chính sách nhằm nâng cao hiệu quả thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh.
17. Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối, chịu trách nhiệm theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện, kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh việc thực hiện Chỉ thị này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Chỉ thị 28/CT-UBND năm 2011 về tăng cường thực hiện và chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian tới do Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên ban hành
- 2Chương trình 6309/CTr-UBND năm 2013 thực hiện Nghị quyết về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian tới do tỉnh Lâm Đồng ban hành
- 3Chỉ thị 12/CT-UBND năm 2014 về giải pháp nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
- 1Luật Bảo vệ môi trường 2005
- 2Công văn 4302/BKHĐT-ĐTNN về ngăn ngừa và hạn chế các vụ kiện đối với chính phủ do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 3Chỉ thị 28/CT-UBND năm 2011 về tăng cường thực hiện và chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian tới do Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên ban hành
- 4Chương trình 6309/CTr-UBND năm 2013 thực hiện Nghị quyết về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian tới do tỉnh Lâm Đồng ban hành
- 5Chỉ thị 12/CT-UBND năm 2014 về giải pháp nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Chỉ thị 12/CT-UBND năm 2012 tăng cường thực hiện và chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2012 - 2020
- Số hiệu: 12/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 22/06/2012
- Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ninh
- Người ký: Nguyễn Văn Thành
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra