NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 10-VP/054-A | Hà Nội, ngày 05 tháng 04 năm 1962 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC CHO VAY VỐN LƯU ĐỘNG ĐỐI VỚI CÁC XÍ NGHIỆP CÔNG NGHIỆP ĐỊA PHƯƠNG VÀ CÔNG TƯ HỢP DOANH
Ngày 29-05-1960 Ngân hàng trung ương có Chỉ thị số 226-CN hướng dẫn và hệ thống hóa các biện pháp cho vay vốn lưu động đối với các xí nghiệp công nghiệp địa phương và công tư hợp doanh. Đến nay tình hình các xí nghiệp đó đã tương đối ổn định. Ngoài ra, bên cạnh các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh địa phương còn có một loại xí nghiệp công nghiệp do huyện tổ chức và quản lý chưa phải là quốc doanh. Do đó để phát huy hơn nữa tác dụng của tín dụng ngắn hạn và để giúp các Chi nhánh, Chi điếm, vận dụng biện phá cho vay vốn lưu động đối với các loại xí nghiệp nói trên, Ngân hàng trung ương bổ sung và hướng dẫn một số điểm sau đây trong việc cho vay vốn lưu động đối với các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh địa phương và công tư hợp doanh, xí nghiệp công nghiệp huyện để các Chi nhánh làm căn cứ thi hành.
I. ĐỐI VỚI CÁC XÍ NGHIỆP CÔNG NGHIỆP QUỐC DOANH ĐỊA PHƯƠNG VÀ CÔNG TƯ HỢP DOANH (kể cả các xí nghiệp vận tải địa phương)
1. Về việc cấp phát của Tài chính địa phương và việc cho vay của Ngân hàng có tính chất "hỗ trợ tài chính" đối với vốn lưu động định mức.
Trong thời gian qua ở nhiều địa phương, Ngân hàng đã dùng nguồn vốn riêng của mình để cho vay trong định mức vốn của xí nghiệp vì ngân sách địa phương không cấp đủ vốn cho xí nghiệp và chuyển qua Ngân hàng cho vay. Tình hình đó đến nay không thích hợp và không thể tiếp tục kéo dài được nữa vì nguồn vốn của Ngân hàng có hạn, hơn nữa để đảm bảo chấp hành chế độ quản lý cấp phát vốn lưu động đối với các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh, công tư hợp doanh, và thúc đẩy các Sở, Ty Tài chính phải đảm bảo cấp phát và quản lý chặt chẽ vốn lưu động cấp cho các xí nghiệp, Ngân hàng trung ương quyết định không cho vay hỗ trợ cho ngân sách địa phương trong phạm vi vốn lưu động định mức nữa. Các Sở Ty Tài chính cần phải thi hành đầy đủ tinh thần Thông tư số 054-TTg ngày 19-02-1959 của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc cấp phát vốn lưu động đối với các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh cụ thể là phải cấp đủ 100% vốn lưu động định mức trong đó cấp trực tiếp cho xí nghiệp tối đa trong quá 70% và chuyển sang Ngân hàng 30% làm nguồn vốn cho vay trong định mức. Từ nay việc cho vay trong định mức vốn lưu động đối với các xí nghiệp công nghiệp, vận tải quốc doanh địa phương và công tư hợp doanh sẽ tiến hành như sau:
a) Đối với những xí nghiệp cũ được xây dựng và đi vào sản xuất từ trước năm 1962 đã được xét duyệt vốn lưu động định mức nhưng Tài chính chưa cấp đủ vốn cho xí nghiệp và Ngân hàng Nhà nước đã dùng vốn của mình để cho xí nghiệp vay trong định mức vốn lưu động, thì chi nhánh vẫn tạm thời tiếp tục cho vay để giúp đỡ xí nghiệp tiến hành sản xuất một cách bình thường nhưng cần yêu cầu Sở, Ty Tài chính phải ghi vào ngân sách 1962 để đầy đủ vốn lưu động cho xí nghiệp và chuyển 30% sang Ngân hàng để cho vay trong định mức. Từ nay đến hết tháng 06-1962, các Sở Ty Tài chính chưa có đủ vốn cấp chuyển cho xí nghiệp và Ngân hàng thì Ngân hàng có thể kéo dài thêm tối đa là 3 tháng nữa, rồi sau đó nếu vẫn không giải quyết được thì sẽ đình chỉ cho vay trong định mức và thu hồi nợ về.
b) Đối với những xí nghiệp mới đi vào sản xuất năm 1962 đã được hoặc chưa được xét duyệt vốn lưu động định mức và Tài chính chưa cấp hoặc chỉ mới cấp được một phần vốn cho xí nghiệp; nếu xí nghiệp thiếu vốn, tạm thời Ngân hàng có thể cho xí nghiệp vay để dự trữ nguyên vật liệu cho sản xuất theo nhu cầu cần thiết, nhưng phải yêu cầu Sở, Ty Tài chính cam kết trong một thời gian nhất định trong năm kế hoạch sẽ duyệt và cấp đủ vốn cho xí nghiệp (bao gồm cả phẩn chuyển sang Ngân hàng). Số vốn cần thiết để dự trữ chuyển sang Ngân hàng). Số vốn cần thiết để dự trữ nguyên vật liệu sẽ do Chi nhánh và xí nghiệp tạm thời tính toán.
2. Về việc áp dụng các biện pháp cho vay vốn lưu động.
Việc cho vay vốn lưu động đối với các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh địa phương và công tư hợp doanh sẽ áp dụng như các biện pháp cho vay vốn lưu động đã ban hành đối với các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh trung ương (trừ biện pháp cho vay sản xuất chưa ổn định). Trong việc áp dụng biện pháp cho vay vốn lưu động trong định mức cần linh hoạt và mềm dẻo ở chỗ kiểm tra đảm bảo và xử lý cụ thể và khi kiểm tra thấy thiếu vật tư đảm bảo nợ vay trong định mức, thì bước đầu Ngân hàng chưa tiến hành thu hồi ngay hoặc chuyển qua nợ quá hạn mà chỉ phát hiện những dự trữ vượt định mức, yêu cầu xí nghiệp có kế hoạch sử dụng vốn vay dự trữ hợp lý hơn; đối với những xí nghiệp nhỏ, trình độ hạch toán kinh tế còn thấp, số liệu báo cáo chậm trễ, thì lúc đầu không nhất thiết hàng tháng phải kiểm tra một lần mà có thể hai, ba tháng kiểm tra một lần nhưng cần chú ý giúp đỡ xí nghiệp dần dần hạch toán tốt hơn và do đó có thể tiến tới kiểm tra vật tư đảm bảo hàng tháng như các xí nghiệp khác.
II. ĐỐI VỚI CÁC XÍ NGHIỆP CÔNG NGHIỆP HUYỆN
Xí nghiệp công nghiệp huyện được coi như một hợp tác xã cao cấp như đã nói trong chỉ thị cho vay phương tiện cơ bản cải tiến kỹ thuật, nên biện pháp cho vay vốn lưu động đối với các loại xí nghiệp này áp dụng như đối với các hợp tác xã thủ công nghiệp cấp cao cho thích hợp với tình hình và trình độ hạch toán, tài vụ kế hoạch của xí nghiệp đó. Khi các xí nghiệp đó chính thức được chuyển thành xí nghiệp công nghiệp quốc doanh địa phương, sẽ áp dụng biện pháp cho vay như đối với các xí nghiệp quốc doanh địa phương (Chú ý: chỉ tiêu cho vay, kế toán thống kê ghi vào hợp tác xã thủ công nghiệp).
Trên đây là một số điểm cụ thể hướng dẫn biện pháp cho vay vốn lưu động đối với các xí nghiệp công nghiệp địa phương và công tư hợp doanh. Quá trình tiến hành gặp khó khăn và có kinh nghiệm gì; yêu cầu các Chi nhánh phản ánh lên Ngân hàng trung ương (Cục tín dụng công nghiệp) để nghiên cứu bổ sung thêm.
| Q. TỔNG GIÁM ĐỐC |
Chỉ thị 10-VP/054-A năm 1962 về cho vay vốn lưu động đối với các xí nghiệp công nghiệp địa phương và công tư hợp doanh do Ngân hàng Nhà nước ban hành
- Số hiệu: 10-VP/054-A
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 05/04/1962
- Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước
- Người ký: Tạ Hoàng Cơ
- Ngày công báo: 25/04/1962
- Số công báo: Số 14
- Ngày hiệu lực: 20/04/1962
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định