Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/CT-UBND

Hà Tĩnh, ngày 20 tháng 7 năm 2020

 

CHỈ THỊ

VỀ ĐẨY MẠNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN PHƯƠNG ÁN SẮP XẾP LẠI, XỬ LÝ NHÀ, ĐẤT CỦA CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC, ĐƠN VỊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Ngày 31/12/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 167/2017/NĐ-CP quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018. Ngay sau đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 37/2018/TT-BTC ngày 16/4/2018 hướng dẫn một số nội dung về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công.

Để triển khai thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP và Thông tư số 37/2018/TT-BTC, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3000/QĐ-UBND ngày 08/10/2018 về việc thành lập Tổ công tác của tỉnh thực hiện thẩm định việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ (Sau đây gọi là Tổ công tác của tỉnh), gồm thành viên là đại diện các Sở: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng. Đồng thời, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài chính kịp thời hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh triển khai lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo đúng quy định.

Trong năm 2019, Tổ công tác của tỉnh đã thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương thuộc tỉnh quản lý, với tổng số cơ sở nhà, đất được rà soát, thẩm định, phê duyệt: 5.330 cơ sở, tổng diện tích đất: 223.273.451 m2, tổng diện tích sàn xây dựng: 3.804.698 m2 (Gồm: Khối các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh: 302 cơ sở nhà, đất; Khối các huyện, thành phố, thị xã: 4.884 cơ sở nhà, đất; Khối doanh nghiệp: 144 cơ sở nhà, đất).

Thực hiện Nghị quyết số 819/NQ-UBTVQH14 ngày 21/11/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Hà Tĩnh; Kế hoạch số 429/KH-UBND ngày 10/12/2019 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 819/NQ-UBTVQH14 ngày 21/11/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, UBND tỉnh đã phê duyệt điều chỉnh phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 1.074 cơ sở nhà, đất tại các xã sau sáp nhập, cụ thể: Huyện Cẩm Xuyên: 92 cơ sở; Can Lộc: 103 cơ sở; Đức Thọ: 236 cơ sở; Hương Khê: 33 cơ sở; Hương Sơn: 165 cơ sở; Kỳ Anh: 31 cơ sở; Lộc Hà: 46 cơ sở; Nghi Xuân: 54 cơ sở; Thạch Hà: 213 cơ sở; Vũ Quang: 36 cơ sở; Thành phố Hà Tĩnh: 28 cơ sở; Thị xã Kỳ Anh: 37 cơ sở.

Như vậy, đến nay, các cơ sở nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã được UBND tỉnh phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý. Tuy nhiên, qua theo dõi, tiến độ triển khai thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được phê duyệt của các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn chậm, đặc biệt là việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với các cơ sở nhà, đất dôi dư không còn nhu cầu sử dụng. Ngoài ra, một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chậm bổ sung các cơ sở nhà, đất tại phương án đã được phê duyệt do thiếu sót trong kê khai, rà soát. Bên cạnh đó, một số cơ sở nhà, đất của các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh hiện đang bỏ trống, không sử dụng, hầu hết đã xuống cấp, hư hỏng nhưng chưa được điều chuyển, chuyển giao về tỉnh để quản lý, sử dụng gây lãng phí, không đảm bảo an toàn và một phần ảnh hưởng đến cảnh quan xung quanh.

Để thực hiện nghiêm túc, hiệu quả phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, góp phần quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả, xử lý kịp thời các cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, tránh hư hỏng, xuống cấp, lãng phí, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ sau đây:

1. Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã:

a) Tập trung đẩy nhanh triển khai sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo phương án đã được UBND tỉnh phê duyệt, cụ thể:

- Đối với các cơ sở nhà, đất đã được phê duyệt hình thức xử lý là “Giữ lại tiếp tục sử dụng”, “Chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý”: Tổng hợp hồ sơ đề nghị giữ lại tiếp tục sử dụng và hồ sơ đề nghị chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý đối với toàn bộ cơ sở nhà, đất của các đơn vị thuộc phạm vi quản lý, gửi về Sở Tài chính để thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.

- Đối với các cơ sở nhà, đất đã được phê duyệt hình thức xử lý là “Điều chuyển”, “Bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất”: Tổng hợp hồ sơ đề nghị điều chuyển và hồ sơ đề nghị bán tài sản đối với toàn bộ cơ sở nhà, đất của các đơn vị thuộc phạm vi quản lý, gửi về Sở Tài chính (Bộ phận tiếp nhận hồ sơ của Sở Tài chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh) để tiếp nhận, xử lý theo quy định.

- Đối với các cơ sở nhà, đất đã được phê duyệt hình thức xử lý là “Tạm giữ lại tiếp tục sử dụng”: Thực hiện quản lý, sử dụng, xử lý theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định số 167/2017/NĐ-CP.

- Trong quá trình triển khai phương án, đối với các cơ sở nhà, đất đã được UBND tỉnh phê duyệt phương án xử lý nhưng cần thay đổi điều chỉnh hình thức xử lý phải kịp thời lập hồ sơ đề nghị thay đổi theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 167/2017/NĐ-CP.

b) Hoàn thiện, bổ sung đầy đủ hồ sơ pháp lý về nhà, đất theo quy định của pháp luật về đất đai và bố trí, sử dụng nhà, đất đúng mục đích, hiệu quả, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và tiêu chuẩn, định mức quy định đối với các cơ sở nhà, đất được giữ lại tiếp tục sử dụng. Chịu trách nhiệm quản lý, bảo quản các cơ sở nhà, đất được phê duyệt các hình thức xử lý khác (Điều chuyển, Bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất...) nhưng chưa hoàn thành việc xử lý. Xác định giá trị quyền sử dụng đất để tính vào giá trị tài sản của cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định từ Điều 100 đến Điều 104 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường:

a) Chủ trì, phối hợp UBND các huyện, thành phố, thị xã và các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Danh mục nhà, đất phải di dời do ô nhiễm môi trường (Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 21 Nghị định số 167/2017/NĐ-CP).

b) Chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất và Kỹ thuật địa chính tỉnh kịp thời lập phương án xử lý đối với các cơ sở nhà, đất đã được thu hồi và giao cho Trung tâm quản lý.

c) Hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện cấp mới hoặc cấp đổi Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất đối với các đơn vị chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc thuộc trường hợp phải cấp đổi Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất.

3. Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố, thị xã và các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, tham mưu UBND tỉnh xin ý kiến HĐND tỉnh để xem xét, ban hành Danh mục cơ sở nhà, đất phải di dời theo quy hoạch (Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 21 Nghị định số 167/2017/NĐ-CP).

4. Sở Tài chính:

a) Hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, đơn vị về thành phần hồ sơ, trình tự, thủ tục triển khai phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất. Kịp thời tổng hợp khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất để tham mưu, đề xuất hướng xử lý phù hợp, đúng quy định.

b) Chủ trì, phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan, đơn vị liên quan kịp thời tham mưu UBND tỉnh có ý kiến đối với phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh khi được các Bộ, ngành Trung ương lấy ý kiến. Đồng thời, chủ động nghiên cứu, đề xuất Bộ Tài chính và các Bộ, ngành Trung ương thực hiện điều chuyển, chuyển giao về tỉnh để quản lý, sử dụng đối với các cơ sở nhà, đất của các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh hiện đang bỏ trống, không còn nhu cầu sử dụng.

c) Chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục rà soát các nội dung liên quan để tham mưu UBND tỉnh đề nghị Bộ Tài chính:

- Trình Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 167/2017/NĐ-CP.

- Hướng dẫn các vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành.

Yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã kịp thời triển khai các nội dung nêu trên. Trong quá trình tổ chức thực hiện, trường hợp có khó khăn, vướng mắc đề nghị kịp thời có ý kiến gửi về UBND tỉnh (qua Sở Tài chính) để phối hợp giải quyết.

Giao Sở Tài chính chủ trì theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các nội dung nêu trên; tổng hợp tình hình định kỳ báo cáo Bộ Tài chính, UBND tỉnh về kết quả thực hiện và các nội dung có liên quan./.

 


Nơi nhận:
- TTr Tỉnh ủy; TTr HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- Các Huyện ủy, Thành ủy, Thị ủy;
- UBND các huyện, thành phố, thị xã;
- Chánh VP, các Phó Văn phòng;
- Trung tâm TT-CB-TH;
- Lưu: VT, XD.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Tiến Hưng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 09/CT-UBND năm 2020 về đẩy mạnh thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

  • Số hiệu: 09/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 20/07/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hà Tĩnh
  • Người ký: Trần Tiến Hưng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/07/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản