Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 09/CT-UBND

Hà Nội, ngày 22 tháng 04 năm 2010

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH TAI XANH Ở LỢN

Theo thông báo của Bộ Nông nghiệp & PTNT, từ đầu năm 2010 đến nay, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến hết sức phức tạp: Dịch cúm gia cầm tái phát tại 12 tỉnh, thành phố; dịch Lở mồm long móng gia súc (LMLM) tái phát tại 9 tỉnh, đặc biệt dịch Tai xanh trên đàn lợn đã phát và tái phát dịch tại 6 tỉnh, thành phố và đang có nguy cơ lây lan ra diện rộng, trong đó có các tỉnh liền kề thành phố Hà Nội đã có dịch.

Nguyên nhân tái phát dịch chủ yếu do tiêm phòng các loại vắc xin đạt tỷ lệ thấp; giám sát phát hiện dịch bệnh chậm; kiểm soát việc vận chuyển, kinh doanh giết mổ chưa chặt chẽ dẫn đến làm lây lan dịch bệnh.

Đối với địa bàn Thành phố có số lượng gia súc, gia cầm lớn, đặc biệt là địa bàn tiêu thụ lớn sản phẩm động vật, nếu không được kiểm soát chặt chẽ, phòng chống kịp thời dịch bệnh thì nguy cơ bùng phát dịch là rất cao.

Thực hiện Công điện số 615/TTg-KTN ngày 21/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc dập tắt ngay dịch bệnh Tai Xanh ở lợn, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thủ trưởng các Sở, Ban Ngành Thành phố tập trung chỉ đạo và thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

1. Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã:

- Chỉ đạo kiểm tra ngay, cụ thể tới các hộ chăn nuôi trên địa bàn để sớm phát hiện bệnh Tai Xanh ở lợn và có biện pháp xử lý ngay từ đầu không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng;

- Tập trung chỉ đạo thực hiện triệt để việc tiêm phòng các loại vắc xin cho đàn gia súc theo hướng dẫn của cơ quan thú y, đặc biệt đối với tiêm phòng vắc xin Tai Xanh cho đàn lợn và tổ chức vệ sinh khử trùng, tiêu độc đối với những nơi có biểu hiện dịch bệnh.

- Tăng cường quản lý công tác kinh doanh vận chuyển, giết mổ chế biến động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn quản lý. Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định của Pháp luật.

- Khi có biểu hiện của dịch Tai xanh ở lợn, tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các biện pháp khống chế ổ dịch ngay từ đầu, đặc biệt tổ chức tốt việc tiêu hủy số gia súc mắc bệnh theo quy định của pháp luật;

- Thành lập các Chốt kiểm dịch kiểm soát việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, tạm dừng việc kinh doanh buôn bán, giết mổ lợn tại khu vực có biểu hiện dịch theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Kiểm soát xử lý tiêu hủy số gia súc mắc bệnh, không để hiện tượng giết mổ, vứt xác lợn bệnh bừa bãi gây ô nhiễm môi trường. Chủ động sử dụng kinh phí dự phòng cho công tác phòng, chống dịch bệnh;

Tình hình dịch Tai Xanh ở lợn đang diễn biến rất phức tạp, nếu không tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ thì dịch sẽ lây lan ra diện rộng, gây hậu quả khó lường. Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã nếu chủ quan, thiếu trách nhiệm để dịch bệnh xảy ra, phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND Thành phố.

2. Sở Nông nghiệp và PTNT:

- Hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh Tai xanh tại các quận, huyện, thị xã theo quy định của Pháp lệnh Thú y, yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của UBND Thành phố.

- Phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã triển khai kế hoạch phòng chống dịch bệnh Tai xanh; tăng cường công tác kiểm dịch gia súc, sản phẩm gia súc ra, vào địa bàn Thành phố.

- Chỉ đạo Chi cục Thú y tăng cường kiểm tra giám sát, phát hiện dịch bệnh, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh kịp thời không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Định kỳ lấy mẫu xét nghiệm để dự báo sớm dịch bệnh. Chủ động chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, vắc xin đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch.

3. Các Sở, Ban, Ngành Thành phố:

- Theo chức năng nhiệm vụ của đơn vị, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tăng cường kiểm tra đôn đốc công tác phòng, chống dịch tại các quận, huyện, thị xã. Kiên quyết xử lý các trường hợp vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc nhiễm bệnh và không rõ nguồn gốc (nguyên tắc là thu giữ tại địa bàn nào thì xử lý ngay tại địa bàn đó, không vận chuyển đi nơi khác làm lây lan dịch bệnh và ô nhiễm môi trường).

- Các Ngành Công an, Công thương, Y tế có trách nhiệm phân công cán bộ tham gia các Trạm, Chốt kiểm dịch liên ngành và các Đoàn kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm để kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ, chế biến và tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật trên thị trường. Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.

- Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ tính chất nguy hiểm của bệnh Tai Xanh; các biện pháp phòng bệnh, tránh gây hoang mang và tư tưởng chủ quan trong công tác chống dịch.

Ủy ban nhân dân thành phố giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, đôn đốc, tổng hợp kết quả thực hiện của các đơn vị, các địa phương báo cáo hàng tuần về UBND Thành phố.

 

 

Nơi nhận:
- Như đề gửi;
- Bộ NN&PTNT (báo cáo);
- TT Thành ủy, HĐND (báo cáo);
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND Thành phố;
- Các Sở, ban ngành, đoàn thể thành phố;
- Báo Hà Nội mới, Đài PT và Truyền hình HN;
- CPVP UBND thành phố;
- Các phòng chuyên viên NCTH;
- Lưu: VT, TH, NN (Túy 2b).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trịnh Duy Hùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 09/CT-UBND năm 2010 về tăng cường công tác chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tai xanh ở lợn do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành

  • Số hiệu: 09/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 22/04/2010
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Trịnh Duy Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 02/05/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản