Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11/CT-UBND

Hà Tĩnh, ngày 26 tháng 7 năm 2017

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ, HÀNH CHÍNH

Trong những năm qua, thực hiện Luật Thi hành án dân sự năm 2008, Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật; công tác thi hành án dân sự, hành chính trên địa bàn tỉnh đã có một số chuyển biến tích cực. Kết quả thi hành án hàng năm đạt khá cao, cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, góp phần vào việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh.

Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thi hành án dân sự, hành chính của tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Trách nhiệm và sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành liên quan trong công tác thi hành án dân sự, hành chính chưa cao; nhiều trường hợp thi hành án chưa kịp thời; đơn thư khiếu nại, tố cáo và án tồn đọng vẫn còn; một số vụ việc khó khăn, phức tạp kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm; trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ làm công tác thi hành án còn hạn chế; cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ...

Thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 06/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác thi hành án dân sự; để tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự, hành chính trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Nâng cao trách nhiệm phối hợp giữa các Cơ quan, ban, ngành liên quan trong công tác thi hành án dân sự, hành chính

a) Sở Tư pháp:

Chủ trì, tham mưu Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về thi hành án dân sự, hành chính trong cán bộ và Nhân dân.

Chủ trì, phối hợp với Cục Thi hành án dân sự tỉnh hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra hoạt động của các tổ chức bán đấu giá tài sản liên quan đến bán tài sản thi hành án; xử lý kịp thời các đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động bán đấu giá tài sản thi hành án của tổ chức bán đấu giá trên địa bàn.

Chủ trì, phối hợp với Cục Thi hành án dân sự tỉnh tiến hành khảo sát, xem xét nhu cầu thực tế của tỉnh, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Tư pháp việc xây dựng Đề án thành lập Văn phòng thừa phát lại trên địa bàn tỉnh khi cần thiết.

b) Sở Tài chính:

Phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thi hành án dân sự trong việc xử lý các khoản tiền, tài sản sung công quỹ Nhà nước. Thực hiện kịp thời các yêu cầu của cơ quan Thi hành án dân sự về thẩm định giá. Tham mưu bảo đảm kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự và kinh phí hỗ trợ công tác thi hành án dân sự. Chỉ đạo việc tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức thẩm định giá tài sản để thi hành án trên địa bàn, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có vi phạm.

c) Công an tỉnh:

Chỉ đạo Cơ quan điều tra các cấp trong quá trình điều tra phải xác minh, làm rõ các tài sản liên quan, trường hợp cần thiết phải áp dụng biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản... nhằm ngăn chặn việc tẩu tán tài sản của bị can và các đối tượng có liên quan trong các vụ án tham nhũng để đảm bảo giải quyết vấn đề dân sự trong bản án hình sự. Giáo dục, vận động bị can, bị đơn dân sự, người có nghĩa vụ liên quan tự nguyện bồi hoàn, khắc phục thiệt hại do tội phạm, vi phạm pháp luật gây ra. Kịp thời chuyển giao vật chứng, tài sản, giấy tờ tạm giữ cho cơ quan Thi hành án dân sự đúng thời hạn và tạo điều kiện thuận lợi cho người mua tài sản, vật chứng bị tịch thu sung công quỹ nhà nước là xe ô tô, xe máy khi làm thủ tục đăng ký.

Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát Bảo vệ và Hỗ trợ Tư pháp và các lực lượng liên quan phối hợp với cơ quan Thi hành án dân sự đảm bảo an toàn cưỡng chế thi hành án dân sự khi có yêu cầu. Ngăn chặn và xử lý nghiêm theo pháp luật các hành vi chống người thi hành công vụ trong cưỡng chế thi hành án và hành vi cố tình không chấp hành án.

Chỉ đạo Trại tạm giam Công an tỉnh, Công an các huyện, thành phố, thị xã tích cực vận động, đôn đốc người đang chấp hành án tại Trại tạm giam Công an tỉnh, Nhà tạm giữ Công an các huyện, người đang chấp hành án tại nơi cư trú thi hành khoản án phí, bồi thường, bồi hoàn... theo quyết định của bản án; phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ cơ quan Thi hành án dân sự các cấp trong việc thực hiện nhiệm vụ.

d) Các ngành: Tài nguyên và Môi trường, Bảo hiểm Xã hội, Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện; Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, Ngân hàng và các tổ chức tín dụng trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin về tài sản, thu nhập của đương sự theo yêu cầu của Chấp hành viên; thực hiện nghiêm túc, kịp thời các quyết định của cơ quan Thi hành án dân sự về việc áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án theo quy định của Luật Thi hành án dân sự.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Tĩnh chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện chặt chẽ khâu thẩm định tài sản bảo đảm để cho vay; phối hợp hiệu quả với các cơ quan Thi hành án dân sự trong tổ chức thi hành các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng; tạo cơ chế để tổ chức tín dụng được nhận tài sản đã bán đấu giá nhiều lần nhưng không có người mua.

2. Tăng cường trách nhiệm và năng lực tổ chức thi hành án dân sự, hành chính của các Cơ quan Thi hành án dân sự; sự chỉ đạo của UBND, Ban Chỉ đạo THADS cấp huyện đối với công tác thi hành án dân sự, hành chính

a) Cục Thi hành án dân sự tỉnh:

- Tăng cường kiểm tra, đôn đốc các cơ quan thi hành án dân sự, bảo đảm phân loại chính xác các vụ án có điều kiện thi hành, tổ chức các đợt cao điểm về thi hành án, thi hành dứt điểm các vụ việc tồn đọng, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu về thi hành án do Bộ Tư pháp và Tổng cục Thi hành án dân sự giao hàng năm;

- Tiếp tục tham mưu kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan Thi hành án dân sự; thực hiện các giải pháp nâng cao trình độ, năng lực tổ chức thi hành án cho đội ngũ cán bộ, công chức; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và đạo đức công vụ của đội ngũ công chức nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới;

- Tích cực đề xuất Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự quan tâm đầu tư nâng cấp, cải thiện cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động của Cục và các Chi cục Thi hành án dân sự;

- Thực hiện nghiêm việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí theo đúng quy định. Cập nhật đầy đủ, kịp thời thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành để đăng tải trên Trang, Thông tin điện tử của Cục Thi hành án dân sự tỉnh theo đúng quy định.

- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh cải cách hành chính trong công tác thi hành án dân sự.

b) UBND, Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự các huyện, thành phố, thị xã:

- Chỉ đạo Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cấp huyện tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính;

- Kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cấp huyện.

- Chỉ đạo Chi cục Thi hành án dân sự và các cơ quan, tổ chức có liên quan ở cấp huyện thực hiện tốt Đề án “Tăng cường giải quyết việc thi hành án dân sự tồn đọng” đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1273/QĐ-UBND ngày 05/5/2012; chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ việc thi hành án dân sự, hành chính khó khăn, phức tạp do các cơ quan Thi hành án dân sự tham mưu đề xuất; chỉ đạo đảm bảo an toàn, hiệu quả các vụ việc cưỡng chế thi hành án dân sự, hành chính trên địa bàn.

- Chỉ đạo Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn tích cực phối hợp và hỗ trợ cơ quan Thi hành án dân sự để thi hành có hiệu quả các vụ việc thi hành án dân sự, hành chính trên địa bàn.

- Chỉ đạo Ban Giải phóng mặt bằng, Ban Quản lý các dự án, thực hiện chức năng giải tỏa bồi thường, bố trí đất tái định cư tại các dự án trên địa bàn tỉnh: Phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thi hành án dân sự để tổ chức thi hành các vụ, việc có liên quan đến tài sản của người phải thi hành án là đối tượng được bồi thường, hỗ trợ về nhà, đất, tiền và tài sản khác thuộc các dự án do đơn vị thực hiện, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, tổ chức và cá nhân. Các đơn vị phải trả lời bằng văn bản khi có văn bản của cơ quan Thi hành án dân sự đề nghị xác minh về tiền, tài sản của người phải thi hành án.

Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ngành có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện nghiêm các nội dung của Chỉ thị này.

Giao Cục Thi hành án dân sự tỉnh chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện; định kỳ tổng hợp kết quả, báo cáo UBND tỉnh và cơ quan có thẩm quyền theo quy định./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Tư pháp;
- Tổng cục THADS - Bộ Tư pháp;
- TT Tỉnh ủy; TT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Ban Nội chính Tỉnh ủy;
- Ban Pháp chế HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố, thị xã;
- Báo Hà Tĩnh, Đài PT-TH tỉnh;
- Chánh VP, các PVP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, NC1;
- Gửi:
+ Bản giấy: TP không nhận điện tử;
+ Điện tử: TP còn lại

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đặng Quốc Vinh

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 11/CT-UBND năm 2017 về tăng cường công tác thi hành án dân sự, hành chính do Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh ban hành

  • Số hiệu: 11/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 26/07/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hà Tĩnh
  • Người ký: Đặng Quốc Vinh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 26/07/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản