NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 06-CT/NH | Hà Nội, ngày 26 tháng 06 năm 1973 |
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho các trạm vật tư của Liên hiệp hợp tác xã tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp (dưới đây gọi tắt là trạm vật tư) vay vốn lưu động nhằm mục đích giúp các tổ chức này thực hiện kế hoạch thu mua, dự trữ và luân chuyển vật tư hàng hoá, phục vụ kịp thời các yêu cầu sản xuất của các tổ chức hợp tác tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp.
Thông qua công tác cho vay, Ngân hàng phát huy chức năng kiểm soát bằng đồng tiền, thúc đẩy các trạm vật tư tăng cường quản lý sử dụng vật tư và tiền vốn có hiệu quả kinh tế thiết thực.
Những điều kiện cơ bản của một trạm vật tư được Ngân hàng Nhà nước cho vay vốn là:
1. Được Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố ra quyết định thành lập, hoạt động theo đúng quy định của Ban Liên hiệp hợp tác xã tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp trung ương;
2. Phải là một đơn vị hạch toán kinh tế độc lập; có vốn lưu động tự có, tham gia hàng hoá tối thiểu là 50% định mức dự trữ vật tư – hàng hóa hàng năm; lập được kế hoạch luân chuyển và dự trữ vật tư – hàng hóa, kế hoạch thu, chi tài vụ được liên hiệp hợp tác xã và ngân hàng cấp tỉnh, thành phố duyệt. Kinh doanh phải đảm bảo lấy thu đủ bù chi và có lãi một ít;
3. Trước mỗi kỳ kế hoạch (năm và quý) phải gửi kế hoạch luân chuyển và dự trữ vật tư – hàng hoá, kế hoạch thu, chi tài vụ (vốn, phí vay, trả,…) và sau mỗi kỳ kế hoạch phải gửi các báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch đó; bảng tổng kết tài sản và các báo cáo có liên quan cho ngân hàng trực tiếp cho vay.
4. Phải mở tài khoản tiền gửi thanh tóan, tiền gửi các quỹ chuyên dùng và trích gửi thường xuyên, đầy đủ vào Ngân hàng Nhà nước, sử dụng đúng nguyên tắc và có kế hoạch.
Ngân hàng chi cho vay để mua và dự trữ những vật tư thuộc vốn hàng hoá mà các trạm vật tư được phép kinh doanh theo tinh thần nghị quyết số 143-CP ngày 3-8-1970 của Hội đồng Chính phủ đã quy định bao gồm:
1. Các loại phế liệu, phế phẩm, bao bì thải ra trong quá trình sản xuất của các ngành công, nông, lâm nghiệp v.v… đồ cũ, đồ nát trong nhân dân và trong các cơ quan Nhà nước;
2. Các loại vật tư kém phẩm chất, sai quy cách của các cơ quan xí nghiệp quốc doanh đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định cho bán;
3. Một số loại vật tư thuộc diện Nhà nước quản lý nhưng các tổ chức cung ứng vật tư của Nhà nước không đảm bảo cung cấp, được Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố cho phép tổ chức khai thác, thu mua và một số loại vật tư khác ngoài diện quản lý của Nhà nước.
Các đối tượng được vay trên đây phải là những vật tư tiêu thụ được.
Căn cứ vào tính chất kinh doanh và nhu cầu các loại vốn hiện nay của trạm vật tư, Ngân hàng quy định một số loại cho vay như sau:
1. Cho vay luân chuyển và dự trữ vật tư hàng hoá,
2. Cho vay nhu cầu tạm thời,
3. Cho vay thanh toán.
1. Cho vay luân chuyển và dự trữ vật tư – hàng hoá
Cho vay luân chuyển và dự trữ vật tư – hàng hoá là một loại cho vay có tính chất tham gia theo phần của ngân hàng vào giá trị vật tư tồn kho của trạm vật tư một cách thường xuyên, gắn liền với quá trình mua vào bán ra và dự trữ của tổ chức đó.
Cách tính toán cho vay, thu nợ như sau:
a) Xác định số kiểm tra cho vay hàng quý
Căn cứ vào kế hoạch dự trữ và luân chuyển vật tư – hàng hoá năm có chia theo quý và vốn lưu động tự có, kế hoạch tham gia vào định mức dự trữ vật tư – hàng hoá của trạm vật tư, ngân hàng xác định mức dư nợ kế hoạch cuối mỗi quý và mức dư nợ cao nhất trong quý.
- Mức dư nợ kế hoạch cuối quý
Mức dư nợ cuối quý là số dư nợ được tồn tại vào thời điểm cuối cùng của quý, xác định trên cơ sở giá trị vật tư – hàng hoá tồn kho kế hoạch cuối quý tính theo giá vốn trừ (-) vốn tự có kế hoạch.
Mức dư nợ kế hoạch cuối mỗi quý có thể cao hơn hoặc thấp hơn 50% giá trị tồn kho vật tư – hàng hoá luân chuyển cuối quý nhưng bình quân cả năm không được vượt quá 50% giá trị tồn kho vật tư – hàng hoá luân chuyển bình quân cả năm.
Thí dụ:
| Quý I | Quý II | Quý III | Quý IV | Bình quân năm |
- Giá trị tồn kho kế hoạch cuối quý - Vốn tự có kế hoạch tham gia tồn kho vật tư – hàng hoá - Mức dự nợ kế hoạch cuối quý | 90 60
30 | 140 60
80 | 120 60
60 | 130 60
70 | 120 60
60 |
- Mức dư nợ cao nhất trong quý. Ngân hàng quy định mức dư nợ cao nhất trong quý nhằm đảm bảo yêu cầu vốn để nhập vật tư trong quý theo kế hoạch và thúc đẩy trạm vật tư phải thực hiện kế hoạch mua vào, bán ra một cách đều đặn, ngăn ngừa và hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng ứ đọng vật tư và tiền vốn. Mức dư nợ cao nhất trong quý xác định bằng mức dư nợ cuối quý cộng (+) với doanh số mua vào bình quân một lần một quý. Thí dụ:
- Mức dư nợ kế hoạch cuối quý I là 80.000đ
- Kế họach mua vào trong quý là 300.000đ
- Số lần mua vào trong quý là 15 lần
Doanh số mua vào bình quân 1 lần trong quý là:
300.000đ | = 20.000đ |
15 lần |
Mức dư nợ cao nhất trong quý là:
80.000 + 20.000đ = 100.000đ
b) Cách cho vay
Cơ sở cho vay luân phiên chuyển và dự trữ vật tư hàng hóa là những nhóm hàng hoặc mặt hàng có ghi trong kế hoạch luân chuyển và dự trữ của trạm vật tư đã được ban liên hiệp hợp tác xã và ngân hàng tỉnh, thành phố xét duyệt. Đối với những vật tư hàng hóa mua vào ngoài kế hoạch hoặc vượt kế hoạch (kể cả trường hợp tạm thời vượt mức dư nợ cao nhất trong quý) nhưng xét cần thiết cho sản xuất và có kế hoạch bán ra trong quý, đảm bảo thực hiện kế hoạch tồn kho cuối quý thì cũng được ngân hàng xét cho vay luân chuyển và dự trữ vật tư – hàng hóa. Nếu số vật tư ấy không có kế hoạch bán ra trong quý thì xét cho vay nhu cầu tạm thời theo hướng dẫn ở điểm 2 dưới đây về cho vay nhu cầu tạm thời.
Quá trình cho vay ngân hàng phải theo dõi kiểm soát chặt chẽ việc mua vào và bán ra từng nhóm vật tư – hàng hóa, nhất là những nhóm chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu vật tư – hàng hóa kinh doanh nhằm giúp đỡ trạm vật tư dự trữ tồn kho hợp lý, cân đối, hết sức đề phòng để xảy ra ứ đọng.
Đến cuối mỗi quý nếu xảy ra dư nợ thực tế cao hơn thì chỉ tiêu dư nợ kế hoạch do các trường hợp như mua vào đạt hoặc vượt kế hoạch, nhưng bán ra không đạt kế hoạch, mua vào và bán ra đều không đạt kế hoạch nhưng thực hiện kế hoạch mua vào cao hơn bán ra v.v… thì trạm vật tư phải báo cáo rõ nguyên nhân cụ thể, ngân hàng sẽ xem xét kỹ để xử lý theo các biện pháp sau:
- Nếu có lý do chính đáng như do bên bán cung cấp hàng hóa không đúng thời hạn, bên mua nhận hàng chậm, v.v… thì công nhận theo số dư nợ thực tế, mà không chuyển sang số nợ quá hạn và cũng không lấy phần dư nợ vượt mức kế hoạch đó để trừ vào mức dự nợ kế hoạch của quý tiếp theo.
- Nếu do khuyết điểm chủ quan của trạm vật tư trong quản lý kinh doanh như không tích cực đẩy mạnh bán ra, bảo quản hàng hóa không tốt để hư hỏng không bán được, v.v… thì chuyển sang nợ quá hạn. Trạm vật tư phải tìm mọi biện pháp tiêu thụ số vật tư dự trữ vượt kế hoạch để có tiền trả nợ cho ngân hàng.
Ngân hàng áp dụng tài khoản cho vay đặc biệt để cho vay luân chuyển và dự trữ vật tư – hàng hóa. Lần đầu tiên, trạm vật tư phải làm đơn xin vay theo tài khoản cho vay đặc biệt (phân loại tiểu khoản số 04 cho vay dự trữ, vật tư – hàng hóa) đối với xí nghiệp lưu thông; sau đó mỗi lần vay, trạm vật tư chỉ cần xuất trình các chứng từ thanh toán (như giấy thế chấp nhận trả, ủy nhiệm chi v.v…) kèm theo hóa đơn bán hàng của bên bán để ngân hàng quyết định số tiền cho vay. Giá cả cho vay tính theo giá mua trên chứng từ hóa đơn. Giải quyết cho vay xong món nào, cán bộ tín dụng phải đóng dấu “đã cho vay” vào các chứng từ hóa đơn của món ấy để tránh nhầm lẫn cho vay nhiều lần vào cùng một món hàng. Số tiền cho vay được dùng để chuyển trả thẳng cho bên bán, trả nợ vay thanh toán khác (vay mở thư tính dụng, mở và bổ sung tài khoản đặc biệt, mở và bổ sung số séc định mức) của ngân hàng v.v…
c) Thu nợ và cho trích lãi gộp: (phí, thuế, lãi)
Toàn bộ số tiền thu về bán hàng hoặc vay thanh toán giấy tờ trên đường đi… đều phải nộp vào bên Có phân loại tiểu khoản cho vay dự trữ vật tư – hàng hóa.
Hàng ngày, khi tiền bán hàng về đã nhập vào bên Có phân loại tiểu khoản cho vay dự trữ vật tư – hàng hóa, ngân hàng phải báo Có kịp thời cho trạm vật tư theo số tiền của từng chứng từ, hóa đơn cụ thể. Căn cứ vào những giấy báo Có do ngân hàng gửi đến, trạm vật tư có trách nhiệm phân tích số tiền thu được ra làm 2 phần: vốn và lãi gộp, định kỳ hai, ba ngày một lần (do 2 bên thỏa thuận) lập bảng kê (theo mẫu số 1) kèm theo giấy ủy nhiệm chi mang đến ngân hàng xin trích từ phân loại tiểu khoản cho vay dự trữ vật tư- hàng hóa sang tài khoản tiền gửi thanh toán để sử dụng.
Căn cứ vào biểu tỷ lệ phí hiện hành quy định cho từng mặt hàng hoặc nhóm hàng do trạm vật tư đăng ký tại ngân hàng, cán bộ tín dụng có trách nhiệm kiểm soát, tính toán lại thật kỹ và ký xác nhận số tiền được trích, trình trưởng ngân hàng duyệt rồi chuyển chứng từ sang bộ phận kế toán để ghi sổ.
Các khoản cho vay thanh toán giấy tờ trên đường đi và các khoản không thuộc tiền bán hàng nhập vào bên Có tài khoản cho vay đặc biệt không được tính vào doanh số tiêu thụ để trích lãi gộp.
2. Cho vay nhu cầu tạm thời
Ngân hàng Nhà nước cho vay nhu cầu tạm thời đối với những vật tư được cung cấp đột xuất, hợp pháp, cần thiết cho sản xuất, trạm vật tư phải mua về dự trữ ngoài kế hoạch hoặc vượt kế hoạch và chắn chắc có thể tiêu thụ được nhưng chưa đưa được vào kế hoạch bán ra trong quý.
Thời hạn cho vay nhu cầu tạm thời tối đa là 90 ngày.
Ngân hàng cho vay nhu cầu tạm thời theo tài khoản cho vay đơn giản. Mỗi món vay, trạm vật tư phải làm đơn xin vay và khế ước kiêm kỳ hạn nợ. Cuối quý trạm vật tư phải kế hoạch hóa số vật tư vay nhu cầu tạm thời vào kế hoạch luân chuyển của quý kế tiếp để đẩy mạnh bán ra. Khi cho vay nhu cầu tạm thời, cán bộ tín dụng phải mở sổ ghi chép, theo dõi từng món cho vay theo nhóm hàng hoặc mặt hàng cụ thể cho đến khi thu xong nợ.
Đến kỳ hạn nợ ngân hàng sẽ thu nợ cho vay nhu cầu tạm thời bằng cách ghi nợ phân loại tiểu khoản cho vay dự trữ vật tư-hàng hóa, ghi Có phân loại tiểu khoản cho vay nhu cầu tạm thời nếu trạm vật tư được số vật tư vay nhu cầu tạm thời vào kế hoạch luân chuyển. Trường hợp số vật tư ấy không đưa vào kế hoạch luân chuyển được thì ngân hàng sẽ chuyển số tiền đó sang nợ quá hạn.
3. Cho vay thanh toán.
Ngân hàng cho trạm vật tư vay thanh toán giấy tờ trên đường đi vay thanh toán khác theo thể lệ hiện hành như đối với xí nghiệp quốc doanh và tổ chức kinh tế khác.
Dưới đây chỉ dẫn thêm một số điểm cụ thể về vận dụng cho phù hợp với thực tế kinh doanh của trạm vật tư hiện nay.
Nếu bán hàng không có hợp đồng kinh tế thì trạm vật tư phải ghi rõ trên giấy nhờ thu số và ngày của giấy giới thiệu do chủ tài khoản bên mua cung cấp cho người đi nhận hàng và xuất trình giấy ký nhận hàng của người được ủy nhiệm phù hợp với họ, tên ghi trên giấy giới thiệu để ngân hàng làm căn cứ thay hợp đồng tiến hành thanh toán và cho vay thanh toán. Trong trường hợp này bên mua không được từ chối thanh toán toàn bộ số hàng hóa đã nhận và ngân hàng cũng không chấp nhận sự từ chối đó.
Khi trạm vật tư bán hàng không quá kho (giao hàng tay ba) thì ngân hàng tạm thời tiến hành thanh toán và cho vay thanh toán như sau:
Căn cứ vào giấy của bên bán đòi nợ trạm vật tư hoặc giấy ủy nhiệm chi của trạm vật tư thanh tóan tiền hàng cho bên bán, ngân hàng ghi Nợ phân loại tiểu khoản cho vay dự trữ vật tư hàng hóa và ghi Có tài khoản đối ứng cho người được hưởng, đồng thời căn cứ vào giấy của trạm vật tư đòi nợ bên mua, ghi Nợ phân loại tiểu khoản cho vay giấy tờ thanh toán trên đường đi và ghi Có phân loại tiểu khoản cho vay dự trữ vật tư hàng hóa.
Ngân hàng áp dụng biểu lợi suất cho vay hiện hành đối với trạm vật tư như đối với các tổ chức cung ứng vật tư của Nhà nước, cụ thể là:
- Lợi suất cho vay luân chuyển và dự trữ vật tư – hàng hóa là 0,36% một tháng;
- Lợi suất cho vay nhu cầu tạm thời là 0,36% một tháng;
- Lợi suất cho vay thanh toán là 0,18% một tháng.
Lợi suất nợ quá hạn quy định chung cho cả 3 loại cho vay nói trên như sau :
- Nợ quá hạn dưới 6 tháng tính lợi suất 0,9% một tháng;
- Nợ quá hạn từ 6 tháng trở lên tính lợi suất 1,2% một tháng.
VI. – NGUYÊN TẮC VÀ PHƯƠNG PHÁP TÍNH TOÁN, KIỂM TRA ĐẢM BẢO SAU KHI CHO VAY VÀ XỬ LÝ
1. Những nguyên tắc chung.
- Hàng tháng cán bộ tín dụng phải phân tích tình hình thực hiện kế hoạch mua vào, bán ra, tồn kho của trạm vật tư, kiến nghị biện pháp giúp đỡ trạm thực hiện đúng kế hoạch đã quy định;
- Mỗi quý một lần, chậm nhất là đến ngày 15 của tháng đầu quý kế tiếp, cán bộ tín dụng phải hoàn thành tính toán kiểm tra đảm bảo và xử lý nợ của quý trước;
- Nợ cho vay luân chuyển và dự trữ vật tư hàng hóa được cộng chung với nợ cho vay nhu cầu tạm thời để tính toán vật tư đảm bảo cùng một lần;
- Giá cả vật tư dùng để thanh toán kiểm tra đảm bảo là giá vốn (giá mua + phí phân bổ hàng tồn kho);
- Căn cứ để tính toán kiểm tra đảm bảo là bảng tổng kết tài sản, biên bản kiểm kê và phân loại vật tư, sổ kho và các báo biểu có liên quan khác.
2. Công thức và cách tính toán kiểm tra đảm bảo.
Công thức:
Giá trị vật tư đảm bảo nợ vay ngân hàng (Gv) | = | Giá trị vật tư được tính đảm bảo chung (Gc) | - | Vốn tự có tham gia hàng hóa (Vc) |
Viết rút gọn như sau: Gv = Gc – Vc
Cách tính:
a) Lấy số liệu ở dòng I cộng (+) vật tư hàng hóa thuộc mục B (tài sản có định mức) trên bảng tổng kết tài sản.
b) Cộng (+) thêm khoản phải đòi người mua còn thời hạn thanh toán nhưng không vay thanh toán.
c) Các khoản phải trừ (-): vật tư chưa trả tiền cho người bán, vật tư ứ đọng (không sử dụng được hoặc không bán được).
Gc = Giá trị vật tư được tính đảm bảo chung [a) + b) + c)]
Vc = Vốn tự có thực tế tham gia hàng hóa
Gv = Giá trị vật tư đảm bảo nợ vay ngân hàng (Gc – Gv)
Cộng (+) dư nợ các loại cần kiểm tra đảm bảo: dư nợ cho vay luân chuyển và dự trữ vật tư – hàng hóa, dư nợ cho vay nhu cầu tạm thời.
So sánh giá trị vật tư đảm bảo nợ vay ngân hàng (Gv) với tổng dư nợ các loại cần kiểm tra đảm bảo (Dn), nếu Gv > (lớn hơn) Dn là dư nợ thừa vật tư đảm bảo; ngược lại Gv < (bé hơn) Dn là dư nợ thiếu vật tư đảm bảo.
3. Cách xử lý.
Nếu thừa vật tư đảm bảo và trạm có yêu cầu về vốn, ngân hàng xét thấy cần thiết, đủ điều kiện thì sẽ giải quyết cho vay trên cơ sở giá trị số vật tư thừa đảm bảo đó và chuyển vào tài khoản tiền gửi thanh toán cho họ sử dụng.
Nếu thiếu vật tư đảm bảo thì sẽ quy vào nợ luân chuyển vật tư và trích tài khoản tiền gửi thanh toán để thu hồi số nợ thiếu đảm bảo đó. Nếu tài khoản tiền gửi thanh toán không đủ thì chuyển qua nợ quá hạn. Trạm vật tư phải cam kết có biện pháp trong một thời gian nhất định khắc phục được các nguyên nhân gây ra nợ thiếu vật tự đảm bảo để thanh toán nợ quá hạn cho ngân hàng. Qua thời hạn cam kết đã được ngân hàng thỏa thuận mà trạm vật tư vẫn không khắc phục được tình trạng nói trên, không thanh toán nợ quá hạn thì ngân hàng cơ sở phải báo cáo lên trưởng chi nhánh ngân hàng tỉnh hoặc thành phố xét và quyết định các biện pháp hạn chế cho vay hoặc tạm đình chỉ cho vay, đồng thời thu hồi toàn bộ số vốn đã cho vay về.
Các ông Trưởng chi nhánh, chi điếm phải tổ chức cho cán bộ tín dụng, kế toán, kế hoạch và các nghiệp vụ có liên quan khác nghiên cứu và đặt kế hoạch thi hành đồng thời phổ biến cho các cơ quan liên hiệp hợp tác xã và các trạm vật tư nắm vững nội dung chỉ thị này để phối hợp thực hiện.
Quá trình thực hiện nếu có vấn đề gì vướng mắc phải kịp thời báo cáo xin ý kiến Ngân hàng trung ương giải quyết.
| K.T. TỔNG GIÁM ĐỐC |
Chỉ thị 06-CT/NH năm 1973 về biện pháp tạm thời cho vay vốn lưu động đối với trạm vật tư của Liên hiệp hợp tác xã tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp do Ngân hàng Nhà nước ban hành
- Số hiệu: 06-CT/NH
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 26/06/1973
- Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước
- Người ký: Đinh Văn Bảy
- Ngày công báo: 16/07/1973
- Số công báo: Số 11
- Ngày hiệu lực: 11/07/1973
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định