Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 12/CT-UBND | Vĩnh Long, ngày 06 tháng 7 năm 2010 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC XÂY DỰNG PHÁT TRIỂN CHỢ, SIÊU THỊ, TRUNG TÂM THƯƠNG MẠI VÀ CHUYỂN ĐỔI MÔ HÌNH QUẢN LÝ CHỢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH.
Căn cứ Nghị định số: 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ; Nghị định số: 114/2009/NĐ-CP ngày 23/12/2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ; Quyết định số 12/2007/QĐ-BCT ngày 26/12/2007 của Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới chợ trên phạm vi toàn quốc đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020,
Trong thời gian qua, công tác xây dựng và phát triển chợ trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 101 chợ, trong đó, có 1 chợ loại 1, 15 chợ loại 2, 75 chợ loại 3, 10 chợ tạm và 4 siêu thị. Nhìn chung, các chợ trong tỉnh được quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất ngày càng khang trang, phục vụ tốt cho nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hoá của nhân dân, góp phần đẩy mạnh giao lưu hàng hoá, tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương. Bên cạnh đó, các Siêu thị được quan tâm đầu tư xây dựng, từng bước đưa loại hình mua bán văn minh hiện đại vào ngành thương mại tỉnh như Siêu thị Co.op Mart, Siêu thị Vinatex, các cửa hàng mua bán tiện lợi. Riêng công tác chuyển đổi mô hình khai thác quản lý chợ trên địa bàn tỉnh thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, toàn tỉnh hiện có 5 doanh nghiệp và 01 hợp tác xã khai thác quản lý chợ bước đầu đã mang lại hiệu quả, khai thác được tiềm năng, huy động được nguồn vốn trong các thành phần kinh tế, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, văn minh thương mại và tăng nguồn thu cho ngân sách….
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số mặt hạn chế như:
- Công tác xây dựng và phát triển chợ còn chậm so với kế hoạch đề ra, hiện tại trên địa bàn tỉnh vẫn còn 12 chợ vi phạm lộ giới, bán kính cầu chưa được khắc phục di dời; cơ sở vật chất một số chợ đã xuống cấp, vệ sinh môi trường chưa đảm bảo; một số chợ tự phát mua bán lấn chiếm lòng lề đường, ảnh hưởng giao thông, vệ sinh môi trường. Mặt khác, chưa hình thành được chợ đầu mối và các trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh.
- Công tác chuyển đổi mô hình khai thác quản lý chợ tiến độ thực hiện còn chậm, chủ yếu do các Doanh nghiệp đầu tư theo hình thức BOT, hiện chỉ mới thực hiện chuyển đổi mô hình khai thác quản lý chợ đối với chợ Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn, và chợ Thị trấn Tam Bình, huyện Tam Bình.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên nhằm đẩy mạnh công tác quản lý, xây dựng phát triển chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, chuyển đổi mô hình khai thác quản lý chợ trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ thị:
A. Đối với công tác quản lý, xây dựng phát triển chợ, siêu thị, trung tâm thương mại:
1. Giám đốc Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các sở, ngành tỉnh và đơn vị có liên quan thực hiện những nội dung sau:
- Triển khai thực hiện quy hoạch xây dựng phát triển chợ đã được phê duyệt. Tham mưu, đề xuất công tác xây dựng phát triển chợ, siêu thị, trung tâm thương mại. Hàng năm có sơ, tổng kết rút kinh nghiệm và báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh theo quy định.
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các đơn vị có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố rà soát nắm lại các chợ mất cân đối, lập dự án các chợ đề nghị Trung ương hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng theo Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23/12/2009 của Chính phủ.
- Xây dựng chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư trong xây dựng phát triển chợ trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật, các chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư xây dựng phát triển chợ đến các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh.
2. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Công Thương lập danh mục các dự án chợ, siêu thị, trung tâm thương mại để xúc tiến mời gọi đầu tư và tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng chợ, siêu thị, trung tâm thương mại được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư đúng quy định.
- Phối hợp Sở Tài Chính, Sở Công Thương tham mưu, đề xuất kế hoạch hỗ trợ kinh phí xây dựng phát triển chợ hàng năm của tỉnh, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
3. Giám đốc Sở Tài chính phối hợp với Sở Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, đề xuất xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí hỗ trợ xây dựng phát triển chợ hàng năm theo quy hoạch của tỉnh.
4. Giám đốc Sở Xây dựng:
- Tham mưu, đề xuất việc đẩy mạnh công tác lập quy hoạch chi tiết (trong quy hoạch phải có khu vực tự sản tự tiêu), trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt các dự án quy hoạch chi tiết các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại để sớm đưa vào triển khai thực hiện. Kết hợp cả 2 hình thức trong lập quy hoạch chợ: tách dự án phần chợ ra khỏi dự án phố chợ hoặc quy hoạch cả chợ, phố chợ tuỳ theo điều kiện thực tế.
5. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường:
- Tham mưu, đề xuất chính sách, trình tự thủ tục giao đất có thu tiền, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất trong công tác xây dựng phát triển chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định
- Hướng dẫn chế độ chính sách khi giải toả, bồi hoàn, thu hồi đất phục vụ xây dựng chợ, siêu thị, trung tâm Thương mại; hướng dẫn xây dựng các khu xử lý rác thải, bãi chứa rác cho các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trong tỉnh; hướng dẫn thực hiện đảm bảo vệ sinh môi trường trong khu vực chợ.
6. Giám đốc Sở Giao thông Vận tải chủ trì phối hợp các sở, ngành tỉnh, các đơn vị có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện việc sắp xếp, giải quyết các chợ lấn chiếm lòng lề đường, vi phạm lộ giới, bán kính cầu, đảm bảo an toàn giao thông.
7. Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo Phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy thường xuyên kiểm tra các phương án, trang thiết bị an toàn phòng cháy chữa cháy, tổ chức tập huấn, diễn tập công tác an toàn phòng cháy chữa cháy tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại của tỉnh.
8. Đề nghị Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Vĩnh Long chỉ đạo các ngân hàng Thương mại ưu tiên cho các thành phần kinh tế vay vốn đầu tư xây dựng dự án phát triển chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh.
9. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố:
- Phối hợp với các sở, ngành tỉnh có liên quan tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác xây dựng phát triển chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn theo quy hoạch đã được phê duyệt.
- Chỉ đạo các phòng, ban chức năng của huyện, thành phố lập các dự án chợ và kêu gọi đầu tư xây dựng phát triển chợ, cụ thể như sau:
+ Đối với những chợ có điều kiện tự cân đối thì thực hiện phương châm lấy chợ xây chợ hoặc hình thức đầu tư BOT.
+ Đối với những chợ cân đối một phần thì áp dụng chính sách hỗ trợ phần thiếu hụt.
+ Đối với những chợ quá khó khăn, không cân đối được nguồn vốn xây dựng chợ thì ngân sách hỗ trợ 100%.
- Chỉ đạo Phòng Công Thương, Phòng Kinh tế và UBND các xã, phường, thị trấn rà soát lại các chợ tự phát trên địa bàn, lập danh sách các chợ tự phát phù hợp với quy hoạch phát triển thương mại dịch vụ của địa phương và có điều kiện phát triển thành chợ hạng 3 để đề xuất bổ sung vào quy hoạch phát triển chợ của tỉnh. Đối với các chợ tự phát không đúng theo quy hoạch, vi phạm lộ giới, ảnh hưởng giao thông, ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường phải kiên quyết xoá bỏ hoặc di dời.
- Phối hợp với các sở, ngành tỉnh có liên quan tổ chức tuyên truyền vận động và tạo điều kiện để các hộ mua bán tại các chợ tự phát không đúng theo quy hoạch tham gia mua bán tập trung tại các chợ hạng 2, hạng 3 trên địa bàn.
10. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn:
- Tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách đầu tư xây dựng phát triển chợ cho các thành phần kinh tế và các hộ kinh doanh trong chợ hiểu, tham gia thực hiện và tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai xây dựng phát triển chợ trên địa bàn.
- Phối hợp với các cơ quan chức năng để quản lý tốt các chợ trên địa bàn, duy trì tốt trật tự an ninh tại khu vực chợ, phối hợp sắp xếp mua bán văn minh lịch sự trong khu vực chợ. Đồng thời, tổ chức hoà giải tranh chấp giải quyết khiếu nại phát sinh ở chợ theo thẩm quyền quy định.
B. Đối với công tác chuyển đổi Ban quản lý chợ sang mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã khai thác quản lý chợ trên địa bàn tỉnh:
1. Giám đốc Sở Công Thương:
- Xây dựng chính sách khuyến khích về chuyển đổi sang mô hình khai thác quản lý chợ trình cấp có thẩm quyền quyết định.
- Triển khai thực hiện việc chuyển đổi từ Ban quản lý chợ sang mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã khai thác quản lý nhưng phải chuẩn bị tích cực các điều kiện để tiến hành chuyển đổi đạt hiệu quả, nhất là bộ máy con người.
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến hoạt động về mô hình khai thác quản lý chợ.
- Tổ chức hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ chuyên môn nhất là thực hiện nếp sống văn minh nơi công cộng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã nhận khai thác và quản lý chợ.
- Thường xuyên tổ chức sơ kết, tổng kết nhằm đánh giá tình hình thực hiện và rút kinh nghiệm việc chuyển đổi từ Ban quản lý chợ sang mô hình các doanh nghiệp, hợp tác xã khai thác quản lý chợ ở nơi đã làm thí điểm. Đối với việc chuyển đổi ngoài số chợ thí điểm cần phải xem xét cẩn thận:
+ Thông qua cấp có thẩm quyền cho chủ trương có chuyển đổi hay không.
+ Phải đảm bảo chợ là hoạt động công cộng (không để tư nhân hoá).
+ Quản lý chặt chẽ tài sản và quỹ đất công không để thât thoát.
- Báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh theo quy định.
2. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Giám đốc Sở Công Thương hướng dẫn, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã khai thác và quản lý chợ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi đầu tư đúng quy định và phối hợp với Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư lập danh mục các dự án chợ cần kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư trong lĩnh vực khai thác và quản lý chợ.
3. Giám đốc Sở Tài chính hướng dẫn Phòng Tài chính - Kế hoạch các huyện, thành phố xây dựng định mức nguồn thu chợ, để thực hiện giao khoán; xác định giá mời thầu để tổ chức đấu thầu lựa chọn doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý chợ; hướng dẫn về việc đánh giá tài sản của chợ trước khi bàn giao cho doanh nghiệp, hợp tác xã khai thác quản lý; xác định cách tính khấu hao tài sản trong quá trình sử dụng, quyết toán tài chính thu nộp ngân sách đúng quy định; hướng dẫn lập hợp đồng và lập biên bản bàn giao quản lý tài sản cơ sở vật chất tại chợ.
4 Giám đốc Sở Xây dựng hướng dẫn thủ tục cấp giấy phép xây dựng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã khai thác quản lý chợ có dự án mở rộng đầu tư, nâng cấp xây dựng chợ, đảm bảo tiêu chí chợ văn minh, an toàn.
5. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo phòng Tài nguyên và môi trường phối hợp UBND các xã, phường, thị trấn xác định vị trí các khu đất chợ xã, phường, thị trấn; hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã khai thác và quản lý chợ chấp hành đúng những quy định của pháp luật về đất đai và công tác bảo vệ môi trường tại các chợ.
6. Cục trưởng Cục Thuế tỉnh hướng dẫn các Chi cục thuế thực hiện đúng các chính sách miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp, hợp tác xã khai thác quản lý chợ và các thương nhân kinh doanh tại chợ; hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã khai thác quản lý chợ thực hiện các chính sách thuế, chế độ phí, lệ phí theo quy định hiện hành và làm nghĩa vụ thuế đúng quy định của pháp luật
7. Đề nghị Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Vĩnh Long chỉ đạo các ngân hàng thương mại ưu tiên cho các doanh nghiệp, hợp tác xã khai thác quản lý chợ vay vốn thực hiện phương án đầu tư mở rộng quy mô xây dựng phát triển chợ theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.
8. Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh xây dựng kế hoạch, phương hướng và triển khai thực hiện mô hình hợp tác xã khai thác quản lý chợ; phối hợp với các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố làm tham mưu, đề xuất xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư đối với các hợp tác xã khai thác quản lý chợ trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
9. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố:
- Xây dựng kế hoạch chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã khai thác quản lý chợ và tổ chức triển khai quán triệt cho các đơn vị, phòng ban, các xã phường, thị trấn trên địa bàn; Triển khai thực hiện chuyển 1 - 2 chợ sang mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý để rút kinh nghiệm, nhân rộng trên địa bàn. Cân đối nguồn thu từ chợ trên địa bàn để đầu tư xây dựng, nâng cấp mở rộng hoặc xây dựng mới hoàn chỉnh các chợ; vận động các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng mới khai thác quản lý trực tiếp.
- Phối hợp với các sở, ngành tỉnh có liên quan chỉ đạo tổ chức chuyển đổi mô hình quản lý chợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã khai thác quản lý theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, thực hiện công tác quản lý Nhà nước đối với các chợ sau khi đã chuyển giao doanh nghiệp, hợp tác xã khai thác quản lý theo phân cấp tại Nghị định 02/2003/NĐ-CP .
- Tuyên truyền, vận động phổ biến cho nhân dân và những người kinh doanh trong chợ thông hiểu các chủ trương, chính sách trong công tác quản lý, xây dựng phát triển và chuyển đổi mô hình khai thác quản lý chợ, tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai thực hiện.
10. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn nơi có chợ chuyển đổi sang doanh nghiệp, hợp tác xã khai thác quản lý có trách nhiệm kiểm tra, thực hiện tốt phong trào xây dựng nếp sống văn minh nơi công cộng chợ, phối hợp với các cơ quan chức năng huyện, thành phố trong công tác tổ chức đấu thầu hoặc giao khoán chợ, hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã khai thác quản lý chợ duy trì tốt trật tự, an ninh tại khu vực quản lý chợ cũng như xung quanh chợ, đồng thời tổ chức hoà giải các tranh chấp, giải quyết, khiếu nại phát sinh ở chợ theo thẩm quyền quy định.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, vượt thẩm quyền cho phép, Sở Công Thương làm việc, thống nhất với các sở, ngành, địa phương có liên quan trước khi trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định./.
Nơi nhận: | CHỦ TỊCH |
- 1Quyết định 24/2006/QĐ-UBND quy định chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư xây dựng và phát triển chợ trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp
- 2Nghị quyết 125/2014/NQ-HĐND về cơ chế hỗ trợ và khuyến khích đầu tư xây dựng chợ, siêu thị và trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2014-2020
- 3Công văn 4245/UBND-CT năm 2015 về tăng cường công tác quản lý nhà nước về chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội
- 4Quyết định 723/QĐ-UBND năm 2016 ban hành Kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý chợ từ Ban quản lý hoặc Tổ quản lý chợ sang loại hình doanh nghiệp hoặc hợp tác xã quản lý chợ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, giai đoạn 2016-2020
- 1Nghị định 02/2003/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ
- 2Quyết định 12/2007/QĐ-BCT phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới chợ trên phạm vi toàn quốc đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
- 3Nghị định 114/2009/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 02/2003/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ
- 4Quyết định 24/2006/QĐ-UBND quy định chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư xây dựng và phát triển chợ trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp
- 5Nghị quyết 125/2014/NQ-HĐND về cơ chế hỗ trợ và khuyến khích đầu tư xây dựng chợ, siêu thị và trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2014-2020
- 6Công văn 4245/UBND-CT năm 2015 về tăng cường công tác quản lý nhà nước về chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội
- 7Quyết định 723/QĐ-UBND năm 2016 ban hành Kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý chợ từ Ban quản lý hoặc Tổ quản lý chợ sang loại hình doanh nghiệp hoặc hợp tác xã quản lý chợ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, giai đoạn 2016-2020
Chỉ thị 12/CT-UBND năm 2010 về đẩy mạnh công tác xây dựng phát triển chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và chuyển đổi mô hình quản lý chợ trên địa bàn tỉnh do Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long ban hành
- Số hiệu: 12/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 06/07/2010
- Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Long
- Người ký: Phạm Văn Đấu
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 16/07/2010
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra