Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11/2005/CT-UBND

Phan Thiết, ngày 15 tháng 11 năm 2005

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC: TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP CẤP BÁCH ĐỂ NGĂN CHẶN DỊCH CÚM GIA CẦM (H5 N1) VÀ ĐẠI DỊCH CÚM Ở NGƯỜI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH.

Hiện nay, tình hình dịch cúm gia cầm và cúm A (H5N1) trên người ở nước ta và nhiều nước trên thế giới đang diễn biến hết sức phức tạp. Ở nước ta, từ cuối năm 2003 đến nay, đã có 92 người mắc bệnh cúm A, trong đó 42 người tử vong; Dịch cúm gia cầm đã xuất hiện trên phạm vi 57 tỉnh, thành phố trong cả nước, đàn gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu huỷ gần 50 triệu con. Trong những ngày gần đây, dịch cúm gia cầm đã tái phát ở một số tỉnh và đã có người tử vong vì dịch cúm H5N1. Theo Tổ chức Y tế thế giới và các nhà khoa học đã cảnh báo về khả năng có thể xảy ra một đại dịch cúm A (H5N1) trên người làm hàng triệu người tử vong.

Để thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả Chỉ thị số 34/2005/CT-TTg ngày 15/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung sức triển khai thực hiện đồng bộ có hiệu quả kế hoạch hành động khẩn cấp phòng chống khi xảy ra dịch cúm gia cầm H5N1 và đại dịch cúm ở người; Chỉ thị số 53 CT/TW ngày 28/10/2005 của Ban Bí thư, Nghị quyết số 15/2005/NQ-CP ngày 04/11/2005 về các biện pháp cấp bách ngăn chặn dịch cúm gia cầm H5N1 và đại dịch cúm A (H5N1) ở người; Chỉ thị số 60-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc Tăng cường chỉ đạo các biện pháp cấp bách ngăn ngừa dịch cúm gia cầm (H5N1) và đại dịch cúm ở người; Chủ tịch UBND Tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Y tế, Văn hoá - Thông tin, Thương mại và các Sở, Ban, Ngành liên quan, đồng thời đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Ủy ban Mặt trận tiếp tục khẩn trương triển khai các nội dung phòng chống dịch cúm gia cầm, kiên quyết không để dịch cúm gia cầm xảy ra trên địa bàn Tỉnh, với các nội dung sau:

1. Tiếp tục và đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền một cách sâu rộng đến từng khu dân cư, từng hộ gia đình, từng cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu sâu sắc về tính nguy hiểm và diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm hiện nay, về nguy cơ có thể xảy ra đại dịch cúm trên người trong thời gian đến để toàn dân tích cực, chủ động tham gia vào công tác phòng, chống dịch, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng và sức khoẻ chính mình. Công tác tuyên truyền phải triển khai thông qua nhiều kênh, nhiều hình thức với nội dung cụ thể, đơn giản, dễ hiểu để mọi người dân chủ động, tự giác và dễ thực hiện.

Sở Văn hoá - Thông tin chủ trì phối hợp với Đài Phát thanh truyền hình Bình Thuận, Báo Bình Thuận, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Tỉnh, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và PTNT và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thường xuyên công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch cúm gia cầm và cúm A (H5N1) ở người.

Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Y tế, Chi cục Thú y phối hợp với Đài Phát thanh truyền hình Tỉnh có nội dung đưa tin hàng ngày về công tác phòng chống dịch và diễn biến của dịch cúm gia cầm và dịch cúm A ở người.

2. Cấm chăn nuôi mới các loại gia cầm, cấm ấp trứng mới, cấm nuôi gia cầm thả rong trong nội thành phố Phan Thiết, thị xã La Gi và các thị trấn trên địa bàn các huyện trong Tỉnh và ở những khu đô thị mới, khu công nghiệp, cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, các khu vực gần trường học, bệnh viện; cấm nuôi vịt chạy đồng trên các vùng trong Tỉnh và tiến tới cấm hoàn toàn chăn nuôi gia cầm trong nội thành, nội thị theo Nghị quyết số 15/2005/NQ-CP của Chính phủ và cấm ấp trứng gia cầm trong nội thành, nội thị theo quy định về điều kiện chăn nuôi, ấp trứng, vận chuyển gia cầm, giết mổ, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm của Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành ngày 07/11/2005. Yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Chi cục Thú y phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cúm gia cầm các huyện thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm;

Giao Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, tổ chức rà soát lại đàn gia cầm đang nuôi trong thành phố, thị xã, thị trấn; trên cơ sở đó hướng dẫn người chăn nuôi cam kết không phát triển mới chăn nuôi gia cầm đồng thời nắm chắc thời gian xuất chuồng để tiến hành kiểm tra, giám sát việc không phát triển mới đàn gia cầm.

Trong thời gian chờ xuất chuồng đàn gia cầm, hướng dẫn người chăn nuôi phải nuôi nhốt gia cầm (kể cả chim bồ câu); thực hiện tốt việc tiêu độc, khử trùng chuồng trại, môi trường, chất thải theo đúng quy định của cơ quan thú y. Những hộ chăn nuôi gia cầm nào không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh thú y thì kiên quyết xử lý theo quy định của Pháp lệnh Thú y để tránh gây ô nhiễm môi trường và đề phòng dịch cúm lây nhiễm cho người.

Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn các huyện quy hoạch vùng chăn nuôi gia cầm tập trung để thuận lợi cho việc kiểm tra giám sát dịch bệnh; Địa phương nào có đàn gia cầm thả rong, gia cầm phát triển mới thì Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn, tổ trưởng tổ dân phố, khu phố, thôn, làng, bản, ấp phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND Tỉnh. Nếu phát hiện gia cầm thả rong thì Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn huy động lực lượng tổ chức xử lý tiêu hủy tại chỗ.

3. Tăng cường công tác kiểm tra vệ sinh thú y tại các điểm buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm; việc buôn bán, giết mổ gia cầm phải bảo đảm điều kiện quy định vệ sinh thú y; Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Chi cục Thú y phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố, Sở Thương mại, Công an Tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát ở tất cả các địa điểm, nếu phát hiện nơi nào không bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y thì kiên quyết xử phạt, buộc ngưng hoạt động và tịch thu sản phẩm, không cho lưu hành; Trong nội thành, nội thị chỉ được buôn bán gia cầm sau khi đã giết mổ hoặc chế biến; nghiêm cấm buôn bán gia cầm sống hoặc giết mổ gia cầm tại các chợ, các điểm không đúng theo quy định của pháp luật về thú y.

Nghiêm cấm việc chế biến và bán tiết canh gia cầm; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Thành lập ngay các chốt kiểm dịch động vật tạm thời trên các trục đường giao thông chính Quốc lộ 1A ra vào Tỉnh và các chốt kiểm dịch động vật tại các huyện giáp ranh với các tỉnh lân cận. Ngành Thú y phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường, Công an tăng cường công tác kiểm tra vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm nhập vào Tỉnh để ngăn ngừa dịch lây nhiễm vào Tỉnh; nghiêm cấm nhập gia cầm không thông qua kiểm dịch vào Tỉnh và xử lý tịch thu, tiêu hủy các sản phẩm gia cầm lưu thông không rõ nguồn gốc, không có giấy kiểm dịch của ngành thú y.

4. Tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch gia cầm:

- Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Y tế tổ chức lực lượng nồng cốt phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh Đoàn thanh niên, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh huy động thanh niên, học sinh, dân quân tự vệ có kế hoạch khẩn trương làm tốt công tác tổ chức tốt việc vệ sinh môi trường, tiêu độc, khử trùng tại tất cả các cơ sở chăn nuôi tập trung, hộ chăn nuôi gia cầm và tại các chợ; tiến hành vệ sinh tiêu độc 01 lần/tuần; tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch cúm gia cầm đến hộ gia đình, thôn, xóm, ấp, bản; nếu phát hiện gia cầm nhiễm bệnh và gia cầm chết chưa rõ nguyên nhân thì phải tập trung mọi lực lượng, chủ động và kiên quyết khống chế khu vực xảy ra bệnh; đồng thời, thực hiện ngay việc tiêu huỷ, khử trùng, tiêu độc, gắn với việc xác định ngay nguyên nhân gây bệnh để có biện pháp xử lý triệt để nhất;

- Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Chi cục Thú y bố trí nhân lực triển khai công tác phòng, chống dịch, trong trường hợp cần thiết, khẩn cấp thì huy động thêm lực lượng trong ngành để tham gia chống dịch; trang bị đầy đủ phòng hộ lao động cho lượng lực tham gia phòng, chống dịch; chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc khử trùng, hóa chất và thiết bị để chủ động phòng, chống dịch trong mọi tình huống;

- UBND các huyện, thị xã, thành phố phải có phương án cụ thể về quy hoạch địa điểm tiêu huỷ, phương tiện, con người, thuốc khử trùng để tổ chức tiêu huỷ đàn gia cầm khi có dịch xảy ra; thực hiện phương châm 3 tại chỗ: lượng lực tại chỗ, vật tư tại chỗ và xử lý tại chỗ.

- Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch cúm gia cầm của Tỉnh, huyện, thị xã, thành phố thông báo số điện thoại trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân phản ảnh thông tin kịp thời về tình hình dịch bệnh của đàn gia cầm nhằm kịp thời xử lý khi có dịch xảy ra ngay từ đầu, không để lây lan trên diện rộng.

- Sở Nông nghiệp và PTNT chủ động làm việc với Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và PTNT để sớm tiếp nhận nguồn vắc-xin tiêm phòng cho đàn gia cầm và chỉ đạo Chi cục Thú y chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về dụng cụ, trang thiết bị, con người để sau khi tiếp nhận vắc-xin thì tổ chức thật tốt công tác tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm trên địa bàn Tỉnh theo kế hoạch đã được UBND Tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3167/QĐ-UBND ngày 09/9/2005.

5. Sở Y tế xây dựng phương án phòng, chống đại dịch ở người một cách triệt để, Chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm để tránh lây nhiễm sang người, phổ biến cho người dân không sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc, gia cầm bị bệnh, khi giết mổ gia cầm phải trang bị phòng hộ lao động đồng thời tổ chức lực lượng y tế phối hợp với cán bộ thú y kiểm tra công tác vệ sinh an toàn thực phẩm.

6. Sở Tài chính ưu tiên cân đối nguồn ngân sách để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm cho các đơn vị triển khai thực hiện một cách kịp thời và có hiệu qủa.

7. Sở Giáo dục và Đào tạo có kế hoạch phổ biến, tuyên truyền cách nhận biết dịch cúm gia cầm, các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm (H5N1) và đại dịch cúm ở người cho toàn thể học sinh trên địa bàn Tỉnh biết để chủ động cùng với gia đình phòng, ngừa dịch cúm gia cầm một cách có hiệu quả.

8. Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Y tế khẩn trương hoàn thiện kế hoạch hành động khẩn cấp phòng, chống khi xảy ra dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người, trình Chủ tịch UBND Tỉnh xem xét phê duyệt trước ngày 20/11/2005.

9. Hàng tuần, UBND các huyện, thị xã, thành phố báo cáo tình hình triển khai công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm và diễn biến tình hình đàn gia cầm trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố về Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch cúm gia cầm Tỉnh để tổng hợp báo cáo UBND Tỉnh và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch cúm gia cầm theo dõi, chỉ đạo.

Trên đây là những nội dung hết sức quan trọng và cấp bách của công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm, Chủ tịch UBND Tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Ban, Ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố phải chỉ đạo một cách quyết liệt, đồng bộ và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất và cấp bách để tập trung nỗ lực thực hiện nhằm ngăn chặn dịch cúm xảy ra trên địa bàn của Tỉnh./.

 

 

Nơi nhận 
- Văn phòng Chính phủ;
- Bô Nông nghiệp và PTNT;
- Bộ Y tế;
- T/T. Tỉnh ủy;
- T/T. HĐND Tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT.UBND Tỉnh;
- UBMT tổ quốc Việt Nam Tỉnh;
- Các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể;
- Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh;
- Báo Bình Thuận;
- Đài PTTH Bình Thuận;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Chi cục Thú y;
- Lưu:      + VP/UB;
+ TH;
+ KT. Vân90.

TM.ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Tấn Thành

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 11/2005/CT-UBND về triển khai thực hiện các biện pháp cấp bách để ngăn chặn dịch cúm gia cầm (H5 N1) và đại dịch cúm ở người trên địa bàn Tỉnh Bình Thuận

  • Số hiệu: 11/2005/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 15/11/2005
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận
  • Người ký: Huỳnh Tấn Thành
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản