Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/2008/CT-UBND

Buôn Ma Thuột, ngày 04 tháng 07 năm 2008

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC ỔN ĐỊNH ĐỒNG BÀO DI CƯ TỪ CÁC TỈNH LÊN ĐẮK LẮK

Trong nhiều năm qua, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ sự hỗ trợ của các Bộ, ngành trung ương tỉnh ta đã có nhiều giải pháp để sắp xếp dân cư, ổn định và phát triển đời sống cho đồng bào di cư từ các tỉnh đến Đăk Lăk.

Số lượng đồng bào di cư đến Đăk Lăk quá lớn, đến nay vẫn còn trên 6.000 hộ đang gặp nhiều khó khăn cần phải sắp xếp và ổn định đời sống. Tình trạng đồng bào di cư đến Đăk Lăk vẫn tiếp tục xảy ra. Chỉ tính 5 tháng đầu năm 2008, có 226 hộ, 1251 khẩu, tăng 67,41 % so với cả năm 2007.

Để thực hiện nghiêm Chỉ thị số 39/2004/CT-TTg , ngày 12/11/2004 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh chỉ thị các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện những nhiệm vụ sau đây:

1. Đối với các Sở, Ban, ngành của tỉnh

1.1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan hướng dẫn, kiểm tra các địa phương quản lý địa bàn, báo cáo tình hình đồng bào di cư đến tỉnh theo nội dung Công văn số 1351/CV-UB, ngày 06 tháng 06 năm 2003 của UBND tỉnh; tổng hợp, báo cáo diễn biến tình hình đồng bào di cư đến tỉnh; tham mưu, đề xuất UBND tỉnh biện pháp sắp xếp sớm ổn định đồng bào nhập cư.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành chức năng, của tỉnh hướng dẫn, kiểm tra các địa phương xây dựng và thực hiện quy hoạch, kế hoạch về công tác điều chỉnh, bố trí lại dân cư trên địa bàn; hướng dẫn UBND các huyện và thành phố rà soát dự án quy hoạch bố trí dân cư trên địa bàn của các địa phương theo Quyết định số 2541/QĐ-UBND, ngày 28/12/2006 của UBND tỉnh về việc phê duyệt dự án quy hoạch bố trí dân cư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến năm 2015; đồng thời phối hợp với các địa phương nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh cho chủ trương lập và phê duyệt các dự án bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư để báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương xem xét hỗ trợ đầu tư theo kế hoạch hàng năm.

1.2. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài Chính:

Chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh tổng hợp kế hoạch đầu tư của các ngành, các địa phương về công tác bố trí, sắp xếp, ổn định đồng bào di cư đến tỉnh. Hàng năm, căn cứ vào nguồn kinh phí bố trí của Trung ương giao cho tỉnh có trách nhiệm phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu, đề xuất UBND tỉnh lồng ghép thực hiện các Chương trình ở địa phương, cần ưu tiên bố trí, lồng ghép đầu tư cho các vùng trọng điểm, các điểm đồng bào di cư đến hiện đang gặp khó khăn; đồng thời chủ động đề xuất UBND tỉnh xử lý nguồn kinh phí cho các địa phương trong các trường hợp đột xuất, tạo điều kiện cho các địa phương quy hoạch, bố trí, sắp xếp sớm ổn định dân cư và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

1.3. Công an tỉnh:

Có trách nhiệm chỉ đạo Công an các huyện, xã tham mưu cho các cấp chính quyền hướng dẫn đồng bào kê khai, đăng ký hộ khẩu, quản lý chặt chẽ số nhân, hộ khẩu di cư đến tỉnh; thông báo cho Công an các tỉnh có đồng bào đi cư đến Đắk Lắk để phối hợp quản lý và đăng ký cư trú cho đồng bào theo sự bố trí, sắp xếp của chính quyền địa phương; phát hiện và xử lý kịp thời những đối tượng có những hành vi xấu, lôi kéo, kích động nhân dân không chấp hành sự chỉ đạo, bố trí, sắp xếp dân cư của chính quyền địa phương và vi phạm pháp luật.

1.4. Sở Tư pháp:

Chỉ đạo phòng Tư pháp các huyện tham mưu cho chính quyền hướng dẫn đồng bào kê khai hộ tịch và tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào di cư đến tỉnh, nhằm nâng cao hiểu biết về pháp luật của người dân, hạn chế vi phạm pháp luật.

1.5. Ban Dân tộc:

Chủ trì, phối hợp với các ngành và chính quyền địa phương nắm chắc số lượng đồng bào di cư đến tỉnh là đồng bào dân tộc thiểu số; triển khai, thực hiện tốt các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số; tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của đồng bào, phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng để có những biện pháp, hình thức tuyên tuyền phù hợp với từng dân tộc.

1.6. Các Sở: Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường theo chức năng, nhiệm vụ của mình có kế hoạch phối hợp các ngành chức năng tham mưu cho UBND tỉnh về giải pháp hỗ trợ các vùng trọng điểm, vùng gặp nhiều khó khăn; thực hiện Chương trình mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Đề nghị Ban dân vận Tỉnh ủy, Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh cùng các đoàn thể phối hợp, tham gia tích cực vào việc giải quyết đồng bào di cư đến tỉnh.

2. Đối với UBND các huyện, thành phố:

- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với chính quyền cơ sở, chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan quản lý chặt chẽ địa bàn, phát hiện và thống kê, báo cáo kịp thời đồng bào di cư theo nội dung Công văn số 1351/CV-UB, ngày 06 tháng 06 năm 2003 của UBND tỉnh; phân loại đối tượng, tổ chức quản lý dân cư ngay từ khi mới đến địa phương.

- Chỉ đạo các ngành chức năng, phối hợp với chính quyền cơ sở, tổ chức vận động, tuyên truyền, giáo dục người dân tại chỗ, cũng như đồng bào di cư đến tỉnh hiểu và chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn, giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.

- Có kế hoạch, phương án cụ thể để bố trí, sắp xếp đồng bào di cư hiện đang ở không theo quy hoạch vào các vùng dự án; chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với UBND các xã tổ chức, hướng dẫn đồng bào phát triển sản xuất, tạo mọi điều kiện cho đồng bào sớm ổn định đời sống; đồng thời kiên quyết di chuyển những hộ đang ở và canh tác trái phép tại các khu rừng vào các vùng quy hoạch theo Chỉ thị 12/2003/CT-TTg ngày 16/5/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách để bảo vệ rừng.

- Trong quá trình đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu để ổn định đời sống cho đồng bào di cư đến tỉnh phải chú trọng thực hiện việc lồng ghép các nguồn vốn và vận động nhân dân tự lực cánh sinh tham gia thực hiện; đồng thời nghiên cứu, đề xuất lập các Dự án quy hoạch, bố trí, sắp xếp dân cư mới hoặc điều chỉnh, bổ sung các Dự án đã có để chủ động sắp xếp ổn định cho đồng bào di cư hiện có và số sẽ tiếp tục đến tỉnh.

3. Đối với UBND các xã và các đơn vị được giao quản lý, sử dụng rừng và đất rừng:

3.1. Đối với UBND các xã:

- Chủ động tích cực quản lý chặt chẽ địa bàn để phát hiện sớm, điều tra phân loại phản ánh ngay tình hình đồng bào di cư đến địa phương, kịp thời báo cáo UBND huyện xử lý theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

- Tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ dân di cư không phá rừng, mua bán đất trái pháp luật; chủ động và kiên quyết xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm các quy định về quản lý dân cư, quản lý đất đai, quản lý tài nguyên... trên địa bàn.

- Tham mưu cho UBND huyện các biện pháp có hiệu quả, phù hợp với tình hình của địa phương để nhanh chóng sắp xếp ổn định dân cư đến địa phương. Thực hiện tốt sự chỉ đạo của UBND cấp trên về ổn định đồng bào di cư đến tỉnh.

3.2. Đối với các đơn vị được giao quản; lý sử dụng rừng và đất rừng:

- Các đơn vị được giao quản lý, sử dụng rừng và đất rừng, nhất là các Công ty Lâm nghiệp, các Ban quản lý rừng có biện pháp cụ thể để quản lý chặt chẽ diện tích đất và rừng được giao, sử dụng đúng mục đích; phát hiện kịp thời các hành vi lấn chiếm đất rừng, phố rừng, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương có biện pháp tích cực để ngăn chặn và xử lý kiên quyết.

- Các đơn vị xây dựng kinh tế quốc phòng đóng trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các cấp, bảo đảm mục tiêu xây dựng kinh tế, gắn với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân; đồng thời có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giải quyết tình trạng đồng bào di cư đến địa bàn đơn vị mình quản lý.

- Không để có tình trạng đồng bào di cư đến sinh sống đã lâu mà chính quyền xã và các đơn vị được giao quản lý sử dụng rừng và đất rừng không biết hoặc biết mà không báo cáo đề xuất xử lý kịp thời. Nếu các đơn vị được giao quản lý sử dụng rừng và đất rừng cũng như các xã không kịp thời phát hiện và báo cáo đề xuất biện pháp xử lý cụ thể thì phải chịu trách nhiệm trước cấp trên quản lý trực tiếp và Chủ tịch UBND tỉnh.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Thủ trưởng các đơn vị, các tổ chức, cá nhân có liên quan quán triệt, thực hiện kiên quyết và có hiệu quả Chỉ thị này./.

 


Nơi nhận:
- Vụ pháp chế - Bộ NN và PTNT;
- Cục kiểm tra văn bản - Bộ Tư Pháp;
- Website Chính phủ;
- TT Tỉnh ủy;
- TT HĐND tỉnh;
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh;
- Các Sở, Ban, Ngành, đoàn thể của tỉnh;
- Đài phát thanh và truyền hình tỉnh;
- Báo Đắk Lắk;
- TT huyện ủy, thành ủy;
- UBND các huyện, thành phố;
- Các Cty Lâm nghiệp, BQL rừng;
- Giám đốc các Vườn QG;
- Binh đoàn 16;
- VP UBND tỉnh: Lãnh đạo VP, các bộ phận n/c: NL, CN, TH; TT tin học, TT công báo;
- Lưu VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lữ Ngọc Cư

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 09/2008/CT-UBND về ổn định đồng bào di cư từ các tỉnh đến Đắk Lắk

  • Số hiệu: 09/2008/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 04/07/2008
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Lắk
  • Người ký: Lữ Ngọc Cư
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 04/07/2008
  • Ngày hết hiệu lực: 04/01/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản