Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK NÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/CT-UBND

Đắk Nông, ngày 05 tháng 06 năm 2013

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH, NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

Từ khi Luật Thi hành án dân sự có hiệu lực thi hành và áp dụng trên thực tiễn, công tác Thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, các tổ chức xã hội, của nhân dân, giữ vững trật tự an toàn xã hội; đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật; tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Vị thế của cơ quan Thi hành án dân sự tiếp tục được khẳng định, Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự các cấp được kiện toàn hoạt động có hiệu quả hơn, công tác phối kết hợp trong Thi hành án dân sự ngày càng đi vào nề nếp. Tuy nhiên, so với đòi hỏi của thực tiễn và yêu cầu của tình hình mới thì công tác Thi hành án dân sự vẫn còn hạn chế như số lượng vụ việc thi hành án ngày một tăng cả về số việc và số tiền, tính chất vụ việc ngày càng đa dạng và phức tạp hơn, án tồn chuyển sang năm sau thi hành vần còn nhiều, đơn thư khiếu nại về thi hành án có chiều hướng gia tăng, công tác chỉ đạo phối kết hợp để xử lý tài sản kê biên còn chưa kịp thời…dẫn đến quyền lợi của công dân, tổ chức chưa được đảm bảo một cách nhanh nhất.

Để tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật Thi hành án dân sự, đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa hiệu quả trong công tác Thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh, khắc phục án tồn chuyển sang năm sau, đảm bảo công tác Thi hành án dân sự phấn đấu đạt trên 88% số việc có điều kiện thi hành và trên 77 % số tiền có điều kiện thi hành theo Nghị quyết của Quốc hội. Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã tập trung thực hiện tốt các công việc sau:

1. Cục Thi hành án dân sự

a) Tiếp tục chủ trì, phối hợp với Báo Đắk Nông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tổ chức các đợt tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành đến cán bộ, công chức, nhân viên trong các cơ quan, tổ chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao nhận thức để chấp hành nghiêm và thực hiện có hiệu quả pháp luật về Thi hành án dân sự;

b) Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã để thực hiện công tác Thi hành án dân sự, gắn kết công tác Thi hành án dân sự với việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, chính trị, xã hội ở địa phương;

c) Tích cực tham mưu cho các cấp ủy địa phương, Bộ Tư pháp và Tổng cục Thi hành án dân sự trong việc kiện toàn bộ máy tổ chức cán bộ đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng; xây dựng đội ngũ cán bộ công chức thi hành án vững vàng về bản lĩnh chính trị, giỏi về trình độ chuyên môn, có phẩm chất đạo đức và trách nhiệm cao trong công tác;

d) Tăng cường tính kỷ cương, kỷ luật, ý thức trách nhiệm của Chấp hành viên, cán bộ thi hành án. Chú trọng giáo dục phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ thi hành án;

đ) Tạo sự chuyển biến về chất trong công tác quản lý các cơ quan Thi hành án dân sự từ tỉnh đến huyện; xây dựng phong cách làm việc chuyên nghiệp; chú trọng đẩy mạnh thực hiện đi vào chiều sâu việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”;

e) Tiếp tục rà soát, đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ để xây dựng quy hoạch đội ngũ cán bộ thi hành án dân sự đủ phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao; đồng thời thực hiện có hiệu quả việc điều động, biệt phái, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác phù hợp với yêu cầu công tác của từng cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Nghị định số 158/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 của Chính phủ và theo Phương án luân chuyển công chức lãnh đạo đã được Tổng cục Thi hành án dân sự phê duyệt;

f) Bảo đảm thực hiện việc ra quyết định thi hành án đúng thời hạn 100%, đảm bảo chính xác, đúng pháp luật trong việc xác minh, phân loại việc, tuyệt đối không vì thành tích mà phân việc có điều kiện thi hành sang không có điều kiện thi hành, chấn chỉnh, khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động thi hành án phấn đấu cuối năm 2013 và những năm tiếp theo thi hành xong hoàn toàn đạt trên 90% về việc và 80% về tiền có điều kiện thi hành, giảm ít nhất từ 7 đến 10% số vụ việc thi hành án của năm trước chuyển qua;

g) Chỉ đạo các cơ quan Thi hành án dân sự các huyện, thị xã thường xuyên rà soát các loại án thuộc diện được miễn, giảm để phối hợp với Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và Công an trong công tác xét, miễn giảm theo quy định;

h) Xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các cơ quan Thi hành án dân sự các huyện, thị xã thường xuyên xác minh phân loại án để có biện pháp thi hành. Cương quyết áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với những vụ việc có điều kiện thi hành nhưng đương sự chây ỳ không tự nguyện thi hành; đồng thời tổ chức các đoàn công tác nhằm huy động lực lượng mạnh vào các đợt thi hành án điểm trên toàn tỉnh, có chủ trương, biện pháp chỉ đạo sát sao, mạnh mẽ, quyết liệt để giảm số án tồn đọng, nhất là các vụ việc phức tạp, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội ở địa phương, tạo chuyển biến cơ bản trong công tác Thi hành án dân sự, phấn đấu hàng năm thi hành đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội và Bộ Tư pháp đề ra;

i) Chủ động tham mưu cho Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh tập trung chỉ đạo, tổ chức phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành để giải quyết dứt điểm những vụ việc phức tạp, nổi cộm kéo dài;

k) Chú trọng công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đúng thời hạn, đúng pháp luật ngay từ cơ sở, hạn chế thấp nhất khiếu nại mới phát sinh và khiếu nại vượt cấp; đảm bảo giải quyết xong 100% đơn, thư khiếu nại, tố cáo của năm trước chuyển sang và 87% đơn, thư khiếu nại, tố cáo mới thụ lý trong năm thuộc thẩm quyền; tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công tác Thi hành án dân sự, xử lý nghiêm những trường hợp trì trệ, gây sách nhiễu, phiền hà cho nhân dân;

l) Thường xuyên báo cáo kết quả về Ủy ban nhân dân tỉnh để theo, dõi chỉ đạo.

2. Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh, huyện, thị xã

a) Khẩn trương xây dựng quy chế hoạt động và kế hoạch công tác của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự, giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Thi hành án dân sự;

b) Chỉ đạo cơ quan Thi hành án dân sự cùng cấp thực hiện các giải pháp đồng bộ, tổ chức có hiệu quả việc thi hành án; hàng năm chỉ đạo tổ chức các đợt cao điểm giải quyết việc thi hành án tồn đọng và tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc về thi hành án;

c) Chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác phối, kết hợp với cơ quan Thi hành án dân sự nhằm huy động lực lượng của các cơ quan hữu quan trong bộ máy chính quyền và các đoàn thể trong hệ thống chính trị, phối hợp với các cơ quan Thi hành án dân sự trong việc tổ chức thi hành án; đặc biệt là thi hành các vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương;

d) Đôn đốc cơ quan Thi hành án dân sự, các cơ quan, tổ chức hữu quan thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân cùng cấp về chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan trong Thi hành án dân sự và chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế Thi hành án dân sự;

đ) Tăng cường phối hợp với Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh và các cơ quan thông tin truyền thông, tuyên truyền phổ biến rộng rãi nội dung về Luật Thi hành án dân sự và Nghị quyết của Quốc hội về thi hành Luật Thi hành án dân sự cho cán bộ, đảng viên, công chức, nhân viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh.

3. Sở Tài chính

a) Phối hợp với cơ quan Thi hành án dân sự có biện pháp thực hiện có hiệu quả việc hỗ trợ tài chính để thi hành án cho các đối tượng là cơ quan, tổ chức do Nhà nước thành lập, hoạt động hoàn toàn bằng ngân sách nhà nước, góp phần thực hiện có hiệu quả Luật Thi hành án dân sự và giải quyết án tồn đọng trên địa bàn theo đúng quy định;

b) Chủ động tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí cho

các cơ quan Thi hành án dân sự theo tinh thần Công văn liên ngành số 17558/BTP- BTC ngày 19/12/2012 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp.

4. Công an tỉnh

a) Tiếp tục chỉ đạo các Phòng chuyên môn trực thuộc và Công an các huyện, thị xã có biện pháp tăng cường công tác bảo vệ cưỡng chế Thi hành án dân sự, đáp ứng đủ lực lượng theo đề nghị của cơ quan Thi hành án dân sự;

b) Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc trong việc trực tiếp đôn đốc người phải thi hành án và phối hợp với cơ quan Thi hành án dân sự thực hiện động viên người phải thi hành án đang chấp hành tại các nhà tạm giam thực hiện tốt việc Thi hành án dân sự;

c) Chỉ đạo các cơ quan điều tra chú trọng áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời để hạn chế việc tẩu tán tài sản, đảm bảo hiệu quả việc thi hành án, thực hiện việc chuyển giao vật chứng và các tài liệu liên quan đầy đủ, kịp thời cho các cơ quan Thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật.

5. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và Báo Đắk Nông Tiếp tục xây dựng kế hoạch phối hợp với Cục Thi hành án dân sự tỉnh tổ chức các đợt phổ biến, tuyên truyền sâu rộng Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành trên các trang mục của Đài Truyền hình, Đài Phát thanh. Mở chuyên trang tuyên truyền, phổ biến Luật Thi hành án dân sự trên Báo địa phương để mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn nhận thức sâu rộng, chấp hành nghiêm, thực hiện có hiệu quả pháp luật về Thi hành án dân sự.

6. Chi nhánh các Ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh và Bảo hiểm xã hội tỉnh

Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chỉ đạo các cơ quan trực thuộc tăng cường công tác phối hợp thi hành án; thực hiện quyết định của cơ quan Thi hành án dân sự về xác minh tài sản (tài khoản của người phải thi hành án) và trong việc cưỡng chế trừ vào thu nhập, khấu trừ vào tài khoản, trừ vào tiền, thu hồi giấy tờ có giá trị của người phải thi hành án… theo quy định của Luật Thi hành án dân sự.

7. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã

a) Xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức các đợt tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành đến cán bộ, công chức trong các cơ quan, tổ chức và nhân dân trên địa bàn nhằm nâng cao nhận thức thống nhất, chấp hành nghiêm và thực hiện có hiệu quả pháp luật về Thi hành án dân sự;

b) Tiếp tục tăng cường chỉ đạo sự phối hợp giữa các cơ quan hữu quan, đoàn thể ở địa phương với cơ quan Thi hành án dân sự trong việc thi hành án, thực hiện kịp thời việc chuyển dịch, đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản thi hành án…theo quy định của pháp luật.

8. Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh

Có trách nhiệm giáo dục công nhân, viên chức trong đơn vị là đối tượng phải thi hành án gương mẫu trong việc thi hành các bản án, quyết định của Toà án nhân dân đã có hiệu lực pháp luật.

9. Trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các Sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã có trách nhiệm xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Thi hành án dân sự và Chỉ thị này.

Giao Cục Thi hành án dân sự tỉnh phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả triển khai thi hành Luật Thi hành án dân sự và Chỉ thị này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Bốn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 10/CT-UBND năm 2013 tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự do tỉnh Đắk Nông ban hành

  • Số hiệu: 10/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 05/06/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Nông
  • Người ký: Nguyễn Bốn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản