Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/CT-CTUBND

Vĩnh Phúc, ngày 17 tháng 6 năm 2021

 

CHỈ THỊ

TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ, BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY CÁC GIÁ TRỊ DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA, DANH LAM THẮNG CẢNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC.

Những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực, nhiều di tích đã được đầu tư, tu bổ, phục hồi gắn với phát triển du lịch, góp phần bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc, giáo dục truyền thống, quảng bá về hình ảnh, vùng đất, con người Vĩnh Phúc, thu hút đông đảo du khách tham quan, nghiên cứu, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần trong các tầng lớp nhân dân.

Tuy nhiên, gần đây việc quản lý, tổ chức các sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng tại một số địa phương, đơn vị thiếu chặt chẽ và nề nếp làm nảy sinh tình trạng lộn xộn, phức tạp; công tác quy hoạch, xây dựng các công trình có ảnh hưởng đến yếu tố gốc của di tích, tu bổ di tích khi chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền cho phép vẫn xảy ra; lấn chiếm đất đai, đưa các hiện vật, đồ thờ không phù hợp vào một số di tích, gây ảnh hưởng tới giá trị di tích; công tác đảm bảo vệ sinh môi trường trong và ngoài khuôn viên di tích; Công tác phòng chống cháy, nổ ở một số di tích vẫn chưa được chính quyền và nhân dân quan tâm đúng mức.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật Di sản văn hóa và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành của tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

1. Tuyên truyền nâng cao nhận thức để thực hiện tốt Luật Di sản văn hóa, Kết luận số 76 - KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ chính trị (khóa XII) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW và các văn bản pháp luật liên quan:

1.1. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Luật Di sản văn hóa, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều về Luật Di sản văn hóa, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Quyết định số 53/2019/QĐ-UBND ngày 07/11/2019 của UBND tỉnh ban hành Quy định quản lý di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh và các quy định của pháp luật có liên quan về công tác quản lý di tích và hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích.

1.2. Các cơ quan, ban, ngành từ tỉnh đến cơ sở và cấp ủy, chính quyền các địa phương tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch số 40/KH-UBND ngày 24/02/2021 của UBND tỉnh, thực hiện Kế hoạch số 12- KH/TU ngày 07/01/2021 của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về triển khai Kết luận số 76 - KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ chính trị (khóa XII), tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

1.3. Tích cực vận động nhân dân tham gia công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích; không tự ý thực hiện: tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích; sơn thếp tường và các thành phần kiến trúc khác; Sửa chữa, bổ sung hiện vật, đồ thờ.

1.4. Kịp thời đề xuất các hoạt động vinh danh khen thưởng những tổ chức, cá nhân làm tốt công tác quản lý di tích. Đồng thời, xem xét và xử lý nghiêm cá nhân, đơn vị thiếu trách nhiệm để xảy ra sai phạm trong công tác quản lý.

2. Tăng cường quản lý Nhà nước trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy các giá trị di tích:

2.1. Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa; đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường tại các điểm di tích, phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm, đưa hoạt động kinh doanh dịch vụ tại các điểm di tích vào nề nếp.

2.2. Xây dựng và triển khai Kế hoạch tu bổ, chống xuống cấp đối với các di tích đã được xếp hạng để phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân và du khách; xác định rõ mục tiêu bảo quản, tu bổ lộ trình thực hiện đối với từng di tích. Triển khai kế hoạch kiểm kê, công bố danh mục và hoàn thành việc cắm mốc để xác định ranh giới các di tích; không để tình trạng xâm hại và lấn chiếm di tích xảy ra.

2.3. Phân rõ trách nhiệm quản lý của các cấp chính quyền đối với từng di tích; để có cơ sở quản lý, khai thác có hiệu quả, gắn kết các điểm di tích để hình thành Tour, tuyến du lịch thu hút khách tham quan.

2.4. Tăng cường công tác quản lý đất đai của các di tích bị lấn chiếm, có biện pháp, kiên quyết trong việc thu hồi đất của di tích bị lấn chiếm; thực hiện việc quản lý, sử dụng có hiệu quả đất đai của di tích. Xử lý nghiêm các hành vi lấn chiếm đất đai, xâm phạm di tích.

2.5. Tổ chức hướng dẫn thực hiện nếp sống văn minh tại các lễ hội gắn với di tích; các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo; ngăn chặn kịp thời những hành vi làm ảnh hưởng tới di tích và cảnh quan môi trường tại di tích; Tổ chức tập huấn, hội thảo cho những người được giao trách nhiệm quản lý các di tích nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm được giao.

3. Tổ chức thực hiện:

3.1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và UBND các huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về di sản văn hóa và các quy định khác của pháp luật hiện hành có liên quan. Hướng dẫn triển khai thực hiện Quyết định số 53/2019/QĐ-UBND ngày 07/11/2019 của UBND tỉnh ban hành Quy định quản lý di tích, di vật, cổ vật bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương xây dựng Kế hoạch tu bổ, chống xuống cấp các di tích đã xếp hạng. Thực hiện việc kiểm kê, công bố danh mục di tích và hoàn thành cắm mốc khoanh vùng bảo vệ các khu vực di tích đã xếp hạng trên địa bàn tỉnh.

- Hàng năm, tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý di tích, quản lý các dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích cho đội ngũ cán bộ cấp huyện, cấp xã và người trực tiếp trông coi di tích.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát quản lý nhà nước về đầu tư tu bổ, chống xuống cấp di tích; việc xây dựng các công trình nằm ngoài khu vực bảo vệ di tích làm ảnh hưởng đến di tích; các hoạt động lễ hội gắn với di tích, phát hiện, xử lý dứt điểm, kịp thời các tổ chức, cá nhân thực hiện các hành vi trái phép, trái pháp luật, trái thuần phong mỹ tục, nếp sống văn hóa của dân tộc theo quy định.

- Triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, xây dựng cơ sở dữ liệu về di sản văn hóa, từng bước thực hiện số hóa trong quản lý hồ sơ di tích theo quy định. Biên soạn, xuất bản các ấn phẩm, sách ảnh giới thiệu về di tích lịch sử - văn hóa Vùng đất - Con người Vĩnh Phúc gắn với phát triển du lịch.

3.2. Sở Xây dựng

Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Sở, ngành liên quan xây dựng, thực hiện quy hoạch, kế hoạch trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát huy các giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh.

3.3. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Phối hợp các Sở, ngành có liên quan hướng dẫn UBND các huyện, thành phố lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với các di tích theo phân cấp quản lý, bảo đảm yêu cầu về bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về vệ sinh môi trường tại các khu danh lam thắng cảnh, điểm di tích.

- Hướng dẫn lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của di tích và chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường tại các di tích.

3.4. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh cân đối ngân sách hàng năm hỗ trợ đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích theo danh mục di tích đã được UBND tỉnh phê duyệt theo quy định.

3.5. Sở Tài chính

- Tham mưu UBND tỉnh cân đối nguồn sự nghiệp thực hiện tu bổ, chống xuống cấp di tích đã được nhà nước xếp hạng theo quy định của Luật Ngân sách và các quy định của pháp luật hiện hành.

- Hướng dẫn việc quản lý, sử dụng tiền công đức tại các cơ sở tín ngưỡng là di tích đã được xếp hạng theo quy định tại Quyết định số 3118/QĐ-UBND ngày 10/12/2019 của UBND tỉnh.

3.6. Sở Nội vụ

Chủ trì tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn triển khai các văn bản quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; các hoạt động tại cơ sở tín ngưỡng là di tích chưa được xếp hạng hoặc nằm trong danh mục kiểm kê di tích trên địa bàn tỉnh;

Phối hợp với các cơ quan chức năng, đơn vị liên quan giải quyết các vấn đề đất đai, xây dựng liên quan đến cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo theo thẩm quyền.

3.7. Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND các huyện, thành phố tổ chức cho học sinh, sinh viên, học viên ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham quan tìm hiểu di tích, chăm sóc cây xanh, vệ sinh môi trường tại các di tích ở địa phương; đưa hoạt động học tập, tham quan, tìm hiểu di tích vào chương trình giáo dục ngoại khóa hàng năm.

3.8. Công an tỉnh

- Tăng cường các biện pháp đảm bảo giữ gìn an ninh trật tự, an toàn cho các hoạt động tổ chức lễ hội tại di tích và phát huy giá trị di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; giải pháp an toàn phòng, chống cháy nổ tại các di tích.

- Phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, UBND cấp huyện, UBND cấp xã và các sở, ngành có liên quan kiểm tra, ngăn chặn, xử lý vi phạm về bảo tồn và phát huy giá trị di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia theo quy định của pháp luật.

3.9. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Tăng cường nâng cao nhận thức pháp luật về di sản văn hóa đến cấp ủy đảng cơ sở, tổ chức xã hội và toàn thể nhân dân; Trong đó, tập trung chỉ đạo, hướng dẫn tuyên truyền sâu rộng Quy định về quản lý di tích, danh lam thắng cảnh, công trình tín ngưỡng, tôn giáo là di tích trên địa bàn theo Quyết định số 53/2019/QĐ-UBND ngày 07/11/2019 của UBND tỉnh.

- Phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Tài nguyên & Môi trường chỉ đạo thực hiện công tác kiểm kê, công bố danh mục và lập bản đồ, khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh theo địa bàn quản lý.

- Chỉ đạo rà soát và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích; thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn cho di tích. Hàng năm bố trí ngân sách địa phương để đầu tư cho công tác tu bổ, chống xuống cấp di tích tại địa phương.

- Phối hợp với cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các di tích, nhất là các di tích đã được Nhà nước xếp hạng; tăng cường trách nhiệm của UBND cấp xã trong việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia tại địa phương.

- Chỉ đạo UBND cấp xã xây dựng nội quy bảo vệ di tích; Làm và gắn biển giới thiệu những giá trị nổi bật của di tích tại vị trí thích hợp; Tổ chức hướng dẫn thực hiện nếp sống văn minh tại các lễ hội gắn với di tích, các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo.

3.10. Báo Vĩnh Phúc, Đài Phát thanh & Truyền hình tỉnh và các cơ quan báo chí, phương tiện thông tin đại chúng

Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác quản lý, bảo vệ và phát huy các giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh. Kịp thời biểu dương các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt, đồng thời phát hiện, phê phán các tổ chức, cá nhân không thực hiện nghiêm túc nội dung Chỉ thị.

3.11. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh

Quan tâm phối hợp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp vận động tới đoàn viên, hội viên và nhân dân quán triệt và thực hiện tốt chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị.

3.12. Ủy ban nhân dân cấp xã

- UBND cấp xã có trách nhiệm thành lập, củng cố, kiện toàn và quy định nội quy, quy chế hoạt động của Ban quản lý di tích cấp xã, Tiểu ban quản lý di tích tại địa phương để quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia tại địa phương.

- Có phương thức thu nhận quản lý và sử dụng nguồn công đức hiệu quả, đúng mục đích, công khai, có sổ sách rõ ràng, chi tiêu minh bạch; Thực hiện việc bảo vệ di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia được phát hiện trên địa bàn, báo cáo cơ quan có thẩm quyền về văn hoá, thể thao, du lịch.

- Đề nghị việc xếp hạng di tích; Có biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời mọi hành vi làm ảnh hưởng đến di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

- Kiểm tra, khen thưởng, xử lý vi phạm theo thẩm quyền.

Đề nghị các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc hoặc có vấn đề mới phát sinh, các Sở, ngành và địa phương gửi báo cáo về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đề xuất UBND tỉnh kịp thời xem xét chỉ đạo, giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch (b/c);
- TTTU, TTHĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- CPVP UBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, liên quan;
- UBND các huyện, thành phố;
- Báo Vĩnh Phúc, Đài PTTH tỉnh, TT Công báo tỉnh, Cổng TTGTĐT tỉnh;
- UBND xã, phường, thị trấn;
- Lưu VT, VX3;(H- b)

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Vũ Việt Văn

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 09/CT-CTUBND năm 2021 về tăng cường quản lý, bảo vệ phát huy các giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

  • Số hiệu: 09/CT-CTUBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 17/06/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Phúc
  • Người ký: Vũ Việt Văn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 17/06/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản