Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/CT-UBND

Bà Rịa-Vũng Tàu, ngày 22 tháng 7 năm 2021

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG, NÂNG CAO TRÁCH NHIỆM TRONG CHỈ ĐẠO VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÁC KẾT LUẬN THANH TRA, KIỂM TRA, KIẾN NGHỊ CỦA KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

Trong thời gian qua, việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra và kiến nghị của Kiểm toán nhà nước (viết tắt là các kết luận, kiến nghị) được các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, về cơ bản đạt được những kết quả nhất định; qua đó đã chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác điều hành, quản lý nhà nước đã được chỉ ra trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, góp phần ngăn chặn và phòng ngừa các hành vi sai phạm, tham nhũng, lãng phí, tạo điều kiện ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế như: Một vài cơ quan, đơn vị chậm thực hiện các kết luận, kiến nghị, chưa quan tâm đến việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện tại các đơn vị mình trực tiếp quản lý, đơn vị trực thuộc nên chất lượng, hiệu quả thực hiện chưa cao; việc chỉ đạo kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan vi phạm còn chung chung và tỷ lệ thu hồi tiền, đất, tài sản Nhà nước vi phạm còn hạn chế; công tác hậu kiểm của cơ quan chức năng và cơ quan có thẩm quyền trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh sau thanh tra, kiểm toán chưa thường xuyên; công tác quản lý nhà nước về công tác thanh tra tại nhiều cơ quan, đơn vị còn hạn chế; một số cơ quan, đơn vị thiếu nghiêm túc trong việc chấp hành chế độ thông tin báo cáo,…

Nguyên nhân chính là do còn có người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa thực sự quan tâm, quyết liệt trong việc triển khai thực hiện các kết luận, kiến nghị; chưa dành nhiều thời gian để đầu tư nghiên cứu các giải pháp cụ thể và kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị tại cơ quan, đơn vị mình; một số đối tượng thanh tra không thực hiện, thực hiện không đầy đủ, không kịp thời; thậm chí còn trì hoãn việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra; còn tâm lý né tránh, nể nang, thiếu kiên quyết, nghiêm khắc trong việc xử lý sai phạm, gây khó khăn cho công tác quản lý, điều hành của các cấp, các ngành.

Để chấn chỉnh, kịp thời khắc phục những hạn chế nêu trên và nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện kết luận, kiến nghị trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan thực hiện các nhiệm vụ sau:

1. Đẩy mạnh quán triệt, phổ biến, đồng thời tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thanh tra, kiểm toán, trong đó tập trung thực hiện nghiêm túc Luật Thanh tra năm 2010, Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước năm 2019, Nghị định số 33/2015/NĐ-CP ngày 27/3/2015 của Chính phủ quy định việc thực hiện kết luận thanh tra.

2. Khẩn trương kiểm tra, rà soát các vụ việc tồn đọng, chưa được xử lý theo các kết luận thanh tra, kiểm tra, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước từ năm 2020 trở về trước đến nay chưa thực hiện xong; làm rõ trách nhiệm, xác định nguyên nhân, có giải pháp xử lý dứt điểm trong năm 2021; trường hợp có khó khăn vì lý do khách quan, thiếu tính khả thi trong thực tế thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định.

3. Tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm trong hoạt động thanh tra và xử lý sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; qua đó, tổng hợp những vi phạm phổ biến trong các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực: quản lý thu, chi ngân sách; quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công; quản lý đầu tư xây dựng cơ bản… tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương và các chủ đầu tư để tham mưu cấp có thẩm quyền lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực thường xảy ra sai phạm, từ đó chấn chỉnh, khắc phục và phòng ngừa các sai phạm tương tự xảy ra trong thời gian tới.

4. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, phấn đấu tháng 6 năm sau phải thực hiện xong các kết luận, kiến nghị của năm trước, cụ thể:

4.1. Đối với việc thực hiện các kết luận thanh tra:

a) Người có thẩm quyền ban hành kết luận thanh tra có trách nhiệm chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra; hàng năm, thành lập tổ công tác rà soát, kiểm tra các kết luận thanh tra chưa thực hiện xong để đôn đốc hướng dẫn thực hiện dứt điểm theo quy định.

b) Đối tượng thanh tra và các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện các kết luận, kiến nghị trên địa bàn tỉnh phải chủ động, kịp thời tổ chức thực hiện nghiêm, đầy đủ các nội dung của kết luận thanh tra, quyết định xử lý sai phạm về hành chính, kinh tế; tổ chức xử lý cán bộ, công chức, viên chức, người có hành vi vi phạm theo quy định; khắc phục các sơ hở, yếu kém trong công tác quản lý, hoàn thiện quy trình, quy định trong quản lý, điều hành; đề xuất cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung các chính sách cho phù hợp với thực tế quản lý nhà nước; báo cáo kết quả thực hiện kết luận thanh tra về cơ quan quản lý cấp trên và cơ quan tổng hợp theo đúng thời gian quy định.

4.2. Đối với các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước:

Sau khi Ủy ban nhân dân tỉnh có văn bản triển khai Thông báo kết quả kiểm toán, Báo cáo kết quả kiểm toán thì các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan phải tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời; thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc thực hiện; có giải pháp cụ thể thực hiện các nội dung kiến nghị còn tồn đọng, chưa thực hiện xong; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện đến kiểm toán nhà nước và cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

5. Các cơ quan, đơn vị, địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan liên quan và với các Ban của Tỉnh ủy, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Ngân hàng Nhà nước tỉnh và các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh trong việc thực hiện các kết luận, kiến nghị.

6. Giao Sở Nội vụ trên cơ sở kiến nghị xử lý trách nhiệm tại các kết luận, kiến nghị, tổ chức kiểm điểm, xem xét trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm để làm rõ hành vi, nguyên nhân, tính chất, mức độ vi phạm, kết quả xử lý, khắc phục hậu quả (nếu có), tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý theo quy định; đồng thời đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các kết luận thanh tra, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước.

7. Về chế độ báo cáo

7.1. Các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm thực hiện kết luận thanh tra phải thực hiện nghiêm chế độ báo cáo theo quy định, định kỳ hàng tháng gửi Thanh tra tỉnh để tổng hợp, theo dõi.

Trên cơ sở báo cáo của các cơ quan về kết quả thực hiện các kết luận thanh tra, giao Thanh tra tỉnh là đầu mối tổng hợp chung, định kỳ hàng quý hoặc đột xuất báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

7.2. Các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm thực hiện kiến nghị của Kiểm toán nhà nước phải thực hiện nghiêm chế độ báo cáo theo quy định, định kỳ hàng tháng gửi Sở Tài chính, Thanh tra tỉnh để tổng hợp, theo dõi.

Trên cơ sở báo cáo của các cơ quan về kết quả thực hiện các hiện kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, giao Sở Tài chính là đầu mối tổng hợp chung, định kỳ hàng quý hoặc đột xuất báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng gửi Thanh tra tỉnh.

7.3. Việc tổng hợp, báo cáo chung kết quả tự rà soát các cuộc thanh tra kinh tế- xã hội và thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước hàng năm trên địa bàn tỉnh để báo cáo Thường trực Tỉnh ủy và các cơ quan có thẩm quyền:

Sau khi nhận được báo cáo của Sở Tài chính giao Thanh tra tỉnh tổng hợp chung, định kỳ hàng quý hoặc đột xuất báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

8. Chế độ đôn đốc, kiểm tra, rà soát việc thực hiện các kết luận, kiến nghị

Giao Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính chủ động xây dựng kế hoạch hàng năm để rà soát việc tổ chức thực hiện các kết luận, kiến nghị của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, để đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo xử lý.

9. Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan nghiêm túc thực hiện Chỉ thị này.

Chỉ thị này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 04/01/2018 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện các kết luận thanh tra./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH





Nguyễn Văn Thọ

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 09/CT-UBND năm 2021 về tăng cường, nâng cao trách nhiệm trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra, kiến nghị của kiểm toán nhà nước trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

  • Số hiệu: 09/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 22/07/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
  • Người ký: Nguyễn Văn Thọ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 22/07/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản