Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10/CT-NH1 | Hà Nội, ngày 07 tháng 10 năm 1997 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TRONG HOẠT ĐỘNG NGÂN HÀNG QUÍ IV/1997
Thời gian qua, trước những biểu hiện khó khăn chung của nền kinh tế, nhất là một số vấn đề nổi lên trong hoạt động Ngân hàng, dưới sự chỉ đạo của Đảng và của Chính phủ, toàn ngành đã tập trung trí tuệ phân tích, đánh giá từng vấn đề, làm rõ các nguyên nhân, trên cơ sở đó đã điều chỉnh, bổ sung và triển khai thực hiện đồng bộ, mạnh mẽ các giải pháp trong hoạt động Ngân hàng. Kết quả là bước đầu đã khắc phục những tồn tại yếu kém, đặc biệt là những vấn đề theo kết luận của Thanh tra Nhà nước. Những giải pháp về tiền tệ tín dụng đã và đang góp phần tích cực khắc phục hiện tượng thiểu phát của nền kinh tế, giá cả tháng 8 tăng 0,1%, tháng 9 tăng 0,6%. Vốn tín dụng đã đáp ứng kịp thời cho các dự án và các chương trình phát triển kinh tế của Chính phủ: mua lúa tạm trữ chờ xuất khẩu, mở rộng đáp ứng vốn cho các doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm vốn cho hộ nông dân gặp khó khăn tiếp tục có vốn phát triển sản xuất....
Tuy nhiên, tình hình của nền kinh tế 9 tháng qua vẫn còn những dấu hiệu khó khăn, sự chững lại của một số ngành công nghiệp, một số hàng hoá gặp khó khăn trong cạnh tranh với hàng hoá của các nước, thu ngân sách đạt thấp ảnh hưởng đến kế hoạch chi.... Những khó khăn chung của nền kinh tế cũng đang đặt ra cho hoạt động Ngân hàng những khó khăn mới và nhiệm vụ còn lại của quí IV/1997 sẽ nặng nề hơn. Song, hơn lúc nào hết hoạt động Ngân hàng cần phải tiếp tục ổn định, thông suốt, lựa chọn những vấn đề, những khâu và lĩnh vực trọng tâm để tập trung làm tốt, góp phần tháo gỡ khó khăn của nền kinh tế; phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu của toàn ngành đã đề ra trong năm 1997. Vì vậy, Thống đốc yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành tập trung chỉ đạo thực hiện tốt những trọng tâm công tác dưới đây:
1- Bằng mọi biện pháp phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu của chính sách tiền tệ đã đề ra trong kế hoạch từ đầu năm trên các mặt: Cung ứng tiền cho mục tiêu dự trữ ngoại tệ và mục tiêu tái cấp vốn, mở rộng đầu tư tín dụng đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn đối với nền kinh tế, góp phần kích cầu của xã hội, ngăn chặn hiện tượng thiểu phát của nền kinh tế, đồng thời chủ động dự báo để có biện pháp kiềm chế lạm phát hợp lý trong thời gian tới.
2- Tập trung chỉ đạo để hoàn thiện 2 dự Luật Ngân hàng và các văn bản thuyết trình bảo vệ trước Quốc hội trong quá trình xem xét và thông qua bộ Luật Ngân hàng.
3- Trong công tác đối ngoại cần tập trung xử lý nhanh các điều kiện đã cam kết với các tổ chức tài chính Quốc tế (IMF,WB,ADB) để triển khai thực hiện tốt chương trình SAF, ESAF; khai thông dự án tài chính cho phát triển nông thôn, dự án hiện đại hoá Ngân hàng, dự án tín dụng nông thôn; hoàn thành xử lý nợ thương mại qua Câu lạc bộ Luôn Đôn.
4- Củng cố một bước về tổ chức và cán bộ đối với Ngân hàng thương mại quốc doanh, bổ sung tăng cường cán bộ lãnh đạo có năng lực, phẩm chất tốt; tiến hành tổng kết 4 năm thí điểm thành lập Quĩ tín dụng Nhân dân; củng cố, sắp xếp lại hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần, chú ý đối với một số ngân hàng cổ phần gặp khó khăn; tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của một số vụ cục Ngân hàng Trung ương nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng và điều hành chính sách tiền tệ trong giai đoạn mới.
5- Cấp uỷ Đảng ở các Ngân hàng cần thường xuyên quan tâm chỉ đạo về công tác tư tưởng của Đảng viên, giáo dục, động viên toàn thể cán bộ công nhân viên phát huy sức mạnh đoàn kết, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Xây dựng qui chế làm việc giữa Ban cán sự Đảng và Lãnh đạo chuyên môn; tiến hành đại hội Đảng, công đoàn ở các cấp Ngân hàng; chuẩn bị chương trình, kế hoạch cụ thể để nắm bắt kịp thời và triển khại thực hiện Chỉ thị tới đây của Bộ Chính trị về "tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trong công tác Ngân hàng".
Để thực hiện tốt 5 trọng tâm công tác nêu trên, các Ngân hàng và đơn vị công tác cần có biện pháp thiết thực để triển khai những nhiệm vụ cụ thể sau đây:
1. Tiếp tục thực hiện kế hoạch cung ứng tiền quí IV/97, đánh giá, phân tích mặt được, mặt hạn chế, đặc biệt là tác động của lượng tiền cung ứng năm 1997 tới năm sau, để có những giải pháp kiềm chế lạm phát hợp lý.
2. Chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố, các NHTM, TCTD cần quán triệt đầy đủ, tổ chức triển khai thực hiện tốt chỉ thị 09/CT-NH1, ngày 27/8/1997 của NHNN về "xử lý điều kiện và thủ tục tín dụng"; Cần chủ động tìm kiếm dự án, tìm kiếm khách hàng, đưa cán bộ có năng lực và phẩm chất tốt để tư vấn giúp đỡ khách hàng trong việc tìm phương án kinh doanh, lập dự án có hiệu quả để mở rộng đầu tư vốn với phương châm tích cực, năng động, nhưng phải an toàn và hiệu quả. Tập trung vốn tín dụng vào các dự án khả thi nằm trong chương trình phát triển kinh tế của từng vùng, từng khu vực, từng ngành kinh tế. Các NHTM và các TCTD chủ động đề xướng và hợp tác với nhau để có biện pháp tích cực nhằm thực hiện đồng tài trợ đối với những dự án phát triển kinh tế lớn. Thực hiện tăng dư nợ một cách lành mạnh đáp ứng vốn cho nền kinh tế Quốc dân.
3. Các NHTM, các TCTD cần có những biện pháp tích cực để chăm lo khơi tăng nguồn vốn, nhất là khai thác các tiềm năng về nguồn vốn trung, dài hạn. Bằng việc đa dạng hoá hình thức huy động vốn, năng động sáng tạo có nhiều biện pháp khuyến khích người dân gửi tiền vào NH, phấn đấu đạt mức tăng nguồn vốn theo dự kiến kế hoạch của toàn ngành đã đề ra cho năm 1997.
Tìm các giải pháp để khai thông việc triển khai các dự án tài chính nông thôn, tín dụng nông thôn. Tổ chức thực hiện các cam kết với các tổ chức tài chính Quốc tế (IMF, WB, ADB) để thực hiện có kết quả chương trình SAF, ESAF, nhằm thu hút vốn từ ngoài nước, tăng khả năng đầu tư trong nước.
4. Tiếp tục chấn chỉnh hoạt động Ngân hàng trên các mặt tín dụng, liên doanh, góp vốn.... trong đó chú trọng rà soát, khắc phục các sơ hở trong công tác tín dụng, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những sai sót có thể sảy ra, nâng cao chất lượng tín dụng đầu tư vào từng ngành, từng lĩnh vực và thành phần kinh tế. Tiếp thu ý kiến đóng góp của chính quyền các cấp, của doanh nghiệp để có biện pháp phối hợp và kịp thời bổ sung chỉnh sửa cơ chế cho phù hợp với sự vận động của thực tiễn.
5. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án hiện đại hoá Ngân hàng, cải tiến công tác thanh toán qua ngân hàng, khẩn trương có biện pháp nâng cao tỷ trọng thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần đẩy nhanh tốc độ chu chuyển vốn xã hội, hỗ trợ tốt về nguồn vốn tín dụng của các Ngân hàng.
6. Quản lý chặt chẽ các luồng ngoại tệ theo các quy định hiện hành. Có giải pháp xử lý các L/C trả chậm quá hạn. Theo dõi sát sao diễn biến cán cân vãng lai để chủ động có giải pháp hoặc đề xuất Chính phủ có sự chỉ đạo kịp thời với các ngành thực hiện các biện pháp đồng bộ nhằm cải thiện mức thâm hụt cán cân vãng lai, tăng dự trữ ngoại tệ cho đất nước. Điều hành tỷ giá uyển chuyển, linh hoạt theo quan hệ cung cầu ngoại tệ trên thị trường, bảo đảm khuyến khích xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu và các cân đối vĩ mô khác. Có định hướng và bước đi cụ thể để thực hiện mục tiêu trên đất Việt Nam tiêu tiền Việt Nam. Theo rõi chặt chẽ diễn biến khủng hoảng về tiền tệ của những nước trong khu vực, để chủ động có giải pháp ngăn chặn và kịp thời đề xuất với Chính phủ thực thi những biện pháp cần thiết, nhằm hạn chế những ảnh hưởng không tốt đối với kinh tế trong nước.
7. Các đơn vị trong toàn ngành cần quán triệt đầy đủ và thực hiện tốt "kế hoạch triển khai công tác theo ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị về hoạt động ngân hàng" tại văn bản 761/CV - NH1 ngày 22/9/97 của thống đốc NHNN. Với nội dung công việc được phân công, các đơn vị cần tập trung lực lượng cán bộ nòng cốt để hoàn thành với chất lượng cao, nhằm giúp cho việc tổng kết đánh giá toàn diện, sâu sắc 10 năm đổi mới và xây dựng chiến lược phát triển hệ thống ngân hàng trong 5 năm, 10 năm tới.
8. Song song với việc thực hiện các biện pháp mở rộng tín dụng, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là công tác tự kiểm tra nội bộ, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro có thể xảy ra đối với hoạt động tín dụng, cũng như các nghiệp vụ về ngân quĩ, thanh toán, chuyển tiền...
9. Tiếp tục rà soát và khắc phục những vấn đề nổi cộm trong hoạt động ngân hàng, trong đó cần phải xử lý nghiêm khắc, đúng người, đúng việc đối với những cán bộ vi phạm pháp luật, cơ chế, qui chế. Nhưng bên cạnh đó, các Ngân hàng cần phải chú trọng phát hiện những nhân tố tích cực, biểu dương khen thưởng kịp thời những đơn vị, cá nhân làm tốt, phát huy nhân tố tích cực, đúc kết những kinh nghiệm tốt, cách làm hay để toàn ngành học tập và vận dụng vào điều kiện cụ thể của đơn vị mình, nhằm thực hiện tốt công tác được giao trong năm 1997.
10. Tổ chức hội nghị giám đốc hai miền để quán triệt nội dung hai bộ Luật Ngân hàng. Các giám đốc chi nhánh NHNN có kế hoạch báo cáo cấp uỷ, chính quyền địa phương cũng như với các đoàn Đại Biểu Quốc Hội của các tỉnh về dự thảo Luật Ngân hàng, nhằm tuyên truyền và tiếp thu những ý kiến đóng góp để hoàn thiện nội dung Luật Ngân hàng trước khi trình Quốc Hội trong kỳ họp tới.
Với tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng, trước Nhân dân, trước những vấn đề trọng đại của nền kinh tế đất nước, yêu cầu các đồng chí lãnh đạo Đảng, chuyên môn, lãnh đạo các đoàn thể cần quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ thị này tới toàn thể cán bộ công nhân viên trong toàn ngành, tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp đoàn kết, nhất trí tạo thành sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đã đề ra trong năm 1997, thiết thực nâng cao uy tín của toàn ngành.
| Đỗ Quế Lượng (Đã ký)
|
Chỉ thị 10/CT-NH1 năm 1997 về đẩy mạnh thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động ngân hàng quí IV/1997 do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành
- Số hiệu: 10/CT-NH1
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 07/10/1997
- Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước
- Người ký: Đỗ Quế Lượng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 22/10/1997
- Ngày hết hiệu lực: 20/10/2012
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra